Monday, July 3, 2017

CHÚNG TA LÀM GÌ KHI BẠN BÈ GẶP NẠN ? (tin tổng hợp)




Han Phan
Posted on July 1, 2017 by Editor — 0 Comments

Giới giang hồ có một luật rất là hay! Đó là khi thằng nào đó được giao nhiệm vụ, vì nhiệm vụ đó nếu nó bị bắt, bị giết thì gia đình vợ con nó sẽ được ông trùm hoặc chiến hữu bảo bọc đến suốt đời hoặc cho đến khi băng đó tan rã.

Nhờ vậy mà thằng đó yên tâm, giao gì cũng làm, bị bắt không khai, tra tấn quá thì nó thà tự tử. Vì bán đứng anh em sẽ đồng nghĩa với việc chẳng những gia đình nó không được che chở mà ngược lại, còn bị trả thù, sát hại.

Đọc kiếm hiệp Kim Dung, chắc có người nhớ chuyện tỉ thí giữa Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phượng trong Tuyết Sơn Phi Hồ, Phi Hồ Ngoại Truyện. Cả 2 cam kết, thắng thua phải định, nhưng ai thắng trong cuộc đấu thì phải nuôi nấng con của người thua (nếu chẳng may người kia chết trong cuộc quyết đấu). Vì chuyện đó mà khi không tìm được Hồ Phỉ, suốt mấy chục năm, Miêu Nhân Phượng áy náy không nguôi.

Kể dông dài để thấy, dù là chiến hữu hay kẻ thù thì cái nghĩa khí, cái quân tử vẫn phải lấy làm trọng.

Giờ nói chuyện anh em phản động.

Mình dùng chữ “phản động” như một thói quen để chỉ chung nhóm bất đồng chính kiến, không có ý tốt hay ý xấu. Vì phản động cũng có trăm loại phản động, đấu tranh cũng có ngàn loại đấu tranh. Mình không phán xét ai, mỗi người tự có cách, tự có lý. Nhưng thế giới phản động cũng như giới giang hồ, bị chính quyền đặt ra ngoài khuôn phép, bị cộng đồng e dè, ái ngại. Cũng có khi lại được hâm mộ, kính trọng… Nhìn nôm na nó cũng như một khía cạnh nào đó của giới giang hồ. Có người quang minh chính đại, có người bị chửi không ra gì… Nói chung, đâu có gì toàn bích. Nhưng mình biết rất nhiều anh em, hãnh diện vì được gọi là “phản động”.

Blogger Nguyễn Thị Như Quỳnh và 2 con. Nguồn: Facebook

Đặc biệt, có nhiều anh em, hãnh diện vì được là bạn bè của Mẹ Nấm, dù là trên Facebook(FB), hay là trong đời thực. Cứ nghe giọng điệu là biết, “ôi Mẹ Nấm hả? Mới ngồi với “nó” hôm trước đây!” “Ôi Mẹ Nấm hả, biết “nó” lâu rồi…” Thậm chí không ít người, coi việc làm bạn với Mẹ Nấm là một cái mác, có thể “giựt le” trên mạng hay trên bàn nhậu.

Okay, fine, đời có đủ loại bạn và bè. Ngoài 5,000 friends bị FB giới hạn ra, mình nghĩ Mẹ Nấm đang có lượng “người theo” (followers) rất lớn! Vậy, hàng chục ngàn bạn bè đó, chúng ta đang làm gì khi nghe tin Mẹ Nấm bị xử 10 năm tù?

Nhất là khi hầu hết những người kết bạn với Mẹ Nấm, thường có điểm chung là bất đồng chính kiến, là ủng hộ nhân quyền, là kêu gọi đấu tranh cho tự do và các tiêu chuẩn văn minh tiến bộ. Đó là những người đã có ý thức về cộng đồng, về tác động của xã hội lên đời sống mỗi người. Vậy thì cái cộng đồng nhỏ trong giới hạn bạn bè của Mẹ Nấm thôi, chúng ta đang làm gì?

Ngoài việc đăng một vài đoạn khóc thương ra, chúng ta sẽ làm gì cho 10 năm sắp tới? Để những người đấu tranh, hay cứ gọi là một người “phản động”, một giang hồ có nhiệm vụ là đương đầu với bất công sẽ yên tâm mà tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Để những người phản động khác, những tay giang hồ khác có thể nhìn vào đó mà thấy rằng, chiến hữu sẽ không bỏ ta?

Người ta chỉ có thể toàn tâm toàn ý, chỉ có thể tự tin “chiến” khi người ta có sự hậu thuẫn xứng đáng. Chứ như bây giờ, mình đã không ít lần nghe: Mày chiến đi, đến khi mày bị bắt thì mình mày chịu, mơ mà có ai lo cho mày. Hoặc: Vợ con không lo, lo chuyện bao đồng, bị bắt đi rồi biết!

Rõ ràng, chúng ta là một cộng đồng, một băng chiến hữu rất vớ vẩn nếu chúng ta cứ bỏ mặc bạn bè mình như thế! Và cộng đồng đó, băng chiến hữu đó liệu có xứng đáng với những người phải “hy sinh” không? Chúng ta hay chửi cộng sản, nhất là chính những người từng theo cộng sản, hay nói hoài cái ý: những người nằm xuống đã nằm xuống một cách vô nghĩa cho bọn sâu bọ còn sống và đục khoét đất nước ngày nay. Liệu chúng ta có tốt hơn lũ sâu bọ đó không? Khi mà ngay cả lúc còn chưa thắng thế, chúng ta đã hèn hạ bỏ mặc chiến hữu như thế này? Vậy thì chúng ta lấy tư cách gì mà chửi?

Dĩ nhiên, trong lòng ai cũng có nỗi sợ hãi. Mình cũng vậy. Mình cũng rất sợ! Suốt từ đêm qua đến giờ, mình cứ nghĩ, nếu đặt hoàn cảnh mình là Mẹ Nấm, suốt mấy tháng trời trong tù, ăn toàn cá nục kho và canh mồng tơi, không được mặc đồ lót, không được dùng BVS, chắc mình sẽ sup sụp mà chết. Có lẽ Mẹ Nấm mạnh mẽ là vì cô ấy còn 2 đứa con. Không gì quan trọng hơn với một người mẹ là niềm tin phải sống để gặp lại con mình. Nằm trong cảm thức sợ hãi ấy, mình càng thấy thương Mẹ Nấm. Dù con đường hay chí hướng hay quan điểm có khác nhau hay không, thì mình vẫn cảm thấy mỗi con người chúng ta đang nợ cô ấy. Nợ một nguồn cảm hứng mà cô ấy đã truyền trao. Sai hay đúng là chuyện của kẻ thắng thua, mình chỉ đặt câu chuyện đấu tranh của Mẹ Nấm vào một bối cảnh là đất nước này cần được cởi mở hơn. Con người phải được tôn trọng. Ngôn luận phải được tự do. Chỉ cần như thế để thấy rằng chính quyền đã quá tàn bạo với chính người dân của mình. Sự tàn bạo đó dĩ nhiên sẽ làm tăng lên nỗi sợ hãi. Nhưng liệu, có chính quyền nào có thể trường tồn và phát triển lành mạnh chỉ bằng cách đẩy dân chúng vào sự sợ hãi?

Vì sợ hãi, chúng ta chắc chắn sẽ không thể làm gì mạnh mẽ hơn để đòi lại tự do cho Mẹ Nấm. Và chắc chắn, có đòi cũng không được! Freedom is not free. Và ai sẽ tiếp tục trả giá để Mẹ Nấm được tự do? Rất khó. Bởi giang hồ đâu có nhiều người như Mẹ Nấm. Đếm được trên đầu ngón tay. Chính mình cũng không dám làm những gì mà Mẹ Nấm đang làm.

Nhưng không ai có thể bỏ tù những người giúp đỡ bạn bè. Không ai có thể bỏ tù bạn vì bạn gửi cho con cái của bạn bè chút tiền còm. Đây là lần đầu tiên mình kêu gọi chia sẻ cho một người bất đồng chính kiến, vì Mẹ Nấm là bạn mình. Đã là bạn, mình không thể bỏ mặc bạn bè như vậy được!

Nếu chúng ta có thể chung tay giúp được cho 2 đứa nhỏ một cuộc sống đầy đủ dù không có mẹ bên cạnh, đó chính là những cái tát dành cho nhà cầm quyền. Nếu chúng ta có thể giúp 2 đứa nhỏ 10 năm sau gặp lại mẹ lúc chúng đã trưởng thành, có học thức, ngoan ngoãn, thì đó chính là món quà lớn nhất mà xã hội đền đáp cho Mẹ Nấm vì những gì mà cô ấy đã cố gắng làm cho xã hội. Và các bạn, nhất là các bạn có cùng quan điểm với Mẹ Nấm, là bạn bè hay followers của Mẹ Nấm, nếu bạn từng kết bạn hay follow cô ấy không phải vì tò mò, không phải để “giựt le”, mà thực tâm coi cô ấy là bạn, thì các bạn phải chính là những người đầu tiên buộc phải chìa tay ra. Đúng không?

Mình tạm tính, nếu mỗi người chỉ đóng góp 200,000 thì với khoảng 20,000 friends & followers trên FB của Mẹ Nấm, con số quyên góp sẽ là 4 tỉ. Quá đủ để nuôi nấng 2 đứa trẻ đến lớn nếu gia đình biết cách quản lý. Chỉ 200K thôi, những người từng là bạn bè của Mẹ Nấm có làm được điều đó không?

Nếu không làm được thì chúng ta xứng đáng sống trong một xã hội ấu trĩ, câm lặng này mãi mãi. Đừng trách ai! Và sau này, ra đường đừng vỗ ngực xưng “tao là phản động” và nói rằng “tao quen Mẹ Nấm”. Nhé!

Còn nếu muốn giúp, các bạn hãy chuyển 200K (hoặc nhiều hơn nếu bạn thích) vào tài khoản của mẹ ruột Mẹ Nấm. [DCVOnline bỏ 2 dòng]. Hoặc đến gặp cô Lan trực tiếp tại nhà hay trên Facebook: Tuyet Lan Nguyen.

Để tránh mọi hiểu lầm không hay, các bạn vui lòng chỉ liên hệ với cô Lan […], đừng hỏi mình gì thêm về những việc liên quan đến tiền bạc.

Cảm ơn các bạn, và bây giờ, các bạn hãy thể hiện mình là người không bỏ bạn bè khi hoạn nạn đi!

P.S.: Mình không giống Phan Anh là “đặt cọc” trước […] để ra oai. Chuyện đó là chuyện cá nhân của mỗi người. Nên đừng có đứa DLV vớ vẩn nào vào đây hỏi mình giúp bao nhiêu mà nói nhiều nhé! Mình chửi cho chết.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: Chúng ta làm gì khi bạn bè gặp nạn? Han Phan, Facebook, June 30, 2017. DCVOnline biên tập.

----------------------------------
03/07/2017

Sau khi nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhận bản án nặng vì “tuyên truyền chống nhà nước”, nhiều người góp quỹ gần 300 triệu đồng để giúp các con của nữ blogger.

Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hai con nhỏ.

Hồi tuần trước, một tòa án ở Khánh Hòa, Việt Nam, kết án Như Quỳnh, 38 tuổi, tới 10 năm tù. Blogger còn được biết đến với bút danh Mẹ Nấm lâu nay đã viết và đăng nhiều bài phản ánh hiện thực xã hội và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.

Nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng đó là một bản án “bất công”, làm họ thấy “buồn và xót xa” cho hai con nhỏ của Như Quỳnh là Nấm, 11 tuổi, và Gấu, 5 tuổi.

Như Quỳnh bị tòa tuyên án 10 năm tù giam trong phiên sơ thẩm ngày 29/6/2017.

Lo lắng cho tương lai hai cháu trong hoàn cảnh mẹ bị bỏ tù lâu năm, còn bà ngoại không có việc làm, nhiều nhà hoạt động vì dân chủ và những người có nhiều ảnh hưởng trong xã hội đã vận động quyên góp gửi về cho bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Như Quỳnh.

Trưa ngày 3/7, bà Lan viết trên trang Facebook cá nhân rằng bà “chân thành cảm ơn cộng đồng đã đồng hành và giúp đỡ” gia đình bà với số tiền hơn 289 triệu đồng. Bà cho biết có rất nhiều người gửi trực tiếp đến tài khoản ngân hàng của bà số tiền 200 nghìn đồng mỗi người.

Trong phần trả lời thông điệp của bà, có người bình luận kết quả quyên góp khả quan cho thấy “những người lên tiếng thúc đẩy nhân quyền không hề cô đơn”. Một số người khác cho rằng “Đây là bằng chứng người dân phản đối lại luật pháp vô nhân đạo của nhà cầm quyền”, hay nói cách khác, đó là “Một câu trả lời cho phiên toà vô lương tâm của chính quyền cộng sản dành cho mẹ Nấm”.

Bà Lan chia sẻ với VOA số tiền sẽ giúp đảm bảo việc học hành trong thời gian trước mắt cho hai con của Mẹ Nấm:

“Số tiền đó cũng nuôi được cháu khoảng được hơn hai năm. Trước mắt tôi là một khoảng đêm đen rất là dài, làm cho tôi rất lo lắng. Cho dù người ta kết án con tôi, nhưng những đóng góp, nâng đỡ của những ân nhân chính là kết quả cho mọi người thấy rằng con tôi đã làm đúng, đã làm tròn trách nhiệm. Tôi biết những đồng tiền đó là do họ tiết kiệm, họ chia sẻ miếng cơm manh áo với chúng tôi. Chúng tôi rất cám ơn và chúng tôi tri ân trong lúc gia đình chúng tôi gặp hoạn nạn, khó khăn”.

Trong trang Facebook của bà Lan, nhiều người góp ý rằng bà không nên giữ tiền trong ngân hàng ở Việt Nam với lo ngại rằng nhà nước có thể “đóng băng tài khoản” làm bà không thể rút tiền ra. Họ cảnh báo rằng đối với những người đối lập chính trị với chính quyền, nhà nước Việt Nam “không có gì là không dám làm”.

Cùng ngày 3/7, mẹ của blogger Như Quỳnh cho VOA biết bà đã đến trại giam của Công an tỉnh Khánh Hòa vào buổi sáng, yêu cầu được thăm con gái theo đúng luật.

Blogger Mẹ Nấm - Như Quỳnh, lúc chưa bị bắt

Bà nói dù đã làm đơn và thực hiện đúng các thủ tục, nhưng trại giam vẫn từ chối không cho bà gặp con và họ đã trả lại đơn.

Theo lời kể của bà, trại giam nói bà “không được thăm gặp thân nhân một cách bình thường như những trường hợp khác”. Trại giam nói thêm họ chỉ có trách nhiệm giam giữ, còn việc có được thăm gặp hay không là “do bên an ninh quyết định”.

Bà Lan cho rằng việc nhà chức trách không cho bà thăm con gái “là hành vi trả thù" đối với Như Quỳnh vì nữ blogger đã “tỏ thái độ kiên cường” và “không nhận tội” trong phiên tòa vừa qua.

Sau khi Mẹ Nấm bị kết án, nhiều chính phủ nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp châu Âu đồng loạt ra tuyên bố nói họ quan ngại về bản án và đòi Việt Nam trả tự do cho bà.
*
Liên quan






No comments:

Post a Comment