Những lúc khó khăn như thế này, tôi lại nghĩ đến hai
câu thơ của Phùng Quán:
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy
Nhà thơ Phùng Quán đã kết luận như thế khi nhìn lại
quãng đời 30 năm ông đã sống trong bóng tối của bạc đãi, đe dọa, sống trong cảnh
lưu đày ngay giữa lòng Hà Nội, nơi đó, từ thuở thiếu thời, ông đã từng đổ máu để
giữ gìn.
Những phút ngã lòng là lúc nhà thơ phải chọn một
trong hai thái độ làm người: chịu đựng sự nguyền rủa, sự rẻ khinh, sự hoài
nghi, xa lánh của bạn bè, sự lãng quên của bà con thân thuộc, chịu làm kẻ mất
quê hương ngay trên chính quê hương mình, hay cúi đầu khuất phục như Chế Lan
Viên, Xuân Diệu... tô son điểm phấn cho một chế độ đã phản bội xương máu đồng
bào, phản bội ước mơ của dân tộc.
Nhà thơ Phùng Quán đã vịn câu thơ mà đứng dậy.
Nhưng nhà thơ Phùng Quán là một nhà thơ, trong lúc
90 triệu người Việt còn lại không phải là nhà thơ thì vịn gì để đứng dậy.
Vịn lịch sử mà đứng dậy.
Lịch sử là vũ khí, là hành trang căn bản trong hành
trình tranh đấu cho tự do dân chủ, cũng như để xây dựng đất nước sau này. Lịch
sử là niềm tin. Niềm tin đó không thể mua bán. Niềm tin đó không thể đổi chác.
Niềm tin đó không thể bị bỏ tù.
Tại sao Phạm Hồng Thái phải nhảy xuống sông Châu
Giang tự tử?
Tại sao các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng... phải
tự sát?
Các vị đó sợ hãi?
Không.
Các vị đó chỉ biết căm thù?
Không.
Các vị đó can đảm hơn người?
Không.
Các vị đó tuẫn tiết bởi vì các vị đó đã có một niềm
tin quá lớn vào sự trường tồn của dân tộc, niềm tin đó lớn hơn cả mạng sống của
chính họ.
Mỗi thế hệ có một nhiệm vụ phải hoàn thành. Nhưng dù
không hoàn thành vẫn phải nhường lại con đường cho các thế hệ trẻ tiến lên. Các
thế hệ trẻ hôm nay dù muốn hay không muốn cũng phải nhận lãnh trách nhiệm của
mình trước lịch sử. Đất nước Việt Nam là của tuổi trẻ. Tương lai Việt Nam có được
vinh quang hay phải tiếp tục chịu đựng độc tài, lầm than tủi nhục cũng là từ
hành động của tuổi trẻ. Đứng trước giai đoạn đầy bóng tối của đất nước hiện
nay, nhiệm vụ của tuổi trẻ đã trở thành một thử thách lớn lao. Để đi hết con đường
quá khó khăn trước mắt mỗi người phải tự thắp sáng niềm tin dân tộc trong lòng
mình.
Không có một chế độ độc tài nào tồn tại lâu dài. Đó
không phải là những lời an ủi mà là sự thật.
Ngày 17 tháng 12, 1989, Nicolae Ceaușescu ra lệnh
đàn áp không thương xót vào cuộc biểu tình của dân chúng Romania tại thành phố
Timișoara, kết quả hàng ngàn người bị giết, hàng vạn người bị tù. Nhưng chỉ tám
ngày sau, chính hai vợ chồng Nicolae Ceaușescu đã đền tội trước lịch sử
Romania.
Chế độ CS tại Việt Nam rồi cũng thế. Một chế độ tồn
tại bằng nhà tù, sân bắn sẽ phải sụp đổ. Những hành động thô bạo, dã man đối với
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một bà mẹ trẻ, một phụ nữ chỉ có cây bút trong tay, là một
cách thú nhận sự run sợ của đảng trước lòng dân đang lớn mạnh.
Chắc chắn một ngày, những người con yêu của mẹ Việt
Nam sẽ gặp lại nhau tại một điểm hẹn huy hoàng của lịch sử. Đó là ngày phục
hưng của dân tộc Việt Nam. Người Việt yêu nước, đang ở đâu và đang làm gì, hãy
nỗ lực cho ngày đẹp trời đó. Những buồn đau chia cắt sẽ qua đi và một nước Việt
Nam mới, tự do, dân chủ, nhân bản, khai phóng sẽ ra đời.
Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong giờ phút cùng cực
của khổ đau hoạn nạn tại Cây Vông, Phú Khánh ngày 8-12-1975 đã viết những dòng
thơ bi tráng và hùng hồn như trang sử:
Con có một Tổ Quốc: Việt Nam
Quê hương yêu quý ngàn đời
Con hãnh diện
Con vui sướng
Con yêu non sông gấm vóc
Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn
Con yêu chiến sĩ hào hùng
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn
Núi cao cao, xương chất cao hơn
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn
Nước tuy nhỏ nhưng danh vang
Con phục vụ hết tâm hồn
Con trung thành hết nhiệt huyết
Con bảo vệ bằng xương máu
Con xây dựng bằng tim óc
Vui niềm vui đồng bào
Buồn nỗi buồn của dân tộc
Một nước Việt Nam
Một dân tộc Việt Nam
Một tâm hồn Việt Nam
Một văn hóa Việt Nam
Một truyền thống Việt Nam.
(Thơ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận)
Một ngày không xa, các em học sinh Việt Nam sẽ có cơ
hội đọc lớn bài thơ của ngài trong giờ Việt Văn ở trường học các em, và bên
ngoài cửa lớp, những cánh chim họa mi đang cất cao tiếng hót, báo hiệu mùa xuân
đang về trên quê hương không còn hận thù, rẻ chia, ngăn cách.
30.06.2017
No comments:
Post a Comment