Căn cứ vào cáo trạng buộc tội Mẹ Nấm-Như Quỳnh, sẽ
có không ít nhân vật hoạt động có thể “thích hợp” thậm chí “vừa vặn” hơn, trong
“khuôn khổ” cái gọi là “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Tuy nhiên, Mẹ Nấm vẫn
“được chọn”. Cách thức chọn bắt - bắt ai, bắt lúc nào, bắt như thế nào - không
bao giờ là ngẫu nhiên. Được cân nhắc và tính toán, nó phải tạo hiệu quả tâm lý.
Phải mang lại hiệu ứng truyền thông. Phải đưa đến một tác động xã hội và dẫn đến
một sự sợ hãi lan rộng. Người ta thậm chí lường trước cả phản ứng dư luận,
trong cũng như ngoài nước.
Khi tung ra cú đấm, người ta thừa kinh nghiệm để có
thể biết trước ảnh hưởng của cú đấm có thể gây buốt sống lưng những ai còn lại.
Trước khi ra tay, đôi khi người ta tạo ra dư luận, tạo ra những đồn đãi rằng
người này hoặc người kia sắp bị bắt. Và khi thật sự ra tay, người ta có thể chọn
một người trong danh sách đồn hoặc bất ngờ chọn một “đối tượng” không hề nằm
trong danh sách. Tóm lại, để đạt hiệu quả tối đa, yếu tố bất ngờ là quan trọng
nhất. Việc bắt Như Quỳnh là một trường hợp như vậy. Nó gây bất ngờ, một phần,
vì sự vô nhân đạo của nó. Một phụ nữ có hai con nhỏ sống cùng bà mẹ già, vẫn có
thể bị bắt, thì chẳng ai có thể an toàn.
Nó còn mang lại một thông điệp ngắn gọn: chính quyền
này vẫn kiểm soát tốt “tình hình an ninh chính trị”. Chính quyền mang lại cảm
giác rằng họ vẫn rất mạnh. Một phần kinh nghiệm và cách thức cai trị miền Bắc
thời chiến tranh tiếp tục được áp dụng cho ngày nay. Tuy nhiên, sự tự tin về sức
mạnh chỉ là một ảo giác. Chưa bao giờ “tổ chức” và “hệ thống” của họ tan nát bằng
lúc này. Khi thể hiện sức mạnh, họ đang vô tình trao thêm sức mạnh đối kháng
cho người dân.
Thật ấu trĩ nếu vẫn nghĩ rằng xã hội bây giờ giống
miền Bắc thời chiến tranh. Càng ấu trĩ khi tin rằng việc áp dụng chính sách trấn
áp theo cách thức được dạy bởi những khóa “du học” về “an ninh nội chính” từ
Trung Quốc là thượng sách. Cần thấy rằng, dù sống trong môi trường chính trị
phi dân chủ nhưng dân Trung Quốc không có cảm giác họ bị “tên hàng xóm khốn nạn”
nào đè đầu. Dân Trung Quốc không có cảm giác nhục nhã trước việc chính quyền họ
khuất phục hèn hạ trước bất kỳ lân bang lớn nhỏ nào. Chính quyền Trung Quốc
luôn tạo ra niềm tin rằng họ luôn làm tất cả vì quyền lợi quốc gia.
Do đó, sự tức giận của người dân trước tình trạng bị
ngược đãi phi dân chủ của một nước như Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ có thể so được
với sự uất ức và phẫn nộ của người dân một quốc gia mà đồng bào họ bị đánh đập
và tù đày chỉ bởi bày tỏ lòng yêu quê hương. Đừng tưởng những gì Trung Quốc có
thể làm để “ổn định” xã hội họ thì cũng có thể học theo để làm tương tự với xã
hội này. Trung Quốc có thể “ổn định” đất nước bằng túi tiền của tên trọc phú
giàu thứ hai thế giới, nhưng một quốc gia đang đi đến chỗ khánh kiệt, bởi bộ
máy quản lý tồi tệ, tham nhũng và ngu xuẩn nhất nhì thế giới, thì điều đáng lý
cần làm là xoa dịu mâu thuẫn xã hội chứ không phải xem dân như kẻ thù. Chẳng
quốc gia nào có thể xây dựng và phát triển bằng cách “làm giàu” bằng dùi cui, bằng
những bản án chính trị và bằng sự thể hiện quyền lực trong một sự bất lực.
No comments:
Post a Comment