Wednesday, June 7, 2017

NĂM MƯƠI NĂM SAU CHIẾN TRANH SÁU NGÀY (Richard N. Haass - Project Syndicate)




Richard N. Haass  -  Project Syndicate    
Biên dịch: Trần Anh Phúc | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Thế giới sắp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến tranh nổ ra vào tháng 6 năm 1967 giữa Israel với Ai Cập, Jordan, và Syria – một cuộc xung đột vẫn tiếp tục là một dấu ấn lớn tại một khu vực có lịch sử hiện đại được định hình chủ yếu bởi bạo lực. Cuộc chiến này kéo dài chưa đầy một tuần, nhưng di sản của nó vẫn còn dai dẳng trong hàng nửa thế kỷ sau đó.

Bản thân cuộc chiến được châm ngòi bởi một cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào lực lượng không quân Ai Cập nhằm đáp trả quyết định của Ai Cập về việc trục xuất lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ra khỏi Gaza và Bán đảo Sinai và đóng cửa Eo biển Tiran đối với tàu thuyền Israel. Israel tấn công trước, nhưng hầu hết các nhà quan sát đều xem đó là một hành động tự vệ chính đáng chống lại một mối đe dọa sát sườn.

Israel không có ý định chiến đấu trên nhiều mặt trận, nhưng cuộc chiến đã mở rộng nhanh chóng khi cả Jordan và Syria đều tham gia cuộc xung đột cùng phe Ai Cập. Đó là một quyết định đắt giá đối với các nước Ả Rập. Chỉ sau sáu ngày chiến đấu, Israel đã kiểm soát được Bán đảo Sinai và dải Gaza, Cao nguyên Golan, Bờ Tây, và toàn bộ Jerusalem. Nhà nước Israel mới rộng gấp ba lần so với trước. Nó gợi lại một cách kỳ quặc về kỷ Sáng thế: sau sáu ngày nỗ lực dồn dập là một ngày nghỉ ngơi, trong trường hợp này là việc ký một lệnh ngừng bắn.

Cuộc chiến chênh lệch và kết cục của nó đã chấm dứt quan niệm (đối với một số người là một giấc mơ) rằng Israel có thể bị xóa sổ. Chiến thắng năm 1967 đã làm cho Israel trở thành một nhà nước vĩnh viễn theo cách mà các cuộc chiến năm 1948 và năm 1956 đã không làm được. Nhà nước mới cuối cùng đã đạt được một mức độ chiều sâu chiến lược. Hầu hết các nhà lãnh đạo Ả Rập đã chuyển mục tiêu chiến lược của họ từ việc xóa sổ Israel sang việc thúc đẩy nước này trả lại những đường biên giới thời kỳ trước cuộc chiến năm 1967.

Tuy nhiên, Chiến tranh Sáu ngày đã không dẫn đến hòa bình, dù chỉ là hòa bình một phần. Điều đó sẽ phải chờ đến tận cuộc chiến tháng 10 năm 1973, cuộc chiến tạo tiền đề cho Hiệp ước Trại David và Hiệp định Hòa bình Israel-Ai Cập. Sau cuộc xung đột này phe Ả Rập phục hồi được danh dự; còn về phần mình người Israel lại phải hối tiếc. Có một bài học quý giá ở đây: những kết quả mang tính quyết định về quân sự không nhất thiết dẫn đến những kết quả mang tính quyết định về chính trị, chưa nói gì đến hòa bình.

Tuy nhiên, cuộc chiến năm 1967 có dẫn tới kết quả ngoại giao, ở đây là Nghị quyết số 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Được thông qua vào tháng 11 năm 1967, nghị quyết kêu gọi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng trong cuộc xung đột gần đây – nhưng cũng ủng hộ quyền được sinh sống trong các ranh giới an toàn và đã được công nhận của người Israel. Nghị quyết này là một trường hợp kinh điển về sự mập mờ mang tính sáng tạo. Những người khác nhau có thể hiểu nó theo những hướng khác nhau. Điều đó có thể giúp một nghị quyết dễ dàng được thông qua hơn, nhưng lại khó hành động dựa trên nghị quyết đó hơn.

Do đó hầu như không ngạc nhiên khi vẫn không có hòa bình giữa người Israel và người Palestine, bất chấp vô số hành động ngoại giao của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước thành viên, Liên Hợp Quốc, và chính các bên hữu quan. Công bằng mà nói, Nghị quyết số 242 không phải là nguyên nhân của tình trạng này. Hòa bình chỉ đến khi một cuộc xung đột trở nên chín muồi để đạt được giải pháp, đó là khi các nhà lãnh đạo của các bên đóng vai trò chủ đạo đều sẵn sàng và có khả năng chấp nhận thỏa hiệp. Nếu thiếu đi điều đó, không nỗ lực ngoại giao đầy thiện ý nào của những người ngoài cuộc có thể bù đắp được.

Nhưng dẫu sao đi nữa, cuộc chiến năm 1967 cũng đã có một tác động rộng lớn. Người Palestine đã có được một bản sắc và sự nổi bật trên trường quốc tế, điều mà phần lớn họ không có được khi hầu hết còn đang sống dưới sự cai trị của Ai Cập hay Jordan. Điều mà người Palestine không thể tạo ra là sự đồng thuận về việc có nên chấp nhận Israel hay không, và nếu có thì họ phải từ bỏ điều gì để có được một nhà nước của riêng mình.

Người Israel lại có thể đồng ý về một số vấn đề. Đa số ủng hộ việc trao trả Sinai cho Ai Cập. Nhiều đời chính phủ đã chuẩn bị trả lại Cao nguyên Golan cho Syria theo những điều khoản chưa bao giờ được đáp ứng. Israel đã đơn phương rút khỏi Gaza và ký một hiệp ước hòa bình với Jordan. Ngoài ra còn có một thoả thuận chung rằng các bên nên tiếp tục giữ Jerusalem ở tình trạng thống nhất và nằm dưới sự quản lý của Israel.

Nhưng thỏa hiệp đã chấm dứt ở Bờ Tây. Đối với một số người Israel, vùng lãnh thổ này là một phương tiện để đạt được mục đích, và nó sẽ được trao đi để đổi lại một nền hòa bình ổn định với một nhà nước Palestine có trách nhiệm. Đối với những người Israel khác, Bờ Tây vốn đã là mục đích, và nó sẽ được ổn định và duy trì.

Nói như vậy không có nghĩa là hoàn toàn không có bước tiến về ngoại giao từ năm 1967. Nhiều người Israel và Palestine đã bắt đầu thừa nhận thực tế về sự tồn tại của nhau và nhu cầu phân chia vùng đất của họ thành hai nhà nước. Nhưng hiện tại cả hai bên vẫn chưa sẵn sàng giải quyết điều chia rẽ họ. Cả hai bên đều đã và đang phải trả giá cho sự bế tắc này.

Ngoài những thiệt hại về vật chất và kinh tế, người Palestine vẫn chưa có một nhà nước riêng và quyền tự quyết về cuộc sống của họ. Mục tiêu trở thành một đất nước Do Thái vĩnh cửu, dân chủ, an ninh, và thịnh vượng của Israel hiện bị đe doạ bởi sự chiếm đóng còn bỏ ngỏ và những thực tế nhân khẩu học đang biến chuyển.

Trong khi đó, khu vực và thế giới phần lớn đều đã bước tiếp, quan tâm nhiều hơn đến Nga, Trung Quốc, hay Triều Tiên. Và dù giữa người Israel và người Palestine có hòa bình đi chăng nữa thì nó cũng sẽ không mang lại hòa bình cho Syria, Iraq, Yemen, hay Libya. 50 năm sau sáu ngày chiến tranh, sự thiếu vắng hòa bình giữa người Israel và Palestine đã trở thành một phần của một nguyên trạng không hoàn hảo mà nhiều người đã đi đến chỗ chấp nhận và mong đợi.

*
Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nguyên là Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001–03), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland, và Điều phối viên của chương trình Tương lai của Afghanistan. Ông là tác giả cuốn A World in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order.


Nguồn: Richard N. Haass, “The Six-Day War at 50,” Project Syndicate, 23/05/2017.

------------------------

Xem thêm:

Tác giả: Đặng Hoàng Xa
Mười năm yên tĩnh 1957-1967 dường như chỉ là giả tạm. Bên dưới sự yên tĩnh đó, những đợt sóng ngầm của chiến tranh vẫn âm ỉ. Mâu thuẫn giữa Israel với các quốc gia Ả Rập láng giềng dâng cao trong một vài năm trước 1967. Các cuộc tấn công khủng bố của fedayeen[1] được Ai Cập hỗ trợ vào các trung tâm dân cư của Israel tiếp tục tiếp diễn.
Mùa xuân năm 1967, phía Liên Xô cung cấp cho chính phủ Syria những tin giả là Israel đang chuẩn bị tấn công Syria; Syria thông báo […]







No comments:

Post a Comment