Graham Allison
- The Atlantic, May 31, 2016.
Biên dịch: Tram Nguyen & Nguyễn Huy
Hoàng
Posted on 20/06/2017 by The Observer
Nhà lãnh đạo của Trung Quốc đang quyết tâm biến đất
nước mình thành “chủ thể lớn nhất trong lịch sử thế giới”. Liệu ông có làm được
điều đó trong khi tránh được một cuộc đụng độ nguy hiểm với Hoa Kỳ hay không?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn gì? Bốn năm
trước khi Donald Trump trở thành Tổng thống, Tập đã trở thành nhà lãnh đạo
Trung Quốc và tuyên bố một tầm nhìn vĩ đại nhằm, về cơ bản, “làm Trung Quốc vĩ
đại trở lại” – kêu gọi “đại phục hưng dân tộc Trung Quốc”.
Tập rất tin tưởng rằng mình sẽ thành công trong nỗ lực
này, đến mức ông đã vi phạm trắng trợn một nguyên tắc trọng yếu trong cuộc sinh
tồn chính trị: Không bao giờ đặt ra một mục tiêu và một ngày cụ thể trong cùng
một câu. Trong vòng một tháng sau khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm
2012, Tập đã đặt ra thời hạn hoàn thành mỗi mục tiêu trong “Hai mục tiêu thế kỷ”
của mình.
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ xây
dựng một “xã hội tương đối khá giả” (tiểu khang xã hội) bằng cách tăng gấp
đôi GDP bình quân đầu người năm 2010 lên 10.000 USD trước năm 2021, năm kỷ niệm
100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thứ hai, nước này sẽ trở
thành một đất nước “phát triển đầy đủ, giàu có, và quyền lực” vào dịp kỷ niệm
100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2049. Nếu Trung Quốc đạt
được mục tiêu đầu tiên – mà nước này đang trên đà đạt được – Quỹ Tiền tệ Quốc tế
(IMF) ước tính rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn 40% so với nền kinh tế Mỹ
(tính theo sức mua tương đương). Nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu thứ hai vào
năm 2049, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp ba lần nền kinh tế Mỹ.
Sự chuyển biến mạnh mẽ của Trung Quốc có ý nghĩa gì
đối với Hoa Kỳ và với sự cân bằng quyền lực toàn cầu? Lý
Quang Diệu của Singapore, nhà quan sát Trung Quốc hàng đầu của thế giới
trước khi ông qua đời năm 2015, có một câu trả lời sắc bén về quỹ đạo ấn tượng
của Trung Quốc trong 40 năm qua: “Quy mô dịch chuyển của Trung Quốc trong sự
cân bằng toàn cầu lớn đến mức thế giới phải tìm một trạng thái cân bằng mới.
Không thể làm như đây chỉ là một chủ thể lớn khác. Đây là chủ thể lớn
nhất trong lịch sử thế giới”.
Phân tích của ông Lý về tình hình ở Trung Quốc, cũng
như trên thế giới rộng hơn, đã biến ông thành một nhà cố vấn chiến lược được
săn đón của nhiều vị Tổng thống và Thủ tướng ở mọi châu lục – bao gồm mọi nhà
lãnh đạo Hoa Kỳ từ Richard Nixon đến Barack Obama. Ông Lý đã dành hàng ngàn giờ
trò chuyện trực tiếp với các vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, quan chức Chính phủ,
và các nhà lãnh đạo đang lên của Trung Quốc, “nước láng giềng ở phương Bắc” của
mình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình đều gọi
ông là “sư phụ,” một từ chỉ thái độ tôn kính cao nhất trong văn hóa Trung Hoa.
Và ông Lý, người chia sẻ với tôi những hiểu biết của mình trong một cuốn sách mà tôi là
đồng tác giả năm 2013, đã theo dõi sát sao những biến động của Trung Quốc từ Đại
nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa trong những năm 1960 đến sự xoay trục sang tư bản
chủ nghĩa của Đặng trong những năm 1980. Ông đã thiết lập các mối quan hệ công
tác nghiêm túc với nhiều người điều hành Trung Quốc, trong đó có vị Chủ tịch
tương lai Tập Cận Bình.
Ông Lý đã thấy trước thế kỷ 21 sẽ là một “cuộc tranh
giành quyền lực tối cao ở châu Á”. Và khi Tập leo lên ghế Chủ tịch nước năm
2012, ông Lý đã tuyên bố với thế giới rằng cuộc tranh giành này đang tăng tốc.
Trong số mọi nhà quan sát nước ngoài, ông Lý là người đầu tiên nói về nhà kỹ trị
phần lớn vẫn chưa được biết đến này, “Hãy quan sát người này”.
Nhiều chính trị gia và quan chức ở Washington vẫn
đang làm như Trung Quốc chỉ là một chủ thể lớn khác. Tuy nhiên, ông Lý biết Tập
rất rõ, và hiểu rằng khát
vọng vô biên của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một quyết tâm không khoan nhượng
là giành lại sự vĩ đại trong quá khứ. Thử hỏi hầu hết các học giả Trung
Quốc xem Tập và các đồng nghiệp của ông có nghiêm túc tin rằng Trung Quốc sẽ
thay thế Hoa Kỳ trong vai trò là cường quốc thống trị ở châu Á trong tương lai
gần hay không. Họ sẽ lảng tránh câu hỏi này bằng những mẫu câu như “Điều đó rất
phức tạp… một mặt… mặt khác…” Khi tôi hỏi ông Lý câu này trong một cuộc gặp ít
lâu trước khi ông qua đời, đôi mắt ông mở to nghi ngờ, như thể hỏi lại, “Anh
đang đùa à?” Ông thẳng thắn trả lời: “Dĩ nhiên. Sao lại không? Làm sao mà họ có
thể không khát vọng trở thành số một ở châu Á và sau này là trên thế giới?”
***
Sự căng thẳng về mặt cấu trúc giữa một Trung Quốc
đang lên và một Hoa Kỳ đang cai trị vốn đã trầm trọng. Việc giảm nguy cơ xảy ra
một cuộc đụng độ thảm khốc mà cả hai bên đều muốn tránh sẽ bắt đầu bằng một
đánh giá rõ ràng về những mục đích và phương tiện của Bắc Kinh. Khi nhậm chức,
Tập Cận Bình đã tuyên bố tham vọng bao quát của ông đối với Trung Quốc bằng một
câu duy nhất: “Giấc mộng Trung Quốc lớn nhất là đại phục hưng dân tộc Trung Quốc”.
“Trung Quốc mộng” của ông bao gồm sự thịnh vượng và quyền lực – tương đương với
tầm nhìn “sức mạnh cứng” của Theodore Roosevelt về một thế kỷ Mỹ và Chính sách
Kinh tế mới (New Deal) đầy động lực của Franklin Roosevelt. Nó nắm bắt được
khao khát mãnh liệt của một tỷ người Trung Quốc: trở nên giàu có, quyền lực, và
được tôn trọng. Tập tự tin rằng trong cuộc đời mình Trung Quốc có thể hiện thực
hóa cả ba khát vọng này bằng cách duy trì phép màu kinh tế, bồi dưỡng một thế hệ
công dân ái quốc, và không cúi đầu trước cường quốc nào khác trong các vấn đề
thế giới.
Tập sẽ “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại” như thế nào?
Sau khi nghiên cứu con người này, lắng nghe lời lẽ của ông, và nói chuyện với
những người hiểu ông rõ nhất, tôi tin rằng, với Tập điều này có nghĩa là:
·
Đưa Trung Quốc trở lại thế thống trị mà nó được hưởng
ở châu Á trước khi phương Tây xâm nhập;
·
Tái thiết quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ
mà Đảng Cộng sản xem là “Đại Trung Quốc”, không chỉ bao gồm Tân Cương và Tây Tạng
ở đại lục, mà còn cả Hồng Kông và Đài Loan;
·
Khôi phục các phạm vi ảnh hưởng trong lịch sử dọc
biên giới và trên các vùng biển lân cận để các nước khác trao cho mình sự tôn
kính mà các cường quốc luôn đòi hỏi;
·
Giành được sự tôn trọng của các cường quốc khác
trong các hội đồng thế giới.
Ở cốt lõi của các mục tiêu quốc gia này là một tín
ngưỡng văn minh coi Trung Quốc là trung tâm của vũ trụ. Trong tiếng Trung,
Trung Quốc có nghĩa là Vương quốc Trung tâm. “Trung” ở đây không nói đến không
gian giữa các vương quốc đối địch khác, mà là chỉ mọi vương quốc nằm giữa trời
và đất. Như ông Lý đã tóm tắt quan điểm về thế giới được chia sẻ bởi hàng trăm
quan chức Trung Quốc tìm đến lời khuyên của ông, họ “nhớ lại một thế giới mà
Trung Quốc thống trị còn các nhà nước khác với họ chỉ như những kẻ cầu xin trước
một đấng tối cao, như những chư hầu mang báu vật triều cống đến Bắc Kinh”.
Trong câu chuyện này, sự trỗi dậy của phương Tây trong những thế kỷ gần đây là
một sự bất thường lịch sử, phản ánh sự yếu kém về mặt công nghệ và quân sự của
Trung Quốc khi phải đối mặt với các đế quốc thống trị trong một “thế kỷ ô nhục”
từ khoảng năm 1839 đến năm 1949. Tập Cận Bình đã hứa với người dân của ông:
Chuyện này sẽ không còn nữa.
Chương trình hành động của Tập nhằm khôi phục lại vị
thế vĩ đại đã mất này là gì? Theo ông Lý, cố vấn chính trị của Tập, một nhà
lãnh đạo đất nước phải “vạch ra tầm nhìn tương lai cho người dân, biến tầm nhìn
đó thành các chính sách mà anh ta phải thuyết phục được người dân là nó đáng ủng
hộ, và cuối cùng là khích lệ họ giúp anh ta thực hiện”. Đã vạch ra một tầm nhìn
táo bạo là “Trung Quốc mộng”, Tập đang tích cực vận động người ủng hộ thực hiện
một nghị trình hành động vô cùng tham vọng trên bốn mặt tương quan.
Là tay lái chính của cả công cuộc này, yêu cầu đầu
tiên đối với Tập trong việc hiện thực hóa Giấc mộng Trung Quốc là tái chính
danh hóa một Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ trong vai trò là lực lượng tiên
phong và giám hộ của nhà nước Trung Quốc. Ít lâu sau khi nhậm chức, Tập đã nói
với các thành viên Bộ Chính trị rằng “giành được hay mất đi sự ủng hộ của nhân
dân là một vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng Cộng sản”. Ông cũng thẳng
thừng cảnh báo họ: “Tham nhũng có thể kết liễu Đảng”. Trích Khổng Tử, ông hứa sẽ
“vi chính dĩ đức” (cai trị bằng đức) và “tề chi dĩ hình” (ổn định bằng hình luật).
Đây không phải là đe dọa suông. Tập đã phát động một chiến dịch chống tham
nhũng với quy mô chưa từng có do Vương Kỳ Sơn, thân tín của Tập, dẫn dắt. Nỗ lực
này được gọi là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do nó hứa hẹn sẽ bắt giữ mọi quan
chức tham nhũng dù đó là “ruồi” cấp thấp hay là “hổ” cấp cao. Dưới quyền Vương,
18 tổ đặc nhiệm đứng đầu là các tổ trưởng đáng tin cậy trực tiếp báo cáo với Tập.
Từ năm 2012, đã có hơn 900.000 đảng viên bị kỷ luật và 42.000 đảng viên bị khai
trừ và truy tố tại các tòa hình sự. Trong đó có 170 “hổ” cấp cao, gồm hàng chục
sĩ quan cao cấp, 18 ủy viên và nguyên ủy viên của Ủy ban Trung ương gồm 150 người,
và thậm chí cả nguyên ủy viên của Ủy ban Thường vụ.
Và đối lập với glasnost của
Gorbachev – cởi mở với các tư tưởng – Tập đòi hỏi phải tuân thủ ý thức hệ, thắt
chặt kiểm soát các cuộc thảo luận chính trị. Đồng thời, Tập cũng tìm cách củng
cố sự tập trung của Đảng trong nền quản trị Trung Quốc. Đặng tìm cách tách Đảng
khỏi Chính phủ, và tăng cường hệ thống quan liêu của nhà nước so với Đảng. Tập
lại thẳng thừng bác bỏ ý tưởng đó. Ít lâu sau khi Tập nắm quyền, một bài xã luận
trên Nhân dân nhật báo đã thể hiện rõ lập trường của ông:
“Chìa khóa để vận hành mọi thứ ở Trung Quốc một cách trơn tru và hiện thực hóa
Giấc mộng Trung Quốc là nằm ở Đảng”.
Thứ hai, Tập phải tiếp tục làm Trung Quốc giàu có trở
lại. Ông biết rằng sự ủng hộ của người dân Trung Quốc đối với Đảng Cộng sản chủ
yếu vẫn phụ thuộc vào khả năng đem lại những mức tăng trưởng kinh tế mà không đất
nước nào khác đạt được. Nhưng tiếp tục hiệu quả kinh tế phi thường của Trung Quốc
sẽ đòi hỏi duy trì một hành động đầy rủi ro. Tập rất cảnh giác với cái bẫy thu
nhập trung bình mà nhiều nước đang phát triển vấp phải khi tiền lương tăng làm
giảm lợi thế cạnh tranh của họ trong ngành chế tạo, và lời hứa không chút mơ hồ
của ông là duy trì tăng trưởng 6,5% một năm đến năm 2021 sẽ đòi hỏi cái mà một
số người đã mô tả là “duy trì cái không thể duy trì được”.
Tuy nhiên, có một sự nhất trí chung về việc Trung Quốc
phải làm gì để tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ đó trong nhiều năm tới. Các yếu tố
then chốt được nêu ra trong kế hoạch năm năm gần đây nhất của Trung Quốc, bao gồm:
đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nhu cầu được thúc đẩy bằng tiêu dùng trong
nước; tái cấu trúc hoặc đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả; tăng
cường cơ sở khoa học và công nghệ để nâng cao đổi mới; thúc đẩy tinh thần khởi
nghiệp ở Trung Quốc; và tránh các mức nợ không bền vững.
Với phạm vi và tham vọng của kế hoạch của Tập, hầu hết
các nhà kinh tế và nhiều nhà đầu tư phương Tây đều e rằng ông khó mà đạt được.
Nhưng nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư trong số đó đã mất tiền khi không đặt cửa
cho Trung Quốc trong 30 năm qua. Như cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng
thống Reagan Martin Feldstein đã nói, “Không phải chính sách nào trong số này
cũng phải thành công… Nếu có đủ chính sách đủ thành công, tăng trưởng 6,5%
trong vài năm tới có lẽ sẽ không nằm ngoài tầm với”.
Thứ ba, Tập phải làm
Trung Quốc tự hào trở lại. Tăng trưởng kinh tế không thôi chưa đủ. Ngay cả khi
các cải cách thị trường của Đặng đã mở rộng mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng
sau năm 1989, Đảng cũng phải vật lộn để chứng minh lý do tồn tại của mình khi
chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là danh nghĩa. Vậy thì tại sao người Trung Quốc lại
nên cho phép Đảng cai trị mình? Câu trả lời: Đảng là một ý thức được làm mới về
bản sắc dân tộc có thể được đón nhận rộng rãi một cách tự hào trong số một tỷ
người Trung Quốc.
Trong khi Cách mạng Văn hóa của Mao cố gắng xóa bỏ
quá khứ cổ xưa của Trung Quốc và thay thế nó bằng “con người xã hội chủ nghĩa mới”
của chủ nghĩa cộng sản, Tập lại ngày càng thể hiện Đảng như là lực lượng kế thừa
và kế vị một đế chế Trung Quốc 5.000 năm tuổi chỉ bị hạ bệ bởi phương Tây cướp
bóc. Câu “vật vong quốc sỉ” (chớ quên sự ô nhục của đất nước) đã trở thành một
câu thần chú dung dưỡng tình cảm ái quốc dựa trên tư tưởng mình là nạn nhân và
thấm đẫm một đòi hỏi phải báo thù. Như cựu Giám đốc văn phòng Bắc Kinh của tờ Financial
Times Geoff Dyer đã giải thích, “Đảng Cộng sản phải đối mặt với một mối
đe dọa đang nóng dần lên đối với tính chính danh của mình kể từ khi từ bỏ Marx
để theo thị trường”. Do đó Đảng đã gợi lên những sự ô nhục của quá khứ dưới bàn
tay Nhật Bản và phương Tây “để tạo ra một ý thức đoàn kết vốn đã vụn vỡ, và để
xác định một bản sắc Trung Quốc về cơ bản là mâu thuẫn với tính hiện đại của Mỹ”.
Cách tiếp cận này đang có hiệu quả. Trong những năm
1990, khi nhiều trí thức phương Tây ăn mừng “sự kết
thúc của lịch sử” với chiến thắng rõ ràng của các nền dân chủ dựa trên
thị trường, nhiều nhà quan sát đã tin rằng Trung Quốc cũng đang trên đường tiến
tới một chính phủ dân chủ. Ngày nay, rất ít người ở Trung Quốc cho rằng các quyền
tự do chính trị quan trọng hơn việc giành lại vị thế quốc tế và niềm tự hào dân
tộc của Trung Quốc. Như ông Lý đã nói rõ, “Nếu anh tin là sẽ có một cuộc cách mạng
đòi dân chủ ở Trung Quốc thì anh sai rồi. Các sinh viên Thiên An Môn giờ ở
đâu?” Ông trả lời thẳng thừng: “Họ đã lỗi thời. Người Trung Quốc muốn một Trung
Quốc phục hưng”.
Cuối cùng, Tập đã cam kết làm Trung Quốc mạnh mẽ trở
lại. Ông tin rằng một quân đội “có khả năng chiến đấu và chiến thắng các cuộc
chiến” là tối quan trọng đối với việc hiện thực hóa mọi thành tố khác trong Giấc
mộng Trung Quốc. “Để đạt được công cuộc đại phục hưng dân tộc Trung Quốc”, ông
nói, “chúng ta phải đảm bảo sự thống nhất giữa một đất nước thịnh vượng và một
quân đội hùng mạnh”. Dù mọi cường quốc đều xây dựng các đội quân mạnh, “Giấc mộng
Quân đội Hùng mạnh” này là đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc khi nó tìm
cách vượt qua nỗi ô nhục dưới tay các cường quốc nước ngoài.
Bất chấp mọi thách thức khác trong nghị trình của
mình, Tập đang cùng lúc tái tổ chức và tái thiết các lực lượng vũ trang của
Trung Quốc theo cách mà chuyên gia hàng đầu của Nga về quân đội Trung Quốc
Andrei Kokoshin gọi là “chưa từng có về quy mô và chiều sâu”. Ông đã xử lý nạn
đút lót trong quân đội và cải tổ tổ chức vốn tập trung vào nội địa của nó để tập
trung vào các chiến dịch hợp đồng tác chiến chống lại các kẻ thù bên ngoài.
Việc xáo trộn bộ máy quan liêu như vậy thường không
phải là một sự kiện lạ lùng. Nhưng trong trường hợp của Tập nó đã nhấn mạnh cam
kết hết sức nghiêm túc của Bắc Kinh là xây dựng một quân đội hiện đại có thể
đương đầu và đánh bại mọi đối thủ – nhất là Mỹ. Dù các nhà hoạch định quân sự của
Trung Quốc không dự tính một cuộc chiến tranh, cuộc chiến mà họ đang chuẩn bị lại
đặt Trung Quốc vào thế cạnh tranh với Mỹ trên biển. Tập đã tăng cường các lực
lượng hải quân, không quân, và tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân vốn hết sức
quan trọng đối với việc kiểm soát các vùng biển, trong khi cắt giảm 300.000
lính bộ và giảm sự thống trị truyền thống của các lực lượng trên đất liền trong
quân đội.
Trong khi đó, các chiến lược gia quân sự của Trung
Quốc đang chuẩn bị cho xung đột trên biển bằng một chiến lược “tiền duyên phòng
ngự” (forward defense) dựa trên việc kiểm soát các vùng biển gần Trung Quốc nằm
trong “chuỗi đảo thứ nhất”, chạy từ Nhật Bản, qua Đài Loan, đến Philippines và
Biển Đông. Bằng cách triển khai các năng lực quân sự chống tiếp cận/chống xâm
nhập (A2/AD) đe dọa đến các tàu sân bay và các tàu chủ lực khác của Hoa Kỳ,
Trung Quốc đã liên tục đẩy Hải quân Hoa Kỳ ra khỏi các vùng biển lân cận của
mình phòng khi có xung đột. Một nghiên cứu đáng tin cậy của tổ chức RAND năm
2015 cho thấy rằng đến cuối năm 2017 Trung Quốc sẽ có “lợi thế” hoặc “tương đối
ngang hàng” trong sáu trên chín lĩnh vực năng lực quân sự truyền thống vốn rất
quan trọng trong một cuộc đối đầu ở Đài Loan, và bốn trên chín lĩnh vực trong một
cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Nghiên cứu này kết luận rằng trong vòng từ 5 đến
15 năm tới, “châu Á sẽ chứng kiến một đường ranh giới dần dần rút lui của sự thống
trị của Hoa Kỳ”.
Trong lúc từ từ ép Mỹ ra khỏi các vùng biển này,
Trung Quốc cũng kéo các nước Đông Nam Á vào quỹ đạo kinh tế của mình, cũng như
cả Nhật Bản và Úc. Đến nay nó đã thành công mà không phải chiến đấu. Nhưng nếu
phải chiến đấu, Tập muốn Trung Quốc thắng.
***
Liệu Tập có thành công trong việc đưa Trung Quốc
phát triển đủ mạnh để thay thế Mỹ trong vai trò là nền kinh tế hàng đầu thế giới
và chủ thể quyền lực nhất ở Tây Thái Bình Dương hay không? Ông có thể làm Trung
Quốc vĩ đại trở lại hay không? Hiển nhiên là mọi chuyện có thể diễn biến xấu đi
theo rất nhiều cách, và những tham vọng phi thường này đã khiến hầu hết các nhà
quan sát hoài nghi. Nhưng khi được hỏi, Lý Quang Diệu đã đánh giá tỷ lệ thành
công là bốn trên năm. Cả ông Lý lẫn tôi đều đặt cửa cho Tập. Như ông Lý nói, “ý
thức về số phận được gợi lại [của Trung Quốc] là một sức mạnh vượt trội”.
Nhưng nhiều người Mỹ vẫn còn phủ nhận ý nghĩa của sự
chuyển mình từ một nước nông nghiệp lạc hậu sang “chủ thể lớn nhất trong lịch sử
thế giới” của Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Khi một Trung Quốc đang lên nhanh chóng thách thức sự
thống trị quen thuộc của Hoa Kỳ, hai nước có nguy cơ rơi vào một cái bẫy chết
người được xác định lần đầu bởi sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides. Viết về một cuộc
chiến đã tàn phá hai thành bang hàng đầu của Hy Lạp cổ đại cách đây hai thiên
niên kỷ rưỡi, ông giải thích: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ điều này
sẽ lan đến Sparta đã làm cuộc chiến này trở nên không thể tránh khỏi”.
Năm 2015, tờ The Atlantic cho đăng
bài “Bẫy
Thucydides: Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đâm đầu vào chiến tranh?” Trong tiểu
luận này tôi lập luận rằng ẩn dụ lịch sử này cung cấp những ống kính tốt nhất để
làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày nay. Kể từ đó, khái niệm này
đã khơi mào một cuộc tranh luận đáng kể. Thay vì đối mặt với bằng chứng và suy
nghĩ về những điều chỉnh không thoải mái nhưng cần thiết mà cả hai bên có thể
phải thực hiện, các nhà hoạch định chính sách và các vị nguyên thủ đã dựng một
con bù nhìn rơm quanh tuyên bố của Thucydides về sự “không thể tránh khỏi” và
châm lửa – cho rằng cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh là không định trước.
Tại cuộc gặp cấp cao năm 2015, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình
đã thảo luận chi tiết về cái bẫy này. Obama nhấn mạnh rằng bất chấp căng thẳng
cấu trúc mà sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra, “hai nước vẫn có khả năng quản
lý những bất đồng”. Đồng thời, họ cũng thừa nhận rằng, theo lời của Tập, “nếu
liên tục phạm phải những sai lầm tính toán chiến lược thì các nước lớn có thể sẽ
tự tạo ra những cái bẫy như vậy cho chính mình”.
Tôi đồng ý: Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc không
phải là không thể tránh khỏi. Quả thật, Thucydides cũng sẽ đồng ý rằng cuộc chiến
giữa Athens và Sparta cũng thế. Đặt vào bối cảnh, rõ ràng tuyên bố của ông về sự
không thể tránh khỏi của cuộc chiến ấy là cường điệu: cường điệu vì mục đích nhấn
mạnh. Ý chính của cái bẫy Thucydides không phải là niềm tin vào số mệnh định sẵn
hay thái độ bi quan. Thay vào đó, nó đưa chúng ta ra khỏi những tiêu đề báo chí
và luận điệu của chế độ để nhận ra sự căng thẳng cấu trúc vô cùng lớn mà Bắc
Kinh và Washington phải quản lý để xây dựng được một mối quan hệ hòa bình.
Liệu cuộc đụng độ sắp tới giữa hai cường quốc này có
dẫn đến chiến tranh hay không? Liệu Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập, hoặc những
người kế nhiệm họ, có giẫm vào vết xe đổ đầy bi kịch của các nhà lãnh đạo của
Athens và Sparta hay của Anh và Đức hay không? Liệu họ có tìm được một cách
tránh được chiến tranh hiệu quả như Anh và Mỹ đã làm cách đây một thế kỷ, hay
như Mỹ và Liên Xô đã làm trong bốn thập niên Chiến tranh Lạnh hay không? Rõ
ràng là không ai biết được. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng động lực
mà Thucydides đã xác định trước đây sẽ còn tăng cường trong những năm tới.
Phủ nhận cái bẫy Thucydides sẽ không làm nó bớt thực
tế hơn. Thừa nhận nó cũng không có nghĩa là phải chấp nhận bất cứ chuyện gì xảy
ra. Vì các thế hệ trong tương lai, chúng ta có trách nhiệm trước mắt là phải đối
mặt với một trong những khuynh hướng tàn bạo nhất của lịch sử và sau đó làm mọi
thứ chúng ta có thể để tạo nên kỳ tích.
T.N.
& N.H.H.
Graham Allison là Giám đốc Trung tâm Belfer về Khoa
học và Quan hệ Quốc tế và Giáo sư ngành quản trị công tại Trường Quản lý Nhà nước
John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bài viết
này được chuyển thể từ cuốn sách mới xuất bản của ông, Destined for
War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? (Houghton Mifflin
Harcourt, 2017).
Nguồn: Graham Allison, “What
Xi Jinping Wants,” The Atlantic, May 31, 2016.
No comments:
Post a Comment