Lê Phan
July 22, 2017
Ông Lưu Hiểu Ba, nhà trí thức và Khôi Nguyên giải
Nobel Hòa Bình, đã qua đời tuần rồi trong khi ngồi tù cho một bản án 11 năm chỉ
vì ông đã ôn hòa chống lại chế độ độc đảng ở quê hương mình.
Cái chết của ông đã bày tỏ cho thế giới thấy một bộ
mặt thật tàn nhẫn của chế độ Bắc Kinh. Bệnh ung thư gan của ông chỉ được nói là
khám phá ra hay đúng hơn công nhận do những tên cai tù của ông khi ông chỉ còn
hai tuần lễ để sống, sự điều trị của ông chẳng qua chỉ là một sự che đậy và ước
muốn cuối cùng của ông được rời khỏi Hoa Lục bị thẳng thừng bác bỏ.
Nhà cầm quyền thu xếp một cuộc hỏa thiêu, lấy cớ đó
là phong tục của vùng nơi ông mất, bất chấp ý muốn của gia đình. Sau đó họ thu
xếp một cuộc rải tro trên biển cả để nấm mồ của ông sẽ không bao giờ trở thành
một đền thờ cho nhà tranh đấu đối lập nổi tiếng nhất nước. Điều còn đáng khinh
bỉ hơn nữa là người em của ông bị bắt đứng ra trước truyền thông thế giới để cảm
ơn đảng Cộng Sản và nhà nước cho cách họ đối xử tệ mạt với ông.
Với nguồn gốc là một phong trào cách mạng, đảng Cộng
Sản Trung Hoa ngày nay, tuy vậy, vẫn còn hiểu rõ sức mạnh của một lãnh tụ hy
sinh, một thánh tử đạo như ông Lưu. Và đó là lý do mà họ thực sự coi trọng ông
và thông điệp của ông.
Cả hệ thống bức đại tường lửa của Bắc Kinh đã được
huy động để kiểm duyệt ở mọi cấp, bất cứ một biểu hiệu nhỏ nào của một sự nhắc
nhở đến ông, từ hình ảnh một cái ghế không người đến ba chữ viết tắt RIP, Rest
In Peace, một lời cầu chúc siêu thoát cho ông.
Công khai thì Bắc Kinh lập luận rằng: Ông Lưu đã bị
một tòa án Trung Quốc xử như là một tội phạm hình sự bình thường, trao tặng cho
ông giải Nobel Hòa Bình là một sự “báng bổ” và việc ông bị tù, bị giam không
dính gì đến bất cứ ai khác ngoài đất nước Trung Hoa.
Nhưng một biện minh khác, mà một số viên chức đưa ra
trong các cuộc nói chuyện với báo chí hay các nhà ngoại giao, thì như thế này:
Nhà cầm quyền Cộng Sản đã thực hiện được việc nâng 800 triệu người ra khỏi
nghèo đói trong vòng bốn thập niên nay với sự pha trộn của cải tổ kinh tế và
đàn áp chính trị. Do đó, những người như ông Lưu, với lý tưởng bất bạo động của
họ, kêu gọi cho tự do cá nhân và sẵn sàng chết cho niềm tin và lý tưởng của
mình, là một đe dọa đáng ngại cho chế độ độc đảng.
Thế hệ hiện đại của các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đều
đã đọc cuốn phân tích nổi tiếng của nhà tư tưởng Pháp Alexis de Tocqueville,
“Chế Độ Cũ và Cuộc Cách Mạng Pháp.” Họ không thấy giá trị gì cho một cuốn sách
khác cũng của nhà quý tộc Pháp sắc bén này, cuốn “Dân Chủ ở Hoa Kỳ,” viết ra. Họ
cũng nghiên cứu kỹ giai đoạn dẫn đến cuộc Cách Mạng Nga năm 1917, cuộc Cách Mạng
Tân Hợi của Trung Hoa năm 1911 và sự sụp đổ của Liên Xô.
Và họ đi đến kết luận là tất cả các chế độ độc tài ở
lúc yếu kém nhất và dễ lâm nguy nhất khi chúng tìm cách cởi mở. Do đó, đảng Cộng
Sản Trung Hoa sẽ phải tránh việc này bằng mọi giá.
Bởi vì cải tổ chính trị tiệm tiến hoàn toàn bị bác bỏ
ngoài nghị trình, những cá nhân như ông Lưu phải bị đàn áp không nương tay nếu
không họ sẽ đưa ra ngọn lửa làm bùng cháy cánh đồng cỏ mênh mông là xã hội Hoa
Lục vốn sẽ đe dọa sự ổn định và sức khỏe của toàn xã hội ở Hoa Lục.
Sự việc ông Lưu đã nổi danh từ vị thế một nhà tranh
đấu trong các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và vụ tàn sát
sau đó, lại càng khiến cho ông trở thành đáng kể. Ông có thể nói với thế hệ sau
một cách có uy quyền về một phong trào tranh đấu mà mục tiêu tối hậu là tạo nên
được một chế độ mới, một hệ thống quyền lực mới.
Điều đáng buồn, theo các nhà báo Tây phương đang hoạt
động ở Trung Quốc, lãnh đạo đảng Cộng Sản lý luận vậy, và nhiều người trong dân
chúng nghe theo họ, rằng sự thành công kinh tế từ lúc đó đến nay đã không thành
nếu đảng Cộng Sản không đổ quân vào đàn áp những người biểu tình.
Nhưng cũng như ở bất cứ một xã hội nào, không phải tất
cả viên chức nhà nước hay đảng viên đảng Cộng Sản nào cũng đều bất nhẫn và vô
nhân đạo cả. Đã có một số nghĩ là sự đối xử với ông Lưu thật đáng hổ thẹn.
Nhưng hầu hết coi đó là một sự tàn nhẫn cần thiết. Họ thực sự tin là rối loạn
chính trị hay ngay cả nội chiến sẽ là kết quả của một cố gắng mới thúc đẩy cho
dân chủ và sẽ dẫn đến vô vàn khổ sở cho nhiều trăm triệu người. So sánh với việc
đó, họ hỏi, sự đau khổ của một cá nhân cứng cổ có đáng gì không?
Hiểu cái logic độc đài tàn nhẫn đằng sau sự đối xử của
Bắc Kinh đối với ông Lưu không phải là biện minh cho chúng hay bênh vực chúng.
Nhưng, như một nhà báo hiện đang làm việc ở Bắc Kinh kêu gọi, điều quan trọng
là những người bên ngoài Hoa lục hiểu, đặc biệt là khi Trung Quốc đang ngày
càng nổi lên và tích cực hoạt động trên trường quốc tế.
Ông Lưu có một giải thích cho thái độ của nhà cầm
quyền. Hồi năm 2006, ông nói: “Mặc dầu chế độ của thời đại hậu Mao vẫn còn là một
chế độ độc tài, nó không còn cuồng tín mà là một thứ độc tài duy lý vốn ngày
càng giỏi trong việc tính toán quyền lợi của mình.”
Trong việc tính toán những quyền lợi đó, chế độ quyết
định là biến ông Lưu thành một thánh tử đạo an toàn hơn là cho phép những ý tưởng
của ông phổ biến không ngăn chặn.
Phải nói là trong ngắn hạn, kết luận đó của họ có
lý. Chính vì cố gắng của đảng Cộng Sản, đại đa số người Trung Hoa chưa bao giờ
nghe nói đến ông Lưu, và một số những người có nghe nói đến ông thì chỉ nghĩ
ông là một người ưa gây chuyện quấy rối. Một số đã tỏ vẻ ngạc nhiên khi dân
chúng Hồng Kông tổ chức các cuộc đốt nến tưởng niệm ông Lưu.
Cái chết của ông không tạo nên một cuộc cách mạng.
Và dĩ nhiên, không có ai ở Hoa Lục dám chỉ ra sự
thành công của Đài Loan, một đảo quốc cũng của người Hoa nhưng đã tạo cho mình
một nền dân chủ vững mạnh và vẫn là một cường quốc kinh tế. Sự chuyển đổi từ chế
độ độc tài ở Đài Loan không dẫn đến xáo trộn như nhà cầm quyền ở Bắc Kinh vẫn
lý luận.
Và nếu họ bảo là Đài Loan quá nhỏ, không thể so sánh
với Hoa Lục. Thế Indonesia thì sao? Một quốc gia đa dạng, rộng lớn, đông dân,
đã chuyển đổi thành công từ một chế độ độc tài quân phiệt sang một nền dân chủ
với kinh tế ngày càng phát triển.
Và sự tính toán của đảng Cộng Sản về lâu về dài sẽ bị
chứng minh là sai. Qua việc cố tình bác bỏ sự dân chủ hóa tiệm tiến từ trên xuống,
họ đã gia tăng triển vọng của một sự bùng nổ từ dưới lên bác bỏ chế độ độc tài.
Nếu và khi nào ngày đó đến, những người biểu tình xuống
đường đòi tự do dân chủ hẳn sẽ nhớ đến ông Lưu và nụ cười hiền hòa của ông. Và
họ sẽ nhớ đến những lời ông viết ra nhưng bị cấm không được đọc ở vụ xử mà mỉa
mai thay xảy ra đúng ngày Giáng Sinh năm 2009 “Không có một thế lực nào có thể
chấm dứt sự ao ước tự do của con người, và Trung Quốc rồi cũng sẽ có ngày trở
thành một quốc gia pháp luật cai trị, nơi nhân quyền chế ngự.”
No comments:
Post a Comment