Saturday, July 15, 2017

NHỮNG BƯỚC TIÊN PHONG & THÀNH QUẢ CỦA VIỆN ĐẠI HỌC HUẾ (1957-1975) - GS Nguyễn Thanh Trang




Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang (cựu Phụ tá Viện trưởng Ðại Học Huế)
July 13, 2017

Sáu mươi năm trước, Ðại Học Huế ra đời do Nghị Ðịnh số 45-GD của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ban hành ngày 1 Tháng Ba, 1957 và Linh Mục Cao Văn Luận là viện trưởng đầu tiên. Vào lúc đó, Hiệp Ðịnh Geneva 1954 mới chia đôi nước ta chưa được ba năm. Chính quyền miền Nam phải bận rộn đối phó với rất nhiều vấn đề từ an ninh đến tổ chức hành chánh, tư pháp và lập pháp, từ hạ tầng cơ sở đến các cơ quan trung ương. Thêm vào đó, phải tổ chức cuộc di cư và định cư cho 1 triệu đồng bào từ Bắc vào Nam tị nạn Cộng Sản. Trong bối cảnh vô cùng phức tạp và khó khăn đó, Ðại Học Huế ra đời như một sách lược của chính phủ quyết tâm xây dựng đại học để đào tạo nhiều nhân tài, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc và xây dựng một miền Nam tự do được phồn thịnh trước hiểm họa Cộng Sản và văn hóa suy đồi tại miền Bắc.

Thư Viện Ðại Học Huế. (Hình minh họa: otofun.net)

Tại Việt Nam, năm nay giới chức Ðại Học Huế cũng đã tổ chức kỷ niệm 60 năm, nhưng họ cố lờ đi công lao của những người đã từng khai sáng và gây dựng nên cơ sở giáo dục quan trọng bậc nhất đó tại miền Trung, ngay cả Linh Mục Cao Văn Luận, vị viện trưởng sáng lập, cũng không được nhắc tới. Khác với người Cộng Sản, hôm nay chúng ta kỷ niệm 60 năm Ðại Học Huế trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân thầy cô và trân quý tình đồng môn. Vì vậy, hôm nay nhân dịp kỷ niệm 60 ngày thành lập Ðại Học Huế, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những bước tiên phong và thành quả rất đáng khích lệ mà trường đạt được trong thời gian 18 năm đầu ngắn ngủi, từ 1957 đến 1975.

Trước hết và quan trọng nhất, Ðại Học Huế là đại học đầu tiên do người Việt Nam thành lập. Không những thế, đó là đại học tiên phong sử dụng tiếng Việt để giảng dạy. Trong khi đó, Ðại Học Sài Gòn, hậu thân của Ðại Học Hà Nội, do Pháp dựng lên nên chỉ có trường luật giảng dạy bằng tiếng Việt, còn các phân khoa khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên phải sử dụng nửa Việt nửa Pháp.

Từ Tháng Hai 1958, Ðại Học Huế đã xuất bản tạp chí Ðại Học, cơ quan ngôn luận và nghiên cứu với sự cộng tác thường xuyên của nhiều giáo sư và trí thức tại Huế cũng như các nơi khác tại quốc nội và hải ngoại. Ðó là tạp chí cấp đại học đầu tiên tại Việt Nam.

Ðại Học Huế là viện đại học duy nhất tại miền Nam có nhà in và nhà xuất bản riêng. Nhờ vậy, việc in ấn và xuất bản các tác phẩm và sách báo của viện thuận tiện và ít tốn kém hơn các đại học khác.

Viện Hán Học được thành lập do nghị định số 389-GD của tổng thống ban hành ngày 8 Tháng Mười 1959, trực thuộc Ðại Học Huế, nhằm đào tạo các chuyên viên Hán văn và chữ Nôm để phục vụ nhu cầu tại vài cơ quan chính phủ, đồng thời để giảng dạy, nghiên cứu và dịch thuật kho tài liệu cổ văn bằng chữ Hán và chữ Nôm. Ðây là một kế hoạch quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Việc làm này đã đi trước giới đại học tại miền Bắc trên 30 năm.

Ngoài sứ mạng giáo dục, Ðại Học Huế còn là một định chế bảo tồn và phát huy văn hóa qua việc thành lập Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu. Ủy ban quy tụ được nhiều học giả lỗi lạc của hai ngành Hán văn và Sử học. Dự án quan trọng đầu tiên là sắp xếp lại để làm mục lục và phiên dịch châu bản triều Nguyễn từ Hán tự sang Việt ngữ. Tiếp đến là nỗ lực phiên dịch tài liệu Hải Ngoại Ký Sự của Thích Ðại Sán và bộ An Nam Chí Lược của Lê Tắc.

Từ năm 1957, Ðại Học Huế từng bước cải tiến học trình và phương pháp giảng dạy, điển hình nhất là các nỗ lực sau đây:

Tại Ðại Học Khoa Học, năm 1957, môn Tân Ðại Số được giảng dạy lần đầu tiên trong chương trình Cử Nhân Toán. Năm 1969, chương trình Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng ra đời gồm các ngành Tạo Tác, Thủy Lợi, và Sinh Hóa. Năm 1971, chương trình Cao Học Thống Kê và Nhân Chủng Học được tiên phong tổ chức tại Việt Nam.

Tại Ðại Học Sư Phạm, năm 1965 trường Trung Học Kiểu Mẫu được tiên phong thành lập tại Việt Nam để trắc nghiệm và thực hành các phương pháp sư phạm tân tiến và hữu hiệu để giảng dạy tại bậc trung học.

Tại Ðại Học Luật Khoa, từ năm 1966, nhiều môn học mới đã được đưa vào chương trình Cử Nhân Luật 4 Năm, gồm có: Cổ Luật Việt Nam, Pháp Y Học, Phiên Tòa Giả Ðịnh, Báo Chí Học, Kỹ Thuật Ngân Hàng, Quản Trị Xí Nghiệp, Kế Toán, và Doanh Thương. Trường luật cũng thiết lập Hệ Thống Văn Khố Âm Thanh để các sinh viên vắng mặt vì nghề nghiệp cũng như các sinh viên có mặt nhưng chưa hiểu rõ có thể nghe lại các bài giảng của giáo sư.

Tại Ðại Học Y Khoa, hai ngành Y Tế Cộng Ðồng và Y Khoa Cổ Truyền được đưa vào học trình để đào tạo các bác sĩ chuyên khoa đa năng và dồi dào kiến thức chữa trị bệnh nhân theo cả hai truyền thống Tây Y và Ðông Y.

Năm 1970, chương trình liên khoa lần đầu tiên được thiết lập tại một đại học Việt Nam nhằm mục đích mở mang kiến thức của sinh viên qua nhiều bộ môn khác nhau và tạo cơ hội cho sinh viên của các phân khoa có dịp học tập chung để có thể quen biết nhau, nhờ đó hun đúc tinh thần đoàn kết tập thể.

Sau ngày phái đoàn Ðại Học Huế viếng thăm trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt năm 1971, vì nhận thấy thư viện đầy đủ sách báo chuyên môn và các phòng thí nghiệm trang bi máy móc tối tân, cũng như chương trình giảng dạy và đặc biệt thành phần ban giảng huấn có bằng cấp và học vị chẳng khác gì các đại học dân sự, Ðại Học Huế tiên phong đề nghị Bộ Giáo Dục thừa nhận văn bằng tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, chương trình 4 năm, có giá trị tương đương với Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng. Ðề nghị nầy được Bộ Giáo Dục chuẩn thuận năm 1972, nâng cao giá trị của trường Võ Bị Ðà Lạt tương tự như trường West Point của Mỹ.

Năm 1971, Ðại Học Huế bắt đầu thực hiện việc ghi danh và ghi điểm các môn thi bằng điện toán, và năm 1972, tiên phong áp dụng giảng dạy theo tín chỉ.

Tóm lại, Ðại Học Huế ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì chiến tranh tang tóc và thiếu thốn mọi bề, nhưng nhờ sự quyết tâm và tài lãnh đạo của Linh Mục Cao văn Luận và các vị viện trưởng kế tiếp, chỉ trong vòng 18 năm đầu ngắn ngủi, Ðại Học Huế tiên phong thực hiện nhiều cải cách tiến bộ và đã đào tạo được hàng trăm luật sư, cử nhân khoa học, cử nhân văn khoa, 1,256 giáo sư trung học, và khoảng 400 bác sĩ y khoa. Lực lượng chuyên viên trẻ trung và đầy nhiệt huyết đó đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển và hưng thịnh của Việt Nam Cộng Hòa hơn hẳn miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản độc tài phi nhân trước khi miền Nam tự do bị nhuộm đỏ năm 1975.






No comments:

Post a Comment