Tuesday, August 8, 2017

BẢN TIN NGÀY 8/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Bloomberg đưa tin: Trung Quốc hủy cuộc gặp với Việt Nam vì bất đồng về Biển Đông. Bài báo nói rằng, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng TQ đã hủy bỏ cuộc gặp Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vào phút chót, theo lịch hẹn gặp hôm thứ Hai, nhưng sau đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ nói là hai ông ngoại trưởng đã gặp nhau. Bộ Ngoại giao VN không trả lời một số câu hỏi về cuộc gặp gỡ này của Bloomberg gửi tới.


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 7-8 tại Manila, Philippines. Ảnh: TTXVN

Về dự thảo khung của COC (Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông), trang Manila Bulletin của Philippines có bài: Các nước tranh chấp trên Biển Đông đồng ý.

Ông Rob Bolivar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, cuối tháng 8 sẽ triệu tập một cuộc họp để thảo luận phương thức đàm phán COC trên thực tế với dự thảo khung COC đã được phê duyệt, làm cơ sở cho các cuộc đàm phán. Các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc sẽ công bố chính thức đàm phán COC tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017. Hiện nội dung dự thảo khung chưa được công bố.

Báo Cali Today có bài tóm lược từ AFP: Trung Quốc giành lợi thế ngoại giao về Biển Đông. Bài viết nói về thông cáo chung tại Hội nghị ASEAn lần thứ 50, đã phải “soạn từ ngữ một cách kỹ lưỡng để tránh làm phật lòng Trung Quốc” và được đưa ra sau khi ngoại trưởng các nước gặp ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.


BBC có bài: Bộ trưởng Quốc phòng đi Mỹ, VN mong đạt được gì? GS Carl Thayer nói rằng, ‘không có gì nhiều để mất cho Hoa Kỳ trong cuộc chơi [Biển Đông] này cả” và rằng: “Hoa Kỳ đang bận rộn chuyện Bắc Hàn và đang cần Trung Quốc kiểm soát Bắc Hàn, họ không thể đồng thời chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ Việt Nam bằng cách bán cho Việt Nam các loại vũ khí và công nghệ hàng hải”.

Vụ tàu cá BĐ 40482 TS bị “tàu lạ” đâm chìm, chủ tàu, kiêm thuyền trưởng Trương Công Ơn mất tích, không thấy báo chí trong nước đưa tin thêm. Không rõ mọi người đã tìm được ông Ơn chưa? Nếu chưa thì lực lượng cứu hộ, tìm kiếm trên biển, có tiếp tục tìm kiếm hay không? Bảy ngư dân đi trên tàu cá đó ra sao? Con tàu bị đâm chìm đó hiện như thế nào, có còn sử dụng được để lai dắt vào bờ hay không… Báo chí đột nhiên im bặt, không thấy có thông tin thêm về vụ này. Mời đọc thêm: Nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định liên tiếp gặp nạn (VTV).

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Sau khi đài truyền hình quốc gia chiếu cảnh ông Trịnh Xuân Thanh “tự thú” ngày 3/7, thì bốn ngày sau, ngày 7/8, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin, cơ quan điều tra Bộ Công an ra lệnh bắt tạm giam ông Trịnh Xuân Thanh.

Tin tức cho biết, việc bắt ông Thanh là để “điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 163 bộ luật Hình sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên, gây thất thoát, thua lỗ hơn 3.298 tỷ đồng“.

Chuyện nhà chức trách Việt Nam qua Đức bắt cóc ông Thanh đã làm căng thẳng mối quan hệ với Đức. Câu hỏi được đặt ra: Việt Nam làm gì để giảm căng thẳng với Đức? TS David Sadoff, nhà nghiên cứu pháp lý người Anh, cho rằng, phía Việt Nam cần “đàm phán ngoại giao khéo léo và đưa ra những điều khoản có lợi cho phía Đức về thương mại, dẫn độ hay truy quét tội phạm có thể là bước đi cần thiết cho Việt Nam“.

Blogger Phan Ba có bài dịch từ báo Taz, nêu ý kiến của nghị sĩ liên bang Đức, ông Martin Patzelt về vụ bắt cóc ông Thanh: “Vụ bắt cóc thật là quá thể. Nếu Việt Nam muốn chơi chung trong giàn giao hưởng của các quốc gia văn minh thì phải tuân thủ các luật lệ về nhân quyền”.

Về việc Bộ Nội vụ đang làm “thất lạc” hồ sơ liên quan đến việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, ĐBQH Trương Minh Hoàng, đoàn Cà Mau cho biết: Hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh bị “thất lạc”: Ai sai phải chịu trách nhiệm.

“Củi khô” Nguyễn Văn Bình sắp cho vào lò?
Báo Người Việt có bài phân tích: Hà Nội ‘chống tham nhũng’: Cựu Thống đốc Ngân hàng là mục tiêu mới. Theo tác giả, sau khi một loạt lãnh đạo liên quan tới lĩnh vực tín dụng – ngân hàng vướng vòng lao lý, mà gần đây nhất là ông Trầm Bê, thì mọi ánh mắt có vẻ như đang đổ dồn vào cái tên cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Ông Bình được cho là phải chịu trách nhiệm trong việc “ban hành những qui định mà về bản chất là hỗ trợ một số cá nhân lũng đoạn thị trường vàng, thị trường tín dụng và làm thị trường bất động sản đóng băng, khiến kinh tế Việt Nam suy thoái chưa có điểm dừng“.
Nguyễn Văn Bình là một trong 18 Ủy viên Bộ Chính Trị BCH TW Đảng, được cho là nhân vật đã được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giúp vào Bộ Chính trị. Nếu ông Bình trở thành “củi khô”, bị mang ra đốt sắp tới, thì sau ông Đinh La Thăng, Bộ Chính trị sẽ có hai chiếc ghế trống.

“Dân chủ hay là chết”
Liên quan câu chuyện chống tham nhũng của đảng, mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ví như việc “nhóm lò”, cựu ĐBQH Nguyễn Sĩ Dũng có bài: “Đốt nóng lò” và Cải cách Thể chế.

Ông Dũng cho rằng, “bên cạnh việc ‘đốt nóng lò’, việc đẩy mạnh cải cách thể chế để cây xanh không biến thành ‘củi’ cũng quan trọng không kém. Khi một môi trường biến nhiều cây xanh thành ‘củi’, thì ‘đốt củi’ chỉ là xử lý hiện tượng, cải thiện môi trường mới là xử lý nguyên nhân. Một môi trường biến tất cả cây xanh trở thành rừng đại ngàn hùng vĩ ưỡn ngực che chắn Biển Đông mới là thứ chúng ta cần hơn cả”. Ông Dũng nói, “trong rất nhiều những cải cách thể chế, thì xây dựng một nền tư pháp độc lập là quan trọng nhất ở đây“.

Chống tham nhũng là chống Đảng!
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời PGS. TS Lê Quốc Lý, phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Quyết tâm chống tham nhũng sẽ hiệu triệu lòng dân.

Và không rõ ông Lý căn cứ vào đâu để khẳng định: “Khi Đảng đã thống nhất một ý chí, một quyết tâm chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy Đảng và chính quyền thì chắc chắn sẽ hiệu triệu được lòng dân và những cán bộ kiên trung đồng lòng trong cuộc chiến đấu này“.

Ông Lê Minh Trí – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương bảo rằng, tham nhũng chỉ có cán bộ đảng viên thôi… Còn TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói: Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta mà. Và mọi người đều biết, chỉ có đảng mới có quyền hành để mà tham nhũng, dân có quyền gì mà tham nhũng?!

Nhà báo Nguyễn Thông cho rằng: “Tự các vị tham nhũng rồi chống tham nhũng, chống đếch nổi, giờ lại đòi lôi cả dân vào. Không ai rỗi hơi mà dính vào các ông. Một khi dân đã vào cuộc thì chỉ có dẹp sạch, làm lại từ đầu thôi“.

Vụ ông quan Phạm Sỹ Quý làm giàu nhờ “mua bán chổi đót, lá chít”
Theo báo Dân Trí, vào giữa tuần này, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức họp báo công khai kết luận thanh tra nguồn gốc tài sản của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý. Việc lùi thời hạn công bố kết luận thanh tra được cho là do vừa qua, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt lũ quét, và lãnh đạo tỉnh này đang phải lo khắc phục hậu quả.


Chuyện nhân quyền ở xứ ta
Sau một tuần im tiếng, hôm 7/8, Báo QĐND đã nhảy ra đưa tin vụ bắt một loạt các nhà hoạt động, qua cái tựa vừa giống ông quan tòa, vừa giống xã hội đen: Nghiêm trị những kẻ đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” phá hoại đất nước. Mời nghe clip VOA: Báo Quân đội Nhân dân đòi ‘nghiêm trị’ Anh em Dân chủ

Bài báo khẳng định, Việt Nam “luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của công dân, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ nhân quyền“. Tôn trọng quyền của người dân, nhưng sao bị nước Đức lên án cách hành xử như côn đồ, khi ngang nhiên vào nước này bắt cóc người, bất chấp luật pháp nước sở tại?

Truyền hình thông tấn có video clip vụ bắt ông Nguyễn Trung Trực:  https://www.youtube.com/watch?v=X_5NkxfXOsY

Về chuyện nhân quyền, NS Tuấn Khanh cho biết, nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình bị khởi tố thêm một tội danh nữa, tổng cộng 3 tội danh: điều 257 (chống người thi hành công vụ), điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân) và điều 143 (hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản).

Quen thói hành xử vô pháp, bị dân kiện
Facebooker Hoàng Hà đưa tin, vụ kiện hành chính mà nhà hoạt động Đặng Bích Phượng kiện ông Nguyễn Quang Hội, phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 9/8 tại Hà Nội.

Sự việc như sau: Hôm 11/11/2016 bà Phượng cùng một số bạn bè đứng trên vỉa hè vườn hoa Lý Thái Tổ, cầm biểu ngữ “Yêu nước không có tội”; “Phản đối bắt người yêu nước”… được khoảng 10 phút thì ra về. Mãi gần 3 tháng sau, ngày 10/2/2017, “bà Phượng nhận được quyết định xử phạt hành chính số 36/QĐ-XPHC, do ông Nguyễn Quang Hội, phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm ký ngày 7/2/2017, được gửi qua bưu điện“.

Bà Phượng cho biết, “bà kiện để cho thấy công an là người thừa hành pháp luật, thì trước hết họ phải tuân thủ luật pháp từ những điều nhỏ nhất, trước khi yêu cầu người dân sống và làm việc theo hiến pháp“.

Thảm họa môi trường: do Bộ ‘Tàn phá’ Tài nguyên Môi trường?
Báo VietNamNet có bài: Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn ‘nói hết’ về nhận chìm. Ông Hà muốn sửa đổi quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) như sau: “Tôi cho rằng cần sửa đổi theo hướng khi dự án đã thiết kế xây dựng đầu tư thì đồng thời làm ĐTM“. ĐTM làm cơ sở để quyết định có nên thực hiện dự án đó hay không, nhưng ông Trần Hồng Hà muốn sửa quy định, cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án rồi mới bắt đầu làm ĐTM.

Người đứng đầu cơ quan môi trường lẽ ra phải bảo vệ môi trường, nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà lại bảo vệ cho nhà đầu tư, muốn cấp giấy phép cho doanh nghiệp trước, còn môi trường thì thực hiện sau đó. Môi trường trên cả nước bị tàn phá nặng nề, trách nhiệm thuộc về ông Hà và Bộ Tài nguyên Môi trường của ông!

Nhờ sự tiếp tay phá hoại môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường, nên mới có chuyện các nhà đầu tư gây tác hại môi trường ghê gớm nhưng dễ dàng phủi tay. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, nói: “ĐTM lẽ ra phải là một cái lưới chặn, cho những dự án sạch đi qua và loại bỏ các dự án bẩn. Thế nhưng trên thực tế tại VN, cái lưới này thủng đến nỗi hiếm khi nó chặn được một dự án nào, dù dự án đó có bẩn đến đâu“.


TS Lê Đăng Doanh cảnh báo: “Với hợp đồng “bất lợi” đã ký với chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân, cần phải xem xét người nào đã ký, đã xét duyệt hợp đồng. Hệ quả của nó cần được đánh giá lại, không thể xem là việc đã rồi. Càng không thể coi đây là tiền lệ, nếu không sẽ có nhiều hợp đồng ‘bất lợi’ được ký kết, lúc đó đất nước và cả người dân phải lãnh đủ“.

TS Lê Xuân Thuyên, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM, đặt câu hỏi: Có phải nơi bãi nhận chìm bùn cát thải từ NM điện Vĩnh Tân chỉ có cát không thôi? Theo ông Thuyên, vùng biển mà Vĩnh Tân 1 dự định nhấn chìm gần 1 triệu mét khối bùn, không chỉ có có cát không thôi, mà “chắc chắn có đủ oxy và dinh dưỡng cũng như có ánh sáng (dù yếu) cho tất cả các loài khác ngoài tôm cá cùng sinh sống“.

Nếu đổ hàng triệu khối bùn cát xuống vùng biển này, sẽ “gây tác động tổn thương sẽ quá lớn, gấp hàng ngàn lần so với việc có hàng trăm ghe cào liên tục càn quét đáy biển!” Rõ ràng là khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang không đủ để thuyết phục được giới khoa học và công luận.

Liên quan đến thảm họa Formosa, mời độc giả đọc bài: Tổng hợp chuyến vận động đấu tranh pháp lý tại Đài Loan cho nạn nhân của Cty Formosa Hà Tĩnh, của GM Nguyễn Thái Hợp và phái đoàn cùng đi.

Trong khi đó, Formosa bị nông dân Mỹ kiện đòi bồi thường vì tàn phá môi trường, số tiền lên tới 57,45 triệu USD. Theo tin từ báo Một Thế Giới, người dân sống gần nhà máy sản xuất hóa chất của Formosa ở Texas đã kiện công ty này vì xả thải, làm ô nhiễm nặng môi trường biển quanh nhà máy.

Một góc của nhà máy Formosa tại Texas. Ảnh: MTG

Được biết công ty Formosa luôn trong tầm ngắm của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, thế nhưng, bất chấp việc liên tục bị phạt trong nhiều năm, họ vẫn tái diễn hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Thảm họa mưa lũ
VTV cho hay, trong những ngày qua, ở các tỉnh phía Bắc, mưa lũ làm 68 người chết, mất tích và bị thương, thiệt hại khoảng 940 tỉ đồng.

Nguyên nhân gây ra thảm họa, ngoài một số lý do VTC nêu, như việc đổ cho… thời tiết và đất đai bị phong hóa, nguyên nhân chính là do những kẻ có chức quyền đứng sau việc khai thác rừng trái phép. Mời xem clip của VTC: https://www.facebook.com/kenhvtc14/videos/1322451777883811/

Cập nhật tin Đồng Tâm
Theo tin từ báo Pháp luật TP, ngày 8/8 sẽ xử 14 cán bộ Đồng Tâm sai phạm về đất đai. Theo nội dung cáo trạng, “do buông lỏng công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, các cựu lãnh đạo xã và cán bộ huyện vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định“.

Thật ra đây là vụ việc khác, không liên quan đến tranh chấp giữa người dân Đồng Tâm với chính quyền hiện nay. Mời độc giả đọc lại bài viết sau đây để có thêm thông tin: Tiêu chuẩn kép và lập lờ đánh lận con đen trong vụ Đồng Tâm.

Hai nhà báo bị bắt
Hai nhà báo bị bắt hôm qua là ông Nguyễn Thế Thắng, thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên và bà Phạm Lê Hoàng Uyển, Tạp chí Hòa Nhập.

Đây là 3 bài báo liên quan đến vụ tống tiền của bà Phạm Lê Hoàng Uyển đăng trên báo Phụ Nữ Online: Lần theo đường dây huy động 600 tỷ đồng cho dự án “ma”  —  Ve sầu thoát xác  —  Vẽ khu du lịch 1000 tỷ bằng miệng.


Liên quan đến vụ bắt giữ hai nhà báo nói trên, Facebooker Mai Quốc Ấn có bài nhận định rằng, các nhà báo quốc doanh đang đối mặt với rất nhiều “vấn đề”. Ông viết, “nếu bắt nhà báo tống tiền thì tung mẻ một lượt chắc phải gấp 100 lần con số trên“. Ông kết luận: “Và khốn khổ thay cho những nhà báo yêu nghề nhất mà tôi biết lại đang sống vất vả nhất. Họ tận tụy với từng con chữ, quyết liệt với từng thông tin. Họ luôn như thế!

Đường sắt Việt Nam, đưa người dân trở về đầu thế kỷ trước
Theo báo Thanh Niên, sáng 7/8, đoàn tàu khách SP2 từ Lào Cai về Hà Nội “lại bị trật bánh khi đến ga Yên Viên“. Rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Điều khôi hài, là các toa tàu số 13 và số 14 bị trật khỏi đường ray ngày 7/8, lại đúng vị trí mà toa tàu bị trật đường ray trước đó một ngày, ngày 6/8.

Vẫn quen với phong cách làm ăn của ngành này hàng trăm năm trước, nên khi được hỏi vì sao 2 ngày liên tiếp xảy ra sự cố trật bánh của tàu SP2 tại cùng vị trí, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng GĐ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “ngành đường sắt cũng đang phân tích, tìm nguyên nhân sự cố này“.

Để bảo toàn tính mạng, người dân tạm dừng đi tàu đường sắt một thời gian, trước khi tìm ra nguyên nhân và khắc phục những lỗi lầm. Mời độc giả xem thêm video clip dưới đây:

Lũng đoạn thu phí BOT
Việc trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang gây bức xúc cho rất nhiều tài xế, chủ xe, mà giới tài xế phản đối bằng cách bỏ tiền lẻ vào chai, báo Một Thế Giới có bài: Thu phí đường BOT: Lợi ích của ai?

Việc “chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy đã ‘vẽ’ thêm phần phụ trong dự án là nâng cấp 26,5km quốc lộ 1A và một số cầu, để có cớ chặn ngang quốc lộ 1A để thu phí“, là chiêu quen dùng lâu nay, mà mới nhất là trạm thu phí BOT Tam Nông – Phú Thọ.

Thế nhưng cách làm trên của giới tài xế, được LS Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật IPIC – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: “Bỏ tiền lẻ vào chai nhựa” mua vé BOT có thể bị phạt tù 2 – 7 năm.

Xin mời độc giả xem video clip giải thích của Chủ đầu tư dự án BOT này: https://www.facebook.com/thanhnien/videos/10211383830884349/

“Chiến tranh và tị nạn”, câu chuyện của người Mỹ gốc Việt
Chương trình hội thảo và triển lãm về thuyền nhân Việt Nam và người tị nạn, tổ chức ngày 3/8, tại Quốc hội Mỹ, với sự tham dự của chính giới Hoa Kỳ và người Mỹ gốc Việt. Mời xem clip hội thảo:   "Chiến tranh và tị nạn", câu chuyện của người Mỹ gốc Việt

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA có bài: TQ ủng hộ Mỹ trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ông Bruce Bennett, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng, thuộc tập đoàn Rand, nói: “Đơn cử việc ông Tập Cận Bình, lãnh đạo của Trung Quốc, đã có tám cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc, nhưng chưa có cuộc nào với ông Kim Jong Un, rõ ràng điều này cho thấy ông Tập nghĩ rằng ông Kim Jong Un là một nhân vật kém ảnh hưởng và thực sự không quan trọng“.


Chính trường Trung Quốc
Bài trên RFI: Tập Cận Bình: “Mao của thế kỷ 21”? Bài điểm báo, dẫn nguồn từ báo Le Figaro, nói rằng Tập Cận Bình có tham vọng trở thành một Mao Trạch Đông thứ hai, trong bối cảnh Đại hội ĐCS Trung Quốc diễn ra trong mùa Thu năm nay.

Mặc dù, Tập Cận Bình chẳng phải “là một nhà trí thức, cũng không phải là một nhà tư tưởng độc đáo” gì cả, thế nhưng truyền thông Trung Quốc đã hết lời ca tụng ông ta như ca tụng Mao Trạch Đông trước đây, khi ví ông Tập như “một ngọn đèn pha tư tưởng mới, có thể mang lại sự vĩ đại cho Trung Quốc” và là “kiến trúc sư và người cầm lái thúc đẩy sự nghiệp tái sinh vĩ đại của nhân dân Trung Quốc”.

No comments:

Post a Comment