Thursday, June 8, 2017

"BÀNG BẠC GẤM HOA", MÓN QUÀ TINH THẦN CHO MỌI NGƯỜI VIỆT (Đằng Giao / Người Việt)




Đằng-Giao/Người Việt
June 6, 2017

WESTMINSTER, California (NV) – Lúc 3 giờ Chủ Nhật, 4 Tháng Sáu, nhà báo Mặc Lâm tổ chức buổi ra mắt cuốn sách mới của ông, “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tại hội trường nhật báo Việt Báo, Westminster, với sự tham dự đông đảo của thân hữu, phần đông là văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, và báo giới.

Tác giả Mặc Lâm (thứ năm từ trái) và thân hữu. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Là người phụ trách tiết mục văn hóa, nghệ thuật cho Ban Việt Ngữ của đài phát thanh RFA (Á Châu Tự Do) trong hơn 10 năm qua, ông Mặc Lâm đã gom góp những bài phóng sự cũng như chương trình phát thanh của mình rồi hiệu đính và đúc kết lại để cho ra đời cuốn “Bàng Bạc Gấm Hoa.”

Qua “Bàng Bạc Gấm Hoa,” có lúc tác giả như muốn “giải mã” những gì tưởng như bình thường nhưng lại có ngụ ý sâu xa mà phần đông chúng ta không để ý đến.

Chẳng hạn như bài “Việt Nam! Việt Nam!” của nhạc sĩ Phạm Duy, một bản nhạc mà đã là người Việt sinh ra tại miền Nam trước năm 1975, ai cũng đã nghe; thậm chí có nhiều người đã từng, ít nhất là nghêu ngao câu mở đầu rồi. Và ai cũng cho rằng sự lập lại hai lần “Việt Nam! Việt Nam!” có thể là để tung hô nước mình hay để làm cho giai điệu bản nhạc hùng mạnh và nhịp nhàng hơn. Phải đợi đến khi ký giả Mặc Lâm phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy thì nhạc sĩ mới cho hay rằng, với ông, có đến hai Việt Nam, vì Việt Nam không còn là một nữa rồi.

Điều này làm nhiều người lắng nghe lại nhạc phẩm quen thuộc này với kiến thức mới mẻ trong tinh thần mong tìm thêm vài hàm ý ẩn dụ nữa.

Chỉ một thí dụ đơn cử này cũng có thể nói lên rằng tác giả Mặc Lâm đã mày mò, tỉ mỉ đào xới sâu hơn nữa kho tàng văn hóa, nghệ thuật Việt Nam để tìm tòi những ngà ngọc gấm hoa rồi trịnh trọng đặt vào đĩa để mời độc giả thưởng thức.

Hoặc có nhiều câu thơ của những thi sĩ nổi tiếng lại hết sức tối nghĩa đối với phần đông chúng ta, qua những cuộc phỏng vấn tinh tế của ký giả Mặc Lâm, sẽ sáng nghĩa hẳn lên.

Nhà văn Phạm Phú Minh nói về “Bàng Bạc Gấm Hoa” như sau: “Cuốn sách không dày nhưng chứa sức nặng của năm tháng lẫn sức nặng của sự quan tâm, nghiên cứu, hỏi han một cách cẩn trọng mỗi khi thực hiện một đề tài.”

Nhà văn Chu Tất Tiến nói rằng tác giả Mặc Lâm đã can đảm vô cùng khi đưa thơ của các thi sĩ trong nước vào “Bàng Bạc Gấm Hoa,” và nhờ đó ông mới có dịp được thưởng thức một nhận xét của thi sĩ Nguyễn Duy trong bài “Đá Ơi,” đó là “Mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”

Ca sĩ Nam Trân trong bài “Tiếng Nước Tôi” của Phạm Duy. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ca sĩ Nam Trân trong bài “Tiếng Nước Tôi” của Phạm Duy. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Từng làm nhiều bài phóng sự trong quá khứ, tác giả Mặc Lâm luôn tâm niệm rằng mình viết cho quần chúng. Do đó, bài ông viết không dùng ngôn từ hàn lâm và đề tài ông chọn luôn thích hợp cho mọi giới. Cái tài tình của ông là với những đề tài tưởng như dân dã quá, đời thường quá, nhưng với bản năng của một ký giả, ông lại có một góc nhìn lạ hơn, một “khám phá” bất ngờ hơn.

Khi viết về phở, một món ăn quá quen thuộc, độc giả sẽ có được những giai thoại của những cao thủ văn học, nghệ thuật như Mai Thảo, Phan Nhật Nam, Du Tử Lê hay Tướng Nguyễn Cao Kỳ và quán phở Dậu ở Sài Gòn.

Cô Lê Đình Y Sa, giám đốc điều hành Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), cho biết ấn tượng sâu đậm nhất của cô về “Bàng Bạc Gấm Hoa” là bài viết ngắn nhất về nồi cá nục kho mà tác giả được chị nấu cho ăn từ thời thơ ấu.

Ông Mặc Lâm nói: “Tôi nhớ lấn ấy ở Venice, Ý, nhìn sông nước mênh mông, lòng tôi chợt quặn đau khi nghĩ về quê nhà đang phải chịu đựng thảm họa Formosa, rồi lại liên tưởng đến nồi cá nục kho của chị tôi.”

Trong nhận định của mình, cô Trang Đài, nói: “Một khi đã đồng hành với tác giả qua 40 bài viết, người đọc được cuốn trôi vào vũ trụ bao la của văn hoá, sáng tạo, nghệ thuật, một vũ trụ được phác hoạ bằng thư pháp. Tác giả đã chọn những đường nét tiêu biểu để diễn đạt những đề tài phức tạp.”

Qua “Bàng Bạc Gấm Hoa,” độc giả sẽ có một cái nhìn mới mẻ hơn về các tác giả văn học như Mai Thảo, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Cung Tiến, Lê Tất Điều-Cao Tần-Kiều Phong, đến Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Vàng Sao, và các thể loại dân ca như Hát Xoan, Ca Trù, Quan Họ, Bài Chòi, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ… , cũng như nghệ thuật tạo hình cổ truyền của tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… cho đến các họa sĩ đương đại như Ann Phong, Hồ Thành Đức và Bé Ký, Phạm Tuấn Dũng…

Là người làm báo, có những đề tài ông không thể làm ngơ, như nạn buôn phụ nữ sang Malaysia để mua vui cho thiên hạ mà giới hữu trách Việt Nam có cái tên rất hợp pháp là “xuất khẩu lao động” trong bài “Họ, những cánh bướm đêm dập dìu trong bóng tối.”

“Bàng Bạc Gấm Hoa” là một tập tài liệu về hương hoa, tinh túy của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam với những sự kiện thu lượm có thật của một ký giả, nhưng được trình bày bằng bút pháp hết sức nhân bản và duyên dáng của một nhà văn.

“Tôi mong cuốn sách này sẽ nhắc nhở một nét nào đó về Việt Nam, để những bậc cha mẹ nhớ lại một chút gì mà kể cho con cháu mình,” tác giả Mặc Lâm nói.

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

-----------------------------------










No comments:

Post a Comment