Sunday, July 9, 2017

TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG MỸ - BẮC HÀN (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Saturday, 08/07/2017 - 08:43:13

Tương quan lực lượng là bản so sánh lực lượng giữa hai quốc gia đối thủ, trong bài báo hôm nay, 2 quốc gia đó là Mỹ và Bắc Hàn; tương quan lực lượng không chỉ giản dị là bản kiểm kê xem Mỹ có bao nhiêu hạm đội, và Bắc Hàn có bao nhiêu hỏa tiễn, rồi so sánh hai khả năng quân sự đó.

Những yếu tố khác như quyết tâm đánh Mỹ cho bằng được của Kim Jong Un, và thích thú bành trướng thương mại của Đệ Nhất Gia Đình Hoa Kỳ cũng là những yếu tố quyết định cuộc chiến -nếu chiến tranh trở thành không thể tránh.

Thú bành trướng thương mại của Đệ Nhất Gia Đình Hoa Kỳ

Quyết tâm đánh Mỹ của Kim Jong Un

Sự kiện mới xảy ra là hôm 4 tháng 7, Kim Jong Un chào mừng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ bằng cách bắn lên một quả pháo bông ICBM (intercontinental ballistic missile-hỏa tiễn liên lục địa). Như cái danh xưng “liên lục địa” của nó, ICBM là loại hỏa tiễn có tầm bắn rất xa, xa đến hàng ngàn dặm, nhưng ICBM Bắc Hàn lại rơi tõm vào biển Nhật Bản, sau 37 phút bay.

Hai yếu tố đó -tầm bắn và thời gian bay của hỏa tiễn- không đi đôi với nhau, vì trong 37 phút bay, hỏa tiễn phải bay xa hàng ngàn hải lý mới đúng, chứ không rơi xuống biển, cách điểm đi có 580 dặm.

Nhưng cơ quan tuyên truyền Bắc Hàn KCNA vẫn cứ phổ biến tài liệu và hình ảnh quả pháo bông mừng Quốc Khánh Mỹ.

Phút phóng lên của Hỏa tiễn ICBM Hwasong-14, do cơ quan tuyên truyền Bắc Hàn KCNA chụp và hãng thông tấn AP phổ biến lại.

Yếu tố khiến hỏa tiễn bay lâu mà không bay xa là góc bắn, góc bắn gần như thẳng đứng khiến quả hỏa tiễn này bay rất cao -1,700 dặm- bay ra khỏi vùng khí quyển rồi lại rơi trở vào, nhưng bay không xa -và đó là dụng ý của người sử dụng hỏa tiễn: chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un - nhân vật được Nghị Sĩ John McCain gọi là “thằng bé vừa mập, vừa điên.”

Các chuyên gia về pháo binh và hỏa tiễn giải thích: nếu không bắn với góc đứng, thì sức đẩy của thuốc nổ có khả năng đưa hỏa tiễn đến Alaska, chứ chưa đến được Los Angeles, nhưng dù chỉ đến Alaska thôi, hỏa tiễn Bắc Hàn cũng đã đủ khiến nhiều người Mỹ lo sợ.

Tháng trước, thuyết trình trước quốc hội, Phó Đô Đốc James D. Syring, giám đốc Nha Phòng Chống Hỏa Tiễn, khuyến cáo, "Hoa Kỳ cần chấp nhận giả thuyết Bắc Hàn có thể tấn công chúng ta bằng hỏa tiễn." Không ai muốn nghe lời khuyến cáo buồn thảm đó, họ cho là Đô Đốc Syring quá bi quan.

Phó Đô Đốc James D. Syring

Quả pháo Bắc Hàn mừng Quốc Khánh Mỹ tạo không khí lo ngại cho nhiều quốc gia, và khiến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải họp khẩn, hai ngày trước Hội Nghị Thượng Đỉnh Hamburg (Đức).

Đại sứ Mỹ tại LHQ -bà Nikki Haley- tuyên bố Hoa Kỳ chuẩn bị tự vệ và bảo vệ đồng minh, và nếu cần sẽ sử dụng quân lực “đáng kể” của Mỹ để chống nguy cơ nguyên tử Bắc Hàn; bà Haley còn cho biết bà đã chuẩn bị một giải pháp để LHQ lên án hành động leo thang khiêu chiến của Bắc Hàn.

Giải pháp “lên án Bắc Hàn” -giải pháp thứ nhì của bà đại sứ Haley- chắc chắn không thành vì hai trong năm thành viên của Hội Đồng Bảo An LHQ -Nga và Trung Cộng- đang đứng về phe Bắc Hàn; họ sẽ dùng quyền phủ quyết để gạt bỏ nghị quyết LHQ lên án Bắc Hàn. Còn lại là giải pháp tấn công quân sự, đang được ầu ơ thực hiện bằng một cuộc tập trận của Hải Quân Mỹ và Nam Hàn.

Trên đường đi phó hội, Tổng Thống Trump ghé qua Ba Lan, trong một cuộc họp báo chung với Tổng Thống Andrzej Duda, Tổng Thống Donald Trump kêu gọi mọi dân tộc trên thế giới chung sức chống lại “hành động xấu xa” của Bắc Hàn; Trump nói cần phải đối đầu thật mạnh sau khi Bắc Hàn bắn hàng loạt hỏa tiễn, quả chót trong loạt này là loại hỏa tiễn liên lục địa có tầm bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trump gằn mạnh, "Họ hành xử vô cùng nguy hiểm."

Một phóng viên yêu cầu Trump minh định xem ông quan niệm việc Bắc Hàn bắn hỏa tiễn liên lục địa là việc “hết thuốc chữa,” cần phải đối phó, và ông đã sẵn sàng để ra lệnh tấn công quân sự hay chưa?

Trump lại ầu ơ trả lời, “something” -một hành động nào đó sẽ phải xảy ra, nhưng ông không minh định việc gì.

Ông nói rõ hơn, "Tôi cũng không biết; chúng ta chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không thích nói về những toan tính của tôi. Tôi tính nhiều chuyện lắm, nhưng những chuyện đó không nhất thiết phải thực hiện. Tôi không vẽ lằn vạch đỏ giới hạn. Chúng ta chờ một vài tuần, một vài tháng, xem Bắc Hàn làm gì?"

Ngôn ngữ thiếu quyết liệt ông sử dụng, giúp cả Nga lẫn Trung Cộng chọn được lập trường “chống Mỹ” tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20, bắt đầu khai mạc thứ Sáu. Chống Mỹ là thái độ sẵn có của hai cường quốc này; thái độ mới trong giai đoạn này là họ chống, họ ngăn cản một hành động quân sự của Mỹ, trừng phạt Bắc Hàn.

Ngoại Trưởng Rex Tillerson dứt khoát hơn tổng thống, ông tuyên bố, "Hoa Kỳ cực lực lên án Bắc Hàn đã bắn ra quả hỏa tiễn ICBM hôm thứ Ba. Thử nghiệm ICBM tượng trưng một bước leo thang mới đe dọa Hoa Kỳ, đồng minh của Hoa Kỳ, và những quốc gia đang cộng tác với Hoa Kỳ tại Đông Á và khắp thế giới. LHQ cần đòi hỏi đe dọa đó ngừng đứng lại. Bất cứ nước nào sử dụng nhân công BH, cung cấp tiện nghi kinh tế hay quân sự cho Bắc Hàn, hoặc bất tuân Nghị Quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ đều phạm lỗi giúp đỡ cho chế độ nguy hiểm BH, và thái độ đồng lõa đó cần bị trừng trị."

Không cần tìm kiếm đâu xa, Trung Cộng chính là quốc gia giúp đỡ Bắc Hàn nhiều nhất, mặc dù tổng thống Trump khẩn khoản xin chủ tịch Tập Cận Bình giúp làm nhẹ bớt áp lực nguyên tử Bắc Hàn; nếu việc trừng phạt kinh tế nằm trong địa hạt quyền lực của bộ Ngoại Giao, chắc ngoại trưởng Tillerson đã không hỏi ý ai tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20.

Nga chỉ trích Bắc Hàn bắn hỏa tiễn ICBM, nhưng lại cho là Hoa Kỳ không nên dùng đến giải pháp quân sự; đại sứ Trung Cộng Liu Jieyi đồng ý ngay. Ông Liu còn nói thêm, "Tấn công quân sự Bắc Hàn không phải là giải pháp."

Trong lúc đó, Kim Jong Un kiên nhẫn theo dõi mọi diễn biến tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20; sau khi nhận ra là “con cọp giấy” Hoa Kỳ đã được huấn luyện thuần thục, ông tuyên bố Bắc Hàn không nhận hòa đàm với Mỹ.

Kim Jong Un

Quả hỏa tiễn ICBM vừa bắn ra để “chào mừng Quốc Khánh Hoa Kỳ” đã tạo được uy thế “cường quốc nguyên tử” cho Bắc Hàn, giúp Kim làm giá. Ông nói ông chỉ xin Hoa Kỳ hủy bỏ chính sách “thù nghịch Bắc Hàn” trước khi ngồi vào bàn hòa đàm, vì đã sẵn thù nghịch nhau thì rất khó đối thoại.

Lập trường mới của Bắc Hàn nghe thì thuận tai, nhưng hủy bỏ chính sách mà Kim gọi là “thù nghịch Bắc Hàn” có nghĩa là Hoa Kỳ phải làm gì? Rút đơn vị 30,000 quân Mỹ đang trú đóng tại Yongsan Garrison ra khỏi hệ thống bảo vệ Nam Hàn chăng?

Vai trò tổng tư lệnh quân đội Mỹ của tổng thống Hoa Kỳ, khiến Trump trở thành một trị giá trong bản so sánh “tương quan lực lượng” giữa Bắc Hàn với Nam Hàn. Hất được người lính Mỹ ra khỏi địa bàn Nam Hàn, là Kim đã “giải phóng” được 99% lãnh thổ Nam Hàn.

Việt Nam đã có kinh nghiệm cay đắng về việc vị Tổng Tư Lệnh tối cao của quân đội VNCH -Tổng Thống Richard Nixon- bắt tay với Trung Cộng.

Hành động phản bội này xảy ra năm 1972; ngay sau đó cộng sản Bắc Việt hấp tấp xua toàn bộ quân lực của chúng xuống tấn công Nam Việt, nhưng chúng đã vấp ngã đau đớn trước sức chiến đấu oai hùng của Quân Lực VNCH trên cả ba chiến tuyến Quảng Trị, KonTum, và An Lộc.

Chúng phải chờ thêm ba năm nữa để hành động Mỹ-cúp-viện-trợ làm cạn đạn dược, nhiên liệu của Quân Lực VNCH, mới giúp chúng cưỡng chiếm được Nam Việt Nam.

Hy vọng Nam Hàn tránh được số phận “South Korea For Sale,” số phận của Nam Việt 42 năm trước. (nđt)






No comments:

Post a Comment