Sunday, August 6, 2017

FORMOSA : KẺ HỦY DIỆT (Calvin Godfrey - Mekong Review)




Calvin Godfrey  -  Mekong Review  
Dịch giả: Song Phan và Trung Nguyễn. Hiệu đính: Nghĩa Bùi
06/08/2017

Mỗi sáng Chủ Nhật hồi tháng 5 năm 2016 một bầu không khí thiết quân luật bao trùm trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Các công ty viễn thông của nhà nước đã chặn các từ “Formosa”, “cá chết” và “biểu tình”.

Công an có mặt khắp nơi. Một ít người gan lì lên tiếng phản đối đã bị hốt đi trước khi kịp đi bộ vài chục thước.

Nguồn ảnh: Mekong Review

Hàng trăm tấn cá chết dạt vào các bãi biển miền Trung nghèo khó, đẩy đất nước vào cơn sôi sục. Hàng triệu ngón tay nhanh chóng trỏ vào một nhà máy thép khổng lồ do Tập đoàn Formosa Plastics cung cấp vốn — một con bạch tuộc dầu khí và hoá chất có trụ sở tại Đài Bắc. Không mấy ai ở Việt Nam biết nhiều về lịch sử của Formosa, nhưng họ đều sợ và ghê tởm nó.

Việc liên kết với Đài Loan làm người ta nhớ lại vụ xì căng đan môi trường năm 2010. Lúc đó, một công ty Đài Loan tên Vedan bị điểm mặt vì đã xả chất thải độc hại liên tục qua một đường ống ngầm dưới mặt nước trong 14 năm liên tục, huỷ diệt mọi sinh vật trong con sông Thị Vải. Nó đạt tới điểm đỉnh khi con sông bắt đầu ăn vào vỏ thép của tàu Nhật đậu ở hạ lưu. Các siêu thị và các tổ chức truyền thông nhà nước đã tuyên chiến với nhãn hiệu bột ngọt Vedan. Nhưng ngoài đợt tẩy chay ngắn ngủi thành công này, thành phố thường không chú ý tới chuỗi liên kết các cuộc đình công ở nhà máy, các cuộc đấu tranh chống lấy đất và phá hoại môi trường vốn tô vẽ cuộc sống ở nông thôn Việt Nam.

Vụ Formosa gây cá chết hồi năm ngoái đã làm thay đổi mọi thứ. Mùa xuân năm đó, làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội đã mở lối cho các cuộc biểu tình trên đường phố. Lớp người ‘mũ ni che tai’ ở thành thị của Việt Nam bỗng nhiên quan tâm đến cá chết; một sự thay đổi lớn mà nhà chức trách không nhận ra.

Trong cuộc biểu tình đầu tiên vào ngày mùng 5 tháng 5, một đội công an sắc phục và công an chìm thường phục đã bám sát vỉa hè khi dân chúng đổ xuống đường Đồng Khởi (Tự Do cũ), hô to “Bảo vệ môi trường!” Đám đông đi đến Toà Thị Sảnh, nơi nhà cầm quyền Cộng sản đã cai trị thủ đô miền nam từ năm 1975, và giải tán một cách ôn hoà như khi họ tụ tập.
Chủ nhật sau đó, tôi dậy sớm và đi lang thang ngang qua một hàng cảnh sát giao thông đang đứng dựa vào những rào sắt mong manh chắn ngang con đường chính dẫn đến khu vực trung tâm thành phố, nơi quy tụ các quán cà phê và nhà hàng mà Việt kiều và những người giàu có thường tụ tập để ăn trưa và ngồi tán gẫu. Thành phố Hồ Chí Minh luôn có cảm giác như một đường dây điện quá tải trong tuần lễ rát nắng cuối cùng của mùa khô, nhưng cá chết đã làm cho điện thế tăng lên.

“Đừng ra đó!” Linh, một nhà thiết kế đồ họa 39 tuổi, hét lên từ một băng ghế đá. “Mấy người đó hầu hết là công an. Tôi cũng muốn tham gia, nhưng chắc chắn sẽ bị phiền toái. Nếu có ai bị thương thì sẽ rắc rối to.”

Khi tôi nhìn thấy những viên gạch đỏ của Nhà thờ Đức Bà ở xa xa thì loa công cộng cũng bắt đầu ra rả, yêu cầu giữ an toàn và trật tự. Luồng gió sợ hãi thổi qua quảng trường Paris khi một đội công an bắt đầu quát tháo đoàn người biểu tình đang bị dồn vào trong hàng rào kẽm gai cạnh trường tiểu học Hoà Bình. Đám đông trên một ngàn người cầm các tờ giấy A4 có các hình vẽ bộ xương cá màu đen – một biểu tượng sẽ bị cấm trong những ngày tới. Một người ghi bằng chữ in to “HÔM NAY IM LẶNG, NGÀY MAI CHẾT”.

Các đội bảo vệ mặc đồng phục xanh đã làm hết sức mình để bắt những người biểu tình đang lảo đảo vì say nắng. Những tên công an tình nguyện này đã dành hầu hết thời gian của họ để giúp khách du lịch nước ngoài băng qua đường, và phải cần tới 5–6 bảo vệ để tách một người phụ nữ trung niên khỏi các bạn của cô. Bọn thường phục chỉ huy đứng ở trong mát ra lệnh. Khi cô ta trì kéo chống cự, họ nhảy bổ vào và đẩy xô cô ta lên một chiếc xe buýt được trưng dụng làm xe công an.

Một hàng người biểu tình lưa thưa và công an chìm đứng nhìn từ bên kia đường, ngoài tầm phun nước của các vòi chữa lửa đã được mở lên để ngăn không cho họ tụ tập xung quanh tượng Đức mẹ Maria. Thanh, một kỹ sư 26 tuổi, đã bấm máy ảnh khi xe buýt rời đi. Một tù nhân vẫy tay chào những người vẫn còn bị mắc kẹt dưới ánh nắng, gợi lên tiếng reo hò đoàn kết.

“Bạn có thể đọc về câu chuyện này trên BBC, The Guardian,nhưng không thể đọc nó trên bất kỳ một tờ báo nào của Việt Nam”, Thanh nói, khi những người đàn ông trung niên mang kính mát nghiêng người vào lắng nghe. “Tôi tới đây để chụp ảnh và đưa tất cả thông tin này lên mạng để mọi người dân nước tôi biết những gì đã xảy ra ở đây.”

Khi cảm giác thấy có công an chìm bên cạnh mình, tôi chạy vào một cửa hàng bán đồ tiêu dùng có máy lạnh đối diện với bưu điện trung tâm. Một phụ nữ trẻ mồ hôi nhễ nhại trong lớp áo thun con mèo hỏi nhân viên bán hàng mật khẩu wifi. Cô tên Thúy, một cô gái đầy tự hào của tỉnh Quảng Bình, nơi mà những người biểu tình đã ngăn không cho xe lưu thông trên quốc lộ hồi tháng trước.

“Chúng tôi muốn Tổng thống Obama nêu vấn đề này với chính phủ của chúng tôi”, Thuý, sinh sống bằng việc bán mỹ phẩm trên Facebook nói.

Những người ký thư thỉnh nguyện như Thuý đã thu hơn một trăm ngàn chữ ký trên trang web của Nhà Trắng, yêu cầu Obama có hành động gì đó về vụ cá chết khi ông ta đến thành phố này vào tháng đó. Tuy nhiên, lời yêu cầu này dường như đã bị bốc hơi khi ông bước ra khỏi máy bay Air Force One. Đường phố từng tắc nghẽn với những người bịểu tình ưu phiền bây giờ đầy những kẻ láo ngáo mừng vui. Obama đã không công khai nêu lên vụ cá chết; thay vào đó, ông đã trao cho Hà Nội một giỏ quà của Mỹ gồm các tình nguyện viên Peace Corps và hợp đồng vũ khí.

Trong số những tù nhân bị chở tới một sân bóng đá ngày hôm đó là một biên tập viên về hưu của Hội Phụ nữ – một tổ chức được Đảng Cộng sản cho phép hoạt động. Cô đã đăng trên Facebook một bài viết đầy căm phẫn mô tả việc cô ấy bị bắt giữ, với một loạt đả kích nhắm vào các nhân viên an ninh đã buộc cô và nhiều người khác phải quỳ gối dưới nắng, không có nước uống hoặc cho đi vệ sinh:

“Gia đình các bạn có dám ăn cá không? Có bao nhiêu ngư dân đã bị mất nguồn sinh sống? Biển chết, ngư dân đói, môi trường bị đe dọa. Quần đảo Hoàng Sa đã mất hết, quần đảo Trường Sa đã bị tướt khỏi tay chúng ta một phần . Bạn có thấy nhục vì điều đó? Bạn không muốn trả thù à?”

Sự phẫn nộ của cô bắt đầu với vụ cá chết và kết thúc với hai quần đảo bị mất và được coi như bị cướp. Ngay cả trong đầu óc của các đảng viên bên lề, hành động của một nhà máy thép từ Đài Loan đã trộn lẫn với các ý đồ địa chính trị của ‘Trung Quốc’.

Hai tháng trước khi vụ rắc rối của Formosa bắt đầu, ở hai tỉnh đồng bằng dọc sông Cái Vung gấp mười lần số cá đã chết. Nông dân nuôi cá da trơn nói với các cơ quan truyền thông là do một nhà máy chế biến gạo của nhà nước ở thượng nguồn. Chính phủ chỉ cấp cho họ một vài ngàn đồng (vài xu USD) cho số cá chết của họ, trước khi các nhà “khoa học gia” của tỉnh quy lỗi cho chính nông dân về việc cá chết đột ngột. Nhiều tháng sau vụ này, một “báo cáo chính thức” đã kết luận rằng hạn hán và kiểu cách nuôi dưỡng không đúng đã làm cá thiếu oxy mà chết.

Công thức dùng tiền để đổi lấy sự im lặng có tác dụng vào tháng 2 nhưng không còn tác dụng trong tháng 5, có lẽ vì cả nước đã biết và khinh miệt công ty Thép Formosa Hà Tĩnh. Các kế hoạch gia của đảng chắc hẳn đã tin rằng nhà máy thép này sẽ là một thành tích đáng tự hào của họ khi cấp giấy phép đầu tư cho nó vào năm 2008. Họ đã đưa được nhà máy thép lớn nhất khu vực đến ngay cửa quặng sắt lớn nhất nước, không phải sao? Họ đã đem được một gói đầu tư nước ngoài khổng lồ đến vùng nước đọng xưa nay chỉ được biết tới nhờ kẹo đậu phộng và những cuộc nổi dậy bất thành của nông dân, đúng không?

Các nhà sản xuất thép địa phương phàn nàn rằng mức độ của sản lượng dự kiến của Formosa sẽ làm tràn ngập thị trường trong nước và huỳ diệt công việc làm ăn của họ. Những người không quan tâm đến kinh tế học về thép chỉ biết một điều về Formosa: công ty đã phạm tội trọng hình khi cho hàng ngàn công nhân Trung Quốc đại lục trú ngụ ưở chỗ chỉ cách một căn nhà nhỏ của cha già dân tộc Hồ Chí Minh một đoạn đường ngắn. Những mối hoài nghi rằng nhà máy thép này thật ra là một con ngựa thành Troie của Trung Quốc đã bùng nổ vào năm 2014, một vài ngày sau khi Bắc Kinh đưa một chiếc giàn khoan lớn vào vùng biển Việt Nam.

Trong nhiều năm, các phóng viên đã bị cấm chỉ trích Trung Quốc. Nếu các câu chuyện địa phương đề cập đến anh láng giềng lớn phương Bắc, họ thường có xu hướng sử dụng thuật ngữ “nước lạ”. Đột nhiên, điều cấm kị ấy chấm dứt. Một nhân vật tai to mặt lớn trong Đảng bỗng đứng lên khẳng định quyền Việt Nam được tồn tại, không thể để cho các hòn đảo bị cướp như kẹo. Phát biểu với cả nước với miệng cười và tóc tém, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng lúc đó đã chớp lấy thời cơ đưa ra một bài phát biểu chậm rãi về bản chất chủ quyền.

Những người già, nam cũng như nữ đã gật đầu tán đồng với bản tin tức buổi tối. Tôi nhận được một email từ sếp của tôi (tạp chí phụ nữ) kêu gọi toàn thể nhân viên ủng hộ hải quân Việt Nam mua tàu chiến mới. Một phụ nữ lớn tuổi ở Sài Gòn và một ông già ở Florida đã tự thiêu. Các ông chú ông cậu nói qua ly bia về về cuộc chiến định mệnh sắp xảy ra. Họ nói, người Trung Quốc đã cai trị Việt Nam trong một nghìn năm và vẫn còn khinh thị họ không hơn một tỉnh ly khai — một Đài Loan của người nghèo.

Trên đường phố, tôi gặp các nhóm thanh thiếu niên cầm bản đồ đi bộ về hướng toà lãnh sự Trung Quốc. Những đứa trẻ này có dáng vẻ gầy yếu mà chúng ta có thể tìm thấy tại một chương trình tài năng của Đoàn Thanh niên Cộng sản và dường như khá sẵn sàng làm theo các chỉ dẫn của công an được dán dọc theo tuyến đường của họ. Những cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố tổ chức trong giai đoạn này chẳng bao giờ được liên kết với các cuộc bạo loạn lớn ở các vùng xa của thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hai ngày, các công nhân nhà máy đã làm hỏng động cơ của nền kinh tế xuất khẩu ở miền Nam. Trước khi ai đó có thể hình dung ra  những gì đã xảy ra, công nhân người Việt của Formosa tại Hà Tĩnh đã gây bạo loạn giết một số đồng nghiệp Trung Quốc. Các báo cáo ban đầu cho biết có 20 người chết. Các báo cáo tiếp theo giảm xuống còn 4. Trung Quốc cho rằng các cuộc bạo loạn này là bằng chứng về sự kỳ quặc của Việt Nam nên đã phái các tàu vận tải đến sơ tán người còn sống sót. Hà Nội đàn áp mạnh tất cả các hình thức biểu tình, nài nỉ các nhà sản xuất nước ngoài đừng bỏ đi và đề nghị đền bù cho một số người bị bạo hành.

Formosa, không có bảo hiểm cho những sự cố như vậy, dường như đang nắm đằng chuôi. Ngoài những vụ giết người, những người nổi dậy ở Hà Tĩnh đã hôi của trong công trường xây dựng trị giá 11 tỷ USD của Formosa. Hà Nội đã đề xuất cấp hàng trăm triệu đô la cho công ty ở lại và tái thiết, trong khi báo chí nhà nước đã viết ra những câu chuyện vui nhộn về cuộc săn tìm bọn phá hoại sau vụ bạo động của công an. Nhưng việc đó nằm ngoài chủ đề bài viết này.

Ông Lý Chí Thôn (Lee Chih-Tsuen), chủ tịch Công ty Formosa Plastics, nói với báo Taiwanese China rằng họ không có nơi nào khác để đi.

Báo này tường thuật “Theo ông Lee, việc xây dựng nhà máy không thể thực hiện được ở các nước đã công nghiệp hoá do bị hạn chế về lượng khí thải carbon dioxide. Việt Nam là một ngoại lệ … vì nước này có ít đầu tư công nghiệp nên việc thành lập các nhà máy sản xuất thép sẽ không gây ra nhiều vấn đề.”

Hai năm sau, cá chết đã khiến ông Lê phải nuốt lời mình.

Cảnh sát bắt người biểu tình chống Formosa. Nguồn: Mekong Review

Trước khi công ty và Đảng có thể ngăn họ, báo chí Việt Nam (bị kiểm soát bởi nhà nước) đã thu thập mọi sợi dây thừng cần thiết để treo cổ Formosa vì đã xả chất thải độc hại xuống biển trong tháng 4 năm 2016. Một người thợ lặn bắt cá đã phát hiện ra một ống xả chất thải chôn dưới lớp túi cát và đá; ông nói với các phóng viên rằng một lượng chất màu vàng độc hại ập vào mặt khiến ông bị chóng mặt và khó chịu. Các phóng viên cũng công bố tên của một đội thợ lặn đang ốm và chết — họ là các nhà thầu phụ của Formosa, từng làm việc trong khu vực đó trước khi cá chết. Khi các bằng chứng bắt đầu chồng chất, giám đốc đối ngoại người Đài Loan, Chu Xuân Phàm đã trả lời phỏng vấn trên truyền hình gần giống như cách của Trump:

“Tôi thừa nhận rằng việc xả nước thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường đến một mức độ  nào đó, và rõ ràng là biển sẽ có ít cá hơn”, ông nói với một phóng viên truyền hình nữ bằng tiếng Việt hoàn hảo giọg kẻ cả, “nhưng trước khi xây dựng nhà máy, chúng tôi đã được chính quyền Việt Nam cho phép … Thành thật mà nói, muốn được cái nọ thì phải mất cái kia. Bạn muốn cá hay nhà máy thép? Bạn phải chọn một.”

Formosa đã buộc ông Phàm đưa ra lời xin lỗi cá nhân trước các phóng viên trên toàn quốc trước khi cho ông nghỉ việc. Tất cả đã quá muộn; nhà quản lý trung gian thiển cận đã cho Việt Nam một lời hô tập thể.

“Chúng tôi chọn cá!”

Trên thực tế, Việt Nam đã chọn bất cứ thứ gì trừ cá.

Ngư dân xếp đống xác cá thối rửa do thảm hoạ này dọc trên Quốc lộ 1A — một hành động kích động hoảng loạn. Ngay cả khi giả vờ không biết cái gì đã làm chết cá, các quan chức bảo đảm với công chúng rằng họ sẽ không cho phép người hay thú ăn dù chỉ một con cá.
Chính quyền vẫn mặt dày chối bỏ trách nhiệm của Formosa, ngay cả sau khi Fan thú nhận rằng công ty không hề quan tâm một chút nào về cá. Có thời điểm những nhà khoa học của nhà nước đổ thừa tất cả sự việc cho thủy triều đỏ và đưa ra những bức ảnh chỉnh sửa một cách hài hước về một cái vịnh đỏ quạch để làm bằng chứng. Một vài tuần sau đó, những quan chức béo ục ịch của Đảng ăn hải sản ở Đà Nẵng; một số người khác thì cởi trần giỡn nước tung tóe trên sóng biển ở tỉnh Quảng Trị.

Một quan chức đã tuyên bố rằng cần một thập kỷ để ngư trường bị ảnh hưởng phục hồi, nhưng hoàn toàn không hề chỉ ra làm thế nào, và từ cái gì. Năm mà tôi tới Việt Nam, đài BBC miêu tả các ngư trường dọc bờ biển là đang ở trong trạng thái “suy giảm liên tục – nghĩa là ngay cả khi có lệnh cấm đánh bắt cá [vào năm 2010] thì trữ lượng cá hầu như cũng không thể phục hồi.”

Formosa cuối cùng đã nói với đài Reuters rằng một sự cố cúp điện đã khiến nước thải chưa qua xử lý tràn ra biển. Formosa sau đó đã tuyên bố rằng công ty sẽ nâng cấp nhà máy để bảo vệ môi trường. Chính quyền Việt Nam đã từ chối bình luận, nhưng Reuters đã trích dẫn một báo cáo chính thức liệt kê 53 vi phạm của nhà máy, hầu hết trong số đó Formosa đã tuyên bố rằng đã hoặc sẽ khắc phục. Cần đến 18 tháng để câu chuyện nhỏ này được tiết lộ.
Trong những ngày nóng nực điên cuồng sau vụ xả thải, đối diện với người dân đang khổ sở, Đảng và Formosa chỉ đưa ra những lời chối bỏ vụng về và những yêu cầu rầy rà rằng dân phải kiên nhẫn. Giữa tất cả những thứ đó, tôi lại đọc một tuyển tập truyện của Edgar Allen Poe trong một nhà hàng chay ở dưới một phòng tập yoga. Ngay cả trước vụ xả thải, những người phụ nữ Việt Nam giàu có cũng đã đến đây để tránh những tác hại của thịt và rau giá rẻ tiêu thụ bởi người dân bình thường.

Bìa cứng của quyển sách mở ra câu chuyện về Vở Ca kịch của cái Chết Đỏ, trong đó tầng lớp quý tộc suy đồi đến dự một buổi tiệc hóa trang, trong khi một dịch bệnh khủng khiếp đang tàn phá người nông dân ở bên ngoài bức tường. Câu chuyện kết thúc (bật mí nhé) khi một người khách kì bí bước vào giữa bọn họ và bắt tất cả bọn họ phải chịu dịch bệnh. Poe kết thúc câu chuyện bằng cao trào: “Và Bóng tối và sự Suy tàn và cái Chết Đỏ đã thống trị tất cả.”

Vài tuần sau khi cuộc biểu tình phản đối lắng xuống, tôi đáp máy bay tới Đài Bắc, chỉ vài ngày trước khi đảng Tiến Bộ Dân Chủ lên cầm quyền. Họ đã đánh bại Quốc Dân Đảng đầy quyền lực nhờ vào cương lĩnh bao gồm cải tạo môi trường. Tôi nhanh chóng biết được rằng sự quá đáng của Formosa đã đóng vai trò quan trọng trong việc kích động cử tri Đài Loan ở khu vực bị ảnh hưởng phế truất đại biểu của khu vực đó.

“Chúng ta không được dùng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe của công dân như chúng ta đã làm trong quá khứ,” nữ Tổng thống đầu tiên của hòn đảo Thái Anh Văn nói trong diễn văn nhậm chức. “Như thế chúng ta phải giám sát và kiểm soát tất cả những nguồn gây ô nhiễm.”

Trong tuần lễ toàn mưa sau đó, tôi uống trà trong những văn phòng khắp Đài Bắc với những luật sư hăng hái cải cách, những người than phiền rằng những nhà công nghiệp vô trách nhiệm tiếp tục áp đặt rất nhiều quyền lực kinh tế lên hòn đảo.

“Formosa là công ty gây ô nhiễm lớn nhất Đài Loan,” Tổng thư ký của Hội Luật gia Môi trường nói. “Họ hoàn toàn không được hoan nghênh ở đây, nhất là giữa nhóm của chúng tôi, nhưng Formosa đóng góp khoảng hai phần trăm hoặc hơn cho GDP của quốc gia; do đó chính quyền Đài Loan sẽ không bắt Formosa phải chịu trách nhiệm.”

Câu trả lời của Đảng Dân Tiến cho sự cố đã gây nghi ngờ về khả năng của họ trong việc bắt Formosa phải chịu trách nhiệm. Tô Thị Phần, một nghị sỹ trong đảng Tiến Bộ Dân Chủ của bà Thái, đã bay tới Hà Nội sau vụ xả thải, chỉ để thấy hộ chiếu bị giữ lại bởi một quan chức hàng không. Sau chín tiếng đồng hồ ngồi ở sân bay, quan chức Việt Nam đã cho phép bà tham quan nhà máy Formosa, nhưng hủy bỏ mọi kế hoạch khác của bà nghị sỹ.

“Bà Tô tuyên bố rằng bà đã muốn thăm một nhà thờ địa phương chứ không phải những phần tử được gọi là chống chính quyền như tuyên bố của Việt Nam,” tờ báo Đài Loan Bưu điện Trung Quốc tường thuật. Có thể không ngạc nhiên, văn phòng của nghị sỹ Su và Tổng thống Thái đã không hề hứng thú với những câu truy vấn của tôi về vụ việc này. Nhưng Robin Winkler thì có. Người luật sư môi trường 62 tuổi đã tiếp đón tôi với quần short, giày Birkenstocks và áo thun in hình một con chim trên bờ biển. Chúng tôi cùng đi tới một quán bar tối đèn quen thuộc của Winkler.

“Trước khi tôi chuyển hướng, tôi đã trải qua hơn hai mươi năm giúp các công ty cấu trúc các khoản đầu tư của họ để giới hạn rủi ro và nợ,” ông nói, trước khi gọi cho chúng tôi món đậu hũ hầm và sashimi bằng tiếng Quan thoại hoàn hảo.

Vào năm 2001, Winkler đã thành lập Hội bảo vệ pháp lý Thiên nhiên Hoang dã, để tiếp tục các vụ kiện và tổ chức mít-tinh vì môi trường của hòn đảo. Cuối cùng, ông đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và trở thành một người có quốc tịch Đài Loan. Chính phủ, ông nói, có xu hướng trục xuất người nước ngoài mà họ coi là “gây rắc rối”.

Vào năm 2005, Winkler bắt đầu nhiệm kì 2 năm ở Ủy ban Đánh giá Tác động của Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Khi Tập đoàn chất dẻo Formosa xin giấy phép để xây dựng một nhà máy thép 4,1 tỉ USD gần nhà máy hóa dầu tai tiếng của họ ở ngoài khơi của quận Yunlin, Winkler và các đồng nghiệp ủy viên của ông đã đặt ra các câu hỏi.

“Chúng tôi đã yêu cầu các thông tin mà họ không thể cung cấp,” ông nói. “Chúng tôi muốn sự cam kết về khí thải và công khai toàn bộ mọi thứ đầu vào và đầu ra; đó là mức độ trách nhiệm mà họ không muốn đáp ứng.”

Winkler và những đồng nghiệp ủy viên của ông đã thành công trong việc đòi hỏi những buổi điều trần sâu hơn, chỉ để biết rằng nhiệm kỳ của họ sẽ không được tiếp tục. Trong một ngày mưa tháng 11 năm 2017, Winkler nhớ lại, những đại diện của Formosa đã vất vả đi qua hàng trăm cư dân từ quận Yunlin cho buổi điều trần tại tòa nhà của Cơ quan Bảo vệ Môi trường.

“Đã có những người ủng hộ một bên, người phản đối một bên và cảnh sát ở giữa,” Winkler nhớ lại. “Thật là căng thẳng”.

Trong một buổi giới thiệu về tiềm năng du lịch sinh thái của quần thể cá heo trong khu vực, anh trai của một ủy viên của quận Yunlin đã nhảy qua một cái bàn để đe dọa một nhà sinh học đang làm chứng. Winkler đã nhảy vào trận chiến.

Sau khi cảnh sát giải tán trận khẩu chiến, ủy viên hội đồng đáng kính trọng từ Yunlin đã theo Winkler vào phòng uống trà và bắt đầu đấm vào mặt ông. Winkler đã kiện. Người ủy viên hội đồng, đã có quá khứ tội phạm xấu xa, cuối cùng đã phải đóng 6000 USD tiền phạt. Hình ảnh của Winkler bầm tím xuất hiện trên các báo. Vài tháng sau, Formosa thông báo họ sẽ xây nhà máy tại Việt Nam.

Các quan chức của Bộ TNMT tắm biển để chứng minh biển sạch. Nguồn: Mekong Review

“Đó chính là bài bản của chủ nghĩa thực dân kinh tế,” Winkler nói, sau khi chúng tôi đã dùng bữa xong. “Formosa đã đi đến nơi mà người dân yếu ớt nhất và chính quyền tham nhũng nhất.” Formosa tự miêu tả họ như một người hành hương kinh tế chứ không phải là một tên thực dân – một tín đồ bị bức hại phải lang thang trên mặt đất để tìm kiếm những quy định lỏng lẻo và lợi nhuận. Quyển sổ tay của cổ đông công ty năm 2017 đã than phiền: “Môi trường đầu tư tại Đài Loan đã xuống cấp và các khoản đầu tư kinh doanh bị ảnh hưởng vì ý thức hệ bảo vệ môi trường đang dâng cao đã bỏ qua sự phát triển công nghiệp.” Quyển sách đưa ra bang Texas như là một ví dụ tỏa sáng về tính hiệu quả công nghiệp.

Công ty vẫn là nhà đầu tư Đài Loan lớn nhất vào Mỹ và đã thông báo kế hoạch tăng cường các hoạt động của họ sau khi Donald Trump thắng cử. Formosa đã để lại nhiều cảnh báo ở Delaware, Illinois, Louisiana và (dĩ nhiên) bờ biển miền nam Texas khi người nuôi tôm thế hệ thứ ba tên là Diane Wilson đã trải qua ba thập kỷ để chiến đấu chống lại công ty và viết sách về chuyện này.

“Chúng tôi đang chuẩn bị để kiện họ vào ngày mai,” Wilson nói với tôi với một tiếng cười trên điện thoại từ Texas. Chắc chắn rằng, Wilson sẽ gửi ra thông cáo báo chí cùng kí tên bởi hội Trợ giúp Pháp lý Riogrande Texas (TRLA) và một hãng luật địa phương.

“Sự ô nhiễm của Formosa ở vịnh Lavaca và những vùng nước xung quanh đã gây nguy hiểm đến đời sống hoang dã, cá, và cảnh quan môi trường, là nền tảng cho đời sống của cộng đồng chúng tôi ở đây,” Wilson nói trong bản thông cáo báo chí. “Formosa đã xả chất thải dẻo từ 2004, mặc dù nó hoàn toàn vi phạm luật pháp tiểu bang và liên bang”.

Người ta không cần phải đến tận Texas để tìm hiểu về những rủi ro chính trị của việc móc nối với một tập đoàn chất dẻo. Ngay trước khi thiên niên kỷ này bắt đầu, Campuchia đã buộc công ty này phải tháo dỡ cả núi chất thải thủy ngân tại một bãi rác bên ngoài Sihanoukville. Một người đàn ông được giả thiết là đã chết khi tháo dỡ chất thải mà công ty đã nhập khẩu về thành từng cục dán nhãn “xi măng”. Một lời đồn đoán không đúng đã lan truyền trong thành phố ven biển này rằng chất thải có chứa phóng xạ, kích động một cuộc chạy trốn hỗn loạn về Phnom Penh mà theo giả thiết rằng có 4 người đã bị giết.

Sau vài tháng tranh cãi, Formosa đã trả tiền cho một tiểu đoàn lính Campuchia và một đội kỹ sư người Mỹ để đóng gói 7000 tấn chất thải và đất bề mặt nhiễm độc. Trong buổi lễ được tổ chức sau khi công việc hoàn thành, quan chức địa phương đã xin lỗi vì thất bại của họ trong việc quản lý và cam kết sẽ trừng phạt những ai nhận hối lộ. Nhà sáng lập và chủ tịch của Formosa đã nhân dịp này nhấn mạnh rằng chất thải là vô hại. Không ai có vẻ là tin ông ta.

Một công ty xử lý chất thải ở California cuối cùng đã thú nhận rằng chất thải “phức tạp hơn những suy nghĩ ban đầu” sau khi chính phủ Mỹ đã ngăn chặn nỗ lực của họ để nhập khẩu và xử lý chúng. “Xi măng” đã nằm im hơn một năm ở cảng Kaoshing trước khi nhà cầm quyền Đài Loan cho phép Formosa chở chúng bằng xe tải về nhà máy của họ ở Jenwu. Một thập kỷ sau, Winkler và Hội bảo vệ pháp lý Thiên nhiên Hoang dã ở trong Tim đã dùng quảng cáo trên xe buýt để loan báo báo cáo rằng nước ngầm bên dưới nhà máy ở Jenwu chứa nồng độ chất thải cao gấp 300 000 lần cho phép. Quảng cáo, Winkler nói, chỉ tồn tại được có một ngày.

Năm nay ở Việt Nam, vào dịp kỷ niệm ngày xả thải, những người Công giáo đã tụ tập trên những bờ biển của Hà Tĩnh. Báo cáo tiếp tục đổ về từ giáo phận Vinh về những cuộc tấn công vào các linh mục, các bloggers và những nhà hoạt động vẫn lo lắng về tình cảnh của giáo dân sống dọc bờ biển. Formosa, về phần họ, đã thông báo rằng họ sẽ ném tiếp 350 triệu USD vào nhà máy, bây giờ đã trễ tiến độ nhiều năm. Một cuộc thử nghiệm lò cao gần đây của họ đã gây ra một vụ nổ lớn mà công ty sau đó đã đổ thừa cho bụi đã lọt vào trong máy móc của họ.

Thủ tướng mới, Nguyễn Xuân Phúc, đã nhận thấy thời điểm thích hợp để bắt một vài bộ trưởng làm vật hi sinh, gồm cả Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Người thay thế ông sau đó đã bày tỏ sự lo ngại về mỏ quặng rộng lớn Thạch Khê trên đường từ Formosa. Một mặt, nó sẽ tạo việc làm. Mặt khác, ông ta nói với phóng viên gần đây, nó sẽ dẫn tới “những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng, sa mạc hóa, bão cát và suy giảm nguồn nước ngầm.” Lời phát biểu của ông phản ánh nỗi lo lắng mới ở Hà Nội, nơi đã cam kết sẽ đem lại cho người dân sự phát triển kinh tế thần kỳ mà không đầu độc họ – hoặc cá của họ.

Nhiều thành viên của cộng đồng kinh doanh đã chế giễu ý kiến từ bỏ mỏ Thạch Khê. Mỏ này thuộc về một công ty quốc doanh thiếu nguồn vốn cần thiết để đào mỏ. “Dự án này là khó khăn, không nghi ngờ gì nữa, nhưng ta chỉ cần cẩn trọng [thật nực cười] trong quá trình hoạt động,” một nhà tư vấn người Đức đã nói vào đầu năm. Bất kì ai đã từng ở Việt nam đều hiểu rằng “cẩn trọng” không phải là thứ gì đó mà một thể chế tham nhũng, không minh bạch có thể làm tốt.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt






No comments:

Post a Comment