Thursday, July 27, 2017

BẢN TIN NGÀY 27/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Về thông tin Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công quần đảo Trường Sa nếu VN không rút khỏi bãi Tư Chính, báo Sputnik tiếng Anh đưa tin, Bắc Kinh xác nhận đã gây áp lực lên Hà Nội để dừng khoan dầu ở Biển Đông.

Bài viết không nói phía Trung Quốc đã xác nhận như thế nào, chỉ đưa tin ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ, đã không trả lời trực tiếp câu hỏi, có đe dọa VN hay không, của các phóng viên nước ngoài, mà trả lời rằng: “Trung Quốc thúc giục bên liên quan dừng các hoạt động vi phạm đơn phương và có hành động thiết thực bảo vệ cho tình hình tích cực phải khó khăn mới có được ở Biển Đông”. Né tránh trả lời trực tiếp câu hỏi đó, Sputnik cho rằng Bắc Kinh đã xác nhận chuyện đe dọa.

Bài trên blog VOA: Đối tác chiến lược Tây Ban Nha đâu rồi?Tác giả Phạm Chí Dũng cho rằng, mặc dù chính phủ VN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với cả chục nước, nhưng hiện tại Việt Nam quá đơn độc trên trường quốc tế.

Ông Dũng viết: “Tâm thế ‘giương cờ trắng’ quá dễ và quá nhanh vào lúc Trung Quốc mới chỉ tung một đòn phủ đầu tâm lý là một bằng chứng không thể rõ hơn: Bộ Chính trị Hà Nội đã trở nên yếu ớt đến mức bị ‘người đồng chí 4 tốt’ o ép theo cách có muốn kiếm tiền ngay trong vùng hải phận của mình cũng không còn được“.

Bài trên VOA: Ngừng khoan dầu: Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa như thế nào? “Các chuyên gia về biển Đông cho rằng lối đe dọa này của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ khi Bắc Kinh dọa dùng vũ lực, và trong bối cảnh đó Việt Nam phải nhượng bộ để có thời gian thay đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc“. Mời đọc thêm: Biển Đông: Làm rõ tin ‘VN phải dừng khoan’ (BBC).

Báo Pháp Luật: “Đồng minh Việt Nam nên sớm cắt đứt quan hệ với Ấn Độ“. Bài báo đưa tin quan trọng, nhưng không thấy báo trong nước đăng, chỉ thấy báo Pháp Luật đăng bài này. Cứ tưởng đây là báo của “thế lực thù địch”, tung tin thất thiệt, nhưng thấy tờ báo ghi, “cơ quan chủ quản: Sở Tư Pháp Thành phố Hà Nội“.

Trong bài có dẫn nguồn tin Tân Hoa xã, nhưng kiểm tra bài trên THX, trang tiếng Anh thì không thấy. Hay là Pháp Luật lấy nguồn từ THX tiếng Hoa? Trích: “Tân Hoa Xã đặc biệt nhấn mạnh đến Việt Nam. Họ xuyên tạc, cho rằng Ấn Độ luôn đưa ra những điều kiện có lợi cho phía Việt Nam, ủng hộ cũng như hỗ trợ nhiều mặt về kinh tế, quốc phòng và luận điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông… Phía Tân Hoa Xã tỏ ra lo sợ, nếu chiến tranh xảy ra thì Việt Nam chính là một trong những mối nguy hiểm khó nói trước“.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Ấn Đội hồi năm ngoái. Nguồn: internet

Cũng chuyện Biển Đông, mặc dù bị Philippines tố Trung Quốc cải tạo ba đảo nhân tạo ở Biển Đông, thế nhưng với Bắc Kinh: Biển Đông “đang tiến tới ổn định”. Dẫn tin từ Kyodo News, BBC cho biết, Ngoại trưởng TQ, ông Vương Nghị đã nói tại cuộc họp báo ở Manila rằng, đang có những cải thiện đáng kể ở Biển Đông, và rằng: “Điều này chứng tỏ cho thế giới thấy Trung Quốc và các nước ASEAN hoàn toàn có khả năng và trí tuệ để giải quyết các mâu thuẫn giữa các bên và giữ gìn sự ổn định ở Biển Đông“.


Quân đội ăn kinh thế!
Dịch giả Song Phan có bài dịch từ trang Shephard: Hoa Kỳ có thể đặt một chân ở cánh cửa của Việt Nam? Bài viết tiết lộ thông tin động trời, các quan chức quốc phòng VN “làm kinh tế” bằng cách đòi Mỹ lại quả 25% các hợp đồng mua vũ khí của Mỹ!

Trích: “Khi tham dự IMDEX (Triển lãm Hàng hải Quốc phòng châu Á) ở Singapore hồi tháng 5, nguồn tin của một quan chức cao cấp ngành công nghiệp quốc phòng nói với Shephard rằng, cuộc họp gần đây ở Hà Nội đã kết thúc đột ngột sau khi các quan chức Bộ Quốc phòng báo với phái đoàn Hoa Kỳ rằng vụ mua bán vũ khí sẽ phải có ‘25% lại quả’. Một nguồn tin trung gian khác ở Singapore cũng cho biết các quan chức chính phủ Việt Nam đang rửa tiền tại Singapore qua các bà vợ của họ“.

Nếu thông tin trong bài báo là đúng sự thật, có thể biết vì sao Việt Nam lại ưu tiên chọn mua vũ khí từ “lái súng” Nga. Những hợp đồng béo bở, mua sắm vũ khí hiện đại, đã làm hao tốn ngân sách quốc gia rất nhiều, nhưng không phải để giúp cho quân đội Việt Nam mạnh hơn mà là để túi của các quan chức quân đội to ra, khối tài sản của các ông nhiều hơn.

Cũng chuyện “quân đội làm kinh tế” đã tạo ra vụ bê bối kéo dài suốt mấy tháng qua ở Đồng Tâm. Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang có bài: Biến cố Đồng Tâm: Hãy giữ đúng cam kết đối ngoại! Tác giả nhận định rằng, ban đầu có sự lên tiếng từ phía Mỹ về vụ Đồng Tâm, nên chính quyền đã không sử dụng vũ lực với để giải quyết vụ xung đột này.

Ông Quang viết, “một cường quốc rất quan trọng với Việt Nam đã dùng ảnh hưởng của họ khéo léo và tế nhị tác động qua con đường ngoại giao nhằm tìm cách tháo ngòi nổ, tránh cho bạo lực không xảy ra đối với người dân Đồng Tâm“.

Theo ông Quang, sự kiện Đồng Tâm được sử dụng như một giải pháp đối ngoại, và sau chuyến thăm Mỹ và Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì chính quyền đã không cần dùng luật pháp để giải quyết vấn đề như đã cam kết. Và rằng, “Thanh tra Hà Nội vẫn giữ nguyên kết luận như vậy, điều đó nói lên một thực tế phũ phàng là chẳng có ai làm xói mòn lợi ích đất nước và làm mất thể diện quốc gia như mấy ông bà ở Thanh tra Tp. Hà Nội“.

Tài nguyên môi trường
Báo Tin nhanh Chứng khoán đưa tin: Chuẩn bị đưa Nhà máy Alumin Nhân Cơ vào vận hành thương mại, theo đó, mặc dù máy đang trong giai đoạn chạy thử nhưng Công ty Nhôm Đắk Nông thuộc Tập đoàn TKV cho biết, “sản phẩm alumin và hydrat đạt chất lượng để xuất khẩu”. Và từ nay đến cuối năm 2017, tập đoàn TKV sẽ đưa Nhà máy Alumin Nhân Cơ vào vận hành thương mại với sản lượng alumin (quy đổi) là 350.000 tấn.

Trên trang blog của nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên có đăng bài: Chết vì ngu và tham, của tác giả Tô Văn Trường, viết về hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang gặp bế tắc và thua lỗ kéo dài.

Tác giả cho biết, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo của các chuyên gia là chưa nên đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu, nhưng “lãnh đạo cấp cao chỉ đạo phải đảm bảo tự chủ an ninh năng lượng, lỗ cũng phải làm!”. Và lý do để các nhóm lợi ích lao đầu vào là “nếu không bỏ ra hàng núi tiền để đầu tư bất chấp rủi ro thì lấy đâu ra tiền bỏ vào cái ‘túi tham nhũng không đáy’!

Hậu quả là bây giờ là tiền thuế của dân vẫn được dùng để duy trì sự thoi thóp của hai nhà máy trên.

Cũng về dầu khí, báo Tầm Nhìn hôm 24/7 có bài: Tập đoàn dầu khí Việt Nam: Hết “con” rồi đến “cháu” “què cụt”. Theo đó, hàng loạt công ty con thua lỗ khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải “treo” hơn 4.000 tỷ đồng.

Còn Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS) là một trong những “con cưng” của PVN, lại tạo ra một “đứa cháu què cụt” cho PVN. Đó là Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung. Công ty này sau đó sản xuất bị thua lỗ, sản phẩm tiêu thụ chậm, công ty buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động nhà máy Bio Ethanol Dung Quất – Quảng Ngãi năm 2016.

Trên báo Thanh Niên có đăng ý kiến của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch – Đầu tư, nhận xét, với các dự án lọc hóa dầu như Dung Quất – Quảng Ngãi hay Nghi Sơn – Thanh Hóa thì dù PVN có nguy cơ bù lỗ 2 tỉ USD: Không thể rút ruột ngân sách Ông Hồ cũng cho rằng, “Đây là sai lầm về tính toán khi không dự báo được nhu cầu, phát triển của thị trường đã đi khác xa thời điểm đầu tư dự án”.

Báo Tiền Phong có bài: PVN nói gì về “nhiệt điện Sông Hậu dùng thiết bị Trung Quốc”? Mặc dù khẳng định gói thầu M05 tại Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 chỉ dùng các thiết bị của EU/G7 và chỉ có một số thiết bị phụ được cung cấp từ Việt Nam, Hàn Quốc, nhưng đang có những nghi ngờ dự án này đã sử dụng một số vật tư thiết bị từ Trung Quốc.

Vụ Vĩnh Tân 1
VOA có bài: Một trung tâm dọa kiện Bộ TN-MT về giấy phép đổ bùn. Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hủy giấy phép, không cho Vĩnh Tân 1 đổ chất thải ở biển Bình Thuận. Nếu không, trung tâm này sẽ kiện Bộ TNMT.


Kỷ niệm cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược
Truyền hình Thông tấn có clip kể về những người lính năm xưa trở về thăm lại vùng Thanh Thủy, Vị Xuyên, nơi diễn ra những trận chiến đẫm máu với quân Trung Quốc xâm lược:

Họ đều là anh em một nhà
Nhà báo Hằng Thanh phát hiện, Đài truyền hình Việt Nam phát hình ảnh những người lính VNCH và lính quân giải phóng lồng với nhau, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7. Bà Hằng Thanh bình luận trên trang Facebook của mình: “Tinh thần hòa giải dân tộc của VTV rất đáng ngưỡng mộ! Ahihi“.

Hình ảnh cắt từ đài THVN. Ảnh: Hằng Thanh

Lính VNCH tịch thu cờ Cộng Sản. Ảnh: internet

Ông Đinh Thế Huynh đang ở đâu?
Lâu rồi không thấy ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, xuất hiện trước công chúng. Nhà báo Huy Đức nhắc lại, từ Hội nghị Trung ương 5 hồi tháng 5-2017 cho tới nay, ông Đinh Thế Huynh  “chưa một lần xuất hiện trước công chúng cũng như trước các hoạt động của Đảng. Ông cũng không tiếp xúc cử tri hay tham gia kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Chưa ai thấy ông trở lại làm việc sau một thời gian khá dài chữa bệnh ở Nhật và an dưỡng ở Phú Quốc”.

Đây là hai bài báo gần nhất, đăng ngày 5/5/2017 ghi nhận sự có mặt của ông Đinh Thế Huynh: Hội nghị Trung ương 5: Câu hỏi lớn của Tổng Bí thư (ĐV). – Thông cáo báo chí về ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (ND). Từ đó tới nay, chưa thấy các phương tiện truyền thông “lề phải” đưa tin về ông Huynh.

Nhà báo Huy Đức bình luận thêm: “Vì ông Đinh Thế Huynh là người đứng thứ 5 trong số những người có ảnh hưởng nhất đến các quyết sách quốc gia nên công chúng có quyền biết tình hình sức khỏe và năng lực ra các quyết định của ông. Ban bí thư nên có một thông báo về sự vắng mặt của ông Huynh. Sức khỏe của lãnh đạo không phải là bí mật quốc gia. Cần tạo ra tiền lệ công khai trước dân, trước Đảng.

Sức khỏe của các lãnh đạo cao cấp của chế độ luôn được đảng giấu giếm như “bí mật quốc gia”, gây ra nhiều đồn đoán, tạo điều kiện cho các tin đồn sinh sôi, nảy nở, để báo QĐND có việc làm là “chống diễn biến hòa bình”, đánh các “thế lực thù địch”. Như gần đây nhất là trường hợp của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh hay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Hậu phiên tòa xử nhà hoạt động Trần Thị Nga
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có bài “Hèn với giặc, ác với dân” kể chuyện chính quyền huy động một lực lượng hùng hậu đối phó với những người ủng hộ bà Nga đi dự phiên tòa công khai: “dùng đến một lực lượng trấn áp hùng hậu với trên 50 công an sắc phục, 50 cảnh sát cơ động, gần trăm an ninh chìm và hàng chục xe công vụ chuyên dụng bao gồm xe phá sóng, xe trật tự, xe cứu hỏa, xe bít bùng…

Trong khi đó thì “Không biết nhà cầm quyền sử dụng lực lượng như thế nào để đối đầu với Tàu cộng ở ngoài khơi Vũng Tàu mà chỉ nghe chúng nó hù một tiếng đã cụp đuôi ngưng hết các hoạt động thăm dò dầu khí đã ký kết với công ty nước ngoài ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Luật sư Luân Lê có bài viết “Khi nào phiên tòa thất bại”. Theo ông, “bất cứ ai không được kết tội hợp pháp, thì mọi bản án đều là sự thua cuộc. Và việc nhà nước muốn kết tội một người đang chống lại mình mà với tất cả quyền lực hùng hậu, nhân lực, phương tiện hữu dụng, mà còn không thể kết tội họ bằng một chu trình hợp pháp thông qua những chứng cứ hợp pháp và hữu lý, thì nó là sự thật bại của một nền tư pháp và sự bế tắc của quyền lực nhà nước.

Hôm qua, có thông điệp của Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam về việc kết án bà Trần Thị Nga (blogger Thúy Nga). Thông điệp cho biết, việc kết án 9 năm tù đối với bà Trần Thị Nga mâu thuẫn với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký.

Thông báo có đoạn: “Quyết định của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU cũng như của các đại sứ quán các nước thành viên EU quan sát phiên xét xử đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch của quá trình xét xử“.

Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius cũng ra thông cáo: “Tôi quan ngại sâu sắc về việc một tòa án của Việt Nam đã kết án nhà hoạt động ôn hòa Trần Thị Nga 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với sự buộc tội mơ hồ về ‘tuyên truyền chống nhà nước”.
Tất cả mọi người có quyền tự do cơ bản về biểu đạt, lập hội và tụ họp ôn hòa. Chúng tôi đã chứng kiến một số bước tích cực về nhân quyền tại Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, kết án và những bản án hà khắc đối với những nhà hoạt động ôn hòa kể từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại.
Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Trần Thị Nga và tất cả các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.
Chúng tôi cũng thúc giục chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng các hành động và đạo luật của họ, trong đó có Bộ luật Hình sự, nhất quán với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp của Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.

“Khai tử” vào ngày 27/7
Vụ bắt người chết chờ khai tử, trước phản ứng đầy phẫn nộ của dư luận, Chủ tịch quận Đống Đa đã ký quyết định đình chỉ chức vụ Phó chủ tịch phường Văn Miếu. Theo đó, “Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào đã ký quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa kể từ ngày 27/7 đến hết ngày 29/7…”.

BBáo VTC có bài: Đòi ăn của cả người chết thì khác gì muông thú. Bài viết cho rằng, “cái cách kiếm ăn theo kiểu đòi ăn của cả người chết, hay ăn chết xác chết người khác như những trường hợp trên thì chỉ có thể là loài muông thú.”

LS Lê Văn Luân bình luận: “Một cái giấy chứng tử của người chết mà nó còn không buông tha để kiếm chác vài trăm nghìn. Những cán bộ trẻ đầy đủ phẩm chất và kiên trung lập trường mới được bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng viên chức. Thế mà chẳng còn chút tính người nào trong tâm hồn những loại như thế. Bảo sao xã hội rơi vào tay những kẻ như vậy nó không hủy hoại con người và phá nát xã hội“.

Đánh chìm tầu sân bay Mỹ, bó tay Tàu ngang ngược
Bị thằng Tàu ăn hiếp ngoài Biển Đông mà không làm gì được, nên báo Viettimes đăng bài viết về cái thời hơn 50 năm trước, để “tự sướng”: Đặc công Việt Nam đánh chìm tàu sân bay Mỹ ra sao?

Bài viết kể về hai đặc công Việt Nam bơi về phía tàu Card của Mỹ và gắn bom vào tàu. Sau khi hẹn giờ, hai đặc công nhanh chóng bỏ đi, đến 3h sáng, quả bom phát nổ khiến 5 thủy thủ trên tàu Card thiệt mạng. “Vụ nổ cũng làm khoang động cơ thủng một lỗ lớn và con tàu đầy tự hào từng sống sót qua các cuộc tấn công của Đức bị nhấn chìm.

Phải chi bây giờ có được mấy tay đặc công như thế để ra đánh bom tàu của “bọn lạ”, chúng đang làm mưa làm gió trên vùng lãnh hải của VN! Hải quân Việt Nam hiện có tới 6 tàu ngầm Kilo, được cho là tối tân, hiện đại nhất, thế mà không bảo vệ được công ty nước ngoài khi họ khai thác dầu thuộc chủ quyền của mình, đã ‘bất lực, hèn nhát’ lại còn tự hào quá khứ năm xưa?

Tài xế chửi mắng, hành hung du khách nước ngoài ở Nha Trang
Facebooker người Đài Loan, tên Ciline Lin chia sẻ clip sau đây:


Cô Ciline Lin cho biết: “Tôi đang ở Việt Nam. Tôi mua vé xe từ Hà Nội đến [TP] Hồ Chí Minh. Câu chuyện xảy ra ở Nha Trang. Chúng tôi chuyển tiếp ở đây. Vé mà chúng tôi mua đã không ghi số chỗ. Các cô gái chỉ muốn những chỗ hai bên bởi vì họ không cảm thấy thoải mái trên chuyến xe vừa rồi. Và họ đã cố gắng giải thích”.
“Nhưng người của công ty xe khách’Queen Cafe Open’, đã đe doạ họ và bất cứ ai không nghe theo lệnh của anh ta. Anh ta ném túi đồ của cô gái ra khỏi cửa hai lần. Và yêu cầu họ rời khỏi xe, thậm chí còn túm lấy cô gái. Điều tồi tệ nhất là một nhân viên khác trên xe buýt dường như say rượu, có vẻ như anh ta đã sử dụng cần sa. Chúng tôi là những người thuộc hạng thứ cấp ở đây. Và tôi sẽ không bao giờ đến đây nữa. Trong suốt chuyến đi, tôi không có cảm giác an toàn“.

Vụ phân bón “made in USA” sản xuất tại Đồng Nai
Báo Đầu Tư: Công ty Thuận Phong gửi “Đơn giải trình và nhận khuyết điểm” tới Thủ tướng. “Trong khi Bộ Công an cho rằng, không đủ căn cứ khởi tố về tội sản xuất phân bón giả, thì Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng lại khẳng định, Thuận Phong sản xuất hàng giả, nên phải khởi tố hình sự“.

Nhà báo Bạch Hoàn có bài: Chính nghĩa có thắng gian tà? Tác giả lập luận, “nông dân là đối tượng bị thiệt hại từ hành vi gian dối chất lượng, hành vi ăn cướp mồ hôi nước mắt của người nông dân, thì tuyệt nhiên Công ty Thuận Phong không có bất kỳ một lời nhận tội nào. Họ nhận lỗi với Chính phủ, thì ai nhận tội với nông dân? Nếu Chính phủ thực sự sát cánh vì dân, không còn cách nào khác là phải khởi tố vụ án hình sự về hành vi sản xuất, kinh doanh phân nón giả, hành vi vu khống, bịa đặt“.


Tin quốc tế

Quan hệ Mỹ – Nga
Sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ đồng thuận về dự luật trừng phạt Nga vì nhúng tay vào cuộc bầu cử của Mỹ hồi năm ngoái, Moscow dọa hạ quan hệ, trả đũa dự luật chế tài của Mỹ. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt Nga hôm thứ Ba 25/7 với 419 phiếu thuận 3 phiếu chống.

Tổng thống Mỹ có thể phủ quyết dự luật này, nhưng làm như thế, ông Trump tự chuốc lấy thêm rủi ro, vì ông đang bị điều tra về sự thông đồng với người Nga để giúp ông thắng cử.

VOA có bài: Bài diễn văn của Tổng thống Trump gây ‘bão’ chỉ trích. Bài viết nói về bài diễn văn TT Mỹ đọc ở West Virginia hồi đầu tuần này, trước các em hướng đạo sinh, tuổi từ 12-18, nhưng Trump tưởng mình đang nói tại các buổi vận động tranh cử của ông ta, khi đưa ra những lời lẽ công kích đảng phái và nhạo báng ‘truyền thông giả’, đã nhận sự chỉ trích tràn ngập trên mạng.

Mời nghe clip TT Trump đọc bài diễn văn: https://www.youtube.com/watch?v=QwoTegi72WI

Ông Jim Schakenbach, trưởng của hướng đạo sinh, viết: “Tôi là một người Mỹ bị xúc phạm và bức xúc trước những lời lẽ theo kiểu vận động tranh cử không thích hợp của ông Trump ngày hôm qua. Không hề có một câu chữ nào khuyến khích hay động viên, không hề kêu gọi phát huy vai trò lãnh đạo hay phục vụ cộng đồng“.

Căn cứ của Trung Quốc ở châu Phi
VOA đưa tin: Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ quân sự kiên cố của Trung Quốc ở nước ngoài. “Bộ Quốc phòng Trung Quốc quảng bá rằng căn cứ này là một cách để Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực bằng cách cung cấp phương tiện thực hiện các hoạt động chống hải tặc và hỗ trợ nhân đạo“.

Ảnh chụp căn cứ TQ ở châu Phi. Nguồn: Stratfor

Chính trường Trung Quốc
RFI: Trung Quốc: Tập Cận Bình ra tay “đả hổ” trước Đại hội Đảng. Bài nói về sự kiện bí thư thành ủy Trùng Khánh, ông Tôn Chính Tài bị Tập Cận Bình “đả hổ” vì thất sủng.
Trích: “Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài như vậy sẽ bị gạt ra khỏi cơ quan quyền lực này. Là bộ trưởng Nông Nghiệp năm 2006 rồi chủ tịch tỉnh Cát Lâm (Jilin) năm 2009, ông được đôn lên làm bí thư thành ủy Trùng Khánh năm 2012. Người tiền nhiệm Bạc Hy Lai, đối thủ tiềm năng của ông Tập sau một vụ xì-căng-đan lớn đã phải ra tòa lãnh án chung thân“.

Trung – Triều – Mỹ
Tin từ VOA: Mỹ sắp chế tài thêm Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên. Bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á, cho biết: “Chúng tôi đang làm việc để đưa ra một danh sách mới gồm các tổ chức mà chúng tôi thấy có vi phạm. Mọi việc sẽ sớm được thực thi”.

RFI có bài: Quân đội Trung Quốc chuẩn bị đối phó khủng hoảng với Bắc Triều Tiên. “Quân đội Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra khủng hoảng với Bắc Triều Tiên, bằng cách củng cố phòng thủ dọc theo đường biên giới dài 1400 km với nước láng giềng khép kín này. Bắc Kinh phải trong tư thế sẵn sàng như vậy trong bối cảnh tổng thống Donald Trump liên tục cảnh cáo là Hoa Kỳ không loại trừ hành động quân sự để ngăn chận chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng“.

Cũng tin từ RFI, cho biết: Mỹ: Có tiến bộ trong đàm phán với Trung Quốc về trừng phạt Bình Nhưỡng. Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, hôm 25/07/2017, cho biết: “Tôi nghĩ việc đàm phán đã đạt được tiến triển mới. Tiến độ công việc không được nhanh như tôi mong muốn, nhưng đây là lệnh trừng phạt rất nghiêm khắc và tôi nghĩ mọi người đang đàm phán một cách rất cẩn trọng”.

Cũng tin Bắc Hàn, VOA đưa tin: Bắc Hàn thăm Manila trước hội nghị an ninh khu vực. Không rõ lý do cuộc viếng thăm, nhưng VOA cho biết: “Hai nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Bắc Triều Tiên lo ngại rằng ASEAN có ra tuyên bố mạnh mẽ về tình hình trên bán đảo Triều Tiên nhằm gây sức ép đòi Bình Nhưỡng từ bỏ các cuộc thử nghiệm tên lửa“.

Ủy ban châu Âu trừng phạt Ba Lan
RFI: Uỷ Ban Châu Âu sẵn sàng khởi động thủ tục trừng phạt Ba Lan. Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết, Ủy ban này sẽ trừng phạt Ba Lan nặng nề nhất, nếu Warsaw cách chức các thẩm phán Tòa án Tối cao của nước này.

*
*
Bài Mới Nhất





No comments:

Post a Comment