Thursday, June 8, 2017

TOÁN AN NINH QUỐC GIA MỸ BỊ SỐC NẶNG VÌ BÀI PHÁT BIỂU CỦA TRUMP Ở NATO (Susan B. Glasser)




Susan B. Glasser | Trà Mi
Posted on June 8, 2017 by editor — 0 Comments

Họ nghĩ rằng Tổng thống Mỹ sẽ cam kết giữ nguyên tắc bảo vệ lẫn nhau. Họ đã lầm.

*
Tổng thống Mỹ, Donald J. Trump ở NATO.

Khi Tổng thống Donald Trump phát biểu với giới lãnh đạo NATO trong chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên cách đây hơn một tuần, ông đã làm các đồng minh châu Âu ngạc nhiên và thất vọng – vì họ đã hy vọng và mong đợi – ông sẽ dùng bài phát biểu để khẳng định rõ ràng Mỹ sẽ cam kết bảo vệ lẫn nhau với những thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, điều khoản một-vì-tất-cả, tất-cả-vì-một đang ngày càng trở nên cấp bách vì những quốc gia thành viên Đông Âu đang lo ngại sự đe dọa của một nước Nga hồi phục ở dọc biên giới của họ.

Ai cũng đã biết phần đó của chuyến công du đầu tiên của Trump.

Nhưng người ta không biết Tổng thống Mỹ cũng đã làm các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của ông thất vọng và ngạc nhiên – bằng cách không tái khẳng định khoản được gọi là Điều 5 trong bài phát biểu của ông. Theo năm nguồn quen thuộc với sự kiện này cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã ủng hộ Trump làm việc đó và đã vận động ráo riết trong những tuần lễ trước chuyến đi để bảo đảm nó sẽ được đưa vào bài phát biểu. Họ nghĩ việc đã xong, và ngay cả một trợ lý của Toà Bạch Ốc còn nói với The New York Times ngày hôm trước là điều này [tái khẳng định Điều 5] đã được đưa vào bài phát biểu.

Cho đến ngày hôm sau, Thứ Năm, 25/5, khi Trump bắt đầu nói chuyện tại lễ khai mạc trụ sở mới của NATO ở Brussels, nhóm an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ mới nhận ra rằng ông sếp của họ đã quyết định khác, gây những hậu quả nghiêm trọng mà không cần tham khảo hoặc ngay cả thông báo cho họ trước về sự thay đổi trong diễn văn.

Một nguồn tin do giới chức của Hội đồng An ninh Quốc gia thông báo ngay sau cuộc họp của NATO. “Cho đến cuối buổi sáng đó, nó [tái khẳng định Điều 5] vẫn còn trong bài phát biểu.”
Một viên chức cao cấp của Toà Bạch Ốc nói thêm, “Có một bài phát biểu khác đã được phối hợp đầy đủ về mà mọi người đã góp ý” – và nó không phải là bài diến văn mà Trump đã đọc. Một nguồn tin thứ ba trong giới chức an ninh quốc gia của Trump cho biết trong buổi lễ, “Họ không biết nó đã bị xoá bỏ chỉ đến khi thổng thống Trump phát biểu.”

Dường như Tổng thống Mỹ đã tự xóa đoạn đó, theo một phiên bản đã thông qua trong chính phủ, phản ảnh sự hoài nghi cá nhân của ông về NATO và khăng khăng đòi thuyết phục các đồng minh NATO về việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng chứ không cung cấp bất kỳ lời trấn an nào; Một kịch bản khác do một số trợ lý của Toà Bạch Ốc nói cho người khác biết là Chiến lược gia chính Steve Bannon của Trump và Phụ tá về chính sách Stephen Miller đã arh hưởng đến việc xóa bỏ đoạn tái khẳng định hỗ trợ NATO [Điều 5].

(Theo phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Michael Anton, người đã không phủ nhận về vấn đề này, “Tổng thống sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh để bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với liên minh NATO, gồm cả Điều 5. Nỗ lực liên tục của ông nhằm có được những cam kết đóng góp nhiều hơn vào việc phòng thủ từ các quốc gia khác làm cho liên minh của chúng ta mạnh hơn.”)

Dù sao đi nữa, sự kiện đó cũng cho thấy những gì đã được mô tả một cách chính xác – là có sự rạn nứt lớn trong liên minh Bắc Đại Tây Dương và cũng là thời điểm đổ vỡ đáng kể bên trong chính quyền Trump, khi Tổng thống không cho những nhân viên hàng đầu trong nhóm An ninh Quốc gia của ông biết những thông tin quan trọng – và sau đó làm họ xấu hổ bằng cách buộc họ phải công bố những lời khó tin, không thuyết phục, trước công chúng là bài phát biểu ở NATO đã thực sự đã đạt được một sự cam kết mà họ biết là không có.

Tôi được kể lại, cuộc vận động điên cuồng vào phút chót cho bài phát biểu, gồm “MM&T” – như một số người bây giờ gọi bộ ba Mattis, McMaster và Tillerson – vận động trong những ngày trước đó để có một bản sao bài phát biểu đã dự tính của tổng thống và sau khi có được bản dự thảo họ vận động để có được lời tái xác định Điều 5 trong đó, và để rồi thấy nó bị loại bỏ một lần nữa. Tất cả những điều này tiếp tục khẳng định mức độ rối loạn trong hoạt động ở Toà bạch Ốc, mà những chính khách kỳ cựu của hai đảng đã nói chuyện với tôi trong những tháng gần đây cho rằng đã lên đến mức họ chưa từng thấy.

Bộ ba An ninh Quốc gia MM&T. DCVOnline tổng hợp

Và nó cho thấy với bản tính bốc đồng của Trump về chính sách đối ngoại, một toán lãnh đạo giàu kinh nghiệm mà ông ta đã thuê làm ở bộ Quốc phòng, HĐ An ninh Quốc gia và bộ Ngoại giao không nhất thiết có thể kiểm soát được. Giới chức Toà Bạch Ốc nói với tôi: “Tất cả chúng ta đều nhìn thấy sự đổ vỡ – và tất cả những đổ vỡ đó đều đã được đoán trước.”

Họ có thể là “những người lớn trong phòng” như giới quan sát ở Washington đã nói trong mấy tháng vừa qua. Tuy nhiên, Trump – và trường hợp của NATO cho thấy điều này quá rõ ràng – không ở trong phòng với họ.

***

Không ai có thể thấy màn kịch này gây nhiều phiền toái hơn là Strobe Talbott, một nhà hiền triết của Washington, một người ai cũng có thể coi là kiến trúc sư của NATO hiện đại. Khi là Thứ trưởng Ngoại giao của Bill Clinton, Talbott giám sát thành công nỗ lực định hình lại liên minh cho thời đại sau Chiến tranh Lạnh, mở rộng sang những quốc gia ở Đông Âu và các nước Baltic hiện đang khẩn cấp muốn thấy Mỹ tái khẳng định cam kết mà Clinton và Talbott đã cho họ trong những năm 1990.

Tôi đã nói chuyện với Talbott, chủ tịch của Viện Brookings và là một người theo dõi Nga từ những năm 60 khi ông dịch các cuốn hồi ký của người lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev lúc còn là một học giả Rhodes bạn học với Clinton và ông đã cảnh cáo rõ rệt về những hậu quả của việc Trump dường như coi thường NATO cùng lúc ông ta tỏ ra ân cần với người lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Talbott lập luận rằng, Trump đã chối bỏ các đồng minh Châu Âu của Hoa Kỳ trong chuyến đi gần đây của ông – kết hợp với quyết định cuối tuần trước, rút khỏi Hiệp định về thay đổi khí hậu ở Paris – không phải chỉ là một vài tu từ mà chúng là những hành động thực sự gây hậu quả.

Talbott nói với tôi: “Việc không nói điều gì đó đã gây ra một hậu quả rất nguy hiểm và gây tổn hại cho liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử.” Khi tất cả những quan chức hàng đầu của Trump như McMaster và Mattis đã bỏ ra nhiều tháng để hứa rằng Tổng thống không thực sự có ý xấu khi ông gọi NATO là “lỗi thời” và nhấn mạnh rằng cam kết của Mỹ về Điều 5 là không thể lay chuyển. Talbott nói: “Chúng ta chỉ cần vị Tổng tư lệnh Mỹ nói lên điều đó, và ông đã không nói” – một sự bỏ sót khiến “từ đó về về sau … [có nghĩa là] cộng đồng Đại Tây Dương ít an toàn hơn, và ít đoàn kết với nhau hơn.”

So với phong cách quản lý hay thay đổi của mình và sự vật vã về chính sách trong nước, gần đây một số người đã lập luận rằng chính sách đối ngoại của Trump là một cột trụ vững vàng, với những nhân vật có khả năng như McMaster và Mattis có mặt để tránh được những thất bại lớn. Nhưng Talbott và những người khác mà tôi đã nói chuyện sau chuyến đi của Trump tin rằng sự kiện NATO thực sự làm đảo lộn giả thuyết này. Nó đã phá huỷ sự tín nhiệm của những cố vấn của Trump khi họ cam đoan lại với đồng minh [là Mỹ vẫn hỗ trợ NATO] để giảm bớt ảnh hưởng xấu vì những tu từ xúc phạm của Tổng thống Mỹ đã gây nghi ngờ về một mức ổn định cần thiết cho một thế giới đang bất ổn.

Talbott kể lại,
“Cách đây không lâu, tôi đã tiếp chuyện với một viên chức cao cấp của châu Á từ một nước đồng minh quan trọng ở châu Á, ở chỗ ông đang ngồi, ông ta lắc đầu buồn chán, và nói, “Washington, DC nay là chấn tâm của sự bất ổn trên thế giới. Có nghĩa là điều mà bạn bè và đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới đã coi là chuyện đương nhiên trong 70 năm qua không còn như thế nữa.””

Và trên thực tế, chúng ta đã thấy những ảnh hưởng dây chuyền vì bài phát biểu của Trump tại NATO – và những gì mà một số nguồn tin cho tôi biết là có một vết rạn nứt lớn hơn nữa với các đồng minh [với Mỹ] trong bữa ăn tối hôm đó. Trong những ngày ngay sau đó, giới lãnh đạo châu Âu như Angela Merkel và Emmanuel Macron đã công khai bằng những lời chỉ trích thẳng thừng ít khi thấy. Trong khi đó, nhóm lãnh đạo an ninh quốc gia bị bỏ rơi của Trump đã kẹt lại ở vị trí ngày càng khó xử. Một cựu viên chức Mỹ hỏi, “Những người này sẽ cố vấn cho Trump hoặc họ chỉ đơn giản là những người [cố vấn khi] được cho phép?”

McMaster, một vị tướng ba sao được mọi người kính nể trước khi nhận làm Cố vấn An ninh Quốc gia, đã được cơ quan chính trị đối ngoại lo ngại về chính sách đối ngoại của Trump xem là một lựa chọn khôn khéo vì ông là người không ngại nói sự thật trước quyền lực (và trong một cuốn sách về Việt Nam ông lập luận rằng các tướng của LBJ đã không thất bại vì đã không làm như vậy). Nhưng bây giờ anh ta bị một số người ủng hộ trước đây bêu riếu vì những nỗ lực rất công khai của ông để quảng cáo chuyến đi nước ngoài lần đầu của Trump như là một thành công – và tuyên bố Tổng thống đã ủng hộ Điều 5 mà Trump chưa bao giờ đề cập rõ ràng.

Mattis, trong khi đó, đã chọn đi con đường khác.

Bộ trưởng Quốc phòng, cựu tướng lãnh Mỹ hàng đầu ở NATO, không những không tham gia vào việc là phù phép cho chính quyền, mà ông còn gây sóng gió trên Twitter vào cuối tuần này khi xuất hiện tại một diễn đàn an ninh châu Á [Đối thoại Shangri-la] ở Singapore . Trong bài phát biểu của mình, ông đã ca ngợi các tổ chức quốc tế và liên minh có sự ủng hộ của giới lãnh đạo Hoa Kỳ, cố gắng trấn an các đồng minh một lần nữa rằng Mỹ đã không thực sự rút khỏi thế giới mặc kệ tu từ “Mỹ trước hết” của Trump.

Nhưng khi được hỏi về những hành động của Trump như việc rút khỏi hiệp định về khí hậu Paris và liệu chúng có nghĩa là nước Mỹ đang từ bỏ trật tự toàn cầu mà Mattis đang bận rộn quảng bá, ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trả lời bằng cách bóng gió đề cập đến câu nói nổi tiếng của Winston Churchill về những rối loạn của nền dân chủ. Mattis nói với người hỏi,
“Để trích dẫn một người quan sát Anh về chúng tôi nhiều năm về trước, đã kiên nhẫn với chúng tôi. ‘Một khi chúng ta đã cạn kiệt không còn lựa chọn nào khác, người Mỹ sẽ làm đúng.’”

Matis nói tiếp,
“Vì vậy,chúng tôi sẽ vẫn ở đây, và chúng tôi sẽ ở bên cạnh bạn.”

Khán giả cười, một người tham dự nói với tôi, bởi vì “đó chỉ là một cách trả lời tao nhã để thoát khỏi một câu hỏi rắc rối.”

Nhưng câu hỏi rắc rối vẫn còn: chúng ta nên tin James Mattis, hay Donald Trump?

Susan B. Glasser là tác giả chuyên mục chính về các vấn đề quốc tế của POLITICO.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: Trump National Security Team Blindsided by NATO Speech. By SUSAN B. GLASSER June 05, 2017.








No comments:

Post a Comment