Saturday, June 24, 2017

MACRON, TRUMP, P.C. , AMAZON, UBER . . . (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
June 23, 2017

Nhiều nhà phân tích chính trị Pháp đã mô tả cảnh Tổng Thống Emmanuel Macron đánh bại hai đảng lớn lâu đời bằng hình ảnh “phá hủy (để) sáng tạo” (destruction créative). Ông Macron gây đảo lộn chính trường, thay đổi bộ mặt chính trị nước Pháp.

Năm 2016, ở nước Mỹ cũng diễn ra cảnh tương tự. Ông Donald Trump cũng “đại náo thiên cung” đảng Cộng Hòa, giành lấy vai ứng cử viên tổng thống, rồi đại thắng đảng Dân Chủ.

Ngay từ Tháng Ba năm ngoái, có người đã gọi cuộc tranh cử của ông Trump là “disruptive innovation,” tạm dich là “phát minh (gây) xáo động;” một hiện tượng trong thương trường. Đó là David Plouffe, năm 2008 từng vận động tranh cử cho Tổng Thống Barack Obama, và năm ngoái đang làm phó chủ tịch công ty Uber! Plouffe nói: Uber gây xáo động thị trường xe chở khách, Trump gây xáo động trong chính trị. Plouffe nghĩ tới Uber khi thấy Donald Trump đánh bại các ứng cử viên Cộng Hòa khác dù không chi đồng quảng cáo nào trong ngày “Super Tuesday.”

Cảnh thắng lợi của ông Trump tại Mỹ và Macron tại Pháp có lẽ mô tả bằng từ “phát minh xáo động” (disruptive innovation) thích hợp hơn từ phá hủy sáng tạo (creative destruction). Phá hủy sáng tạo do nhà kinh tế học Joseph Schumpeter đặt ra từ năm 1942. Ông nói tới những sản phẩm mới xuất luôn hiện nhờ phát minh, sáng kiến, khiến các sản phẩm cũ, lỗi thời bị gạt khỏi thị trường. Schumpeter coi đó là đặc tính của kinh tế tư bản, diễn ra thường xuyên không ngừng.

Cha đẻ của từ mới “phát minh xáo động” là Clayton Christensen, giáo sư trường Quản Trị Kinh Doanh đại học Harvard, trong cuốn The Innovator’s Dilemma, (Thế lưỡng nan của nhà phát minh, in năm 1997).

Cảnh “phát minh” gây “xáo động” diễn ra khi một xí nghiệp nhỏ có sáng kiến tìm khai thác một “mảnh” hay một “góc” đang bị bỏ quên trong thị trường mà mấy công ty lớn đang chế ngự. Họ bán những món giá trị thấp hơn nhưng giá rẻ hơn sản phẩm của những công ty lớn. Các công ty nhỏ này tiếp tục cải thiện sản phẩm, tiến qua những “góc thị trường” bên cạnh, dần dần xâm chiếm và thay thế các công ty lớn. Những sáng kiến và phát minh này bao gồm các sản phẩm và dịch vụ mới, nhưng quan trọng hơn nữa là đưa ra các mô hình kinh doanh, với các phương pháp tạo ra và phát mãi những gì họ cung cấp cho thị trường.

Christensen đã thấy nhiều công ty lớn chỉ chú trọng các sản phẩm đắt tiền, mức lời cao, họ bỏ quên các mảnh “thị trường thấp.” Những công ty nhỏ, ít vốn, tấn công vào các mảnh trống trải này. Từ những góc nhỏ bé đó họ bành trướng, sau cùng làm rung chuyển tất cả thị trường. Khi các công ty lớn nhìn ra mối đe dọa này thì quá trễ!

Máy vi tính nhỏ, để bàn, thường gọi là PC (Personal computers) là một thí dụ. Các đại công ty chế tạo computer, như IBM, Control Data Corporation (CDC), Honeywell, RCA… lúc đó chú trọng làm những máy vĩ đại, bán cho các xí nghiệp lớn, trong khi các công ty tin học mới ra đời, như Apple, chỉ lo làm những máy vi tính nhỏ, bán giá rẻ, xâm nhập vào mảnh thị trường bị bỏ quên. Đến khi IBM, CDC, RCA ngoảnh đầu lại, tìm cách bước vào thị trường máy PC thì quá trễ. Dần dần các máy PC, Mac đã xâm chiếm vào cả phần thị trường các đại học mà trước đây do các máy lớn chiếm cứ. Bây giờ ít người còn biết đến tên CDC, RCA, Burroughs, DEC, NCR!

Danh sách các công ty mới đã thành công trong mươi năm qua cho chúng ta thấy cảnh “phát minh xáo động diễn ra khắp nước Mỹ và thế giới: Amazon, eBay xâm nhập ngành bán lẻ và đang làm các công ty siêu thị nhức đầu, Google chiếm chỗ các thư viện, Craigslist làm rao vặt mua bán trên mạng, Skype len vào thị trường viễn thông, Uber đang gây khốn đốn cho các taxi, trong khi Airbnb làm khổ tâm các khách sạn, Netflix cũng khiến các rạp hát điêu đứng, Facebook, Twitter đang thế chỗ các công ty truyền thông! Tất cả đều là hiện tượng “disruptive innovation.”

Ông Christensen cho rằng Uber không hoàn toàn là disruptive innovation, vì họ không bắt đầu bước vô làng với một sản phẩm giá trị thấp và rẻ tiền. Uber cũng không nhắm vào một mảnh thị trường bị bỏ quên mà tiến thẳng vào “giữa trận địa địch thủ.” Emmanuel Macron có thể so sánh với Uber. Donald Trump đánh bại các đối thủ trong đảng Cộng Hòa rồi thắng bà Clinton mới đúng là một hiện tượng “phát minh xáo động.”

Ông Trump khích động được một “mảnh thị trường” bị các chính trị gia “chuyên nghiệp” và “lão thành” của cả hai đảng bỏ quên! Điều này ai cũng công nhận. Sau khi nhậm chức, ông Trump vẫn chăm chút bảo vệ “mảnh thị trường” mà ông đã khai thác thành công!

Điểm thứ hai là từ lúc đầu ông Trump đã “rao bán” một sản phẩm “thấp” mà các “nhà cung cấp” khác “coi rẻ,” không đáng để họ đem ra thị trường. Ngôn ngữ của ông rất bình dân, không gọt giũa, không có vẻ gì trí thức, thượng lưu. Ông gắn cho đối thủ như Cruz, Bush, Rubio, Clinton, những “nhãn hiệu” rất dính, mà người “thanh lịch” thường tránh. Ông kích thích những tình tự như ganh ghét, kỳ thị, và đời tư của ông cũng không thể dùng làm gương mẫu cho các bậc cha mẹ dậy con! Chương trình tranh cử của ông Trump chỉ gồm những khẩu hiệu, chính sách nào cũng đại cương, lơ mơ không chi tiết.

Cuối cùng, những cử tri của ông lại hài lòng với thứ sản phẩm đó! Họ không đòi hỏi phẩm chất phải tốt hơn, họ lại khen ông là “Chân thật! Không giả dối!” Chính họ từng là những nạn nhân của “disruptive innovation” trong thị trường! Họ mất việc vì các cơ xưởng sản xuất không đuổi kịp kỹ thuật mới, đến kiệt lực vì cạnh tranh, hoặc bị các xí nghiệp ở nước khác cướp mất thị trường. Bây giờ chính các cử tri đó giúp ông Trump tạo cảnh “phát minh xáo động” trong chính trường Mỹ. Các đối thủ của Trump như Marco Rubio, Jeb Bush, khi nhìn ra thì đã quá trễ! Bà Clinton, hầu như cho tới đêm kiểm phiếu mới nhìn ra!

Hai cuộc bầu cử năm nay tại Anh và Pháp cũng là những hiện tượng “disruptive innovation.” Ông Jeremy Corbyn, lãnh tụ đảng Lao Động ở Anh trước đây không thấy hy vọng nào cạnh tranh nổi với bà Theresa May đảng Bảo Thủ. Sau 30 năm làm dân biểu, ông Corbyn vẫn đứng bên lề ngay trong đảng của ông. Trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, bất ngờ ông thắng lớn, chưa đánh bại nổi bà May nhưng kết quả cũng “vượt bực!”

Ông Corbyn đã khai thác một “góc thị trường” mà bà May bỏ quên: Các cử tri từ 18 đến ngoài 30 tuổi! Họ thường ủng hộ đảng Lao Động, nhưng lần này họ được kích thích với liều thuốc mạnh nhất: Ông Corbyn hứa sẽ hoàn toàn xóa bỏ học phí bậc đại học! Lời hứa đó, cộng với những khẩu hiệu cũ như công bằng xã hội, hòa bình thế giới,… rất hiệu nghiệm.

Cuộc thắng lợi của ông Emmanuel Macron và đảng La République En Marche (LREM) còn “disruptive” ngoạn mục hơn nữa ! Ông Macron lìa bỏ đảng Xã Hội để thực hiện thứ “Innovation de rupture” mà một người làm kinh tế như ông chắc đã nghiên cứu.

Kết quả cũng giống như ông Trump ở Mỹ: hai “đại công ty” lâu đời chịu thua một nhà sản xuất mới ra lò có mấy tháng, người Mỹ gọi là “start up.” Đảng Cộng Hòa hữu phái mất một nửa số ghế, chỉ còn 113 dân biểu. Đảng Xã Hội đang chiếm đa số còn thua nặng hơn nữa, mất gần 90%, từ 290 tụt xuống 30 (Đang lo phá sản, như ký giả Từ Nguyên kể trong Người Việt Online). Một nhãn hiệu chính trị lâu năm ở Pháp là Front National của bà Marine Le Pen cũng thảm bại.

Giống như các xí nghiệp gây náo động thị trường, các ông Trump, Macron và Corbyn đã biết khai thác những góc thị trường bị các “đại công ty lâu đời” bỏ quên. Một điểm khác, là họ cũng sử dụng các phương pháp và kỹ thuật mới, mà những đối thủ chưa biết khai thác. Ông Trump dùng Twitter, các ông Corbyn, Macron dùng Facebook, các kỹ thuật mới không ngờ thay đổi chính trị những nước Mỹ, Anh, Pháp. Những phương tiện truyền thông này có cùng một đặc điểm là tính chất “đồng thanh tương ứng. đồng khí tương cầu.” Những con chim nghe tiếng hót giống mình thì hót đáp lại nhau, các con thú ngửi mùi thấy giống thì đi tìm nhau. Những người “đồng thanh đồng khí” đi tìm nhau, gây hiệu quả cộng hưởng! Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa, cứ thế họ tăng số người ủng hộ một ứng cử viên lên gấp bội!

Các đảng chính trị lớn đang lo về kinh nghiệm của hãng Kodak, một nạn nhân nổi tiếng của disruptive innovation. Hàng thế kỷ, công ty này vẫn thành công vì cung cấp máy chụp hình, phim và giấy in hình. Họ biết khách hàng muốn gì và tìm đủ cách giúp khách hàng thỏa mãn, với bao nhiêu phát minh, sáng chế. Nhắm vào các khách hàng sành điệu và có tiền, đó là nguyên tắc thành công. Khách hàng nào mà chẳng thích máy hình tốt, hình đẹp? Chân lý đó không bao giờ thay đổi!

Nhưng kỹ thuật thay đổi. Người ta chụp hình cách khác, chơi hình cách khác. Năm 2012, Kodak khai phá sản.

Một đường thoát cho các đảng chính trị muốn tránh cảnh Kodak là làm như General Electrics, các công ty xe hơi,… họ đi mua các xí nghiệp mới lập với những phát minh có thể gây xáo động. Mua và sáp nhập (merger and acquisition) các xí nghiệp mới, để sử dụng những phát minh và những bộ óc phát minh! Cộng Hòa ở Mỹ đã “hợp lại” với ông Donald Trump trong năm bầu cử vừa qua, còn đảng Xã Hội ở Pháp thì để mất cơ hội phát minh vì không dung nổi ông Emmanuel Macron.

Tất nhiên, bài học chính trị bầu cử này chỉ áp dụng được ở các nước dân chủ. Người dân được tự do chọn người cầm quyền, cũng như tự do chọn khi ra chợ mua hàng hóa hoặc dịch vụ.

Trong các nước độc tài đảng trị thì khác. Cả cái chợ chỉ có một tên đầu trâu mặt ngựa bán món hàng duy nhất! Ai có sáng hiến hoặc phát minh nào thì cho đeo còng số tám! Người tiêu thụ không mua cũng không được, tên chủ chợ đầu trâu mặt ngựa dí dao bắt phải mua! Không có cách nào khác, phải đuổi cái tên đầu trâu mặt ngựa đi thì mới có chỗ cho phát minh, sáng kiến!





No comments:

Post a Comment