Tuesday, July 11, 2017

BẢN TIN NGÀY 11/7/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tình hình biển Đông
Về lệnh cấm đánh cá ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc cho là của họ, sẽ hết hạn ngày 16/8, trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á – AMTI, một think tank của Mỹ, thuộc CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế), đưa ra báo cáo, nói rằng, cần phải theo dõi thật kỹ lệnh cấm này, vì Trung Quốc thường hành xử thô bạo khi đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá lên các nước.

Báo cáo cũng có liệt kê hai vụ đụng độ giữa Trung Quốc với ngư dân Việt Nam hồi tháng 6, trên quần đảo Hoàng Sa: “Ngày 15/6/2917, các viên chức TQ leo lên tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, hủy hoại ngư cụ, gây thiệt hại hơn 6.000 Mỹ kim“. Và “ngày 18/6/2017, các viên chức mặc đồng phục trên hai tàu nhỏ của Trung Quốc đã leo lên tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam gần đảo Hoàng Sa, đập vỡ ngư cụ và thân tàu, tấn công thuyền trưởng“.

Mời xem clip về vị trí các vụ đụng độ giữa TQ với ngư dân các nước, trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, khi đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá năm nay: https://www.youtube.com/watch?v=FreRuWm5hzQ

Cũng chuyện Biển Đông, theo nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) về Biển Đông, mặc dù Philippines thắng kiện, nhưng việc đòi hỏi TQ tôn trọng phán quyết là không dễ. Theo ông, phán quyết của tòa cũng là luật, nó là một bộ phận của Công ước LHQ về Luật Biển 1982, áp dụng cho Biển Đông mà Trung Quốc nước đã ký kết Công ước về này, nên TQ phải có bổn phận thi hành phán quyết. Tuy nhiên, đòi hỏi TQ tôn trọng luật pháp và hành xử theo luật pháp Quốc tế là điều quá khó.

Về chuyện VN tranh chấp với TQ ở quần đảo Hoàng Sa, ông Tuấn cho rằng, VN im lặng trước những hành vi của TQ gần đây ở đảo Tri Tôn, là dấu hiệu cho thấy Việt Nam quyết định từ bỏ Hoàng Sa cho Trung Quốc.

Trên trang Viet-studies, tác giả Nguyễn Quang Dy có bài phân tích nêu bật ưu thế của quân cảng Cam Ranh. Theo tác giả, mặc dù Việt Nam theo đuổi chính sách “3 không” (không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài và không liên minh với một nước này để chống lại một nước kia), nhưng việc cho tàu chiến Mỹ cập cảng thường xuyên hơn trong bối cảnh Việt Nam tăng cường liên minh với Mỹ và Nhật, thì sự linh hoạt trong chính sách này sẽ có thay đổi theo hướng răn đe Trung Quốc và giúp chính phủ CSVN “cứng rắn và tự tin” hơn.

Thảm họa Formosa – Hà Tĩnh
Nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh có bài viết, tố cáo chính quyền Nghệ An và Hà Tĩnh, chẳng những không quan tâm tới những thiệt hại mà ngư dân phải gánh chịu, mà luôn tìm cách trấn áp và dập tắt những tiếng nói ôn hòa, lên tiếng bảo vệ ngư dân.

Và thay vì phải khởi tố công ty gây ra thảm họa môi trường là Formosa, chính quyền lại khởi tố chính người dân của mình. Ông Vinh viết: “chỉ sau đó một thời gian ngắn, nhà cầm quyền đã khởi tố và ra lệnh bắt Bạch Hồng Quyền – một người mà lẽ ra phải nhận được lời cảm ơn từ họ. Bởi chính anh ta và những người bạn đã giúp những người dân nơi đây đòi hỏi quyền lợi cho chính dân mình, mà đây chính là trách nhiệm của những người được nuôi bằng tiền của người dân nơi đây“.

Người dân miền Trung biểu tình phản đối Formosa. Nguồn: internet

Theo ông Vinh, tại Hà Tĩnh không chỉ những ngư dân chịu mất nghề, những người sống bằng nghề chế biến, buôn bán hải, thủy sản là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. “Hàng chục tỷ tiền hàng trong kho không thể bán, hàng loạt sổ vay nợ ngân hàng không thể có để trả, ngay cả tiền điện giữ kho đông lạnh cả năm trời cũng không biết lấy ở đâu. Và đường sống của họ bị chặn lại“.

Ông kết luận: “Một chính quyền luôn tìm cách đối đầu với người dân là một chính quyền ngu xuẩn và ắt sẽ dẫn tới diệt vong. Bởi khi cả dân tộc hiên ngang bước tới nhà tù, thì đó là ngày tàn của chế độ đi ngược lại lợi ích của đất nước, dân tộc“.

Sự kiện Đồng Tâm
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn có một bài viết tóm lược video clip phát biểu của cụ Lê Đình Kình về sự kiện tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm. Theo diễn giải của cụ Kình, ngoài khu đất 47,36ha dự tính làm sân bay Miếu Môn mà quy hoạch treo đã 37 năm, có mốc giới khá rõ ràng, thì bên cạnh còn có 59ha đất nông nghiệp thuộc xã Đồng Tâm. Và việc chính quyền TP Hà Nội nhập nhèm trong các quyết định thu hồi đất khác với thực tế, đã làm người dân Đồng Tâm phải khiếu kiện kéo dài.

Blogger Trịnh Anh Tuấn cũng có bài Dự thảo Kết luận Thanh tra đưa ra con số sai bét nhè, cho thấy, những số liệu mà Thanh tra Hà Nội đưa ra trong Dự thảo Kết luận Thanh tra ngày 7/7/2017, hoàn toàn sai so với con số mà họ đưa ra trong các văn bản có liên quan trước đó, cũng như số liệu trên thực tế.

Bài viết của ông Nguyễn Đăng Quang, cựu đại tá công an: Cụ Lê Đình Kình là “thế lực thù địch”? Tác giả cho biết, theo lời mời của cụ Lê Đình Kình, ông cùng một số thân hữu đi Đồng Tâm thăm và trò chuyện với cụ và người dân địa phương. Tác giả nhận thấy, những gì mà chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đối xử với cụ Kình, chẳng khác nào họ đối xử với một người bị xếp vào dạng “thế lực thù địch”.

Ông Quang cho biết, trước khi xảy ra sự kiện Đồng Tâm, suốt 2 tháng rưỡi, cụ Kình đã bị chính quyền địa phương sách nhiễu, bằng cách phát tờ rơi đến từng hộ gia đình ở xã Đồng Tâm để “tố cáo bộ mặt thật đối tượng Lê Đình Kình và đồng bọn”. Tờ rơi này còn được đài phát thanh và truyền hình huyện Mỹ Đức đọc đi đọc lại nhiều lần trong ngày, để tuyên truyền sai sự thật tới người dân ở đó.

Sau khi dùng truyền thông để hạ gục cụ Kình nhưng không đạt kết quả, chính quyền đã sử dụng vũ lực. Tác giả viết, “hôm 15/4/2017, khi được cụ dẫn ra thực địa giáp ranh sân bay Miếu Môn để chỉ ranh giới đất tranh chấp, bất thần họ vây quanh rồi xông vào đạp và đá cụ gẫy xương, quẳng cụ lên xe ‘như quẳng một con vật’, sau đó còn dùng còng số 8 khóa quặt 2 tay rồi nhét giẻ vào mồm cụ, và cứ thế xe chạy 50km, đưa cụ về nơi tạm giữ để lấy lời cung“.

Chuyện quan tham
Báo VietNamNet có bài: Tài sản 10 tỷ nhờ nuôi lợn gà: Không ai chấp nhận nổi. Chỉ có các quan chức nuôi lợn, nuôi gà, bán chổi đót… mới kiếm được tiền tỷ, còn dân thường thì, làm nghề này đôi khi không đủ ăn, mà còn phải ăn … cám lợn vì lỗ lã, nợ nần. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói: “Nếu người nào đó giàu lên từ nuôi lợn, nuôi gà thì phải xác nhận cho họ, thậm chí nhân rộng điển hình, đưa gương người tốt việc tốt. Ai lại để họ tồn tại ở góc khuất như vậy”.

Chuyện tham nhũng ở Yên Bái, đúng là vải thưa không che được mắt… cộng đồng mạng, khi họ khui ra một bài báo cũ, cho biết, chính ông Phạm Sỹ Quý đã từng bị bắt trong một vụ đánh bạc hồi năm 2005, khi ông còn là Phó phòng quản lý đất đai, thuộc Sở Địa chính Yên Bái.

Ông Phạm Sỹ Quý, chủ nhân biệt phủ khủng ở Yên Bái, từng bị bắt đánh bạc năm 2005. Ảnh: internet

Bị bắt vì tội đánh bạc năm 2005, nhưng ông Quý chẳng những không bị gì, lại còn được thăng tiến. Gần 11 năm sau, tháng 9/2016, ông lại được ngồi vào cái ghế Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường! Chẳng những được thăng quan, tiến chức, ông còn phát tài, có tiền để xây một biệt phủ xa hoa, trên diện tích đất 13.000 m2.

Hôm qua, khi phóng viên báo Dân Trí hỏi về vụ này, ông Phạm Sỹ Quý trả lời: “Thôi thông cảm cho mình, sự việc đó không trả lời được. Việc liên quan cá nhân”.

Nhà báo Nguyễn Huy Toàn có bức thư gửi ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái, “nể phục” ông Quý, chẳng những vì ông làm giàu bằng mấy cái nghề tay trái như, buôn chổi đót, chè khô, lá chít và… đánh bạc, mà ông bị bắt quả tang vì đánh bạc với số tiền lớn nhưng không ai bị gì, lại còn được thăng chức!

Cũng tấm “gương điển hình” về làm giàu của ông Phạm Sỹ Quý, trong chương trình “Làm giàu không khó”, bản tin chuyển động 24h, BTV đã giới thiệu cuốn sách: “Em phải đến Yên Bái học kinh tế“, tác giả: Dư luận viên, Nhà xuất bản Tuyệt Văn Vời, giới thiệu với độc giả:

Về hình ảnh tòa “lâu đài” nguy nga của một ông quan ở Sơn La, vừa bị phát tán trên mạng, nay đã “đổi chủ”. Ngôi nhà mang phong cách Châu Âu, được đánh giá là ngôi nhà lớn nhất và đẹp nhất Sơn La, được ông Đoàn Văn Toản – Chánh Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Sơn la xác nhận là của ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy Sơn La, nhưng sau đó ông Toản đã “đính chính” với phóng viên rằng ngôi nhà trên không phải của ông Khánh, mà “nhà do người khác đứng chủ”.

Sáng qua, ông Khánh trả lời báo Đời sống Plus, phủ nhận ngôi nhà trên là của ông. “Họ cứ nghĩ là nhà tôi nhưng không phải. Nếu cần tôi sẽ cung cấp sổ đỏ của nhà tôi. Ngôi nhà trên là của em trai tôi”.

Cũng chuyện quan tham, làm giàu bất chính nên cứ phải giấu diếm tài sản, báo PLTP có bài: “Sẽ đến lúc quan tham phải đào hầm chôn tài sản bất minh“. Tác giả viết: “Rồi sẽ đến lúc nào đó tham nhũng ở ta sẽ không thể trắng trợn, bất chấp, phô trương bằng của nổi, bằng biệt phủ được. Có thể rồi tiền tham, lạm được chẳng thể gửi ngân hàng mà phải nhét dưới gầm giường, hay đào hầm chôn trong nhà như đang diễn ra ở Trung Quốc“.

Quân đội làm kinh tế
Chuyện quân đội làm kinh tế, báo Zing có bài Xử lý nghiêm minh sai phạm đất quốc phòng. Bài viết ghi lại cuộc phỏng vấn tướng Nguyễn Chí Vịnh của VTV, trong đó, ông Vịnh đã trả lời nhiều vấn đề liên quan tới đất quốc phòng, như thu hồi đất sân golf, quân đội làm kinh tế… Mời xem clip phỏng vấn: https://www.facebook.com/thoisuvtv/videos/1602285793138382/

Nhiều vấn đề đã được ông Nguyễn Chí Vịnh trả lời khá rõ trong cuộc phỏng vấn, như: “Quân đội không làm kinh tế đơn thuần nhưng quân đội làm kinh tế quốc phòng. Quân đội làm kinh tế khoa học kỹ thuật để phát triển quốc phòng thì sẽ làm và làm mạnh hơn nữa“.

Nhưng vấn đề ở chỗ, trên thực tế là quân đội không chỉ làm kinh tế quốc phòng, mà còn lấn sân sang các hoạt động kinh doanh khác, không liên quan gì tới chuyện “quốc phòng”. Ngoài các hoạt động kinh doanh của Sân golf Tân Sơn Nhất, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, chẳng liên quan gì tới quốc phòng, hãy xem một loạt các doanh nghiệp quốc phòng này đang làm gì, có nghiên cứu khoa học công nghệ cho quốc phòng không, thưa ông Vịnh?

Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook, “đừng lấy còn ngoáo ộp ‘công nghiệp quốc phòng’ – một chức năng rất cần – để biện minh cho việc duy trì các đơn vị thuần túy kinh doanh trong quân đội“, và rằng “Quân đội còn kinh doanh thì VN không thể nào có kinh tế thị trường được“.

Mới đây trong buổi làm việc với Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, mà theo báo cáo “đến năm 2016, doanh thu của Viettel đã đạt 228.000 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 43.200 tỷ đồng“, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch còn khẳng định: “Thành tựu của Viettel là niềm tự hào của đất nước, của Quân đội ta, là minh chứng sinh động cho chủ trương xây dựng, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta“.

Thế nhưng, với anh Đinh Văn Dương – lính đặc công sống sót duy nhất trong vụ máy bay Mi-171 rơi ở Hòa Lạc chỉ mong muốn có một đôi tay để tự ăn uống, vệ sinh cá nhân” mà cũng không có.

Cũng chủ đề quân đội làm kinh tế, tác giả Bùi Quang Vơm có bài: Quân đội là khu vực sạch nhất? Ông Vơm viết: “Nếu ngay cả chỗ mà ông Vịnh cho là sạch nhất, thực ra là ít bẩn nhất, cũng làm cho người ta kinh tởm, thì cái đất nước này, cái đất đã trở thành chỗ nào cũng bẩn sau 80 năm cầm quyền và sau 35 năm ‘sáng suốt đổi mới’ của đảng cộng sản thì cái đảng này có đáng được đem ra cho lịch sử xử tội?

BBC có bài điểm báo về chủ đề này: Các góc nhìn ‘Quân đội VN trong kinh doanh’

Môi trường ô nhiễm – Tài nguyên cạn kiệt
Việc Tổng Công ty Phát điện 3 trình Bộ TNMT phê duyệt cho phép đổ 2,3 triệu tấn bùn thải xuống biển, báo Dân Việt có bài: “Biển đâu phải bãi xả rác mà đổ thêm 2,4 triệu m3 bùn thải?” Bài báo nêu câu hỏi: “Người ta cũng chắc không nghĩ biển ấy là nơi mưu sinh của bao nhiêu ngư dân không phải chỉ bây giờ mà còn là hậu thế của các làng chài hùng mạnh vừa vươn vai trở mình mấy chục năm gần đây?

Và với cách làm cẩu thả, bất chấp tác động xấu đến môi trường sinh thái, thì “Việt Nam sẽ lập kỷ lục xả thải xuống biển” là đương nhiên, không cần phải hỏi. Bài trên báo Thanh Niên cho biết, Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 được phép nhận chìm 918.533 m3 chất thải xuống khu vực biển đã được chọn ở vùng biển Bình Thuận trên diện tích 30 ha. “Với khối lượng và diện tích này, lượng xả thải của Vĩnh Tân 1 bằng của cả thế giới hiện nay“.
Chuyện lạ mà không lạ: Báo chí trong nước đưa tin về các công ty nước ngoài đổ chất thải xuống biển, đã tự kiểm duyệt cụm từ “chất thải“, thay thế bằng cụm từ “vật liệu nạo vét“.

Một bài khác trên báo Thanh Niên, cho biết, việc khai thác khoáng sản titan ở Bình Thuận gây ra nhiều lo ngại. GS-TSKH Đặng Trung Thuận nói: “Nếu cứ khai thác titan tràn lan sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngọt tự nhiên”.

Khai thác titan ở vùng cát đỏ H.Bắc Bình, Bình Thuận. Ảnh: H.Linh/ TN

Cũng chuyện tàn phá môi trường, báo Lao Động có bài: “Hạ Long: Lại nhăm nhe lấp hồ làm dự án bất động sản”. Bài báo cho biết, từ năm 2012, hồ Hòn Một, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long tưởng như đã thoát án “khai tử” khi một liên danh nhà đầu tư xin lấp hồ để làm dự án bất động sản, nhưng có lẽ do vị trí đắc địa nên, hiện nay con hồ này đang đứng trước nguy cơ bị lấp để kinh doanh bất động sản!

Lạ là sau khi xem xét tờ trình của nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn có công văn giao UBND TP. Hạ Long phối hợp với các sở, ngành liên quan “xem xét đề nghị của liên danh các nhà đầu tư trên, đồng thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh đảm bảo không gian kiến trúc, cảnh quan chung khu vực, ý kiến đồng thuận của nhân dân khu vực…” Thế nhưng, đại diện các hộ dân tại khu vực cho biết, “chưa thấy các cấp chính quyền, sở, ngành lấy ý kiến của người dân ở đây, nhưng về cơ bản, tất cả sẽ không đồng ý với chủ trương lấp hồ, bán đất“.

Báo Một Thế Giới có bài điều tra về nan khai thác cát tặc đang hoành hành tại miền Tây, sau khi chính phủ có những chỉ đạo hạn chế việc này. Thế nhưng, những ai theo dõi những việc này ở miền Tây sẽ thấy, việc khai thác cát lậu không đáng là bao so với việc khai thác hợp pháp, được chính quyền bảo kê. Chính việc cho phép khai thác ồ ạt diễn ra trong nhiều năm mới dẫn đến hiện tượng sạt lở khủng khiếp như thời gian qua.

Chuyện Thủ tướng đi Đức
BBC có bài: Bàn luận về cách Thủ tướng Phúc được đón tiếp ở Đức. Bài viết nêu lý do, vì sao có sự khác nhau trong cách đưa tin giữ truyền thông chính thống Việt Nam và báo chí tiếng Việt ở hải ngoại, cũng như có sự không thống nhất giữa các báo tiếng Việt ở Đức, về chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Đức, dự G20.

Theo ông Lê Trung Khoa, TBT tờ Thời Báo của Đức, tờ báo là tâm điểm trong cuộc chiến của các tờ báo “lề phải”, cho biết, chuyện Thủ tướng Đức tiếp Thủ tướng Phúc chỉ là tiếp “bên lề”, không phải là cuộc đón tiếp chính thức, vì không có trong lịch tiếp.

Ông nói: “Bởi vì rõ ràng là sang thăm Đức, nếu người ta mời mình sang thăm Đức như các báo trong nước (Việt Nam) có ghi, thì khi mời sang, thì anh là chủ nhà, anh phải tiếp người ta, mà tiếp ở đâu? Phải tiếp ở ngôi nhà của anh, đó là Phủ Thủ tướng, đấy là một chương trình phải rất rõ ràng. Thế nhưng toàn bộ lịch tiếp khách của bà Angela Merkel không hề có ghi tên có đoàn có ông là Nguyễn Xuân Phúc, mà sau đó chỉ ghi là Chủ tịch Trung Quốc, rồi Thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore) và những quan chức khác“.

Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế lần thứ 2
Một bài phỏng vấn của cô Nguyễn Hoàng Mai, cho biết, doanh nhân nổi tiếng Trịnh Vĩnh Bình ở Hòa Lan đang kiện chính quyền Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế lần thứ 2. Được biết, cuối thập niên 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình đã mang 4 triệu Mỹ kim về VN làm ăn, nhưng ông đã bị chính quyền CSVN chiếm đoạt hết tài sản và tống vào tù với bản án 11 năm.

Sau đó ông trốn thoát và khởi kiện chính quyền VN ra Tòa án Trọng tài Quốc tế. Khi thấy có nguy cơ thua kiện, chính quyền đã thương lượng bồi thường cho ông 15 triệu Mỹ kim và trả lại tài sản cho ông, để ông bãi nại. Ông Bình đã nhận được số tiền bồi thường, nhưng vẫn chưa nhận được tài sản, nên bây giờ ông kiện tiếp.

RFA có bài: Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện nhà nước Việt Nam. Ông Bình cho biết: “Khi mà ký thỏa thuận ở Singapore thì chính phủ Việt Nam hứa trả lại toàn bộ tài sản. Nhưng sau 7 năm trời chính phủ Việt Nam không trả, dù một tài sản nhỏ cũng không trả. Tôi đọc trong một hồ sơ tôi thấy có những điểm rất là tệ. Khi họ đến công ty tôi thì họ ập vào phòng riêng của tôi. Trong đó có mấy cái két sắt, trong đó tôi giữ những đồ cổ do tàu Âu châu chở đồ sành sứ của Trung quốc bị chìm ở hòn Cao, đồ sành sứ do tàu chìm, trong đó họ lấy đi 394 món của tôi.”

Tìm mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất
Chuyện tìm mộ liệt sĩ chôn tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất, hoan hô báo VTC đã không đục bỏ chữ “LẦM ĐƯỜNG”trong bức ảnh mà báo Tuổi Trẻ đã kiểm duyệt trước đây. Tờ báo này dẫn lời ông Vũ Chí Thành, từng là trung đội phó trung đội đại liên, tiểu đoàn 16, cho biết, có không dưới 1.000 chiến sĩ đã chết trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất hồi Tết Mậu Thân 1968.

Hiện nay, Bộ tư lệnh TP và các các đơn vị liên quan đang tiến hành thăm dò, tìm kiếm hố chôn tập thể liệt sĩ tại đây.

Hà Nội: Cỏ dại tấn công
Sau khi giảm 700 tỷ đồng kinh phí cắt tỉa cây hoa, thảm cỏ hàng năm, nay thì “Cỏ dại xâm chiếm phố, Hà Nội biến thành đồng quê“. Nhưng cỏ dại kia đâu có tai hại bằng loài “cỏ dại” này, chúng phá nát TP Hà Nội sau bao năm bám rễ!

Tin Quốc tế

Gọi nhầm tên Trung Quốc thành Đài Loan, Mỹ xin lỗi
Trong một thông cáo báo chí ngày 8/7, Nhà Trắng đã gọi ông Tập Cận Bình là Tổng thống Cộng hòa Trung Hoa, tức Đài Loan, thay vì Trung Quốc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ngay sau đó, Bắc Kinh lên tiếng phản đối sự cố gọi nhầm tên này và ‘Mỹ xin lỗi Trung Quốc vì gọi nhầm tên’, VOA cho biết.

Trump bênh vực con gái thay thế ông ở G20
Trong một cái tweet sáng nay, TT Mỹ Donald Trump lên tiếng bênh vực con gái, khi cô Ivanka đã ngồi vào ghế của ông, khi ông rời khỏi hội nghị. Khi bị báo chí đã lên tiếng chỉ trích chuyện này mấy ngày qua, sáng nay Trump viết: “Khi tôi rời phòng hội nghị để có các cuộc gặp ngắn với Nhật và các nước khác, tôi đã yêu cầu Ivanka ngồi vào ghế. Rất chuẩn. Bà Angela M cũng đã đồng ý!

TT Trump đang đi họp thượng đỉnh G 20, với tư cách là một tổng thống, nhưng ông ta hành xử như thể ông ta đang đi họp với tư cách giám đốc của một công ty riêng. Trump để cho con gái ngồi vào ghế tổng thống, thay ông trong cuộc họp có các nguyên thủ quốc gia khác. Có vẻ như Trump không phân biệt được giữa chuyện điều hành một quốc gia, khác với điều hành một công ty gia đình, Trump lẫn lộn giữa chuyện công và chuyện tư. Chuyện chưa từng xảy ra ở Mỹ.

Trung Quốc: Xuất khẩu ô nhiễm
Theo tin từ báo Đất Việt, các tập đoàn Trung Quốc đang xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng hơn 700 nhà máy nhiệt điện chạy than mới ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Ngoài việc xuất khẩu ô nhiễm bằng các nhà máy nhiệt điện than, Trung Quốc còn đưa các lò luyện thép ra nước ngoài.

Còn theo báo Úc SBS, khoảng 12 ngàn hộ gia đình Úc đang đứng trước nguy cơ nhiễm độc chì, vì trong nhà họ lắp vòi nước do ALDI nhập từ Chiết Giang, Trung Quốc bán tại Úc, nước chảy qua loại vòi này bị phát hiện nhiễm độc chì cao gấp 15 lần so với tiêu chuẩn cho phép ở Úc và mức  nhiễm chì này quá cao, có thể gây chết người.

Chiến tranh Trung – Nhật
Trang Nghiên cứu Quốc tế có bài, “Ai chiếm ưu thế nếu xảy ra chiến tranh Trung – Nhật?” Bài phân tích cho thấy, nếu chiến tranh Trung – Nhật nổ ra, “nó sẽ đem lại ảnh hưởng có tính hủy diệt đối với Trung Quốc”. Bài viết cho biết, ngoài việc đồng minh Mỹ sẽ yểm trợ Nhật, thì việc hải quân yếu kém của Trung Quốc so với Nhật, sẽ làm Bắc Kinh thua bẽ bàng.
Trong các nước Mỹ, Nhật, Nga, có lẽ Trung Quốc chẳng dám đụng tới nước nào, dù TQ thường hay giễu võ dương oai. Trung Quốc chỉ giỏi tài ăn hiếp, dọa nạt một nước “láng giềng, đồng đảng”, vì bắt nạt nước này coi bộ… khá dễ.

Trung – Nga
Hai nước Trung – Nga đang bắt tay nhau làm con đường tơ lụa trên băng, thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường” của TQ. Theo đài VOA, các tuyến đường hai nước bao gồm hai tuyến chính: Tuyến Tây Bắc và Tuyến Đông Bắc, còn gọi là Tuyến Biển Bắc của Nga. Tuyến Đông Bắc, với hầu hết các tuyến đường ôm quanh bờ biển phía Bắc của Nga, là tuyến đường ngắn nhất cho nhiều khu vực ở Trung Quốc.

Nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba
Báo Trí Thức VN có bài: Bác sĩ thông báo gia đình ông Lưu Hiểu Ba chuẩn bị hậu sự. Bài viết cho biết, hôm 6/7, các bác sĩ điều trị bệnh ung thư gan cho ông Lưu Hiểu Ba tuyên bố bệnh tình của ông đã trở nên nguy kịch. Bài báo dẫn tin từ báo Hồng Kong, “Nam Hoa Tảo Báo” cho biết, bác sĩ đã thông báo cho gia đình ông Lưu chuẩn bị hậu sự. “Gia đình ông Lưu và bạn bè đã ở bên cạnh ông suốt đêm thứ Năm. Họ cho biết tình trạng sức khỏe của ông Lưu đột nhiên biến đổi xấu vào ngày thứ Tư (5/7), không thể chịu đựng được trị liệu nữa“.




No comments:

Post a Comment