Wednesday, June 14, 2017

TRƯƠNG MINH TUẤN KHÔNG BIẾT GÌ VỀ DÂN CHỦ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
June 13, 2017

Trong bài viết trên nhật báo Nhân Dân để quảng cáo cho chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,” Bộ Trưởng Tuyên Truyền Trương Minh Tuấn đã công kích thể chế dân chủ tự do ở các nước văn minh bằng những lý luận xuyên tạc, non nớt.

Trương Minh Tuấn công nhận: “Nhà nước tư bản phương Tây vẫn tỏ ra quan tâm tới các nhóm yếu thế thông qua chính sách an sinh xã hội.” Nhưng ông ta lại mô tả những chính sách tài chánh của các nước trên “xét đến cùng không dành cho các thành phần yếu thế bất hạnh mà chủ yếu phục vụ tầng lớp trung lưu với mục tiêu sâu xa là thu hút phiếu bầu.”

Nói rằng rằng hệ thống an sinh xã hội ở Tây phương không giúp những người nghèo nhất nước chứng tỏ Trương Minh Tuấn không biết một chút nào về những nước này. Cứ suốt đời bị nhồi sọ, không chịu mở mắt ra tìm hiểu sự thật.

Tại Mỹ và các nước tiên tiến, những người hưởng trợ cấp thực phẩm, giúp tiền thuê nhà ở, hưởng y tế miễn phí, nhờ an sinh xã hội ở các nước tư bản, họ đều thuộc giới “yếu thế, bất hạnh” nhất trong nước. Các chính sách đó không hề phục vụ giới trung lưu, để kiếm phiếu, như Trương Minh Tuấn nói.

Chủ ý Trương Minh Tuấn là đả phá chế độ dân chủ tự do, cho nên cứ thế bịa đặt. Bộ Thông Tin Tuyên Truyền kiểm soát tất cả các báo, đài, tha hồ bịa đặt, xuyên tạc. Nhưng chỉ bịp bợm được những người bị bịt mắt, không thể nào đánh lừa được người có học. Sau khi xuyên tạc rằng các nước tư bản bỏ rơi những người yếu thế, bất hạnh, Trương Minh Tuấn bắt đầu công kích thể chế dân chủ; viết rằng đó là “kết quả tất yếu của nền dân chủ với thể chế đa nguyên, đa đảng…”

Tóm lại, Trương Minh Tuấn đã xuyên tạc và bịa đặt chỉ cốt đi tới kết luận rằng “nền dân chủ… đa nguyên, đa đảng” là xấu! Vì nó không lo cho những người yếu thế nhất!

Năm 2015, chính phủ Mỹ chi 24% ngân sách liên bang cho an sinh xã hội (Social Security benefis) và 25% ngân sách cho các chương trình trợ giúp y tế như Medicaid, Medical, vân vân, các chương trình này dành cho những người lợi tức thấp, những người nghèo nhất nước. Gần một nửa ngân sách dành cho những “người yếu thế,” cộng thêm 10% cho “mạng lưới an toàn” (safety net) giúp những người khá giả hơn nhưng gặp khó khăn bất ngờ! Ngân sách quốc phòng Mỹ lớn nhất thế giới nhưng cũng chỉ chiếm 16% ngân sách nhà nước!

Một nước tư bản như Mỹ lo vấn đề xã hội như vậy! Và trong thế giới tư bản, Mỹ là quốc gia chi tiêu về an sinh xã hội với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các nước Âu Châu, Canada và Úc! Còn các nước Cộng Sản, có nước nào lo cho dân nghèo được như vậy hay không? Năm 2012, Bắc Kinh chi hơn 10% ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội, kể cả bảo hiểm thất nghiệp – nhưng công nhân các xí nghiệp nhà nước được hưởng riêng cách khác. Chúng ta có thể “Google” để tìm hiểu thêm.

Phải nêu ra vài con số trên đây để quý vị độc giả trong nước có thể nhìn thấy Trương Minh Tuấn đã xuyên tạc, bịa đặt để đánh lừa đồng bào ra sao!

Nhưng Trương Minh Tuấn không cần biết sự thật, vì chỉ muốn chứng minh rằng chế độ dân chủ không tốt bằng chế độ Cộng Sản! Cho nên Tuấn viết rằng: “…thể chế đa nguyên, đa đảng luôn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, và các chính sách được ban hành thường là sự thỏa hiệp giữa các nhóm đa số có thế lực, khó có thể đáp ứng lợi ích các nhóm yếu thế, thậm chí còn xâm phạm lợi ích chính đáng của các nhóm này.”

Trong đoạn này, Trương Minh Tuấn đã nói đến những “nhóm lợi ích,” các “nhóm đa số có thế lực,” và các “nhóm yếu thế.”

Chữ “nhóm lợi ích” dịch nguyên văn từ “Interest group” trong tiếng Anh, theo định nghĩa, là bất cứ một nhóm người nào tình nguyện họp lại với nhau để cổ động cho những điều họ cùng ước muốn, thuyết phục công chúng và chính quyền đồng ý với họ. Trong chính trị, đó là những nhóm người có quyền lợi kinh tế, xã hội, chính trị giống nhau, tìm cách vận động hành lang bên cạnh hành pháp và lập pháp. Nhiều “Interest group” không có mục tiêu kinh tế, mặc dù họ có ảnh hưởng trên kinh tế, thí dụ các hội bảo vệ môi trường sống, chống phá thai, hay bảo vệ hôn nhân đồng tính. Khi dịch là “nhóm lợi ích,” người ta đã chú trọng quá nhiều vào mặt kinh tế, làm sai nghĩa gốc.

Khi viết trong tiếng Việt, những chữ “bị chi phối bởi các nhóm lợi ích” khiến người đọc chỉ thấy đó là một điều xấu, rất xấu. Những chữ “chi phối” đã có nghĩa xấu, “nhóm lợi ích” lại càng xấu nữa!

Nhưng trong bất cứ xã hội nào cũng có những nhóm tư nhân lớn hay nhỏ có chung quyền lợi giống nhau, họ có nhu cầu hợp tác lại; và quyền lợi chuyên biệt của nhóm này khác với nhóm khác, có khi đối nghịch, cũng là chuyện bình thường.

Không một chính quyền nào có thể làm thỏa mãn nhu cầu và quyền lợi của tất cả mọi người, mọi nhóm. Những nhà chính trị tuyên bố sẽ đạt được điều đó chỉ là bịp bợm. Trong một nước dân chủ, tất cả các nhóm quyền lợi chuyên biệt đó được tự do cổ võ cho tiếng nói của mình, qua các nhà chính trị, họ cạnh tranh với nhau để giành lấy đa số phiếu và nắm quyền.

Ðảng chính trị trong các nước dân chủ thường là tập hợp của nhiều nhóm quyền lợi chuyên biệt, dù là quyền lợi kinh tế hay lý tưởng, đạo đức, tôn giáo. Những nhóm nào tìm thấy những nhóm khác, dù có những quyền lợi riêng nhưng vẫn chia sẻ các giá trị và lợi ích chung với nhau, họ có thể cùng ủng hộ một đảng chính trị, hoặc một ứng cử viên. Các chính trị gia phải tìm cách “tập họp” được nhiều nhóm quyền lợi chuyên biệt, bằng chính sách đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng không nhà chính trị nào có thể làm thỏa mãn tất cả những người hay những nhóm đã ủng hộ mình.

Nhưng các chế độ tự do dân chủ vẫn tồn tại được nhờ tôn trọng luật pháp và bảo vệ các quyền tự do căn bản của con người. Các đảng phái lên rồi xuống, hợp rồi tan, khi những nhóm quyền lợi tập họp trong đó thay đổi ý kiến. Hai cuộc bầu cử ở Pháp vừa qua, bầu tổng thống và bầu Hạ Viện, cho thấy cảnh “dâu biển” đó; khi nước Pháp quyết định bước một bước mạnh bạo về hướng tương lai.

Ðiều quan trọng, là chế độ dân chủ thiết lập các định chế xã hội, chính trị, làm sao không cho quyền lợi chuyên biệt của một nhóm nào lấn áp quyền lợi chung của tất cả những người khác. Quan trọng nhất, là có những định chế phân quyền, kiểm soát lẫn nhau để không ai có thể lạm quyền. Muốn vậy, người dân phải được thông tin đầy đủ, tự do. Những người cùng nhu cầu, cùng quyền lợi phải được tự do họp nhau lại. Ai cũng có quyền tự do bầu cử và ứng cử.

Ðó là giấc mơ của mọi người trên thế giới. Người Việt Nam còn cần nhiều hơn nữa, vì phải chịu ách độc tài đảng trị quá lâu. Ông Trương Minh Tuấn chê trong các nước tư bản, “Công bằng xã hội chỉ là trên danh nghĩa, thực tế là nhà nước phình to ra song tình trạng bất công vẫn diễn ra gay gắt.” Thực ra, câu này dùng để tả ch Việt Nam hiện nay là đúng nhất. Nhà nước phình to ra đến nỗi nắm đầu tất cả, từ các đội thiếu nhi đến những hội nhà văn, hội nhà báo! Không một nước tư bản nào có chính quyền bao trùm lên cả xã hội như chế độ “độc tài toàn trị” kiểu Cộng Sản! Cảnh “ bất công diễn ra gay gắt” thì cũng không nước nào hơn được nước Việt Nam trong chế độ Cộng Sản!

Những lời xuyên tạc chế độ dân chủ của ông Trương Minh Tuấn không đánh lừa được ai. Nhưng luận điệu lừa bịp của ông trâng tráo nhất khi ông quả quyết: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn hội đủ các yếu tố của kinh tế thị trường, nhưng có các thiết chế để bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho họ vươn lên tiếp cận các cơ hội của thị trường, giúp họ đối phó với các rủi ro nghiệt ngã mà tự họ không có khả năng đối phó.”

Dân oan khắp nước, đặc biệt là đồng bào ở xã Ðồng Tâm sắp bị ra tòa, có hiểu ông Trương Minh Tuấn đang nói chuyện về xứ nào hay không?





No comments:

Post a Comment