17/04/2017
Tôi có nhiều thắc mắc về khái niệm Phục Sinh.
Trong quá trình khảo cứu, những giải thích tôi tìm gặp
thường chỉ đưa đến các thắc mắc mới nữa. Và những giải thích cho các thắc mắc mới
nầy cũng lại chỉ đưa đến các thắc mắc khác hơn nữa.
Hoặc không có giải thích.
Dưới đây là tóm lược những thắc mắc và nhận xét về
các giải thích nầy.
Nếu hỏi “Lễ Phục Sinh là gì?” thì câu trả lời thường
nghe là “Lễ tưởng niệm Chúa Giê-su sau khi bị đóng đinh chết 3 ngày đã sống lại
bay lên trời.”
Thắc
mắc trước nhất: Tại sao Giê-su bị đóng đinh chết?
Giải thích: “Cái chết của Chúa Giê-su là để cứu chuộc
hết những tội lỗi của con người”.
Thắc
mắc: Thế thì con người tội gì?
Giải thích: “Tội tổ tông, nghĩa là tội xuất phát từ
việc thủy tổ loài người là A-đam đã cãi lời Chúa Trời ăn trái cấm vì vậy bị đuổi
ra khỏi vườn Địa Đàng và từ đó phải chịu hình phạt chết”.
Thắc
mắc: Tại sao chỉ vì A-đam phạm tội đầu tiên mà toàn thể
nhân loại sau nầy đều phải mang tội đó? Ở Trung Hoa ngày xưa có tội hình tru di
tam tộc. Khi một người phạm trọng tội thì không những chính người đó bị xử chết
mà mọi người khác trong toàn thể dòng họ nội, họ ngoại và họ vợ/chồng dù vô can
vẫn bị xử chết theo. Có ai không cho rằng luật tru di tam tộc là bất công và
tàn nhẫn không? Luật của Thiên Chúa về tội tổ tông có khác gì luật tru di tam tộc?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Còn lời dạy của chính Thiên Chúa là hãy tha thứ những
kẻ phạm lỗi thí dụ như trong Kinh Thánh – Đệ Nhị Luật 24:16 “Cha sẽ không bị
xử tử vì con, và con sẽ không bị xử tử vì cha: mỗi người sẽ bị xử tử về tội của
mình” thì sao?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Vì Thiên Chúa toàn năng và sáng suốt vô tận và Ngài
đã tạo ra con người nên Ngài đáng lẽ phải biết rõ bản chất thiếu hoàn hảo của sản
phẩm “con người” nầy của Ngài. Và Thiên Chúa hiểu biết vượt không gian và thời
gian nên Ngài đáng lẽ cũng phải biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra trước khi nó xảy
ra. Tại sao Thiên Chúa có vẻ như không thấy biết trước được là A-đam sẽ cãi lời
Ngài và ăn trái cấm? Tại sao Thiên Chúa chỉ bảo A-đam và Ê-va không được ăn
trái cấm rồi không làm gì khác nữa (thí dụ như ít ra dựng lên một bức tường cao
chung quanh cây trái cấm) để ngăn ngừa họ làm việc đó?
Giải thích: “Thiên Chúa có thấy biết trước mọi chuyện
nhưng muốn A-đam có sự tự do lựa chọn cho hành động của mình”.
Thắc
mắc: Thế thì thử tưởng tượng một người cha có một khẩu
súng đã nạp đạn sẵn. Trước khi đi công việc ra khỏi nhà, ông để khẩu súng đó
trên bàn rồi dặn 2 đứa con nhỏ “Tuyệt đối không được đụng đến khẩu súng đó!” Ai
cũng đoán được chuyện gì sẽ xảy ra khi người cha không có mặt ở nhà. Thế khi 2
đứa con gây ra tai nạn chết người bởi khẩu súng ấy thì chúng ta nghĩ sao nếu
người cha giải thích rằng “Tôi muốn cho chúng có sự tự do lựa chọn có nghe lời
tôi dặn hay không”?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Vì những thiếu sót trên, chẳng phải là Thiên Chúa
có trách nhiệm trong việc đã tạo hoàn cảnh cho A-đam phạm tội hay sao?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Ngoài vấn đề về tội tổ tông từ A-đam, tại sao Thiên
Chúa lại sáng tạo ra một nhân loại không hoàn hảo và có khuynh hướng lầm lỗi
ngay từ đầu làm gì? Tại sao một đấng tối thượng đầy huyền lực thấy biết mọi sự
việc quá khứ lẫn tương lai lại chế tạo ra một con người trước sau gì cũng sẽ sa
vào những điều tội lỗi, và do đó sẽ chắc chắn bị đốt cháy đời đời trong hỏa ngục
theo luật của Ngài đặt ra?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Chỉ có 2 trường hợp – hoặc là Ngài không thấy trước
chuyện đó, hoặc là Ngài cố tình ngay từ đầu làm chuyện đó. Nhưng nếu không thấy
trước chuyện đó thì Ngài không phải là toàn năng toàn lực. Và nếu thấy trước mà
vẫn cố tình để nó xảy ra thì tại sao?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Và nói chung, khi một chiếc máy do thiết kế kém
hoàn hảo gây ra phiền toái cho người sử dụng thì sản phẩm đó có lỗi hay người
thiết kế và sản xuất ra chiếc máy đó có lỗi?
Không có giải thích.
Đến đây, lời biện hộ tôi thường được nghe là: “Nhưng
Thiên Chúa đã đưa người con duy nhất xuống chịu bị đóng đinh chết để chuộc tội
cho nhân loại”.
Thắc
mắc: Tôi hỏi thế thì sự kiện Giê-su bị đóng đinh chết có
liên quan gì đến việc con người được xóa tội?
Giải thích: “Chúa Giê-su vì thương loài người nên tự
nguyện hiến mình chịu chết như là một hành động tuân phục trọn vẹn làm vui
lòng Thiên
Chúa để đền tội thay thế cho nhân loại. Lấy thí dụ nôm na như đứa con
A lầm lỗi làm người cha giận dữ muốn trừng phạt, tuy nhiên đứa con B tự nguyện
xin thay thế cho A hứng chịu hình phạt đó; việc làm nầy là vì tình thương của B
đối với A và vì muốn làm người cha nguôi giận”.
Giải thích khác: “Thiên Chúa là Đấng Phán Xét. Con
người đã phạm tội, và vì vậy, theo sự công bình của Thiên Chúa, Ngài phải đoán
phạt con người. Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng Yêu Thương, nên giải pháp được chọn,
thoả mãn cả đức công bình lẫn đức yêu thương của Thiên Chúa, là phán bảo con
Ngài, tức là Giê-su, Đấng Hoàn Toàn Vô Tội, đến để gánh thay tội lỗi của thế
gian trên vai Ngài”.
Thắc
mắc: Nếu Thiên Chúa từ bi vô lượng thì tại sao lại cần
phải có Giê-su thế thân đền tội thì Ngài mới hài lòng và tha thứ được cho con
người? Điều nầy cũng có vẻ như Thiên Chúa chỉ muốn thấy có người nhận chịu hình
phạt thôi chớ không cần phải đúng là người phạm tội?
Giải thích: “Vì Thiên Chúa tôn trọng luật lệ của
chính mình nên không thể thay đổi luật lệ đó để xóa tội nhân loại một cách dễ
dàng như vậy. Luật của Thiên Chúa là khi phạm tội thì phải đền tội. Và đây là tội
chết. Vì vậy phải có kẻ nhận chịu hình phạt đó.”
Thắc
mắc: Tương tự như trên, thế thì những lời dạy về bao
dung, độ lượng của Thiên Chúa thì sao? Ở đây Ngài có vẻ coi trọng hình phạt của
Ngài đặt ra hơn tình thương dành cho con người của Ngài. Thế thì bài học về tha
thứ trong chuyện Đứa Con Lạc Lối của kinh Lu-ca 15:11-32 (người cha tha thứ đứa
con trai hư hỏng sau khi nó biết lỗi trở về nhà) thì sao? Nếu như vậy thì có phải
Thiên Chúa đã mâu thuẩn với chính những lời dạy của Ngài không?
Không có giải thích.
Để tránh xa những cách giải thích dẫn vào ngõ cụt
trên, có người khuyên tôi nên hiểu ý nghĩa của chuyện Giê-su bị đóng đinh chết
để xóa tội con người như sau: “Con người đã đối xử cực kỳ tàn nhẫn với Chúa
Giê-su, tức là đã thể hiện mọi tội lỗi độc ác lên Người nhưng Giê-su đã cho
chúng ta thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa bằng cách tha thứ cho tất cả chúng
ta”.
Nhận xét: Cách giải thích nầy may ra cố cho thấy
Thiên Chúa rất bao dung (nên đã tha thứ những kẻ hành sử độc ác với mình). Cách
giải thích nầy không cho thấy tại sao sự kiện Giê-su bị đóng đinh chết dẫn đến
sự kiện con người được xóa tội.
Thắc
mắc: Nói đến việc tha thứ và xóa tội, sau khi Giê-su chịu
chết thay thế cho nhân loại thì nhân loại đã nhận hưởng được khoan hồng gì? Nếu
Giê-su đã chịu chết để xóa hết tội rồi thì tại sao con chiên vẫn còn tội tổ
tông? Thí dụ như một người sau khi trả hết nợ đã mượn cho ngân hàng rồi thì họ
đâu còn cần ngân hàng phải “tha” cái nợ đó cho họ nữa!
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Và nếu vì tội tổ tông đã làm con cháu A-đam bị phạt
tội chết thì tại sao khi Giê-su thay mạng chuộc tội rồi mà sự chết vẫn còn thống
trị nhân loại ngày nay?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Hóa ra việc “chuộc tội” của Giê-su đã không đem đến
ích lợi gì cả hay sao?
Giải thích: “Nhờ Chúa Giê-su làm vậy nên con người
có thể thấy tình thương vô bờ bến của Ngài, và của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa
cũng là Giê-su và Giê-su cũng là Thiên Chúa”.
Nhận xét: Đây có thể là cách giải thích làm cho chuyện
“Giê-su xuống trần chịu chết trên thánh giá để chuộc tội cho loài người” trở
thành tối nghĩa và vô lý nhất: Nếu Thiên Chúa cũng là Giê-su và Giê-su cũng là
Thiên Chúa thì điều đó có nghĩa là Ngài đã gởi chính Ngài xuống trần tự nguyện
chịu chết để chuộc tội cho một sản phẩm kém hoàn hảo do chính Ngài sáng tạo ra
vì nó đã vi phạm những luật lệ cũng do chính Ngài đặt ra!
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Nếu “Thiên Chúa là Giê-su và Giê-su cũng là Thiên
Chúa”, thế thì Giê-su lúc còn sống có biết điều đó không? Nếu Giê-su biết mình
là Thiên Chúa thì tại sao ở những giây phút cuối cùng khi bị đóng đinh trên
thánh giá lại thốt ra “Thiên Chúa tôi ơi! Thiên Chúa tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ
tôi?"(Ma-thêu 27: 46; Mác-cô 15: 34) Đây rõ ràng là lời than vãn của một
người đang đau đớn trong tuyệt vọng. Nếu Giê-su lúc đó biết mình cũng chính là
Thiên Chúa thì tại sao lại cảm thấy đau đớn tuyệt vọng như vậy?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Hơn nữa, trong lúc gần chết Giê-su cũng nói:
"Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì." (Lu-ca
23: 34). Và "Cha ơi, Con giao thác linh hồn Con lại trong tay Cha!"
(Lu-ca 23: 46). Đây là lời của một người nói với một người khác. Nếu Giê-su lúc
đó biết rằng mình cũng là Thiên Chúa thì tại sao đã không nói những câu gì
tương tự như: "Ta tha tội cho các người, vì các người không biết mình làm
điều gì" hay là “Linh hồn ta sẽ biến trở thành Thiên Chúa”?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Các lời nói buột nói ra lúc đó của Giê-su cho thấy
ngay ở giây phút trước khi chết đó Giê-su vẫn không biết, hay ít ra là không
tin rằng mình là Thiên Chúa. Và nếu lúc còn sống Giê-su không biết điều đó thì
chẳng phải là toàn thể khái niệm Chúa Ba Ngôi đều vô nghĩa hay sao?
Không có giải thích.
Nhận
xét: Và ngay cả nếu tất cả thắc mắc trên đều được giải
thích thỏa đáng thì một điều cần nhận thấy là Giê-su đã không hề thật sự chết.
Giê-su chỉ “chết tạm” có vài ngày rồi sống lại. Thiên Chúa là một đấng toàn
năng thấy hiểu quá khứ vị lai nên đã biết trước điều nầy. Thiên Chúa không có
hình hài vật chất nên không biết đau đớn, khổ sở. Giê-su vì cũng là Thiên Chúa
nên tất cả đau đớn khổ sở đó chỉ là tạm thời và không đáng kể gì cả. Chuyện nầy
không khác gì anh chàng tặng người yêu một chiếc nhẫn xoàn thật lớn rồi nói rằng
“Anh đã làm lụng cực khổ nhiều năm mới dành đủ tiền mua chiếc nhẫn nầy cho em để
biểu lộ tình yêu của anh với em”, trong khi thật ra đó chỉ là một chiếc nhẫn giả
chẳng tốn kém gì bao nhiêu cả.
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Nếu hy sinh chịu chết thật sự, và chết vĩnh viễn,
thì sự hy sinh đó mới có giá trị. Đàng nầy Thiên Chúa (qua hình hài Giê-su) chỉ
chết tạm 3 ngày rồi sống lại. Thế thì chẳng phải là sự kiện “Thiên Chúa đưa con
là Giê-su xuống chịu chết thay thế cho nhân loại” chỉ là một vở kịch diễn giả tạo
hay sao?
Không có giải thích.
Thắc
mắc: Trong các tôn giáo khác cũng có những truyền thuyết
mà thần linh của họ phải hứng chịu những hy sinh khổ sở cực độ. Thí dụ như
trong tôn giáo cổ Hy Lạp, thần Prometheus đã ăn cắp lửa của thần Olympus để ban
cho nhân loại. Khi Thượng Đế Zeus khám phá ra việc nầy, Prometheus đã bị phạt
xiềng chặt vào một tảng đá lớn để kên kên bu lại ăn gan của ông ấy. Mỗi khi đêm
về, gan của ông mọc ra lại để đến sáng hôm sau bị bầy kên kên tiếp tục mổ ăn nữa.
Ngày nầy qua ngày khác đau đớn tột cùng không dứt. Sự hy sinh đó rất đau đớn khổ
sở nhiều hơn việc Giê-su chết tạm 3 ngày. Thế thì câu chuyện Giê-su có gì đặc
biệt lắm đâu?
Không có giải thích.
Bây
giờ dưới đây tôi bước qua phần “Chúa Giê-su sống lại bay lên trời”.
Chuyện đại loại kể rằng sau khi Giê-su bị đóng đinh
đã chết rồi thì thi thể được bỏ vào một hầm mộ đóng cửa lại có niêm phong và có
lính canh gát. Tuy nhiên 3 ngày sau lúc môn đồ đến thăm mộ ra thì cửa đã bị mở
ra và không còn thi hài trong đó nữa.
Thắc
mắc: Có một giải thích rất khả dĩ và thực tế là Giê-su
chưa hề thật sự chết trên thập tự giá rồi sau đó hồi tỉnh lại trong hầm mộ, và
rồi được môn đồ lén vào dẫn trốn đi. Tại sao không dùng giải thích nầy?
Tín đồ phản bác như sau:
a/ “Chúa Giê-su chắc chắn đã chết vì ngoài việc bị
đóng đinh Ngài còn bị quân lính đâm dáo nhọn vào người chảy máu và nước ra rất
nhiều”.
b/ “Bên ngoài quân lính canh gát rất cẩn mật nên
Chúa Giê-su nếu có hồi tỉnh lại cũng không thể nào trốn ra hay môn đồ nào lẻn
vào cứu mà không bị phát giác”.
c/ “Hầm mộ đã bị đóng kín bằng tảng đá rất nặng thì
môn đồ không thể mở được dễ dàng”.
d/ “Sự kiện tấm niêm phong đã bị xé rách cộng với sự
kiện không còn thi hài trong hầm mộ nữa chứng tỏ rõ ràng Chúa Giê-su đã sống lại
và ra khỏi nơi đó”.
Tôi trả lời các phản bác trên như sau:
a/ Không thể nào biết chắc chắn Giê-su đã chết hay
không. Sự kiện “người chết sống lại” xảy ra thường xuyên từ xưa đến nay ở mọi
nơi. Không có gì đặc biệt hay thiêng liêng cả. Ngay với kỷ thuật y khoa tân tiến
nhất ngày nay mà vẫn có nhiều trường hợp người bị tai nạn được bác sĩ chứng nhận
đã chết rồi bỗng nhiên bừng sống lại vài ngày sau trong nhà xác, hay có khi cả
ngay trong hòm trước khi chôn. Vào google "người chết sống lại" thì sẽ
thấy ngay hàng trăm thí dụ có tài liệu chứng từ hẳn hoi.
b/ Tuy có lính canh gát bên ngoài mộ nhưng có thể
không cẩn mật như người ta nghĩ. Đó là vì nếu cẩn mật thì tại sao lính canh
không hay biết tấm đá cửa mộ bị lăn mở ra hồi nào? Nếu cẩn mật thì tại sao lính
canh không thấy Giê-bước ra khỏi mộ? Nếu cẩn mật thì tại sao mãi đến khi các
môn đồ đến thăm mộ thì việc nầy mới bị phát giác? Và nếu không có sự cẩn mật
như vậy thì rất khả dĩ xảy ra việc các môn đồ đêm khuya lẻn mở cửa vào cứu
Giê-su mà không bị phác giác.
c/ Cửa hầm mộ là một tảng đá có thể rất nặng nhưng
có hình tròn (dựa theo Kinh Thánh kể rằng “cửa hầm mộ đã được LĂN mở ra”). Nếu
một vật tròn lăn được thì có thể không cần dùng nhiều sức lắm mới lăn nó mặc dù
trọng lượng nó rất lớn.
d/ Sự kiện tấm niêm phong bị xé rách chỉ chứng tỏ rõ
ràng một việc: tấm cửa đá đã được mở ra. Tấm cửa đá có thể đã được mở từ bên
ngoài (hoặc do các thiên thần, hoặc do các môn đồ thừa đêm tối lẽn đến), cũng
có thể đã được lăn mở từ bên trong (bởi chính Giê-su sau khi hồi tỉnh lại). Sự
kiện nầy và sự kiện thi hài Giê-su không còn trong hầm mộ nữa không hề chứng tỏ
là Giê-su đã 1/ thật sự chết rồi, và 2/ sống lại.
Có một cách giải thích khác cũng rất khả dĩ: Các môn
đồ đã lẻn vào đánh cắp thi hài của Giê-su và chôn giấu ở nơi nào khác rồi phao
tin đồn tạo dựng lên câu chuyện phục sinh.
Lý do các môn đồ làm chuyện đó là để mọi người tưởng
là Giê-su thật sự sống lại đúng như lời tuyên bố trước đó. Các môn đồ muốn danh
tiếng Giê-su (là thầy của họ) được tràn lan, để phong trào Giê-su không bị dập
tắt. Đây cũng là một hành động phản chống lại chính quyền La Mã.
Và nếu vì thì tại sao có một số môn đồ sau đó đã thấy
Giê-su? Người mà các môn đồ gặp lại sau nầy rất có thể chỉ là một môn đồ nào đó
có hình dáng tương tự đã giả dạng Giê-su.
Thế thì tại sao các tín đồ phân biệt không phân biệt
được người giả hay thật? Nếu xét đến thân thế của những tín đồ được cho là đã
thấy Giê-su sống lại thì chúng ta không nên ngạc nhiên lắm. Đó là vì hầu như tất
cả đều là dân quê ít học, mê tín; và có thể có những người chưa hề gặp mặt
Giê-su lúc còn sống.
Ngoài các nhận xét ở trên, trong khi khảo cứu về đề
tài nầy tôi cũng được biết rằng:
– Theo quan điểm của người Do Thái trong quyển “Cuộc
Đời của Giê-su” (“Toledoth
Yeshu”) thì xác của Giê-su bị dời đi ngay trong đêm bị đóng đinh.
– Theo kinh Koran của Hồi Giáo thì
Giê-su đã không bị đóng đinh mà một người khác có hình dáng tương tự đã chết
thay.
– Theo Thứ kinh Phúc âm của Barnabas cho rằng Giê-su
không bị đóng đinh mà Judas đã thế chỗ.
– Theo một số tài liệu bởi sử gia Nga Nicolai
Notovitch, sau khi hồi tỉnh lại và trốn thoát, Giê-su đã sống trọn cuộc đời
mình tại Kashmir. Ở đó
có lẽ có phần mộ của Giê-su mang tên là Yuz Asaf.
– Theo một số người khác thì ký thuật của Tân Ước
chưa hoàn tất. Họ cho rằng sau đó Giê-su kết hôn, có con và cùng vợ đến sống ở
miền Nam nước Pháp hoặc
tại Glastonbury, Anh
Quốc. Có người cũng tin rằng các đời vua triều đại Moravech là
hậu duệ của Giê-su.
Và tôi cũng không ngạc nhiên lắm khi thấy ngay cả
trong Công Giáo cũng có một số tín đồ theo khuynh hướng tự do xem sự kiện phục
sinh không gì khác hơn là một biểu tượng tôn giáo về niềm hi vọng. Họ chấp nhận
đây là một huyền thoại có tính biểu trưng và có tác dụng nuôi dưỡng tâm linh; ý
niệm phục sinh không phải là một sự kiện lịch sử nhưng chỉ là một thái độ tôn
giáo. Những người theo khuynh hướng này bác bỏ luận điểm cho rằng Giê-su đã thật
sự sống lại trong thể xác.
Một điều cần nói là trong tất cả giải đáp các thắc mắc
đưa ra ở trên, có lẽ tôi được nghe câu trả lời sau đây nhiều nhất:
“Bạn không tìm ra giải đáp cho các thắc mắc của bạn là vì bạn không tự lựa
chọn điều đó. Nếu một người tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa thì các giải đáp
sẽ tìm đến những thắc mắc của họ một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa nếu bạn tin vào
Thiên Chúa thì bạn sẽ hiểu rằng trí óc con người không thể nào cao hơn Thiên
Chúa và hiểu hết được những điều Ngài làm. Có lẽ là chúng ta không nên thắc mắc
nhiều như vậy mà chỉ nên tin thờ Thiên Chúa và chấp nhận những gì Ngài phán dạy.”
Câu trả lời trên thường được đưa ra ở những nơi tôi
ghi chú là “Không có giải thích”.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp câu
trả lời nầy. Nó được tín đồ sử dụng thường xuyên cho bất cứ câu hỏi nào họ
không giải thích được. Những lần đầu khi mới nghe lời giải thích trên, tôi đã bực
tức phản đối rằng: Làm sao ai có thể tin được những điều vô nghĩa lý, nhiều lúc
đến mức độ khùng điên, như vậy? Thế thì chúng ta nên gạt bỏ khả năng suy luận của
mình qua một bên để tin tưởng vô điều kiện vào những gì người khác muốn chúng
ta tin à? Ngay cả những điều giả dối trắng trợn nhất miễn là chúng được dán
nhãn “tôn giáo”? v.v. và v.v.
Tuy nhiên đến một lúc nào đó tôi rồi chợt nhận hiểu
ra về câu trả lời đó. Đối với những người được dạy dỗ rằng “Lành thay những kẻ
không thấy mà tin” thì nó hoàn toàn hữu lý. Chính những thắc mắc như của tôi mới
là vô nghĩa lý. Vô nghĩa lý và vô bổ ích, đối với họ. Họ không bao giờ cần, và
muốn, nghe những thắc mắc phát xuất từ trí óc nhận xét và lý luận của những kẻ
không cùng đức tin với họ.
Điều đó không thay đổi được sự kiện Thiên Chúa Giáo
hiện đại không thể nào giải đáp được những thắc mắc trên. Những câu trả lời dạng
trên chỉ thể hiện rõ ràng hơn sự kiện toàn thể hệ thống tín ngưỡng Thiên Chúa
Giáo giống như một ngôi nhà được xây dựng bằng những lá bài xếp chồng chất lên
nhau một cách mong manh. Nếu lấy một lá bài ra là ngôi nhà sẽ sụp đổ, nếu không
toàn bộ thì cũng từng phần. Vì thế cũng không khó hiểu lắm tại sao những thuật
ngữ khéo léo, những lịch sử lệch lạc cùng những ngụy chiêu tâm lý được sử dụng
thường xuyên. Để lòn lách và tránh né, để bảo vệ và chống đở căn nhà bằng những
lá bài đó.
Như đã thấy ở trên.
Nguồn:
Vô số tài liệu khác nhau từ internet.
No comments:
Post a Comment