Sunday, June 18, 2017

TPP 11 DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA NHẬT (LS Nguyễn Văn Thân)




LS Nguyễn Văn Thân
19/06/2017

Khi Tổng Thống Trump chính thức tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP ngay trong ngày đầu nhậm chức, mọi người đều cho rằng TPP đã thật sự bị chôn sống. Lý do dễ hiểu là theo thỏa thuận của 12 thành viên thì Hiệp định này chỉ có thể có hiệu lực khi có thành viên có tổng số GDP trên 85% phê chuẩn. GDP của Mỹ chiếm 60% toàn khối. Có nghĩa là cho dù 11 quốc gia còn lại có phê chuẩn đi nữa thì vẫn không đủ túc số. Ngay sau lời tuyên bố của Trump, Úc và Singapore lên tiếng kêu gọi các thành viên còn lại đừng bỏ cuộc. Nhưng khi Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu là TPP không còn ý nghĩa nếu không có Mỹ thì mọi hy vọng đều biến mất. Thế mà trong cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại APEC tại Mỹ Đình Việt Nam trong cuối tháng 5 vừa qua chuẩn bị cho Hội Nghị APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 sắp tới, 11 quốc gia thành viên TPP đã quyết định tiếp tục theo đuổi và hoàn tất tiến trình phê chuẩn để đưa TPP trở thành hiện thực. Họ cũng đồng thuận mở cửa để Hoa Kỳ có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Tại sao TPP lại có thể đội mồ sống dậy sau khi bị Trump khai tử? Nguyên nhân là do Nhật. Có hai lý do chính làm Thủ Tướng Abe thay đổi quan điểm. Thứ nhất là áp lực của Trump. Trong tháng 4, Trump đã ra lệnh duyệt xét lại các cân mậu dịch của Mỹ đối với các quốc gia đối tác quan trọng. Hiện nay, Trung Quốc dẫn đầu với tỷ lệ xuất siêu gần 350 tỷ Mỹ kim hàng năm. Kế tiếp là Nhật Bản với 70 tỷ hàng năm. Trump muốn Nhật tiến tới thỏa thuận hiệp định thương mại tự do song phương mà trong đó Nhật phải mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Mỹ để cân bằng cán cân mậu dịch. TPP sẽ là một con bài đối trọng của Nhật. Phó Thủ Tướng Taro Aso cho biết là Nhật sẽ không dễ dàng nhượng bộ, nhất là đối với thị trường nông sản nhạy cảm về mặt chính trị. Với TPP, Nhật có thể nhượng bộ mở cửa thị trường nông nghiệp và xe hơi đối với Mỹ vì biết rằng có thể xâm nhập thị trường của các quốc gia thành viên khác. Trong khi đó, Trump chỉ muốn thương lượng song phương. Thương lượng song phương thì Mỹ không có gì để đáp trả.

Hoàn tất hiệp ước thương mại tự do (FTA) với Mỹ trung bình mất 5 năm. Nếu Trump muốn hoàn tất thương lượng với từng 11 thành viên TPP khác thì sẽ mất hơn nửa thế kỷ. Đó là chưa kể hiệu ứng ''mì ống'' (spaghetti bowl) khi các điều lệ chồng chéo mâu thuẫn lẫn nhau làm cho doanh nghiệp nhất là các công ty có chuỗi cung ứng xuyên quốc gia không biết đường nào mà mò. Trump cũng muốn đưa Mỹ trở về thời kỳ đồ đá là tập trung sản xuất sắt thép, xe hơi và đồ tiêu thụ trong khi sức mạnh của Mỹ nằm ở thị trường dược phẩm, tài chánh, chương trình vi tính và công nghệ thông tin tân tiến.

Nhưng có lẽ lý do quan trọng hơn của Nhật là để đối phó với Trung Quốc. Bắc Kinh vừa mới rầm rộ tổ chức Diễn đàn Đới Lộ thu hút sự chú ý của thế giới. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hoàn tất RCEP trong năm nay trong lúc Phi Luật Tân đóng vai chủ tịch luân phiên của ASEAN. RCEP và Sáng kiến Đới Lộ sẽ là hai mũi tên chiến lược giúp Trung Quốc kiểm soát hệ thống giao thương quốc tế và hoàn thành giấc mộng bá chủ Châu Á - Thái Bình Dương. Sự rút lui của Mỹ tạo ra một khoảng trống cho Trung Quốc. Nhật phải tìm mọi cách trám vào chỗ trống đó.

Trước lập trường tiền hậu bất nhất và không đáng tin cậy của Trump, các nước Châu Á hiện chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những quốc gia không có tranh chấp với Trung Quốc như Thái Lan, Mã Lai, Cam Bốt và Lào. Họ sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc vì đã mất lòng tin vào Mỹ. Nhóm thứ hai chơi trò đu dây gồm có Úc, Hàn Quốc và Singapore. Họ tiếp tục duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ nhưng đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Bắc Kinh vì thèm thuồng thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Việt Nam trong thời Obama cũng chơi trò đu dây nhưng khi Trump chấm dứt chính sách xoay trục thì Mỹ sẽ không đưa dây cho Hà Nội đu đưa dễ dàng. Do đó, Việt Nam khó thoát khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh.

Nhóm thứ ba chọn tư thế tự vệ sẵn sàng chống đối Trung Quốc gồm có Nhật Bản, Ấn Độ và Nam Dương. Họ biết là không thể hoàn toàn dựa vào Mỹ dưới triều đại Trump nên chủ động nắm lấy vận mệnh. Nhật thì đang lèo lái thúc đẩy TPP 11. Ấn Độ thì chống lại RCEP vì lo ngại Trung Quốc sẽ ''đổ rác'' hàng tiêu thụ rẻ tiền hủy diệt thị trường nội địa.

Tuy không có Mỹ, nhưng TPP 11 có tổng GDP hơn 10 ngàn tỷ Mỹ kim tương đương với nền kinh tế của Trung Quốc. Có một vài thành viên chẳng hạn như Việt Nam và Mã Lai còn nghi ngại về lợi ích của TPP không có sự tham dự của Mỹ. Cả hai nước này chấp nhận cải tổ sâu rộng gồm có các điều kiện liên quan tới lao động, môi trường, cạnh tranh minh bạch và doanh nghiệp nhà nước để đổi lấy cơ hội xâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Nhưng Việt Nam cũng muốn dựa vào TPP 11 để cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Hơn nữa, Nhật là quốc gia viện trợ lớn nhất nên Hà Nội chắc chắn không muốn làm mất lòng Abe. Câu hỏi là Việt Nam có thật lòng cải tổ kinh tế và đặc biệt là tôn trọng quyền lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế dưới TPP 11 mà TPP nguyên thủy đề ra hay không?

Có người đã lên tiếng đề nghị là Liên Âu nên đại diện cho thế giới tự do gia nhập vào TPP thay thế chỗ của Mỹ. Hiện nay Liên Âu đang thương lượng FTA với Nhật có thể sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Kinh tế Liên Âu và Nhật chiếm 30% GDP thế giới. Nếu hoàn tất thì sẽ có một trọng lượng đáng kể. Hiện nay, Liên Âu đã có FTA với Canada, Singapore và Việt Nam và đang có ý định thương lượng FTA với Úc, Mexico và Tân Tây Lan trong nhóm TPP. Các tiêu chuẩn cao về quyền lao động, môi trường, minh bạch, sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện của Liên Âu. Truyền thống tôn trọng nhân quyền của Liên Âu sẽ giúp các quốc gia TPP tại Châu Á có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa.

Nhưng trên thực tế thì mọi quyết định quan trọng liên quan tới vận mệnh chung của 28 thành viên sẽ không dễ dàng và suôn sẻ. Liên Âu đang bận rộn đối đầu với Brexit. Cũng như Trump, Liên Âu thích thỏa thuận với từng quốc gia một để chiếm ưu thế thương lượng. Do đó, không có nhiều hy vọng là Liên Âu sẽ thay thế Mỹ. Thay vào đó, Hàn Quốc và Nam Dương có thể sẽ được mời gọi tham gia vào TPP nếu Nhật thành công lèo lái TPP 11 hoàn tất vào tháng 11 này.

Một dấu hiệu tích cực là trưởng ban đàm phán của TPP 11 đã đồng ý nhóm họp tại Kanagawa Nhật Bản vào tháng 7 này để chuẩn bị cho công việc hoàn tất trong tháng 11, khi các lãnh tụ sẽ có mặt tại Đà Nẵng tham dự Hội Nghị APEC. Cho tới nay thì chỉ có Nhật và Tân Tây Lan đã phê chuẩn TPP. Các thành viên còn lại cũng phải thay đổi điều lệ để TPP có hiệu lực mà không có sự tham gia của Mỹ. Trong chuyến công du Úc Châu vào cuối tháng 5 vừa qua, TNS John McCain xác nhận rút khỏi TPP là một sai lầm chiến lược to lớn của Trump và thúc giục các thành viên còn lại tiếp tục thực thi vì ông tin rằng Mỹ sẽ quay trở lại với TPP trong tương lai.  Việc TPP có cơ hội hồi sinh phần lớn là nhờ vào vai trò lãnh đạo của Nhật và đặc biệt là của Thủ Tướng Shinzo Abe. Sau bao năm dài yên giấc, tinh thần võ sĩ đạo ở xứ Phù tang đã tĩnh giấc. Đúng là thời thế tạo anh hùng. Tư duy thiển cận và lề lối phát biểu qua twitter bốc đồng của Trump hạ thấp vai trò của nước Mỹ và sự nể trọng dành cho người Mỹ, nhưng đó là cơ hội để Nhật đứng lên. Nhật và Ấn Độ là hai quốc gia Châu Á có nền văn minh và truyền thống văn hóa sâu sắc cũng như một thể chế dân chủ, pháp trị. Họ sẽ không dễ dàng khuất phục trước Trung Quốc. Với đe dọa từ Bắc Hàn và Trung Quốc tại Biển Hoa Đông, không loại được trường hợp Nhật sẽ chọn lựa trang bị vũ khí hạt nhân trong tương lai phù hợp với chính sách của Trump là đồng minh phải tự lo liệu trong việc quốc phòng. Ngày đó sẽ là một cơn ác mộng chiến lược đối với Trung Quốc.

N.V.T.
Tác giả gửi BVN




No comments:

Post a Comment