Monday, June 12, 2017

ĐỔI MỚI CĂN BẢN & TOÀN DIỆN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ : AI CHO TÔI NIỀM TIN ? (Nguyễn Trọng Bình)




Nguyễn Trọng Bình
 viet-studies ngày 10-6-17

1. Lời thưa trước

"Mọi người đều có quyền phát biểu. Mọi ý kiến phải được lắng nghe. Nếu ý kiến đó sai, chúng ta có thêm cơ sở khẳng định sự đúng đắn của mình, nếu ý kiến đó đúng, chúng ta có cơ hội sửa chữa, bổ sung cho mình." – John Stuart Mill.

2. Giáo dục: chính trị hóa và những ban bệ

2.1 Về chuyện này, có lẽ cũng không phải nói nhiều, trước hết hãy nhìn vào thành phần danh sách hai Hội đồng “Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực”  “Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo mới được phê duyệt cách đây không lâu sẽ biết. Cả hai Hội đồng quan trọng này đều do ông Thủ tướng làm Chủ tịch; và nội dung nhiệm vụ của cả hai Hội đồng về cơ bản chẳng khác gì nhau. Tựu chung lại đều là “nghiên cứu”, “đề xuất”, “tham mưu” cho Thủ tướng những vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển giáo dục nước nhà. Nhưng oái oăm thay, ông Thủ tướng cũng đồng thời cũng là một thành viên trong trong đó. Hóa ra ông lại tham mưu cho chính ông? Chưa hết, nhìn kỹ lại thì đa số các thành viên đều là những lãnh đạo cấp cao, bận trăm công nghìn việc, và nhất là không phải là những nhà khoa học thực thụ về giáo dục (đặc biệt là ởỦy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo ) thì nghiên cứu và tham mưu cái gì đây?

Đó chỉ mới là hai ban bệ lớn lo những chuyện ở “tầm vĩ mô”, còn ban bệ nhỏ hơn chút là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa mới được cơ cấu lại. Có lẽ để cho “tinh gọn” và “khoa học”, thời ông Bộ trưởng trước đây cả Bộ có 27 đơn vị trực thuộc thì giờ cơ cấu lại thành…26. Theo đó, có21 đơn vị làm nhiệm vụ giúp ông Bộ trưởng mới thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ. Nhìn vào cả hệ thống và cơ cấu trên, có thể thấy hoặc là giáo dục nước nhà có quá nhiều việc phải làm hoặc là phát biểu của những vị đại biểu quốc hội gần đây về việc có khoảng “30% công chức không làm được việc, ngồi không ăn lương” mà Bộ giáo dục cũng không phải là ngoại lệ? Đó là vẫn chưa kể đến mấy chục Sở giáo dục và đào tạo ở mỗi  tỉnh thành trên cả nước; và dưới các Sở là vô số các Phòng đặt ở các quận, huyện… Hóa ra, những năm qua kết quả thu về của phong trào đổi mới tư duy và năng quản lý giáo dục nước nhà là như vậy?

2.2 Ai cũng biết giáo dục là khoa học nhưng nhìn vào các ban bệ trên có thể thấy các nhà khoa học (nhất là những người có uy tín và tâm huyết) hầu như đều đã bị gạt ra khỏi hệ thống thay vào đó toàn là những “gương mặt chính trị” không hơn không kém. Hội đồng, “ban bệ” như thế thì hỏi sao khi nghe các nhà giáo, nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề “triết lý giáo dục, tự do, khai phóng” thì có người nếu không gạt ngang cũng chỉ giả vờ lắng nghe, giả vờ quan tâm, giả vờ trân trọng... Bởi trên thực tế, mọi chuyện đã được phán quyết và sắp đặt hết cả rồi: Đổi mới theo Nghị quyết chứ không theo thực tiễn cuộc sống xã hội. Bằng chứng cho chuyện này là câu phát biểu xanh rờn của ông cựu Bộ trưởng năm nào: “triết lý giáo dục của chúng ta là Nghị quyết của Đảng”!?

Còn nhớ, năm 2015, trong buổi hội thảo giới thiệu sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm ở Hà Nội, cậu bé Vũ Thạch Tường Minh, 14 tuổi - học sinh lớp 8 trường Hà Nội – Amsterdam có phát biểu: “... Con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá “thối nát” rồi(...).Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”.

Phát biểu của cậu bé ngay sau đó đã dấy lên một cuộc tranh luận trái chiều. Đặc biệt, với những người có thói quen chụp mũ người khác ngay lập tức lên tiếng phê phán và chỉ trích cậu bé. Thật lạ lùng làm sao thay vì dũng cảm nhìn lại những gì cậu bé nói với tinh thần “tiên trách kỷ hậu trách nhân” thì những người kia chỉ biết chí trích và lên án; cho rằng phát biểu của cậu bé chẳng qua là “ăn theo nói leo” hoặc bị ai đó “mớm” lời, “xúi giục”… Nếu dũng cảm nhìn vào thực tế, những người chỉ trích sẽ nhận ra phát biểu của cậu bé chính là một minh chứng cụ thể và sống động về sự khủng hoảng trầm trọng của nền giáo dục nước nhà thời gian qua; là biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy sự mất niềm tin của người dân về những chủ trương chính sách về giáo dục nước nhà lâu nay. Vì vậy mà cái đề án “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” mới có cơ hội ra đời.

3. Dự thảo “Chương trình giáo dục Phổ thông” mới: Vai trò của ông Tổng chủ biên - cái phao hay tấm bình phong?

Nói có sách, mách có chứng, bây giờ hãy thử bàn trực tiếp về một số vấn đề liên quan đến “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” mới vừa được ban hành và lấy ý kiến nhân dân để thấy rõ hơn những vấn đề vừa đặt ra ở trên.

Thôi thì không đi sâu bàn vào những chi tiết kỹ thuật, hãy nói về vấn đề tư duy và nhận thức của những người tham gia soạn thảo đặc biệt là vai trò của ông Tổng chủ biên chương trình.

Liên quan đến vấn đề này, có một vấn đề nổi cộm mà ai cũng thấy là “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” vừa được công bố hoàn toàn cố tình né tránh và không đề cập gì đến vấn đề mà từ lâu các chuyên gia giáo dục đã bàn thảo rất nhiều và rất sôi nổi thời gian qua: vấn đề“triết lý giáo dục.  Cụ thể hơn, tại sao lại gọi là “chân dung người học sinh mới” với “6 phẩm chất”và “10 năng lực” rất chung chung như vậy? Cơ sở lý luận và nhận thức nào để đặt ra những điều ấy? Và ai dám cam kết và đảm bảo thế hệ trẻ của đất nước sau khi thụ hưởng nội dung và chương trình giáo dục này sẽ có được “6 phẩm chất” và “10 năng lực” kia?

Thử phản biện về một vài “phẩm chất” mà dự thảo chương trình tổng thể đã đặt ra như: “yêu đất nước”, “yêu con người”, “chăm học”, “chăm làm” bằng một số câu hỏi sau:

Thứ nhất, trong ý nghĩa và bối cảnh của vấn đề “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà, việc đặt ra các “phẩm chất” như thế phải chăng những người tham gia soạn thảo chương trình muốn nói rằng chương trình giáo dục nước nhà trước đây không chú ý vấn đề này, nghĩa là các công dân Việt Nam đang thụ hưởng nền giáo dục hiện nay không được rèn luyện phẩm chất “yêu đất nước”, “yêu con người”? Thứ hai, nếu xem các “phẩm chất” trên là “mục tiêu” và “đích cuối cùng” của chương trình giáo dục thì phải chăng con, em của đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài không có “cơ hội” thụ hưởng nền giáo dục trong nước sẽ không có tinh thần “yêu đất nước”, “yêu con người” Việt Nam? Thứ ba, “chăm học”, “chăm làm” là gì? Cứ cho là ai đó rất siêng năng, chịu khó, cần cù, chăm học, chăm làm đi nhưng nếu học và làm sai phương pháp và không hiệu quả thì phỏng có giúp ích gì cho xã hội và đất nước!? Có nên xem đây  là những “phẩm chất” cốt lõi làm nn giá trị của một cá nhân, một cộng đồng, một dân tộc trong xu thế hội nhập hay không?  

 Đặt ra vấn đề trên để thấy rằng, tuy là nói“đổi mới căn bản và toàn diện” nhưng trên thực tế vẫn là một sự luẩn quẩn và bế tắc trong tư duy của những người trực tiếp triển khai đề án lần này. Từ đây, một vấn đề quan trọng khác không thể không bàn thêm là vai trò và trách nhiệm của ông Tổng chủ biên chương trình tổng thể – GS Nguyễn Minh Thuyết là như thế nào? Tại sao một người lâu nay (trong tư cách vừa là một nhà giáo vừa là đại biểu Quốc hội) với những phát biểu thể hiện tư duy tiến bộ rất được lòng nhân dân…nhưng lại không nhận ra những bất cập trên? Nhất là không hiểu sao giờ đây ông lại lóng ngóng và mông lung với những phát biểu rất khó hiểu như:“đã xác định được triết lý giáo dục phổ thông”; hoặc như “ai cũng viết sách giáo khoa có mà loạn”… Thật lạ lùng làm sao, ông nói triết lý gì sao chẳng ai thấy, hay để Bộ giáo dục độc quyền biên soạn SGK như hiện tại thì không “loạn” hay sao?

Xin mạo muội đặt ra hai khả năng dưới đây để có cái nhìn cụ thể hơn về vai trò của ông Tổng chủ biên:

Một là, phải chăng ông được mời vô đứng tên Tổng chủ biên chỉ là giải pháp tình thế, chẳng đặng đừng trong hoàn cảnh mà niềm tin của nhân dân dành cho giáo dục đã cạn kiệt? Nói khác đi, với thương hiệu và uy tín trong vai trò đại biểu Quốc hội, từng đảm nhận cương vị “Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng” trước đây, GS Nguyễn Minh Thuyết chính là “tấm bình phong” vững chắc cho Bộ giáo dục và Đào tạo nhằm trấn an dư luận và truyền thông chứ trên thực tế ông Thuyết cũng chẳng thay đổi được gì bởi mọi chuyện đã được an bày trước.

Hai là, ông Tổng chủ biên là trường hợp điển hình, một minh chứng sống động cho một “kiểu người” – “kiểu trí thức” trong xã hội Việt Nam hiện nay: mọi lời nói trước công luận bao giờ cũng cho thấy mình “đứng” về “phe nhân dân” nhưng trên thực tế nhìn vào những việc làm cụ thể thì không hẳn như vậy nếu không muốn nói có khi còn ngược lại.

Hãy cùng phân tích và kiểm tra hai khả năng này qua một số biểu hiện cụ thể sau:

Nếu người viết bài này nhớ không lầm thì GS Nguyễn Minh Thuyết là người rất nhiều lần tạo ra những tranh cãi trong dư luận về những lùm xùm liên quan đến những sai sót trong việc biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học hiện hành mà phụ huynh học sinh đã phản ánh và báo chí truyền thông từng đưa tin. Có thể điểm lại hàng loạt vụ “cộm cán” như: vụ "Hai Bà Trưng đánh giặc nào?" trong sách Tiếng Việt lớp 3; vụ liên quan đến hai từ "ngọt sắt" hay "ngọt sắc" trong sách Tiếng Việt lớp 4; vụ trích dẫn ngữ liệu liên quan đến bài thơ "Thương ông" của nhà thơ Tú Mỡ trong sách Tiếng Việt lớp 2; vụ “Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây”  trong sách Tiếng Việt và Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5...

Hay gần nhất là vụ phát biểu về vấn đề tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân với Tổ quốc trong lần công bố dự thảo chương trình tổng thể trước đó như sau:

Khi phóng viên hỏi: “Thưa GS, ông có thể phân tích mặt tích cực cũng như hạn chế của việc tích hợp nói chung, cũng như việc tích hợp môn Lịch sử nói riêng? Việc tích hợp này có ưu điểm gì so với cách dạy và học cũ”? Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã trả lời: “Theo tôi, việc tích hợp kiến thức có nhiều ưu điểm hơn hạn chế. Nói cho dễ hiểu, tích hợp giống như làm một món ăn. Thay vì dọn riêng món cà rốt sống, hành tây luộc, nước mắm, gia vị, thịt bò xào v.v…, chúng ta xào tất cả với nhau thành một món ăn thì món ăn ấy sẽ đủ chất, đủ vị mà có thể ngon miệng hơn. Sự ngon miệng chỉ kém nếu người nấu kém tài hoặc mỗi người nấu vẫn muốn giữ riêng món độc lập của mình”.

Những “sự cố” trên, cho chúng ta thấy điều gì? Cá nhân người viết cho rằng, khoảng cách giữa lời nói và hành động của GS Nguyễn Minh Thuyết có vẻ rất xa và ít khi trùng khớp với nhau.Về những “sự cố” liên quan đến những sai sót trong sách giáo khoa Tiếng Việt cấp tiểu học, trong vai trò người chủ biên có thể thấy những lời giải thích của GS Nguyễn Minh Thuyết hầu như chỉ tìm cách chống chế, cãi bừa hơn là sự cầu thị nhận lỗi để sửa sai. Về vấn đề dạy học tích hợp thì nhận thức của GS Nguyễn Minh Thuyết rõ ràng quá máy móc nếu không muốn nói là cẩu thả. Phương pháp dạy học tích hợp mà ông nói giống như người ta xào món thịt bò thập cẩm thì quả là “botay. com”, không biết nói sao với ông.

Tóm lại, có thể nói không ngoa rằng, tham gia vào công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” lần này, GS Nguyễn Minh Thuyết là một người cũ – người đã từng tham gia vào lần đổi mới bị dư luận đánh giá là thất bại trước đó. Vì thế, khó có thể xem ông như một cái phao cứu sinh để người dân tin tưởng và bấu víu khi con tàu giáo dục nước nhà đang rất chông chênh, có nguy cơ chìm đắm. Phải chăng vì vậy mà mới đây nhà giáo Phạm Toàn trong bài viết “Tôi thấy bóng dáng của Chương trình 2000 đang hiển hiện” với những phân tích và lý giải rất thấu đáu đã đưa ra khuyến nghị là nên dừng “Chương trình tổng thể” này lại để tránh rơi vào những vết xe đổ năm xưa?

3. Thay lời kết

3.1 Khi vừa nhậm chức, đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nói trước công luận rằng: “Nhiệm vụ quan trọng của chúng ta bây giờ là tập hợp các nguồn lực để tạo được một số chuyển biến tích cực, có tính đột phá trong giáo dục, nhờ đó tạo được niềm tin. Khi xã hội có niềm tin thì công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo sẽ thuận lợi(...)Niềm tin phải được xây dựng bắt đầu tư quan điểm đúng và hành động quyết liệt để có những kết quả cụ thể. Chỉ làm được như thế thì mới tạo được niềm tin của xã hội”.

Đọc lại phát biểu của ông Bộ trưởng thấy cũng rất hay, tuy vậy, đến thời điểm này, với những gì đã và đang diễn ra xung quanh dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, có thể thấy chưa có một dấu hiệu nào để xã hội người dân an tâm và tin tưởng về khả năng thành công trong tương lai.

Không dừng lại ở đó, trong khi đề án “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” chưa biết sẽ đi về đâu thì mấy hôm nay lại nghe đâu ông Bộ trưởng đang rục rịch chuẩn bị có thêm chủ trương xóa bỏ biên chế đối với giáo viên phổ thông? Về phương diện lý thuyết thì chủ trương kia nếu triển khai được cũng tốt thôi nhưng vấn đề là đã nghiên cứu kỹ về tất cả các mặt trong điều kiện và tình hình hiện tại chưa? Nếu chưa có sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng thì nêu ra làm gì để hàng triệu giáo viên nước nhà thêm hoang mang, lo lắng… Quan trọng hơn, tất cả những chủ trương ấy sao chẳng thấy một ý kiến, đề xuất, tham mưu nào từ hai Hội đồng quốc gia vừa nêu ở trên?

3.2 “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “giáo dục là chìa khóa…” có lẽ là hai câu văn mẫu được đề cập nhiều nhất trong các bài phát biểu hay tổng kết báo cáo của những người “cai quản nền giáo dục” trước quốc dân đồng bào từ bao năm nay. Nội dung và ý nghĩa của hai câu văn mẫu ấy đương nhiên là không sai nhưng phải chăng cái sai là ở chỗ tư cách của những người mở miệng thốt ra những lời văn vẻ kia. Và phải chăng đây mới chính là đầu mối của mọi đầu mối, nguyên nhân của mọi làm cho giáo dục nước nhà lâm vào khủng hoảng và không có lối ra; càng hô hào đổi mới bao nhiêu càng rối rắm và bùng nhùng bấy nhiêu; niềm tin của người dân cũng theo đó mà ngày một rệu rã và tàn lụi đi?

***

Được biết sắp tới đây, nếu không có gì thay đổi thì dân chúng một lần nữa sẽ ì ạch nai lưng ra làm để trả món nợ vay 77 triệu USD cho công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” này!? Nhắc đến tiền nong mà đau lòng! Có lẽ nào, một chủ trương lớn liên quan đến vận mệnh dân tộc, quốc gia nhưng chỉ có một nhóm người âm thầm tiến hành trong sự vội vã mà khả năng thất bại là điều có thể nhìn thấy trước!? Than ôi, có lẽ nào vì có quá nhiều tiền cũng là một nguyên nhân làm cho mọi cuộc cuộc đổi ở đất nước này đều mới không thành công? Nói khác đi, phải chăng vì tiền mà người ta hô hào “đổi mới” chứ không phải họ đổi mới là vì tương lai dân tộc, quốc gia?

Cần Thơ, 10/6/2017
--------------

Tài liệu tham khảo:

1. “Danh sách Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực”.http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/danh-sach-hoi-dong-quoc-gia-giao-duc-va-phat-trien-nguon-nhan-luc-363392.html
2. “Danh sách thành viên Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo”http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/danh-sach-thanh-vien-uy-ban-quoc-gia-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-364348.html
3.“Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không việc gì phải sợ Trung Quốc” –https://ttngbt.wordpress.com/.../sach-tieng-viet-lop-3-ke-thu-cua-hai-ba-t...
4. “Ngọt sắt"  hay " ngọt sắc"?  http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140325/ngot-sat-hay-ngot-sac/599647.html
 5.“Tôi nghĩ rằng từ đúng là “ngọt sắc” - http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140326/toi-nghi-rang-tu-dung-la-ngot-sac/599917.html
 6.“Không phải cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa” tại  http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/khong-phai-cu-thich-la-sua-ngu-lieu-sach-giao-khoa-508381.html
 7. “Xuất xứ Thánh Gióng tắm ở Hồ Tây” tại http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/226089/xuat-xu--thanh-giong-tam-o-ho-tay--cua-nguyen-dinh-thi.html
8. “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đã xác định được triết lý giáo dục phổ thông”http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Da-xac-dinh-duoc-triet-ly-giao-duc-pho-thong-post173926.gd
9. “Việc lên tiếng môn Lịch sử bị “khai tử” là phản ứng quá vội vàng”! http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viec-len-tieng-mon-lich-su-bi-khai-tu-la-phan-ung-qua-voi-vang-20151116231305383.htm
10. “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mục tiêu của giáo dục không phải là bằng cấp”http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-muc-tieu-cua-giao-duc-khong-phai-la-bang-cap-3384392.html
11. “Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi thấy bóng dáng của Chương trình 2000 đang hiển hiện”http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nha-giao-Pham-Toan-Toi-thay-bong-dang-cua-Chuong-trinh-2000-dang-hien-hien-post177083.gd
12. Liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, hãy nhìn rừng, đừng nom cây. http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lien-quan-toi-van-menh-quoc-gia-dan-toc-hay-nhin-rung-dung-nom-cay-post176851.gd
13. “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Sở nào cũng viết sách giáo khoa thì loạn”.http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-So-nao-cung-viet-sach-giao-khoa-thi-loan-post175780.gd






No comments:

Post a Comment