Thanh Phương – RFI
Đăng ngày 21-06-2017
Chỉ
vài ngày sau khi được Bắc Triều Tiên trả tự do và được đưa về nước trong tình
trạng hôn mê, sinh viên Mỹ Otto Warmbier đã qua đời ngày 19/06/2017. Đối với
nhiều dân biểu Hoa Kỳ, cái chết của sinh viên này là một vụ « sát nhân»
và mọi con mắt đang đổ dồn về Nhà Trắng để xem chính quyền tổng thống Donald
Trump sẽ đáp trả chế độ Bình Nhưỡng như thế nào.
Otto Warmbier trong cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, tháng
02/2016. REUTERS/Kyodo
Phản ứng về cái chết của sinh viên Warmbier, tổng thống
Trump hôm qua đã lên án mạnh mẽ chính quyền Bắc Triều Tiên là một « chế
độ tàn bạo ». Ngoại trưởng Rex Tillerson thì tuyên bố Hoa Kỳ sẽ buộc Bắc
Triều Tiên chịu trách nhiệm về việc « giam cầm phi lý » sinh
viên Warmbier và ông yêu cầu Bình Nhưỡng trả tự do cho 3 công dân Mỹ khác.
Nhưng một số nghị sĩ đòi chính quyền Trump phải có
hành động đáp trả mạnh mẽ và dứt khoát với Bình Nhưỡng. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa
bang Texas Ted Cruz đã tuyên bố : « Chế độ Bắc Triều Tiên
sai lầm khi nghĩ rằng cách họ đối xử man rợ một công dân Mỹ bị giam cầm trong
điều kiện tồi tệ trong suốt một năm sẽ được để yên ». Còn thượng nghị
sĩ John McCain thì cho rằng Hoa Kỳ « không thể và không nên dung
thứ việc các quốc gia thù nghịch giết hại công dân Mỹ ».
Thật ra thì trước khi sinh viên Warmbier được trả về
trong tình trạng hôn mê, gây sốc mạnh cho dư luận Mỹ, Washington đã cân nhắc
nhiều phương án để ngăn chận một nước Bắc Triều Tiên ngày càng hiếu chiến. Đặc
biệt với việc Bình Nhưỡng liên tục bắn thử tên lửa, đe dọa Hoa Kỳ và các đồng
minh khu vực, chính quyền Trump đã nhờ đến sự trợ giúp của Trung Quốc.
Nhưng hôm qua, tổng thống Trump đã tỏ cho thấy là Mỹ
sẵn sàng hành động một mình, khi ông viết trên mạng xã hội Twitter : « Tôi
đánh giá rất cao những nỗ lực của chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc để giúp
giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng những nỗ lực đó đã không đạt kết quả. »
Cho tới nay, Hoa Kỳ và các nước khác chủ yếu dùng
các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Chưa biết là
sau cái chết của sinh viên Warmbier, Mỹ sẽ đề ra những biện pháp nào khác. Trước
mắt, Washington hôm qua đã điều hai oanh tạc cơ siêu thanh bay đến không phận
bán đảo Triều Tiên như là một hình thức « biểu dương lực lượng ».
Có điều, Hoa Kỳ sẽ khó có một hành động quân sự, vì động thái này dẫn đến chiến
tranh trên bán đảo Triều Tiên, với những hậu quả khó lường trước đối với các nước
trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính quyền Trump chỉ có thể
ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn, hoặc dọa đưa Bắc Triều
Tiên trở lại danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố, hoặc ban hành lệnh cấm
công dân Mỹ du lịch đến Bắc Triều Tiên.
Có điều, mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng chắc chắn là
gây nguy hại cho 3 công dân Mỹ còn bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên, vì không loại
trừ khả năng chế độ Kim Jong-Un sẽ trả đũa. Tóm lại, trước một quốc gia bất chấp
luật pháp như Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ khó có thể làm gì khác hơn, cho dù
dư luận nước này có phẫn nộ đến đâu về cái chết của sinh viên Warmbier.
-------------------------
BBC
Tiếng Việt
21-6-2017
Cựu
Thống đốc bang New Mexico và cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, ông Bill
Richardson vừa có phát biểu đề nghị Hoa Kỳ có biện pháp trừng phạt Bắc Hàn
"vì cái chết của Otto Warmbier".
Ông Bill Richardson gặp báo chí tại Bắc Kinh sau chuyến thăm đến Bình
Nhưỡng tháng 1 năm 2013: ông từng đóng vai trò đặc sứ của Hoa Kỳ để đàm phán với
Bắc Hàn. KYODO NEWS
Trả lời BBC News, ông Richardson, nguyên là nhà đàm
phán của Hoa Kỳ với Bắc Hàn, xác nhận ông đã trao đổi rất nhiều lần trong năm
qua với quan chức nước cộng sản Đông Bắc Á mà không nghe họ nói gì về tình trạng
của Otto Warmbier "đã bị hôn mê".
"Phải một năm sau tôi mới được biết chuyện
đó."
Không giấu vẻ bực bội, ông Richardson lên án Bình
Nhưỡng về cái chết của sinh viên 22 tuổi, Otto Warmbier:
"Đây là một vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng,
cách họ che giấu, kiểu dùng thuốc ngủ, và họ có thể đã tra tấn cậu ấy."
"Họ đã không chạy chữa cho cậu ấy, để Otto hôn
mê hơn một năm."
Ông Richardson, người từng có vị trí cao cấp trong Đảng
Dân chủ Hoa Kỳ cũng phê phán chính quyền Barack Obama đã không tiết lộ chuyện
sinh viên Otto Warmbier bị Bắc Hàn cầm giữ.
VIDEO
: Otto Warmbier: Chuyến du lịch sinh mạng
ở Bắc Hàn
Bản thân ông Richardson từng được bổ nhiệm chức bộ
trưởng trong chính phủ Obama nhiệm kỳ đầu, nhưng nay ông lại khen chính quyền
của đảng Cộng hòa:
"Tôi muốn ca ngợi chính quyền của Tổng thống
Donald Trump đã vào cuộc mạnh mẽ, để buộc Bắc Hàn phải trả Otto Warmbier về."
Đi tour vào thăm Bắc Hàn hồi tháng 12/2015, Otto
Warmbier bị bắt vài tháng sau ̣đó và bị xử tù.
Ngày 13/06, Otto Warmbier được trả về Hoa Kỳ sau 17
tháng bị giam cầm ở Bắc Hàn.
Nhưng anh trở về trong tình trạng hôn mê, không còn
khả năng giao tiếp và não bị tổn thương nặng.
Một tuần sau, Warmbier qua đời.
Gia đình người sinh viên ở Cincinnati, Ohio, lên án
"cách đối xử tra tấn tàn nhẫn khủng khiếp" mà họ nói anh phải chịu
trong thời gian ở Bắc Triều Tiên.
Đánh
hay không đánh?
Hiện Hoa Kỳ đang xem xét các khả năng tiếp cận vấn
đề Bắc Hàn và cái chết của Otto Warmbier có thể góp thêm sự ủng hộ của một phần
dư luận Mỹ cho một giải pháp mạnh mẽ mà Tòa Bạch Ốc đang nghiên cứu.
Về biện pháp quân sự, gần đây nhất, Bộ trưởng Quốc
phòng James Mattis đã trình bày trước Quốc hội "một bức tranh u
ám", theo các báo Hoa Kỳ hôm 16/06.
Ông Trump vừa nhắn trên Twitter rằng "Trung Quốc không kiềm chế nổi"
chế độ của ông Kim Jong-un. GETTY IMAGES
Trả lời dân biểu Tim Ryan về chuyện Hoa Kỳ có sẵn
sàng lâm chiến để ngăn Bắc Hàn phát triển vũ khí nguyên tử hay không, ông
Mattis nói:
"Cuộc chiến sẽ nghiêm trọng hơn những gì chúng
ta thấy về sự tàn khốc với con người năm 1953, sẽ có pháo kích hàng loạt vào thủ
đô của nước đồng minh, một trong những đô thị có mật độ dân số lớn nhất thế
giới."
Trong câu nói đó, ông đề cập đến Seoul có 25 triệu
dân.
Nhưng ông Mattis khẳng định "cuối cùng thì
chúng ta sẽ thắng".
Cũng tin liên qua, chính quyền của ông Trump, hoặc
ít ra là riêng ông, bày tỏ thái độ hết nhẫn nại với Trung Quốc mà Washington
trông đợi sẽ giúp "kiềm chế Bắc Hàn".
Hôm Thứ Ba 20/06, ông Donald Trump lại nhắn trên
Twitter rằng "nỗ lực của Trung Quốc để kiềm chế Bắc Hàn "hóa ra đã
không có hiệu quả gì".
Tuần này, Bộ trưởng James Mattis có cuộc họp cao cấp
với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện của Trung Quốc để bàn về an ninh
Đông Bắc Á.
Để thị uy với Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ vừa cử hai phi cơ
ném bom siêu thanh B-1B Lancers bay ngang bán đảo Triều Tiên hôm 20/06.
Hai B-1B, phi cơ ném bom siêu thanh của Mỹ xuất kích từ sân bay Osan, Nam
Hàn để lên bầu trời thị uy - hình minh họa. GETTY IMAGES
Các báo Mỹ viết rằng đây là chuyến bay "cảnh
cáo" Kim Jong-un sau cái chết của Otto Warmbier.
Một số nhà bình luận tin rằng việc tấn công ồ ạt
hoặc đổ bộ vào Bắc Hàn là "khó xảy ra" nhưng việc oanh kích các địa
điểm cụ thể thì có thể là phương án Washington xem xét.
No comments:
Post a Comment