Thursday, May 18, 2017

VLADIMIR PUTIN THẮNG LỚN (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
May 16, 2017

Ông Vladimir Putin đang hài lòng. Không phải vì ông mới được nghe gián điệp Nga báo cáo về nguồn gốc của tin mật mà Tổng Thống Mỹ Donald Trump mới nói cho ngoại trưởng Nga tuần trước. Ðó là chuyện nhỏ, ông có thể đem làm quà cho Iran và chính quyền Syria. Ðiều khiến ông Putin hài lòng nhất là tình trạng lộn xộn, lung tung đang diễn ra tại thủ đô Washington nước Mỹ. Chính quyền một nước với thể chế dân chủ tự do lâu đời nhất thế giới hầu như không còn lo việc “trị quốc” nữa, trong khi Quốc Hội và tổng thống chỉ lo hết vụ cách chức này này tới những chuyện “rò rỉ” tin mật khác!

Ông Putin có lo lắng về kết quả các vụ điều tra chuyện chính phủ Nga can thiệp vào nội tình chính trị Mỹ hay không? Chắc là không. Ông vẫn coi Mỹ là đối thủ trong một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong chiến tranh thì mỗi bên có thể làm bất cứ cái gì để phá phe địch, tại sao phải lo chuyện người Mỹ biết Nga đang phá họ?

Năm ngoái, các cơ quan tình báo Mỹ đã xác nhận Ðiện Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống bằng cách tấn công, ăn trộm các emails, rồi công bố. Mục tiêu của ông Putin có thể là ủng hộ ông Trump, vì ông Putin thâm thù bà Clinton, người khen ngợi phe đối lập của ông. Nhưng ông không nhất thiết cần giúp ai thắng cử.

Putin nhìn xa hơn nhiều. Ông muốn loài người hết tin tưởng vào thể chế tự do dân chủ, đặc biệt là dân chủ kiểu Mỹ.

Thế giới đang quan sát cảnh ông tổng thống Mỹ sa thải giám đốc FBI một cách tàn nhẫn, để cho ông James Comey đang nói chuyện với nhân viên của mình thì ngẩn người, nghe tin mình mất chức rồi! Và cả tuần sau vẫn chưa có ai kế nhiệm, chứng tỏ ông tổng thống quyết định trong một cơn bốc đồng. Các cộng sự viên của ông Trump giải thích rằng tổng thống cất chức Comey theo lá thư đề nghị của ông thứ trưởng Bộ Tư Pháp, làm ông Rosenstein phải lên tiếng đính chính: Tôi không đề nghị cách chức ai cả! Chưa hết, ngay sau đó, chính ông Trump lại xác nhận mình đã tính bãi nhiệm ông Comey từ lâu, không cần ông Rosenstein đề nghị! Trong vụ ông Trump “tặng không” tin tức tình báo cho Nga cũng vậy. Bộ tham mưu Tòa Bạch Ốc sốt sắng cải chính những điều báo chí đăng tải, kết tội đó là không có thật (false). Ngay sau đó, Tổng Thống Donald Trump lại “tuýt,” nói ngược lại. Chưa có chính quyền nào ở Mỹ có cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, bát nháo đến như vậy.

Trong khi Quốc Hội và hành pháp lo đối phó với những vụ cách chức Comey và tin tình báo tặng Nga, thì dân Mỹ không biết tương lai các dự án lớn của Tổng Thống Donald Trump sẽ đi về đâu. Dự luật thay đổi hệ thống bảo hiểm y tế còn đang chờ Thượng Viện đem ra bàn, không biết bao giờ bàn và sẽ bị thay đổi ra sao. Các dự án khác cũng đang chờ: Dự luật cải tổ thuế vụ (khi ông Trump tuyên bố sắp đưa ra thì bộ tham mưu của ông còn chưa chuẩn bị); dự án xây bức tường biên giới Mexico; chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở khắp nước Mỹ, vân vân. Chính phủ Mỹ, từ hành pháp đến lập pháp, không có thời giờ lo những dự án thuộc loại “trị quốc” này. Họ đang mải lo các chuyện “lặt vặt” khác. Dân chúng Mỹ suốt ngày chỉ nghe các cuộc bàn luận coi ông tổng thống mình làm ăn ra sao! Ông dành nhiều thời giờ lo cho hình ảnh và uy tín của mình! Một nhà bình luận bảo thủ, David Brooks, cũng phải nghĩ rằng ông Trump chưa “trưởng thành,” viết: Khi thế giới do một đứa trẻ dẫn dắt! (When the World Is Led by a Child).

Ông Vladimir Putin có thể ăn mừng trước cảnh hệ thống chính trị nước Mỹ gần như ngưng chạy vì cá tính của ông tổng thống! Và chính Putin là người gieo rắc các hạt giống gây ra cảnh tượng này! Mục tiêu là gây cảnh hỗn độn trong chính trường Hoa Kỳ. Ông đã đạt được! Và ông có tốn kém gì không? Chỉ cần một nhóm chuyên viên ăn trộm email, loại người đó đầy rẫy khắp thế giới, chi phí không mất bao nhiêu!

Thắng lợi lớn của ông Putin không phải là cảnh hỗn độn đó. Ðiều ông nhắm tới, và đã thành công một phần, là làm cho dân Mỹ mất tin tưởng vào các định chế dân chủ của nước họ, đã được xây dựng hơn 200 năm.

Chế độ dân chủ được xây dựng trên những định chế, như quyền tư pháp độc lập, báo chí tự do. Ông Trump đã lên tiếng đả kích các vị thẩm phán vì nghi ngờ họ thiên vị. Ông nghi ngờ ông quan tòa xử vụ sinh viên kiện đại học mang tên Trump lừa đảo để đòi lại tiền, nói rằng ông tòa này là người gốc Mexico, không đáng tin là công bằng. Ông Trump công kích, hạ thấp giá trị các vị quan tòa đã bác bỏ những nghị định cấm dân một số nước Hồi Giáo nhập cảnh, vì trái với Hiến Pháp. Nhưng sau đó ông không dám kháng án vì biết rằng lên tòa trên mình sẽ thua. Ông cũng đả kích hầu hết các báo, đài không thuộc “phe ta,” coi tất cả những ai nói ngược ông đều loan tin bịa đặt! Cả thế giới phải ngạc nhiên tại sao ông tổng thống Mỹ lại công khai chỉ trích từ các quan tòa cho tới những tờ báo, đài truyền hình lớn nhất! Tóm lại, ông Trump đã phá niềm tin vào hai cột trụ của chế độ dân chủ tự do, là quyền tư pháp độc lập và báo chí tự do.

Trong hành động. Ông Trump còn chứng tỏ ông không lường trước được các phản ứng về những quyết định của mình. Ông Trump cách chức ông James Comey trong lúc FBI đang điều tra những người cộng sự của ông Trump có quan hệ với Nga ra sao. Bây giờ lại có tin ông Trump từng yêu cầu ông Comey bỏ qua đừng tiếp tục điều tra vụ Michael Flynn, một cố vấn anh ninh Tòa Bạch Ốc đã bị cất chức đã khai man với Quốc Hội, nói dối cả phó tổng thống về quan hệ của mình với đại sứ Nga. Chắc chắn Tòa Bạch Ốc sẽ cải chính tin này, nhưng bây giờ ai còn tin tưởng họ nữa?

Tất cả các chuyện lộn xộn trên bắt nguồn từ chiến dịch ông Putin phát động: Cho gián điệp ăn cắp các thư email trong nội bộ đảng Dân Chủ rồi tung ra cho công chúng đọc. Nhân viên tình báo của ông Putin cũng làm y hệt như vậy trong cuộc bầu cử ở Pháp vừa qua, và ở các nước Âu Châu khác.

Nếu không có vụ ăn cắp tin mật này thì không có chuyện ông James Comey phải lo điều tra. Không có vụ điều tra đó thì chắc ông Comay vẫn còn đảm nhiệm coi FBI, bảy năm nữa mới chấm dứt. Và vì vụ điều tra liên hệ với Nga này cho nên việc bổ nhiệm người kế vị ông Comey thành khó khăn. Quốc Hội và cả nước Mỹ muốn thấy một giám đốc FBI mới hoàn toàn độc lập, không thề thốt trung thành với ông tổng thống, tiếp tục cuộc điều tra. Trong khi đó ông tổng thống biết rằng bất cứ ai giữ tinh thần độc lập cũng sẽ gây thêm phiền nhiễu cho mình!

Nếu ông Comey còn ngồi đó, thì có thể trong sáu tháng, một năm, ông ta có thể công bố kết quả cuộc điều tra, cho thấy các cộng sự viên của ông Trump có liên lạc, có trò chuyện với người Nga nhưng không gây tai hại nào cho nước Mỹ cả! Bây giờ, người kế vị ông sẽ phải kéo cuộc điều tra lâu dài hơn, đến năm tới khi dân Mỹ đi bầu chưa chắc đã xong! Vì ông giám đốc FBI mới sẽ bị áp lực phải chứng tỏ mình không thiên vị và không lơ là, không quá dễ dãi!

Ông Putin đang hài lòng trước cảnh thành công bất ngờ ngoài dự liệu của mình. Khi bắt đầu chiến dịch phá rối bằng máy điện toán, ông không cần phải giúp ông Trump đắc cử. Ông chắc muốn có một chính phủ Mỹ ngưng cấm vận Nga và công nhận việc chiếm đóng Crimea, nhưng chưa chắc ông Trump sẽ làm; mà không được cũng chẳng sao. Ông cũng không cần nhờ Mỹ ủng hộ Nga tại Syria, mà nước Nga đang nắm thế mạnh. Ðằng nào Nga với cũng là thù địch và sẽ còn đối đầu hàng trăm năm nữa cũng được!

Nhưng ông Putin rất vui, vì chiến dịch quậy phá của gián điệp tin học đã thành công “vượt chỉ tiêu!” Họ đã làm cho nước Mỹ điên đảo vì những chuyện không đâu vào đâu. Bộ máy tuyên truyền của ông Putin sẽ rêu rao rằng một chế độ dân chủ cũng thối nát không khác gì người ta! Kết quả đó còn quý giá hơn chuyện người Mỹ bầu một vị tổng thống thán phục Putin hoặc thi hành những chính sách thân Nga!





No comments:

Post a Comment