28/05/17
Sau khi đọc bài "Ông Đinh La Thăng còn có thể
làm được gì ?", một thân hữu đặt cho chúng tôi hai câu hỏi rất thú vị rằng
: Các đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam có thể nào cứu được đảng không ? Trường
hợp Gorbachev ở Liên Xô là như thế nào ?
Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta cần trả lời trước
những câu hỏi như : Đảng cộng sản Việt Nam là gì ? Đảng viên Đảng cộng sản Việt
Nam hiện nay là những ai ? Ai trong họ có thể cứu được đảng ?
1.
Đảng cộng sản Việt Nam là gì ?
Có thể tóm gọn rằng Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức
chính trị duy nhất cầm quyền tuyệt đối ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Mặc dù
xuất hiện và cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim như là một chính
đảng yêu nước nhưng sự thực Đảng cộng sản Việt Nam là một chi nhánh của chủ
nghĩa cộng sản quốc tế được Liên Xô hậu thuẫn.
Đảng cộng sản Việt Nam chiến thắng và giành được
chính quyền năm 1945 vì họ là tổ chức chính trị duy nhất có tổ chức, cán bộ được
đào tạo bài bản và có kỹ thuật khủng bố. Tuy thế, trong giai đoạn 1945-1975 Đảng
cộng sản Việt Nam đã mê hoặc rất nhiều người dân và trí thức Việt Nam rằng họ
là một chính đảng yêu nước và có tinh thần dân tộc. Giải thích cho sự ‘cám dỗ’
này không khó, trí thức Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung chưa
đủ hiểu biết và kiến thức để nhận ra sự hoang tưởng và nguy hiểm của chủ nghĩa
cộng sản, trong đó có cả những triết gia nổi tiếng như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh
Tường… Sau năm 1975, sự trù phú và văn minh của miền Nam đã thức tỉnh nhiều người
dân miền Bắc Việt Nam. Khi sự thực được phơi bày thì bạo lực lên ngôi. Các tiếng
nói bất đồng với đảng đều được cánh cửa nhà tù rộng mở đón chào.
Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã quá tha hóa vì
tham nhũng. Trước đây khi còn chiến tranh thì muốn hay không đảng phải giữ cho
bộ mặt được sạch sẽ để thu phục lòng dân hai miền, tất cả cho chiến thắng. Thế
nhưng sau khi đất nước ‘thống nhất’, Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo
trên cả nước thì không còn gì ngăn cản họ bộc lộ những dã tâm và tham vọng. Đảng
cộng sản Việt Nam hành xử như một đội quân chiếm đóng. Họ tiêu diệt tất cả mọi
tiếng nói đối lập và phản kháng, họ mặc sức tham nhũng và độc quyền mọi thứ, từ
lẽ phải đến nước uống, điện thắp hàng ngày. Đảng cộng sản Việt Nam cũng không hề
có viễn kiến hay bất cứ một dự án chính trị gì. Trước đây hô hào nhân dân đánh
Mỹ, đánh Pháp, đánh Nhật, đánh Trung Quốc… bây giờ quay lại cầu cạnh những quốc
gia này.
Bao nhiêu kỳ đại hội đảng với không biết bao nhiêu
là nghị quyết nhưng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không thể thay đổi được gì. Tham
nhũng ngày càng nghiêm trọng, các chính sách chồng chéo, thuế phí tăng liên tục…
Mọi kỳ họp chỉ bàn mỗi việc duy nhất là ‘vấn đề nhân sự’, tức là đấu đá phe
nhóm, tranh giành quyền lợi trong nội bộ đảng. Tóm lại Đảng cộng sản Việt Nam
ngày hôm nay chỉ đơn thuần là một tập hợp lỏng lẻo giữa các nhóm lợi ích, núp
sau thần tượng Hồ Chí Minh và mớ lý thuyết lỗi thời là chủ nghĩa cộng sản để trục
lợi và vơ vét tài nguyên của đất nước.
2.Đảng
viên cộng sản là những ai ?
4,5 triệu đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam là một tập
hợp của nhiều người với nhiều mục tiêu khác nhau. Những đảng viên ‘trung kiên’
và gạo cội, tham gia vào đảng vì lý tưởng cộng sản, là thành phần nòng cốt của
đảng, không còn nhiều, phần thì đã mất vì tuổi tác, phần thì đã già, và trong
những người còn sống không ít người đã nhận ra sai lầm khi đối diện với thực tế
phũ phàng khi về hưu. Thành phần này chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên một số người
vì đã lỡ tin vào chủ nghĩa cộng sản, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho lý tưởng
nên lúc tuổi xế chiều đành phải ‘cố đấm ăn xôi’, không lẽ lại phủ nhận hoàn
toàn quá khứ của mình ? Thành phần cựu chiến binh và cựu công an về hưu, thường
là ủng hộ Đảng cộng sản Việt Nam nhiệt tình nhất vì lương hưu của họ khá cao so
với mặt bằng chung của mọi người. Một cấp tá công an hay bộ đội về hưu nhận
lương cả chục triệu mỗi tháng trong khi con em họ làm công nhân quần quật cả
tháng chỉ được khoảng 4-5 triệu đồng.
Thành phần thứ hai trong đảng đó là các cán bộ viên
chức đang hưởng lương và làm việc trong bộ máy chính quyền bao gồm 2,8 triệu
cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong tổng số 11 triệu người ăn lương nhà
nước. Thành phần này có thể chiếm đến 60% số lượng đảng viên. Ai cũng biết là nếu
làm nhà nước mà không phải là đảng viên thì không thể nào tiến thân được vì vậy
đa số cán bộ công chức nhà nước đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Thành
phần này, ai cũng thấy rõ là họ vào đảng chỉ vì quyền lợi cá nhân, cơm áo gạo
tiền chứ chẳng mấy ai vì lý tưởng cộng sản.
Khoảng 10% đảng viên mới là những người bị cám dỗ bởi
sự giàu có của tầng lớp đảng viên có chức có quyền. Họ mong muốn và hy vọng vào
đảng để rồi một ngày nào đó họ và con em họ cũng được giàu sang phú quí. Đây là
một hiện tượng tâm lý đám đông mà thời nào cũng có. Dù rằng mong muốn đó sẽ
không bao giờ đạt được vì một lẽ ‘con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại
quét lá đa’. Bộ máy công chức của đảng ngày càng phình to nhưng vẫn không đủ chỗ
cho con cháu họ lấy đâu ra chỗ cho dân đen ?
Vậy có bao nhiêu phần trăm đảng viên Đảng cộng sản
Việt Nam sẵn sàng sống chết hy sinh vì đảng ? Rất khó dự đoán nhưng có lẽ không
nhiều, chỉ một vài nghìn người. Ngay cả 200 vị trong Ban chấp hành trung ương đảng
và 500 vị đại biểu quốc hội, thử hỏi có mấy ai tin rằng chế độ này sẽ trường tồn
? Chắc chắn không đến 1/3. Nếu tin vào đảng thì họ đã không gửi con cái ra người
ngoài du học rồi gửi tiền sang mua bất động sản để định cư luôn ở các nước đó.
Nếu tin đảng thì các vị đại biểu quốc hội không bỏ cả triệu đô ra để mua quốc tịch
nước ngoài…
3.
Ai là đảng viên có đủ uy tín để cứu đảng ?
Bộ máy sàng lọc quái gở của hệ thống đảng ‘hồng hơn
chuyên’ đã loại bỏ khỏi hệ thống đảng những người có năng lực và tài năng thực
sự. Tất nhiên phải như vậy vì những kẻ kém cỏi và thiếu tự tin không bao giờ
dám dùng người giỏi vì sợ họ sẽ không nghe lời và vạch cái sai cái dốt của đảng
ra cho mọi người thấy. Những người lãnh đạo càng cao cấp thì năng lực càng hạn
chế và uy tín càng mờ nhạt. Những người như ông Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết,
Trương Tấn Sang, Nông Đức Mạnh… đã được đặt vào ngôi cao vì sự ba phải hơn là
tài năng của họ.
Khủng hoảng lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam hiện
nay chính là khủng hoảng nhân sự. Rõ ràng là không bình thường khi đảng phải giữ
ông Nguyễn Phú Trọng lại làm tổng bí thư bất chấp mọi nguyên tắc của đảng và nhất
là khi ông tuổi tác đã quá cao.
Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần. Đảng cộng sản
Việt Nam chưa bao giờ là một chính đảng đúng nghĩa nên nó không có một đội ngũ
nhân sự chính trị đúng nghĩa, tức là những người dấn thân, tham gia vào đảng vì
một lý tưởng cao đẹp và trong sáng là phục vụ nhân dân. Tất cả đảng viên cao cấp
trong đảng hiện nay đều là những kẻ cơ hội, phe nhóm và lợi ích cá nhân. Ông Trọng
có lẽ ít cơ hội nhất nên mới được giữ lại làm tổng bí thư.
Những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam có lương tâm
và tấm lòng với đất nước không ít, nhưng đa số đều là những đảng viên cấp thấp,
không có tiếng nói trong các vấn đề hệ trọng liên quan đến đảng. Họ là những
người cô đơn. Biết, thấy rõ sự bất công và sự cần thiết phải thay đổi nhưng
không thể làm gì được. Mọi ý kiến hay đề nghị cải tổ dù nho nhỏ cũng đều gặp phải
bức tường chắn khổng lồ của mấy ông bí thư chỉ biết còn đảng còn mình. Ngay cả
ông Trần Độ, Trần Xuân Bách trước đây hay ông Đinh La Thăng mới đây đều bị loại
khỏi mọi chức vụ vì lên tiếng phản đối hay có vấn đề gì đó. Ngay cả khi họ có
muốn ‘phất cờ khởi nghĩa’ cũng không ai theo, vì tất cả đảng viên trong đảng đều
lo giữ nồi cơm của mình vì mục đích của họ vào đảng cũng chỉ có vậy.
Những đảng viên thật lòng muốn cứu đảng có lẽ không
có. Thứ nhất có ai lại muốn cứu những người bất tài, thượng đội hạ đạp, không
coi mình ra gì ? Thứ hai có muốn cứu cũng không cứu được vì họ thiếu một thứ
quan trọng đó là ‘tổ chức’. Không có tổ chức và hậu thuẫn bởi dân chúng thì
không đảng viên nào có thể thay đổi được gì.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đã thất bại và phải rời vũ đài
chính trị vì không có sự hậu thuẫn của một tổ chức chính trị mặc dù phe nhóm của
ông từng là hùng mạnh nhất trong đảng trước đại hội 12. Quá trình chuyển hóa từ
một chế độ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân trị là một tất yếu và ông Dũng
đã đi theo vết xe đổ đó. Một vài người lãnh đạo trong đảng có lẽ nhận ra mối
nguy đó nên quyết tâm hạ bệ ông Dũng. Quá trình này chỉ bị ‘tạm dừng’ khi ông
Trọng còn ngồi đó, khi ông Trọng đi rồi thì sẽ có một kẻ khác thay thế và hành
động như ông Dũng ngay lập tức. Sự đấu đá và tranh giành quyền lợi giữa các phe
phái trong nội bộ đảng ngày càng gay gắt và đã đến lúc không thể khoan nhượng.
Trường hợp của ông Gorbachev khi lên cầm quyền là
lúc Liên Xô đã hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế sau khi sa lầy ở Afghanistan và chạy
đua vũ trang với Mỹ. Ông Gorbachev đã lấy một quyết định dũng cảm là ‘cải tổ’
và ‘mở cửa’ nhằm cải thiện nền kinh tế và mở ra một không gian rộng hơn cho người
dân được bày tỏ chính kiến của mình. Ông cũng từ bỏ học thuyết can thiệp vào
các nước khác trong khối Warsawa, rút quân khỏi Afghanistan, giải tán liên bang
Xô-viết. Những việc ông làm đã khiến cho thành phần bảo thủ trong đảng cộng sản
Liên Xô tức giận dẫn tới cuộc đảo chính hồi tháng 8/1991. Yeltsin đã đập tan cuộc
đảo chính và trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nga. Vai trò của ông
Gorbachev chấm dứt.
Bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam luôn
đổ lỗi cho ông Gorbachev vì làm sụp đổ Liên Xô. Sự thật thì ông Gorbachev đã
làm những việc cần làm trong thời điểm quyết định với những biện pháp hòa bình
và cởi mở. Ông đã cố gắng để cứu lấy Liên Xô nhưng lịch sử đã đến hồi sang
trang. Ông Gorbachev không thể làm khác và không có ông thì sẽ có người khác và
hậu quả có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Vì lẽ đó mà ông đã được trao giải Nobel
Hòa Bình tháng 10/1990.
Vậy câu hỏi cuối cùng là các đảng viên cộng sản có
thể làm được gì cho đất nước ? Cho tương lai của mình và con cháu mình ? Việc cứu
đảng có lẽ không nên đặt ra vì nó vô ích và vô duyên. Ông Putin sau khi nắm quyền
hoàn toàn tại Nga cũng không hề có ý định khôi phục lại đảng cộng sản Nga mà
ông từng là đảng viên. Di sản của đảng cộng sản quá lớn và kinh khủng khiến Putin
từ bỏ ý định phục hồi nó dù rằng ông ta cũng là một nhà độc tài. Tổng bí thư Đảng
cộng sản Nam Tư Milovan Djilas sau khi "phản tỉnh" từng tuyên bố :
"20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ
bỏ cộng sản, là không có cái đầu".
Việc cần làm và nên làm trong lúc này đối với các đảng
viên Đảng cộng sản Việt Nam là nên tìm hiểu về một "dự án chính trị"
nghiêm túc và khả thi để thay đổi đất nước (dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên
Thứ Hai là một gợi ý). Sau đó cần liên kết lại với nhau để tạo ra một lực lượng
chính trị mới và cuối cùng là liên minh với một tổ chức chính trị đối lập dân
chủ đứng đắn và có viễn kiến để hình thành một liên minh chính trị có tầm vóc để
hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng.
Việt
Hoàng
(28/5/2017)
No comments:
Post a Comment