Thursday, June 15, 2017

GIÁO DỤC VIỆT NAM 'XUNG ĐỘT QUYỀN LỢI VÀ MỤC TIÊU' (TS Hoàng Kim Phúc, Anh Quốc)




Tiến sĩ Hoàng Kim Phúc
Oxford, Anh Quốc
13 tháng 6 2017

Trong thời đại ngày nay, ngoài khao khát đổi thay thân phận cá nhân nhờ giáo dục, ở bình diện quốc gia, giáo dục quyết định số phận tương lai của cả dân tộc.

Với thực tế chục triệu học sinh phổ thông Việt nam đang bị vắt kiệt tuổi thơ với hy vọng sau 12 năm sẽ trèo được lên chiếc "xe đò" mang tên Đại học, trong khi mẹ cha vật lộn, thậm chí bán cả ruộng nương trả "vé xe" vậy mà "đến bến" thì trăm ngàn cử nhân lại "đứng đường". Đây thực tế là một cuộc khủng hoảng, mà nguyên nhân cần được nhìn rõ.

Chuyện Tây
Lúc bọn trẻ đầu lòng nhà tôi lên tám tôi thường tranh thủ sáng Chủ nhật lên phòng thí nghiệm đặt máy. Anh bạn thân của tôi, thường chở bọn trẻ hai nhà đi chơi.

Hôm đó tôi về đến nhà cũng là lúc mấy chú cháu trở về từ công viên đại học Oxford. Con bé con nhà tôi phụng phịu vùng vằng xuống xe. Bạn tôi bối rối nói: "Em bảo con cứ vào bụi cây là không ai thấy nhưng nó kiên quyết không chịu nên tè ra quần". Tôi quắc mắt hỏi: "Sao chú bảo con không nghe còn phụng phịu cái gì?" Nó vùng vằng khẽ quát lại chúng tôi: "Cô giáo bảo không được tè bậy".

Hai anh em tôi nhìn nhau phá lên cười, tự nhận thấy cái vô duyên của người lớn. Chúng tôi may mắn có chút học hành nhưng cũng từ đồng ruộng đi ra. Với chúng tôi "bắn" một phát vào gốc cây hay đống rơm là vô tội từ tiềm thức, trong khi ở nền giáo dục khác, đó là hành vi không thể chấp nhận được.


Nền giáo dục tại đây từ nhỏ dạy trẻ em biết sẻ chia, học tổ chức meeting ủng hộ các bạn nước khác bị thiên tai, chiến tranh. Trẻ được đi xem tòa án, nhà thờ, nhà máy, trang trại.
Lớn hơn thì được dân biểu, nhà văn tới nói chuyện những khó khăn về kiệt quệ tài nguyên, ô nhiễm, thay đổi khí hâu và khủng bố… Nhà trường phổ thông dạy cho trẻ thấy xã hội đang vận hành ra sao và chúng sẽ phải đối mặt với những vấn nạn gì. Không có gì thừa, tất cả là vì sự phát triển và quyền lợi thiết thân của trẻ.

Môn toán trong chương trình dự bị đại học A-level tại Anh (2 năm) bao gồm kiến thức từ lớp bảy tới năm thứ nhất đại học ở Việt nam, tuổi thơ được "chắt chiu" để chuẩn bị sức khỏe bằng học và chơi nhiều thứ khác.

Kể chuyện trên để thấy một thực tế, người ta có thể dùng giáo dục phổ thông nhằm tạo ra một thế hệ theo đúng ý chí của nền giáo dục lựa chọn. Hoàn toàn có thể tạo ra một thế hệ mới có ý thức tuân thủ pháp luật, từ chối bạo lực nhưng vẫn năng động tự tin; yêu thiên nhiên và động vật; trung thực và hiểu tham nhũng là tội ác…

Chuyện Ta

Indira Gandhi từng nói: "Trong thời đại chúng ta, giáo dục là sức mạnh của dân chủ hóa, nó sẽ phá đi thành lũy giai cấp và giảm bớt bất bình đẳng thân phận". Thực tại giáo dục Việt nam đang đào một hố sâu hoắm của "bất bình đẳng thân phận" và "bần cùng hóa tri thức".

Trong khi những trẻ em Việt nam từ các gia đình có điều kiện dễ có được thể chất và tinh thần tốt do thụ hưởng một nguyên lí giáo dục lành mạnh từ các trường quốc tế, con cái của đa số tầng lớp lao động đang bầm dập tuổi thơ trong một nền giáo dục nhồi nhét, xa rời các giá trị của đời sống. Nguy hiểm, cách giáo dục này đang tạo ra lớp trẻ xa lạ với lao động, thụ động, ít sáng tạo, thiếu tự tin, thậm chí vô cảm.

Thái độ xạ lạ với lao động, dù chỉ là lao động đơn giản như tự phục vụ, là thất bại của bất cứ mục tiêu giáo dục nào, không may nó luôn đi cùng với bốn thứ còn lại cho nên không thể tạo ra loại người thụ động, vô cảm đồng thời yêu lao động cũng như không thể hy vọng loại người công cụ, loại "cháu ngoan" có nhiều sáng tạo.


Đa phần trẻ trường công, theo khả năng kinh tế của gia đình sẽ chỉ có lựa chọn vào các đại học Việt nam nơi chúng sẽ mất thêm 15-20% thời gian đại học để "xơi" món bắt buộc là những giáo điều chính trị mà vốn chỉ chiếm một vài tiết trong vài chủ đề hẹp, tự chọn của sinh viên xã hội học ở các nước văn minh.

Nhiều đại học Việt Nam đang hoạt động như một tay "bợm nhậu" vì mặc dù đã no say vẫn không ngừng nhậu tiếp các "thức ăn" lành sạch, lẽ ra phải dành cho người khác. Vẫn tuyển sinh bất chấp thất nghiệp đầy đường trong khi khủng hoảng cả về chất lượng, triết lí đào tạo chưa có lời giải cùng lúc nền kinh tế suy kiệt giảm cầu là vô trách nhiệm một cách trắng trợn.

Tụt hậu chất lượng giáo dục đại học ở Việt nam, càng trầm trọng, còn nằm ở vấn đề người dạy khi các thí nghiệm, phương pháp tiếp cận trình bầy trong các giáo trình chuyên ngành khoa học kỹ thuật ở bậc đại học phương Tây là phương pháp thông thường, dùng trong phòng thí nghiệm hay công ty riêng của người dạy, đa phần đi trước Viêt nam từ 10-30 năm.

16 năm đẹp đẽ nhất cuộc đời của cả triệu người, lẽ ra để trang bị tri thức hữu dụng, xứng đáng với đồng tiền bát gạo thấm đẫm mồ hôi của cha mẹ đang bị hoang phí.

Những trẻ học trường quốc tế đi du học thành công trở về có ưu thế vượt trội về sức khỏe và kiến thức nhưng mất cân đối tỷ lệ ngành nghề nên không đủ đáp ứng, đặc biệt khoa học kỹ thuật thường ít được lựa chọn để du học.

Thực tại buồn thảm trên đòi hỏi việc tạm thời đóng cửa các ngành thậm chí cả đại học để thay máu bằng đào tạo lại. Các bằng sắc, tước vị mà các cá nhân đã có sẽ vẫn được giữ nguyên khi họ trở về nhưng họ cần phải tốt nghiệp lại đại học ở một nước phát triển nếu chưa từng được đào tạo tương tự, để tiếp tục giảng dạy đại học.

Việc đào tạo lại này lẽ ra đã có thể đại trà hóa ngay tại Việt nam nếu trong 20 năm qua một đại học nghiên cứu hoàn toàn phương Tây được ưu đãi hoạt động vì thực tế các đại học nửa Việt nửa Tây ở Việt nam vì vô vàn lí do đã "ngắc ngoải", thế nên gửi đi đào tạo lại cho các chuyên môn cụ thể là đòi hỏi đang cấp bách.

Một tượng đài nghìn tỷ của một tỉnh đủ đào tạo bài bản hơn 400 cử nhân ở các đại học rất tốt tại Anh, thừa đủ giảng viên cho một trường đại học của tỉnh đó, vấn đề phải lựa chọn giữa tương lai của nhân dân tỉnh đó hay "tiền đồ" của những người xây tượng đài.

Chuyện sáng tạo

John Locke, nhà triết học Anh đã nói: "Lịch sử của xã hội dân sự là lịch sử của giáo dục". Để tiến bộ đến ngày nay, con người đã nhờ cậy vào một thứ quả ngọt từ giáo dục là sáng tạo.

Ở thời đại mà một kiểu mới của máy quét laser 3D ra thị trường sau vài tuần, các phần mềm ứng dụng thường có đối thủ mới cạnh tranh sau vài tháng, người ảo có thể sớm ra đời sau các đột phá về trí tuệ nhân tạo, bộ gene của một sinh vật được đọc mã trong vòng vài giờ tới vài ngày với một giá "bình dân" cùng với công nghệ di truyền, tất cả sẽ cho phép tạo ra các siêu sinh vật hay mang tới đột phá về tuổi thọ và phòng chống lại bệnh tật, công nghệ tự động đâu cần gì nhiều lao động chân tay...

Bước nhẩy công nghệ trong 15-20 năm tới rõ ràng không có chỗ cho các dân tộc thất bại trong giáo dục và sáng tạo.

Để sáng tạo thì ngoài sự tinh thông, trung thực và dũng cảm cũng là một đòi hỏi. Tinh thông giúp người lao động quan sát và phát hiện ra bất hợp lí hay lệch lạc xung quanh lĩnh vực mà họ hoạt động. Nhưng để có những sáng tạo lớn hơn, người lao động cần sự trung thực và dũng khí để đối diện với thách thức đúng sai so với quan điểm và kiến thức hiện thời, với sự phản biện thậm chí phủ nhận khốc liệt của đồng nghiệp có xung đột lợi ích và để đói phó với các đối thủ cạnh tranh trong quá trình thị trường hóa tri thức.

Tuy nhiên tinh thông, trung thực và dũng cảm tự nó tạo cho người lao động một nhãn quan tự do và thói quen tìm kiếm bản chất của các vấn đề khác. Những xã hội độc tài, thần quyền, tự nó chứa đựng những phi lí được duy trì cố ý nhằm nắm giữ độc quyền.

Không phải ngẫu nhiên mà cha đẻ của "Lý thuyết giải quyết bài toán phát minh", viện sĩ Genrich Altshuller, đã bị án tù 25 năm tại nước Nga cộng sản, cũng như hàng chục các nhà khoa học nổi tiếng cùng thời ông đã bị tù hoặc chết trong tù.

Đâu là hy vọng?

Giáo dục cần hai thành tố, người dạy và kẻ học. Nhân loại đã chứng minh là tất cả mọi thứ đều có thể dạy được. Người học, Việt nam có cả một dân tộc ham học cho dù bị dè bĩu là "học để làm quan"? Học để làm quan tốt chẳng tốt hơn học làm quan tham sao? Nguyên ủy cuộc khủng hoảng này là từ "mục tiêu và quyền lợi" của thể chế chính trị đang lèo lái nền giáo dục hiện nay.

Giáo dục Việt nam sẽ chỉ vươn lên mạnh mẽ ngay khi nó thật sự tôn trọng và lấy quyền lợi phát triển tri thức và thể chất của người học làm mục vụ, đó chính là cốt lõi của tôn trọng quyền con người và giải phóng sức sáng tạo của cả dân tộc.

Ai bắt được thể chế chính trị này phải mở lối cho giáo dục đi lên? Câu trả lời nằm trong "tay" của tất cả những ai lo cho chính tương lai của con cháu mình, tất cả các vấn đề khác chỉ là kỹ thuật và sẽ được tự điều chỉnh trong mối quan hệ cung cầu lành mạnh.

(Chú thích của tác giả: Bài viết có tham khảo ý kiến của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh về Kinh tế giáo dục học Việt nam).

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, người đang sống ở Oxford, Anh Quốc.

---------------------------
Tin liên quan
·        

·        

·        

·        

--------------------------------


13 tháng 6 2017

12 tháng 6 2017

9 tháng 6 2017






No comments:

Post a Comment