Friday, June 9, 2017

VIỆT NAM THAM GIA TRÒ CHƠI LOBBYING (Nguyễn Quang Dy)




Nguyễn Quang Dy
9-6-2017

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (xét cả “nhân và quả”) đã làm rõ hơn một nhân tố mới (trong chính trị quốc tế) là “vận động hành lang” (lobbying). Trong chính trị đối nội người ta còn gọi là “môi giới chính trị”, nhưng người Việt thì hay gọi nôm na cho dễ hiểu là “chạy chọt” (ví dụ chạy chức chạy quyền, như nhân vật “Hưng Tano”). 

Hoạt động “lobbying” diễn ra ở nhiều nước, đặc biệt phổ biến là ở Mỹ. Các chính phủ, các tập đoàn hay chính khách, thường thuê công ty (lobbying firm) hay cá nhân (lobbyist) đại diện cho họ để chạy chọt và dàn xếp những việc họ không tự mình làm được. Tại Mỹ, hoạt động lobbying là hợp pháp nếu đăng ký với Bộ Tư pháp và đóng thuế. Tuy nhiên hoạt động này có thể trở thành tai tiếng nếu bị điều tra, truy cứu do vi phạm luật hay quy định.

Bài học kinh nghiệm
Trước đây, Việt Nam chưa dám thuê công ty lobbying tại Mỹ để vận động, có lẽ vì chưa có chủ chương hay chưa có kinh phí, hoặc sợ “nhạy cảm”. Thực ra lúc đó đã có hoạt động lobbying không chính thức, thông qua người quen (lobbyist không chuyên). Điển hình là vụ ông Nguyễn Văn Hảo (cựu phó thủ tướng Chính quyền VNCH) được lãnh đạo Việt Nam (ông Võ Văn Kiệt) nhờ vận động chính quyền Bill Clinton bỏ cấm vận (1993-1994).

Qua người quen (làm trung gian), ông Hảo đã vận động ông Ron Brown, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại, thân cận với Tổng thống Bill Clinton. Nhưng đáng tiếc, vụ việc này đã trở thành tai tiếng vì bị FBI điều tra sau khi một trợ lý của ông Hảo (Việt kiều Lý Thanh Bình) đã hợp tác với FBI để gài bẫy và tố giác ông Hảo. Sau 7 tháng điều tra, do FBI không đủ bằng chứng về hối lộ, nên ông Nguyễn Văn Hảo và Ron Brown đã may mắn thoát tội.  

Vì vậy, vấn đề không phải là Việt Nam có nên lobby hay không, mà là phải biết cách lobbying một cách chuyên nghiệp, để an toàn và hiệu quả. Lobbying là một “nghệ thuật” vận động hậu trường và quan hệ công chúng, như “con dao hai lưỡi”, nên đòi hỏi kinh nghiệm và bản lĩnh cao. Gần đây, chính phủ Việt Nam có chủ trương vận động hành lang: tại Mỹ đã thuê Podesta Group (một công ty lobbying có thế lực ở Washington DC.), và tại Anh đã định thuê cựu thủ tướng Tony Blair làm lobbyist, nhưng vì một số lý do nên không thành.  

Podesta Group
Những ai quan tâm và thông thạo về chính trường Mỹ, chắc đều biết Podesta Group (trước đây được gọi là Podesta Associates), một công ty chuyên về lobbying và public affairs, rất có thế lực tại Washington DC. Công ty này do hai anh em John Podesta và Tony Podesta lập ra năm 1988.  Tony Podesta là người sáng lập và CEO của Podesta Group, còn John Podesta là đồng sáng lập (co-founder). Ông này đã từng làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng thời Tổng thống Bill Clinton, sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton (2016). Năm 2003, ông John Podesta đã lập ra “Center for American Progress”, một think tank mới về chính sách, có ảnh hưởng nhiều đến xu hướng của Chính quyền Obama. Nếu bà Hillary Clinton mà thắng cử, chắc ông John Podesta và nhóm lợi ích này sẽ có nhiều ảnh hưởng. 

Theo nhà báo Betsy Woodruff (Daily beast), dẫn số liệu của FARA (Foreign Agent Registration Act), Việt Nam đã trả cho Podesta Group $30.000/tháng (từ 2/12/2013 đến 31/12/2015), tổng cộng là $1,08 triệu. Đối với Hà Nội, đây là một dấu hiệu đã “chịu chơi”, tuy giá này vẫn còn “mềm”, vì chỉ bằng một nửa giá Chính phủ Ấn Độ trả Podesta Group.
Một lobbyist chuyên nghiệp đã làm việc cho chính phủ Việt Nam ít nhất hai năm (vào giai đoạn có nhiều tranh cãi về hiệp định TPP) là ông David Adams. Ông Adams đồng thời còn làm việc cho hãng Boeing và Lockheed Martin, là 2 nhà thầu quốc phòng lớn đang nhắm thị trường Việt Nam. Hiện nay, Adams là một nhân vật chủ chốt (principal) tại Podesta Group (giám sát công việc lobbying cho chính phủ Việt Nam). Adams đã có lần nói với báo The Hill “Thực ra, phải chạy vậy rất nhiều” (It is a lot of running around, to be honest).   

Theo tài liệu của báo “The Hill” (2015) David Adams từng làm cố vấn lập pháp (legislative advisor) cho Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Bộ Ngoại Giao. Adams đã làm việc chặt chẽ với bà Clinton và cô Huma Abedin (nữ trợ lý thân cận của bà Clinton) để vận động Thượng viện phê chuẩn các nhân sự chủ chốt. Những trao đổi của Adams với bà Clinton qua địa chỉ email riêng của bà đã bị FBI điều tra, gây đau đầu cho bà Clinton trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Sau khi thôi việc tại Bộ Ngoại Giao, Adams đã về làm cho Podesta Group.

Theo Betsy Woodruff, Podesta Group thân cận với Hillary Clinton và các nhà thầu quốc phòng. Họ đã vận động Chính quyền Obama bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam vào dịp Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam (23-25/5/2016). Ngoài TNS John McCain và Ngoại trưởng John Kerry đã ủng hộ Tổng thống bỏ cấm vận vũ khí, làm Obama vững tâm, Podesta Group đã tích cực vận động góp phần làm thay đổi quan điểm về Việt Nam của Chính quyền Obama. (“From Team Hillary to Vietnam Lobbyist”, Daily Beast, May 25, 2016).

Lúc đó, quyết định bỏ cấm vận vũ khí của Tổng thống Obama đã làm nhiều người ngạc nhiên và bất ngờ. Trong khi Chính phủ Việt Nam vui mừng, bà Hillary Clinton im lặng không bình luận, thì các tổ chức nhân quyền lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Để cải thiện hình ảnh Việt Nam tại Mỹ, Podesta đã tổ chức nhiều cuộc gặp với các văn phòng Quốc Hội, và tiếp xúc với giới báo chí (như CNN, Roll Call, The Hill, PBS NewsHour, Politico, Washington Post, New York Times, National Geographic, Wall Street Journal, The Food Network).

Cơ hội và rủi ro
Theo Reuters (June 4, 2017), Việt Nam đã có những nỗ lực vận động được tổ chức đồng bộ  (concerted effort). Khác với các nước Châu Á khác, Việt Nam đã thuê Podesta Group vận động, vì lo ngại những thành quả về kinh tế và an ninh đã đạt được với Chính quyền Obama sẽ bị ông Trump bỏ rơi. Việt Nam đã lobby ngay sau khi ông Trump đắc cử, nên một tháng trước khi ông nhậm chức, ông Phúc đã có cuộc điện đàm với ông Trump. (“Vietnam’s White House lobbying coup secures strategic gains” Mai Nguyen, Reuters, June 4, 2017).

Có lẽ người có vai trò trực tiếp trong các chiến dịch vận động Chính quyền Obama bỏ cấm vận vũ khí và thỏa thuận về TPP, là Đại sứ Phạm Quang Vinh. Sau đó, thứ trưởng Hà Kim Ngọc và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã sang Washington để vận động cho chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo các nguồn tin ngoại giao và nghiên cứu, nhiều bạn bè người Mỹ trong Quốc hội, giới học giả và kinh doanh, đã trợ giúp. Các thông điệp của Việt Nam đã được truyền đạt tới Hội đồng An ninh Quốc gia (cụ thể là ông Matt Pottinger, giám đốc phụ trách Đông Á), văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng. Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius cũng phối hợp rất hiệu quả. Theo đánh giá của ông Carl Thayer, thành công lần này là do chủ trương đối ngoại tích cực của Hà Nội.  

Kết quả là Thủ tướng Phúc đã được Tổng thống Trump đón tiếp tại Nhà Trắng một cách thân tình, hơn cả lãnh đạo các nước Châu Âu khác. Tuyên bố Chung Viêt-Mỹ có nhiều điểm lợi cho Việt Nam, nhất là về Biển Đông nơi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc xâm lấn chủ quyền. Về quốc phòng, tàu sân bay Mỹ có thể ghé thăm quân cảng Việt Nam, hai nước có thể hợp tác về hải quân, tình báo, mua sắm vũ khí và lập kho dự trữ.  

Khách hàng của Podesta Group không phải chỉ có Việt Nam, mà còn các nước khác như Ấn Độ (đã trả $60.000/tháng, năm 2014). Podesta Group còn đại diện cho hãng Boeing và Lockheed Martin. Theo Reuters, không phải vô cớ mà đại diện của hai nhà thầu quốc phòng lớn này đã “lặng lẽ” đến Việt Nam dự một hội thảo về quốc phòng gần đây.   

Không phải chỉ thuê Podesta Group để lobby, Việt Nam còn vận dụng CSIS là think tank về nghiên cứu chiến lược ở Washington DC (thân cận với Chính quyền Obama và đảng Dân chủ). CSIS ủng hộ chủ trương xoay trục sang Châu Á của Chính quyền Obama, là tác giả của Báo cáo “Asia-Pacific Rebalance 2025” (Jan 2016) do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ, và báo cáo “Một Kỷ nguyên Mới trong Quan hệ Mỹ-Việt” (A New Era in US-Vietnam Relations, CSIS, June 2014) có thể do Việt Nam tài trợ một phần (theo thông báo của CSIS website).

Có một thay đổi đáng chú ý là trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến nói chuyện tại Quỹ Heritage, một think tank bảo thủ về chính sách tại Washington DC (thân cận  với Chính quyền Trump, và đảng Cộng Hòa). Trước đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (và các lãnh đạo khác) đều đến nói chuyện tại CSIS. Một chi tiết khác đáng lưu ý là Chủ tịch Quỹ Heritage (ông Edwin Feulner), là một người ủng hộ ông Trump, đã tham gia vận động để dàn xếp cho Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen điện đàm với ông Donald Trump ngay sau khi đắc cử, làm dư luận lúc đó dậy sóng.

Bên cạnh cơ hội, có nhiều rủi ro đối với các quan chức vận động hành lang hay môi giới chính trị. Cựu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Michael Flynn (bị mất chức) đang bị điều tra về nghi vấn vi phạm luật khi trao đổi với Đại sứ Nga và nói dối phó Tổng thống Mike Pence. Ông Flynn còn bị truy cứu vì đã nhận $33.000 khi đi thăm Nga (12/2015) và vì công ty riêng của ông  đã thương thảo một hợp đồng trị giá $500.000 (năm 2016) với một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ với Chính phủ Thổ, nhưng lúc đó, ông Flynn không đăng ký là đại diện cho khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ (như “foreign agent”), theo quy định. Một bài học đắt giá.  

Thay lời kết
Theo đánh giá của Alexander Vuving, chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã thành công, thể hiện trong nội dung Tuyên Bố Chung. Nó phản ánh một thực tế là Chính quyền Trump đang “ăn theo” quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và chính sách với Biển Đông từ thời Obama (trừ vấn đề TPP). (“Why Trump Is Capitalizing On Obama’s US-Vietnam Comprehensive Partnership”,Alexander Vuving, National Interest, June 7, 2017).

Vuving đề cập hiện tượng nhưng chưa nói rõ nguyên nhân. Ngoài đối sách tích cực của Hà Nội, có lẽ trục Người lớn” (Axis of Adults) trong Chính quyền Trump đang lặng lẽ xoay trục, chuyển hóa dần tình thế và chính sách (ít nhất là với khu vực này). Nếu phải lobby thì chắc phải nhắm vào các nhân vật chuyên nghiệp (như H.R. McMaster, Rex Tillerson, James Mattis, và Mike Pence). Chắc họ cũng phải lobby cặp “trai tài gái sắc” trong nhà Trắng (Ivanka Trump và Jared Kushner). Đây là “Trò chơi Vương quyền” (“Game of Thrones”).

Trò chơi Lobbying là con dao sắc hai lưỡi, nếu biết dùng sẽ rất hiệu quả, nhưng nếu không biết dùng sẽ rất nguy hiểm, có thể đứt tay chảy máu. Lobbying chính quyền Trump lúc này không hề dễ. Hãy chào mừng Việt Nam tham gia trò chơi Lobbying!

NQD.
9/6/2017





No comments:

Post a Comment