May 23, 2017
WASHINGTON,
DC (NV) – Tối hôm Chủ Nhật, một giới chức cao cấp
Tòa Bạch Ốc nói Tổng Thống Donald Trump dùng từ “Hồi Giáo cực đoan” thay vì
“người Hồi Giáo cực đoan” như đã soạn trước, không do cố ý mà do ông quá đuối sức
vì chuyến công du đầy vất vả.
Tổng Thống Donald Trump đọc diễn văn tại Saudi
Arabia. (Hình: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)
Đài CNN trích lời giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng chẳng
qua do ông quá mệt mỏi vì thiếu ngủ.
Theo lời ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc,
vị tổng thống 70 tuổi cùng các phụ tá hiệu đính bài diễn văn trong suốt chuyến
bay dài 14 tiếng từ thủ đô Washington, DC và thời gian còn lại tổng thống ngồi
đọc báo.
Cách dùng từ hơi đổi khác trong bài diễn văn đọc ở
Saudi Arabia của tổng thống có thể không gây sự chú ý của thính giả bình thường
Hoa Kỳ, nhưng khi một tổng thống muốn gây ấn tượng tốt với một đồng minh quan
trọng trong chuyến công du đầu tiên ra ngoại quốc thì điều này có thể tạo ảnh
hưởng không thuận lợi.
Khi đề cập đến “khủng bố,” dùng từ “Hồi Giáo,” là
nói đến cả một tôn giáo, trong khi dùng từ “người Hồi Giáo” chỉ nhắm đến những
phong trào chính trị muốn áp đặt luật lệ và lý thuyết của Hồi Giáo, khiến dân Hồi
Giáo nói chung không cảm thấy bị xúc phạm.
Đó là lý do tại sao cựu Tổng Thống Barack Obama luôn
luôn thận trọng về cách dùng từ như vậy trong nhiệm kỳ của ông.
Trong thời gian vận động tranh cử ông Trump từng lập
đi lập lại nhóm từ gây nhiều tranh cãi “khủng bố Hồi Giáo cực đoan.”
Chuyến công du của tổng thống lần này là cơ hội để củng
cố lại vị thế của Hoa Kỳ trong mối quan hệ với thế giới Hồi Giáo, và tổng thống
chọn Saudi Arabia, nơi có hai thánh địa linh thiêng nhất của Hồi Giáo, cho chuyến
dừng chân đầu tiên, điều mà các phụ tá hàng đầu của ông mô tả như là một cử chỉ
hết sức biểu tượng. (TP)
-------------------------------------
Hà
Tường Cát/Người Việt
May 20, 201
Giữa tình hình khủng hoảng ở quốc nội do những chuyện
rắc rối do chính ông gây ra, Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu bắt đầu chuyến
công du nước ngoài lần thứ nhất kéo dài 9 ngày qua 5 quốc gia Trung Ðông và
Châu Âu.
Theo Reuters, dù tính toán sẵn hay là trùng hợp tình
cờ, thì đây là cơ hội để Tổng Thống Trump tạm thời ra khỏi cái bóng đen ám ảnh
của những chuyện về Nga.
Ông cũng sẽ cho dư luận hiểu được hơn thực chất
chính sách đối ngoại của ông, điều mà cho đến nay hoàn toàn là một ẩn số nếu đối
chiếu những lời ông nói với một số hành động đã thực hiện ở Trung Ðông và Ðông
Á.
Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan phát biểu trong chương
trình phát thanh Hugh Hewitt sáng Thứ Sáu: “Hai tuần lễ vừa qua thật sự là xấu
với tổng thống. Tôi hy vọng qua chuyến đi này, ông cải thiện được tốt hơn để
lèo lái con thuyền quốc gia.”
Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster tháp tùng tổng
thống, nói rằng chuyến công du nhắm vào ba mục đích chính: Tái xác định vai trò
lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ. Củng cố quan hệ với các nhà lãnh đạo quốc tế.
Và, chuyển thông điệp đoàn kết vì hòa bình, tiến bộ và phồn vinh đến toàn thể
tín đồ của ba tôn giáo lớn trên thế giới.
Lộ trình của tổng thống đi qua các xứ Hồi Giáo, Do
Thái Giáo và Tòa Thánh Vatican.
Nhưng một giới
chức cao cấp từng có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao cho rằng chuyến đi của Tổng
Thống Trump quá dài, bao gồm quá nhiều lãnh vực và vấn đề, sẽ rất dễ xảy ra những
vấp váp ngoài dự đoán.
Tờ Financial Times cho biết chuyến xuất ngoại đầu
tiên của các vị tổng thống tiền nhiệm thường là qua Canada hay Mexico, hai nước
láng giềng thân hữu; nhưng môi trường thuận lợi ấy không có với ông Trump.
Trung Ðông và Âu Châu là những nơi đầy rẫy khó khăn và thách đố.
Những rủi ro bất ngờ có thể do từ thói quen dùng
tweet của ông Trump, những phát biểu bất ngờ hay phản ứng đột ngột trước một
chuyện hay một lời tuyên bố của một chính khách nước ngoài. Trong nước, những
trục trặc loại ấy dù sao cũng chỉ có một tác động giới hạn, nhưng trong ngoại
giao quốc tế, hậu quả là khó đo lường.
Cũng theo
Financial Times, ban tham mưu của Tổng Thống Trump gồm những người chưa có một kinh
nghiệm gì về các chuyến công du như thế. Một ví dụ, tòa Bạch
Ốc đã xác định là tổng thống chỉ viếng Yad Vashem, đài tưởng niệm diệt chủng và
viện bảo tàng quốc gia Israel trong vòng 15 phút. Thời gian đề nghị quá ngắn ấy
là thiếu tế nhị và không nhạy cảm với tâm lý của dân Do Thái. Ngược lại thì
theo chương trình ông Trump sẽ đến thăm bức tường phía Tây cổ thành Jerusalem,
quen gọi là Bức Tường Than Khóc. Chưa tổng thống Mỹ đương nhiệm nào đã đến nơi
này, địa điểm vẫn được dân Do Thái coi là di tích thiêng liêng của họ. Nhưng
các giới chức chính quyền Mỹ mới đây lại nói rằng thành phố Jerusalem là một vấn
đề còn thương lượng giữa Israel và Palestine.
Những mâu thuẫn
loại ấy liên tục xảy ra trong chính quyền Mỹ hiện nay. Tờ Telegraph ở Anh cho rằng
chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung do trực giác của Tổng Thống Donald Trump
điều khiển và mất liên hệ với thực tế. Ðây là đặc tính của một nhà doanh thương
không có quá trình sinh hoạt chính trị và kinh nghiệm cũng như viễn kiến về
lãnh đạo.
Giáo sư chính trị quốc tế Robert Javis trường Adlai
Stevenson, Columbia University, cho rằng tâm lý học có thể giải thích những quyết
định đột ngột và bất bình thường của ông Trump. Theo giáo sư, những doanh nhân
thành công, những cá nhân mang tâm lý tự yêu mình quá đáng thường chỉ quyết định
theo nhận thức của riêng mình, không quan tâm suy luận về phản ứng có thể có của
người khác đối với việc mình làm.
Trong trường hợp cách chức Giám Ðốc FBI James Comey,
ông Trump cảm thấy là cần thiết nên làm để tránh những chuyện lôi thôi sau này,
và tin rằng không gặp sự phản đối ngay cả của người Dân Chủ vì những người này
vẫn hận ông Comey đã gây khó dễ cho bà Hillary Clinton vào những ngày cuối cùng
trước bầu cử.
Ông Trump quen dùng Tweeter để chuyển thông diệp đến
những người ủng hộ, và viết trong một tweet: Tôi đã cách chức Comey, cả hai đảng
sẽ đều hài lòng. Ông sai lầm vì hoàn cảnh chính trị bây giờ khác hẳn trước kia.
Trong bang giao quốc tế, những quyết định chủ quan và thiếu sự bàn luận đầy đủ
trong một ban tham mưu đủ hiểu biết và kinh nghiệm có thể gây tổn hại nặng nề.
Hãng tin Al-Jazeera nhận định là có nhiều ý nghĩa và
mục tiêu khi Tổng Thống Trump chọn Saudi Arabia làm nơi đến thăm đầu tiên.
Vương quốc Hồi Giáo này là đồng minh Á Rập tin cậy nhất của Mỹ, nhưng mối quan
hệ bền chặt giữa hai nước có phần suy giảm do chính sách hòa hoãn với Iran thời
Tổng Thống Obama, đồng thời với dầu lửa mất giá một phần do sự gia tăng sản xuất
dầu đá phiến ở Mỹ.
Củng cố quan hệ Mỹ-Saudi Arabia là nhu cầu tối cần
thiết cho an ninh và ổn định ở vùng Trung Ðông. Nhưng mục tiêu ấy không đơn giản
trong tình thế phức tạp từ lâu tại khu vực này, và cũng không thể loại trừ thực
tế ông Trump vốn không được cảm tình của thế giới Hồi Giáo vì quan điểm và những
lời phát biểu trong thời gian tranh cử.
Tuy vậy đừng nên lầm hiểu là Tổng Thống Donald Trump
không được sự tiếp đón nồng hậu của những nhà lãnh đạo Á Rập cũng như Do Thái,
các quốc gia này bao giờ cũng đặt nhiều kỳ vọng vào mỗi tổng thống mới của nước
Mỹ.
Tại Saudi Arabia, ông Trump sẽ hội đàm với Quốc
Vương Salman bin Abdulaziz al-Saud và Thái Tử Mohammed bin Salman. Saudi Arabia
muốn các công ty Mỹ gia tăng đầu tư và muốn mua thêm vũ khí của Mỹ. Thỏa hiệp
mua vũ khí $110 tỷ của Saudi Arabia nếu được thỏa thuận sẽ là một thắng lợi ông
Trump đem về cho các đại công ty quốc phòng Mỹ. Nhưng cho đến bây giờ Mỹ vẫn có
luật được Quốc Hội thông qua là việc bán vũ khí qua vùng Vịnh phải được giới hạn
trong khuôn khổ quân đội Israel bảo đảm được ưu thế về phẩm chất vũ khí. Vì thế
ông Trump có thể rời khỏi Saudi Arabia với bản hợp đồng, để rồi đối đầu với sự
phản đối và những đòi hỏi gia tăng quân viện ở Israel sau đó, chưa kể cuối cùng
Quốc Hội Mỹ sẽ ngăn chặn thi hành như đã nhiều lần trước kia.
Tổng Thống Trump cũng có một cuộc họp ở thủ đô Ryadh
với sáu nước trong Hội Ðồng Hợp Tác Vùng Vịnh để thảo luận về tình hình Syria
và cuộc chiến chống Hồi Giáo quá khích IS. Bộ trưởng văn hóa thông tin Saudi
Arabia cho biết 500 phóng viên quốc tế sẽ có mặt tại cuộc họp thượng đỉnh này.
Ông đã cổ vũ “một thời đại mới trong hợp tác Mỹ-Á Rập.”
Tuy nhiên các nhà phân tích ở Washington không kỳ vọng nhiều vào viễn ảnh này
trong thực trạng đương đầu triền miên giữa các nước Á Rập với Iran và Israel. Mặt
khác, để có thể được sự ủng hộ của các nước này chính quyền Trump cũng sẽ tránh
không đề cập đến tình trạng nhân quyền và không cổ vũ tự do dân chủ như thời
hai tổng thống tiền nhiệm.
Hầu hết các nước Á Rập, như Saudi Arabia và Jordan,
đã bất mãn với đường lối của chính quyền Obama không can dự quá sâu vào những vấn
đề ở Trung Ðông. Trong chính sách đối ngoại, ông Trump sẽ phải quân bình giữa
quan điểm của các nước khác với quyền lợi đích thực của nước Mỹ vì về căn bản
hai phạm trù này khác nhau. Ông cần phải thỏa hiệp kể cả nếu điều ấy phần nào
phạm tới chủ trương “nước Mỹ trên hết” như ông vẫn đề cao. Nhưng nếu hậu quả là
nước Mỹ phải dính dáng quá nhiều tới những khu vực xa xôi, đặc biệt phức tạp
như Trung Ðông, thì tình trạng ấy đáng cân nhắc. Trong bốn tháng đầu tiên của
nhiệm kỳ Tổng Thống Trump, số quân Mỹ có mặt ở Bắc Syria tăng gấp đôi và tổng số
các phi vụ oanh kích tại Yemen nhiều hơn hai nhiệm kỳ Tổng Thống Obama.
Những khó khăn to lớn khác đeo đẳng trong suốt chuyến
công du 9 ngày của Tổng Thống Donald Trump sẽ còn là vấn đề nguyên tử Iran, khả
năng hòa đàm Israel-Palestine, rồi tới những cam kết của Mỹ về an ninh cho các
đồng minh NATO, và mối hoài nghi về việc chấp hành hiệp ước quốc tế Paris trong
nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu địa cầu.
—————–
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment