Wednesday, June 21, 2017

ĐIỀU KHOẢN VỀ TỐ GIÁC THÂN CHỦ : 'MỘT BƯỚC THỤT LÙI CỦA TƯ PHÁP VIỆT NAM'? (VOA Tiếng Việt)




20/06/2017

Quốc hội Việt Nam hôm 20/6 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, trong đó có điều khoản quy định “luật sư tố giác thân chủ” gây nhiều tranh cãi.

Kết quả biểu quyết về Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung (chụp màn hình Tuổi Trẻ, 20/6/2017)

Kết quả biểu quyết cho thấy hơn 88% đại biểu tán thành luật sửa đổi. Riêng điều 19 gây tranh cãi có số phiếu thuận là hơn 84,5%.

Theo khoản 3 của điều 19, luật sư bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác “các tội xâm phạm an ninh quốc gia” hoặc “tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” do thân chủ đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Trong vài tuần trước ngày bỏ phiếu, qua các diễn đàn khác nhau, giới luật sư đã nhiều lần đưa ra các lập luận phản đối quy định “luật sư tố giác thân chủ”.

Từ Hà Nội, luật sư Ngô Ngọc Trai bày tỏ với VOA sự thất vọng của ông về việc quốc hội thông qua luật sửa đổi chứa đựng điều 19:
“Nó rất bất lợi cho giới luật sư khi hành nghề. Và nó tạo ra những rủi ro rất là nghiêm trọng đối với giới luật sư chúng tôi trong quá trình tham gia bào chữa các vụ án. Quy định này có thể nói là hầu hết luật sư đều không đồng tình”.

Nói rõ thêm về những bất lợi cho giới luật sư, ông Trai chỉ ra rằng cụm từ “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” trong điều luật bao trùm lên phạm vi hành nghề chính của các luật sư ở Việt Nam.

Ông phân tích rằng chỉ những người bị cáo buộc phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, có thể đối diện án tù nhiều năm, chung thân hoặc tử hình, mới phải nhờ đến luật sư. Như vậy, đó là “phạm vi kiếm sống chính” của nghề luật sư bào chữa.

Nhưng nay với điều luật ràng buộc luật sư tố giác thân chủ, theo luật sư Trai, giới hành nghề bào chữa chỉ còn lại một khoảng không gian rất “hạn hẹp”.

Ông cũng lưu ý rằng công việc của luật sư bào chữa là tạo ra đối trọng với các cơ quan điều tra, truy tố, bảo đảm có sự cân đối giữa buộc tội và gỡ tội, có như vậy khái niệm “cán cân công lý” mới có ý nghĩa.

Bàn về khía cạnh đạo đức, luật sư Trai nói thân chủ bỏ tiền ra nhờ luật sự cứu giúp, nhưng luật hình sự đòi luật sư tố giác thân chủ, điều này đẩy họ vào hoàn cảnh phải “phản bội” thân chủ.

Theo báo chí trong nước, phát biểu trước phiên bỏ phiếu thông qua luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh rằng nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa là “xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng”.

Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng các nhà làm luật Việt Nam “nhận thức sai lệch nghiêm trọng” về trách nhiệm của luật sư đối với thông tin của thân chủ trong một số trường hợp đặc biệt:

“Nói chung là các nền tư pháp tiến bộ họ đều quy định theo hướng trao quyền cho luật sư, giải thoát trách nhiệm của luật sư khi tiết lộ thông tin của thân chủ trong một số trường hợp nếu biết thân chủ chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng. Bình thường, luật sư có nghĩa vụ bảo mật thông tin. Nhưng người ta có quy định miễn trừ trách nhiệm cho luật sư được tiết lộ thông tin mà không bị coi là vi phạm nghĩa vụ bảo mật trong một số trường hợp. Nhưng Việt Nam lại quy định thay vì là quyền cho luật sư lại quy định nghĩa vụ ràng buộc, trói buộc luật sư”.

Nêu ra một số nước như Mỹ, Nhật, Anh làm ví dụ, luật sư Trai nhận xét ở các nước đó phạm vi những trường hợp luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ là rất hạn hẹp, hãn hữu.

Ông nói đó là những vụ luật sư có thể phân biệt rạch ròi được ngay quyền lợi của xã hội cao hơn cao hơn quyền lợi của thân chủ, như các vụ đặt bom khủng bố hay giết người hàng loạt. Trong những vụ này, luật sư không bị giằng xé nội tâm khi tiết lộ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018. Ông Ngô Ngọc Trai bình luận luật này là một bước thụt lùi của tư pháp Việt Nam.


------------------------

CÁC TIN KHÁC :









No comments:

Post a Comment