Friday, June 2, 2017

THẾ GIỚI PHẢN ỨNG TRƯỚC VIỆC TRUMP RÚT KHỎI HIỆP ĐỊNH KHÍ HẬU PARIS (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
02/06/2017

Các nhà lãnh đạo thế giới và các nhóm bảo vệ môi trường bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rút ra khỏi hiệp định về khí hậu ở Paris, một nỗ lực toàn cầu để đối phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông Trump đã phạm một sai lầm lịch sử, và ông mời các nhà khoa học cũng như doanh nhân Mỹ sang sống bên Pháp, một đất nước có thể trở thành “quê hương thứ hai” của họ. Ông Macron nói họ có thể "cùng nhau làm việc để tìm những giải pháp cụ thể cho khí hậu, và cho môi trường". Ông Macron nói thêm rằng ở Pháp họ sẽ ra sức làm việc để "hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại", một lối chơi chữ, nhái theo khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Thủ Tướng Đức Angela Merkel mô tả hiệp định Paris là một "bước nhảy vọt lịch sử".
Bà nói: "Quyết định của ông Trump không thể, và sẽ không ngăn cản được những người trong chúng ta cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ Trái Đất. Tôi xin nói với tất cả những ai xem trọng tương lai của hành tinh chúng ta: “xin hãy sát cánh bên nhau để tiếp tục tiến bước trên con đường này để đi đến thành công và bảo vệ Trái Đất của chúng ta".

Trong thế giới đang phát triển, nhiều nhà lãnh đạo cũng bày tỏ thất vọng. Tổng thống Ghana John Dramani Mahama nói: "Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo về một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu thiết yếu”.

Một thỏa thuận 'quá khắc nghiệt'

Ông Trump nói Hoa Kỳ rút ra khỏi một thỏa thuận mà theo ông, áp đặt những gánh nặng "quá khắc nghiệt", tốn kém hàng tỷ đô la, tác động tới hàng triệu công việc làm ăn tại Hoa Kỳ.

Ông mô tả hiệp định Paris là "không công bằng" đối với Mỹ, và có lợi cho các nước lớn gây ô nhiễm khác, như Trung Quốc và Ấn Độ. Ông nói ông sẵn sàng "đàm phán lại” để tái gia nhập Hiệp định Paris.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Châu Âu lập tức dập tắt hy vọng của nhà lãnh đạo Mỹ rằng ông có thể thương thuyết lại hiệp định Paris.

Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo Đức, Pháp và Ý khẳng định:
"Chúng tôi chắc chắn là thỏa thuận này không thể được đàm phán lại".

Các nước ký kết Hiệp định Paris cam kết sẽ cố gắng giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới hiện tượng hâm nóng địa cầu. Hiện tượng này bị quy cho là nguyên nhân gây tan băng và sông băng, làm mực nước biển dâng cao và làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ xếp vào hạng nhì, và giờ được ghi vào danh sách các nước không tham gia hiệp định Paris, cùng với chỉ có hai nước khác là Nicaragua và Syria.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu nói rằng tuân thủ Hiệp định Paris là "trách nhiệm của Trung Quốc trong cương vị là một nước lớn có trách nhiệm".

Phát biểu hôm 2/6 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói:
"Chúng tôi tin rằng hiệp định Paris phản ánh sự nhất trí rộng rãi nhất của cộng đồng quốc tế để loại bỏ thay đổi, và các bên nên trân trọng kết quả khó khăn lắm mới đạt được này".

Ông Trump giải thích rằng Hoa Kỳ phải rút ra khỏi hiệp định vì các quyền lợi của Mỹ. Ông nói: "Tôi được bầu lên để đại diện cho cư dân Pittsburgh chứ không phải cho Paris."

Tuy nhiên thị trưởng thành phố Pittsburgh, ông Bill Peduto, đơn vị bầu cử nơi bà Hillary Clinton chiếm được 80% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, nói "Pittsburgh sát cánh với thế giới và sẽ tuân thủ Hiệp định Paris."

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đã đứng ra làm trung gian điều giải để đi đến Hiệp định Paris, nói:
"Ngay cả khi thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ, ngay cả khi chính quyền ông Trump nhập đoàn với một vài nước để gạt tương lai sang một bên, tôi tin rằng các tiểu bang của Hoa Kỳ, các thành phố và doanh nghiệp Mỹ sẽ bước lên và làm nhiều hơn nữa để dẫn đường, và giúp bảo vệ hành tinh duy nhất mà chúng ta có, cho các thế hệ tương lai."

Mất vai trò lãnh đạo

Tại Australia, thủ lãnh đảng Xanh Richard Di Natale nói bằng cách rút ra khỏi Hiệp định Paris, "Donald Trump chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không còn có thể tự coi là một nước lãnh đạo thế giới".

Ông Koichi Yamamoto, bộ trưởng môi trường Nhật Bản nói: "Làm như vậy chẳng khác nào Mỹ đã quay lưng với sự khôn ngoan của nhân loại".
Ông nói ông thất vọng đã đành, mà còn cảm thấy phẫn nộ về quyết định của ông Trump.

Thủ tướng Tuvalu nói đảo quốc Thái Bình Dương của ông trong Thế chiến II, "từng là một bệ phóng" cho Hoa Kỳ nhưng bây giờ "khi chúng tôi đang đối mặt với cuộc chiến lớn nhất thời đại, Mỹ lại bỏ rơi chúng tôi."

------------------------------
VOA Tiếng Việt
Cập nhật mới nhất 02/06/2017

Tổng thống Donald Trump chiều thứ Năm chính thức loan báo ông sẽ rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015 được ký bởi người tiền nhiệm Barack Obama, nhưng sẽ tìm cách ký một thỏa thuận mới có lợi hơn cho doanh nghiệp và người đóng thuế Mỹ.

Chấm dứt đồn đoán trong những ngày qua, ông Trump loan báo ông sẽ chấm dứt sự chấp hành của Mỹ với một số phần không mang tính ràng buộc của thỏa thuận Paris ngay lập tức, trong khi cũng kêu gọi đàm phán để đạt được một “thỏa thuận công bằng.”

"Chúng ta sẽ rút ra," ông Trump nói tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt.
"Thỏa thuận khí hậu Paris đơn giản là ví dụ mới nhất của việc Washington gia nhập một thỏa thuận gây tổn hại cho Hoa Kỳ."... Từ ngày hôm nay Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi việc thi hành thỏa thuận không có tính ràng buộc này."

Cựu Tổng thống Obama bày tỏ sự bất mãn về quyết định rời bỏ thỏa thuận toàn cầu đầu tiên nhằm đưa tất cả các quốc gia "tiến theo con đường carbon thấp, và để bảo vệ thế giới mà chúng ta để lại cho con cái của mình."

Ông Obama lưu ý rằng các doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ đã tỏ rõ sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận Paris, "mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp, nhà khoa học và kỹ sư để khai mở ra đầu tư và sự canh tân công nghệ cao, ít carbon và trên quy mô chưa từng có."

Trước khi loan báo hôm thứ Tư, trong khi chụp hình chung với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Trump cho biết ông đã nghe từ "rất nhiều từ những người từ cả hai phía" trong khi ông cân nhắc những lựa chọn của mình.

Phát ngôn viên Sean Spicer nói những người được tham vấn bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ và các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Hành động này là một sự đảo ngược đáng kể chính sách từ thời Obama, làm hài lòng cơ sở ủng hộ của Đảng Cộng hòa nhưng khiến những người vận động vì môi trường và các đồng minh của Mỹ tức giận.

Thỏa thuận này, đã được 195 nước phê chuẩn, có tính ràng buộc về mặt pháp lý trên lý thuyết, dù quyền hạn thi hành của nó khá yếu.

Ví dụ, các mục tiêu phát thải carbon không có tính cưỡng hành. Theo thỏa thuận này Mỹ cam kết cắt giảm từ 26% đến 28% lượng phát thải carbon dioxide đến trước năm 2025. Nếu Mỹ không đạt được mục tiêu đó thì không có hệ quả pháp lý nào.

Các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu tức giận thậm chí trước khi ông Trump đưa ra loan báo chính thức, cho rằng quyết định sẽ đi ngược lại lợi ích của họ.

"Donald Trump đã mắc sai lầm lịch sử mà cháu chắt của chúng ta sẽ nhìn lại với nỗi kinh ngạc về chuyện làm sao mà một nhà lãnh đạo thế giới có thể xa rời thực tế và đạo đức như vậy," Chủ tịch Câu lạc bộ Sierra nói trong một thông cáo gửi cho VOA qua email.

Trong khi đó doanh nhân tỉ phú Elon Musk, người sáng lập công ty Space X, tuyên bố từ chức khỏi ba ủy ban cố vấn khoa học của Nhà Trắng vì loan báo này của ông Trump.

"Đang rời khỏi các hội đồng của tổng thống. Biến đổi khí hậu là có thật. Rời bỏ (thỏa thuận) Paris không tốt cho nước Mỹ và thế giới," ông Musk viết trên Twitter.

Quyết định của ông Trump rời bỏ thỏa thuận được đưa ra sau khi một nhóm 22 thượng nghị sĩ Cộng hòa gửi một bức thư vào tuần trước trong đó kêu gọi ông Trump "dứt bỏ hoàn toàn thỏa thuận Paris." Bức thư lập luận rằng "ở lại trong thỏa thuận này sẽ khiến Mỹ gặp rủi ro về kiện tụng," điều mà có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của ông Trump đảo ngược các quy định thời Obama, được gọi là Kế hoạch Năng lượng Sạch.





No comments:

Post a Comment