Tuesday, April 25, 2017

TRUNG QUỐC MÁCH NƯỚC CHO TRIỀU TIÊN (Hoàn Cầu Thời Báo - Nguyễn Hải Hoành dịch)




Hoàn Cầu Thời Báo
Biên dịch : Nguyễn Hải Hoành
Posted on 26/04/2017 by The Observer

Sáng thứ Hai giờ Bắc Kinh [24/04/2017], Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi điện thoại cho Tổng thống Mỹ Trump bàn về tình hình bán đảo Triều Tiên. Cuộc trao đổi này tiến hành vào lúc nghe nói vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên đã ở vào tình thế bức bách không thể không có hành động nào đó. Thứ Ba [25/4] là ngày kỷ niệm thành lập quân đội Triều Tiên, dư luận phổ biến cho rằng trước sau ngày này là thời gian nhạy cảm, Triều Tiên có thể triển khai vụ thử hạt nhân mới nhất.

Đây là lần thứ hai trong thời gian chưa đầy hai tuần lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ nói chuyện điện thoại với nhau, tần suất trao đổi cấp cao nhất như vậy là chưa từng có trong lịch sử quan hệ Trung – Mỹ. Điều đó vừa thể hiện sự thông thuận về trao đổi ý kiến ở cấp cao nhất Trung – Mỹ, vừa phản ánh sự bức bách của tình hình bán đảo Triều Tiên.

Tấn trò Mỹ và Triều Tiên phô trương cho nhau thấy sự cứng rắn của mình đã đến điểm giới hạn, nếu trong mấy ngày này mà Triều Tiên thực sự đi tới thử hạt nhân lần thứ sáu thì mối nguy hiểm tình thế mất kiềm chế sẽ lớn hơn trước kia rất nhiều.

Đến lúc đó sẽ không thể tránh được việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mạnh hơn, nền kinh tế nước này sẽ đi tới chỗ nghẹt thở. Trong tình huống xấu nhất, Washington có thể bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh và Moskva mà thực thi hành động tấn công quân sự vào Triều Tiên, chiếc hộp Pandora sẽ mở toang.

Do tình thế đổ vỡ, các bên sẽ đều chịu thiệt hại, nhưng khẳng định thiệt hại của Triều Tiên là lớn nhất.

Trong tình hình quốc tế có phản ứng ôn hòa nhất thì sự trừng phạt nghiêm ngặt chưa từng có sẽ tác động xấu tới toàn bộ hoạt động công nghiệp của Triều Tiên, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của họ sẽ không thể tiếp tục được. Một khi Mỹ triển khai hành động xóa bỏ kiểu phẫu thuật ngoại khoa đối với Triều Tiên thì chính quyền Bình Nhưỡng sẽ bị dồn ép về phía phải có sự “lựa chọn sống chết” khó khăn.

Tới khi ấy nếu Triều Tiên không triển khai hành động trả đũa có tính chiến lược đánh cho Mỹ-Hàn Quốc một đòn đau thì sự răn đe đối ngoại của Triều Tiên sẽ phá sản, từ đó trở đi họ sẽ bị Washington nắm trong tay tùy ý bắt chẹt. Nếu Bình Nhưỡng mạo hiểm trả đũa bắn phá vùng Seoul, gây ra thương vong lớn thì lá bài cuối cùng của họ cũng sẽ phơi bày ra, Mỹ-Hàn Quốc không làm thì thôi, nếu làm tất sẽ làm tới cùng, chuyển mục tiêu tấn công từ thiết bị tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên sang chính quyền Bình Nhưỡng.

Đây sẽ là một canh bạc cuồng loạn, lá bài sau càng hiểm độc hơn lá bài trước, tin rằng các bên ở bán đảo Triều Tiên đều không muốn đi tới bước đó, nhưng một khi canh bạc đã bắt đầu thì lại không bên nào có vốn liếng và dũng cảm dừng lại.

Trung Quốc ở sát liền với Triều Tiên, là hai quốc gia hữu hảo với nhau, chúng ta vô cùng không muốn nhìn thấy Triều Tiên đi đến tình cảnh khó khăn như vậy, nhất là không muốn bán đảo này lại nổ ra chiến tranh. Nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với toàn bộ tình thế lại cực kỳ hữu hạn. Mỹ mong muốn Trung Quốc có thể, như giở trò ảo thuật, quản được hoạt động hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, còn Bình Nhưỡng thì hy vọng Bắc Kinh hướng sức ép nhằm vào sự đe dọa chiến tranh của Mỹ-Hàn. Rốt cuộc Trung Quốc không thể làm cho bất cứ bên nào trong hai bên đó hoàn toàn vừa lòng.

Bắc Kinh đang hối thúc canh bạc điên cuồng này chớ nên quăng con xúc xắc ra, bây giờ là lúc cần khuyên Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch mạo hiểm thử hạt nhân lần thứ sáu. Hiện nay Triều Tiên [nên] đột nhiên im lặng, nhờ đó tình huống thách thức giới hạn mà trên thực tế họ không có năng lực đối phó cũng sẽ không xảy ra. Bình Nhưỡng có thể dùng trạng thái hạt nhân và tên lửa hiện có để mặc cả với Mỹ, trong quá trình từ bỏ hạt nhân tranh thủ giành lấy các quyền lợi có quan hệ tới an ninh quốc gia mình.

Sau chiến tranh, Bình Nhưỡng theo đường lối quốc gia độc lập tự chủ, tính nguyên vẹn chủ quyền của họ cao hơn Hàn Quốc rất nhiều, điều đó làm cho không ít người nhìn Triều Tiên với con mắt khác. Nhưng xét về trình độ thực lực và hoàn cảnh địa chính trị đặc biệt của Triều Tiên, chiến lược quốc gia của họ ngoài điểm cần kiên quyết, cũng còn cần có tính co giãn ở những điểm then chốt. Có khi lùi một bước lớn [nguyên văn : mênh mông trời biển] thì bước lùi ấy không phải là sự hèn nhát mà cho thấy một con đường đi quá lâu sẽ dẫn tới thay đổi cách suy nghĩ, dùng một phương thức mới lạ đón tiếp dũng khí.

Triều Tiên nên tin rằng họ một mình dám nghĩ dám làm, đời đời kiếp kiếp xông xáo mở ra một con đường làm nước lớn phải sợ mà lui bước, họ toàn thắng, Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới thì toàn thua – đó là một kỳ tích không thể nào thực hiện được. Triều Tiên xông lên phía trước vô hạn độ, sớm muộn sẽ gặp phải sự trả đũa mãnh liệt của đối phương. Thử hạt nhân lần thứ sáu rất có thể là điểm ngoặt có tính quyết định ấy, đi bước này sẽ không còn có đường quay lại, Bình Nhưỡng không có, các bên khác có thể cũng không có nữa.

Hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ đều cảm thấy sâu sắc rằng mình không có sức kiểm soát toàn bộ tình hình, e rằng Bình Nhưỡng lại càng khó quyết định rằng sau khi đi nước cờ hiểm [ý nói thử hạt nhân] họ sẽ hướng nỗi hận vào các bên như thế nào và mức độ mất kiểm soát sẽ ra sao. Từ bên ngoài nhìn vào, chúng ta có thể thấy rõ vấn đề hạt nhân và tên lửa ở Triều Tiên đầy ắp xăng dầu và thuốc súng. Bình Nhưỡng nhất thiết không được đích thân đốt diêm, họ cần dùng trí tuệ lớn ngoài sức tưởng tượng để thực hiện hạ cánh mềm.

Nguồn: Thời báo Hoàn cầu 评:退一步海阔天空不是怯懦,是智慧 2017-04-24 环球时报





No comments:

Post a Comment