Vũ Trọng Khải
Chuyên
gia độc lập về Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
26/04/2017
Người ta đã và ngày càng thấy rõ những khiếm khuyết
của luật đất đai hiện hành. Những khiếm khuyết này chính là nguyên nhân pháp lý
quan trọng nhất gây ra biết bao vấn đề kinh tế - xã hội, rất nhức nhối, bức xúc
không chỉ ở nông thôn mà cả trên bình diện toàn xã hội. Do vậy, người ta đang
thảo luận sôi nổi để tìm ra cách sửa đổi luật đất đai nhằm khắc phục cơ bản những
khiếm khuyết của nó, mà trọng tâm là những quy định pháp lý đang chi phối đất
nông nghiệp. Trong thảo luận, những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau
là chuyện bình thường. Nhưng để việc thảo luận đạt kết quả mong muốn, trước hết
chúng ta cần phải đồng thuận với nhau về những khái niệm khoa học, thuật ngữ chứa
đựng những khái niệm khoa học này, đang chi phối tư duy, quan điểm của những
người tham gia thảo luận về nội dung sửa đổi luật đất đai.
Xin có vài ý kiến góp phần hình thành luận cứ khoa học
của việc sửa đổi luật đất đai hiện hành.
1.
Trước tiên, cần đồng thuận với nhau là nội dung luật đất đai sửa
đổi phải phù hợp với quy luật, cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường, tạo
khung pháp lý chi phối sự vận động của đất đai nói chung, trước hết là đất nông
nghiệp nói riêng, với tư cách là một nguồn lực quan trọng và to lớn nhất của nền
kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng, nhằm mang lại hiệu quả cao
nhất cả về kinh tế, xã hội về môi trường. Nền kinh tế thị trường dựa trên chế độ
đa sở hữu về các nguồn lực kinh tế, trong đó có sỡ hữu đất đai, bao gồm sở hữu
nhà nước, sở hữu của cộng đồng, sở hữu của tổ chức, của doanh nghiệp và sở hữu
cá nhân, tư nhân. Trong đó, sở hữu cá nhân và tư nhân vừa là nguồn lực quan trọng
nhất, vừa là động lực mạnh mẽ nhất, năng động nhất trong việc thúc đẩy sự phát
triển của nền kinh tế đạt hiệu quả cao nhất.
Luật pháp, chính sách của nhà nước chỉ có thể phân
biệt đối xử theo hành vi và theo vùng kinh tế - sinh thái, không phân biệt đối
xử đối với các chủ thể cùng thực hiện một hành vi nào đó, ở cùng một vùng kinh
tế - sinh thái. Đó là nguyên tắc mọi công dân, tổ chức (doanh nghiệp) đều bình
đẳng trước pháp luật.
Đối với đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói
riêng, nhà nước chỉ quản lý mục đích sử dụng của mỗi loại đất ở mỗi vùng kinh tế
- sinh thái, bằng qui hoạch đã có hiệu lực pháp lý và bằng các luật khác như luật
bảo vệ môi trường, luật thuế sử dụng tài nguyên. Sau một thời hạn theo luật định
(có thể là 2 năm) qui hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không được
triển khai đúng tiến độ, thì đương nhiên quy hoạch đó vô hiệu. Nhà nước không
quản lý đất theo chủ thể sở hữu hay sử dụng đất.
3.
Thứ ba là các lực lượng vũ trang (quân đội và công
an) không được thành lập doanh nghiệp, vì các cơ quan chức năng của nhà nước sẽ
không thể kiểm soát các hoạt động của các doanh nghiệp này. Dưới chiêu bài “vì
an ninh quốc gia” các doanh nghiệp này dễ lạm dụng quyền để lấy đất của người
dân không theo cơ chế thị trường, không theo pháp luật.
4.
Thứ tư là, cần đồng thuận về các khái niệm, thuật ngữ
khoa học hình thành cơ sở lý luận của việc sửa đổi các nội dung của luất đất
đai hiện hành, đang chi phối sự vận động của đất nông nghiệp.
4.1.
Địa chủ và địa tô
Thuật ngữ địa chủ rất đơn giản chỉ để chỉ những người
có quyền sở hữu một diện tích đất đai nào đó. Tuy nhiên, trong lịch sử đấu
tranh giai cấp theo học thuyết mácxít, thuật ngữ địa chủ có khái niệm rất hẹp,
chỉ dùng cho những người sở hữu nhiều ruộng đất bằng các biện pháp phi thị trường,
dựa vào cường quyền để cướp đoạt đất đai của người khác. Và do đó, đương nhiên
những kẻ chủ đất này chỉ có thể là sản phẩm của chế độ quân chủ, phong kiến, thực
dân và độc tài. Họ sở hữu nhiều đất đai và thường khai thác chúng bằng cách cho
thuê để hưởng địa tô tuyệt đối[1] và
địa tô cấp sai 1[2].
Hoạt động này thường được gọi là “phát canh, thu tô”. Những địa chủ này là đối
tượng của cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ quân chủ, phong kiến, thực dân và độc
tài, tạo điều kiện cho nền kinh tế thị trường đúng nghĩa phát triển đạt hiện quả
cao với những nhà tư sản văn minh, những địa chủ biết khai thác nguồn lực đất
đai một cách hiệu quả nhất, công bằng nhất, phù hợp với pháp luật.
Trong kinh tế thị trường, giới địa chủ hình thành và
phát triển dựa trên quy luật kinh tế khách qua đã được luật hóa. Họ là chủ sở hữu
đất đai nhờ năng lực kinh doanh và bằng quan hệ thuận mua - vừa bán, tuyệt đối
không dựa vào quyền lực nhà nước hay thủ đoạn lừa bịp để chiếm hữu đất đai của
người khác.
Địa chủ trong kinh tế thị trường khai thác nguồn lực
đất đai của mình bằng cách trực tiếp quản lý kinh doanh hay cho thuê đất đai để
hưởng địa tô tuyệt đối và địa tô cấp sai 1. Đó là một điều bình thường, phù hợp
với quy luật kinh tế thị trường. Họ giữ quyền sở hữu đất đai và nhường lại quyền
sử dụng đất đai trong hoạt động kinh doanh cho người thuê đất của họ.
Điều này không khác gì hoạt động tín dụng của ngân
hàng và cho thuê tài chính. Người có tiền nhưng không trực tiếp sử dụng nó để
kinh doanh mà giao cho người khác sử dụng để hưởng lợi tức. Tương tự, các công
ty cho thuê tài chính mua trang thiết bị, máy móc, nhưng không sử dụng mà cho
người khác thuê để sử dụng trong hoạt động kinh doanh của họ và được hưởng lợi
tức. Những người kinh doanh bất động sản cũng vậy, họ sở hữu khu công nghiệp,
hay nhà cửa, cao ốc, cho người khác (doanh nghiệp) thuê để xây dựng nhà máy, mở
cửa hàng hay lập văn phòng giao dịch… Những địa chủ này cũng không trực tiếp
khai thác đất đai, nhà cửa của mình mà cho người khác thuê và thu được địa tô
tuyệt đối và địa tô cấp sai 1. Còn đương nhiên, người thuê và trực tiếp khai
thác đất đai trong hoạt động kinh doanh của họ được hưởng trọn cấp sai 2[3] do
mình tạo ra.
Mặt khác trên thực tế, một số người sở hữu đất đai
có quy mô quá nhỏ, tự khai thác sẽ không có lợi thế kinh tế theo qui mô, nên họ
cũng cho người khác thuê. Vậy họ có phải là người phát canh và bóc lột địa tô
không? Chắc chắc là không.
Trong nông nghiệp, các trang trại sản xuất hàng hóa
qui mô lớn, cũng không nhất thiết phải sở hữu đất nông nghiệp, mà rất nhiều trường
hợp, các chủ trang trại này đã thuê đất của một hay một số chủ đất.
4.2.
Tích tụ và tập trung ruộng đất
Kinh tế thị trường phát triển ngày càng cao gắn liền
với tiến trình tích tụ và tập trung tư bản. Khi đã có một khối lượng tư bản đủ
lớn, họ phải biến tư bản thành nguồn lực vật chất, bằng cách mua - bán hay thuê
trên thị trường, như máy móc thiết bị, vật tư, nhiên liệu, năng lượng, nhà xưởng,
ruộng đất, sức lao động. Tích tụ tư bản là sự gia tăng qui mô vốn kinh doanh của
một đơn vị kinh doanh (doanh nghiệp) bằng cách chuyển một phần lợi nhuận vào vốn
kinh doanh hay vay vốn của ngân hàng, của các cá nhân và tổ chức khác bằng phát
hành trái phiếu, sau đó sử sụng nguồn vốn này để mua hay thuê thêm tư liệu sản
xuất, ruộng đất, sức lao động. Vì thế, tích tụ ruộng đất là một dạng thức
hiện vật của tích tụ tư bản.
Tập trung tư bản là sự gia tăng qui mô vốn kinh
doanh của một đơn vị kinh doanh (doanh nghiệp) bằng cách sáp nhập tự nguyện một
hay vài đơn vị kinh doanh (doanh nghiệp) thành một đơn vị kinh doanh duy nhất.
Hình thức gia tăng qui mô vốn kinh doanh này được gọi là sự sáp nhập doanh nghiệp
(M&A: Mergers and Acquisitions), đã tạo ra một cách nhanh chóng các đại
công ty đa quốc gia, đa ngành nghề kinh doanh. Trong nông nghiệp, M&A cũng
là một cách tập trung ruộng đất. Như vậy, tích tụ và tập trung ruộng đất
là hình thái hiện vật của tích tụ và tập trung tư bản, tạo ra các doanh nghiệp
có qui mô lớn, để tận hưởng lợi thế kinh tế theo qui mô.
Phát triển cánh đồng lớn không phải là một hình thức
tập trung ruộng đất. Có ý kiến cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp
ở đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển các hình thức liên kết với nông dân
nhỏ lẻ để tạo ra những cánh đồng lớn, theo phương châm “liền đồng, cùng trà giống,
khác chủ” là hình thức tập trung ruộng đất. Đó là sự ngộ nhận. Đây chỉ là hình
thức tổ chức sản xuất hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân nhỏ lẻ, như là một
giải pháp tình huống trong khi chưa có đủ điều kiện để tích tụ và tập trung ruộng
đất. Nó không làm gia tăng qui mô tư bản hay ruộng đất của một đơn vị kinh
doanh (hộ nông dân hay doanh nghiệp).
“Dồn điền, đổi thửa” không phải là một hình thức
tích tụ ruộng đất. Còn có ý kiến cho rằng “dồn điền,
đổi thửa” ở miền Bắc và miền Trung trong thời gian qua cũng là một hình thức
tích tụ ruộng đất. Thực ra, “dồn điền, đổi thửa” chỉ làm giảm số thửa đất, mà
không làm tăng qui mô diện tích canh tác của một đơn vị sản xuất nông nghiệp
(nông hộ). Hơn nữa, xét về bản chất, “dồn điền, đổi thửa” là hình thức trao đổi
của kinh tế hiện vật, hàng đổi hàng. Làm sao xác định thỏa đáng 1 sào đất của hộ
A bằng 0,9 sào hay 1,2 sào đất của hộ B? Do đó, người ta phải mất hàng mấy chục
cuộc họp thôn, xóm để thỏa thuận trao đổi hiện vật. Lại thêm bệnh thành tích,
muốn sớm trở thành xã, thôn hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa, khó tránh khỏi
sự ép buộc từ phía lãnh đạo thôn, xã đối với người dân, tạo ra sự ấm ức, bất
mãn trong xã hội nông thôn.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, muốn thuận tiện trong
canh tác, người dân bán ruộng ở xa, bù thêm tiền mua ruộng ở gần và liền khoảnh.
Quan hệ mua - bán theo cơ chế thị trường mới tạo ra những cánh đồng liền khoảnh
và lớn của mỗi nông hộ một cách nhanh chóng, thuận tiện và tự nguyện.
4.3.
Vấn đề hạn điền và hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp
Câu hỏi được đặt ra là vì sao phải hạn điền và hạn
thời gian sử dụng đất nông nghiệp? hay mục đích của qui định pháp lý này là gì?
Người ta sợ rằng, nếu không hạn điền thì việc tập
trung và tích tụ ruộng đất của những nông hộ hay doanh nghiệp làm ăn giỏi sẽ
làm bần cùng hóa một bộ phận nông dân và sẽ tạo ra một tầng lớp địa chủ mới,
“bóc lột” người dân bằng “phát canh, thu tô” như địa chủ thời phong kiến, thực
dân.
Điều phi lý của luật đất đai hiện hành là chỉ hạn điền
đối với nông hộ, không hạn điền đối với doanh nghiệp. Ví dụ, đối với đất canh
tác hàng năm, mức hạn điền giao quyền sử dụng đất không thu tiền và không phải
nộp thuế sử dụng đất cho nông hộ ở miền Bắc là 2ha/hộ, ở miền Nam là 3ha/hộ. Hạn
điền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác ở miền Bắc là 2ha/hộ, ở
miền Nam là 3ha/hộ. Nhưng nếu như hai vợ chồng lập công ty trách nhiệm hữu hạn,
rồi lập dự án xin giao đất có thu tiền hay thuê đất, từ đất của nhà nước hay của
các nông hộ khác, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì không những không bị hạn
điền, mà còn được chính quyền đứng ra cưỡng chế, thu hồi đất của người dân, đền
bù cho họ giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp theo khung giá nhà nước lập ra
theo định kỳ 5 năm/1 lần, rồi giao cho doanh nghiệp. Lúc đó giá trị quyền sử dụng
đất tự nhiên tăng vọt lên gấp nhiều lần và doanh nghiệp được hưởng trọn giá trị
gia tăng này. Và tất nhiên doanh nghiệp phải chia lại một phần “địa tô cấp sai”
này cho người thực thi “công vụ” cưỡng chế, thu hồi đất. Những qui định này của
luật đất đai hiện hành đã vi phạm nguyên tắc mọi người dân và tổ chức đều bình
đẳng trước pháp luật. Luật pháp đã phân biệt đối xử giữa các chủ thể sử dụng đất
là nông hộ và doanh nghiệp. Trong khi đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh
doanh xây dựng khu công nghiệp, hay đô thị chỉ việc trình dự án lên cấp chính
quyền phê duyệt thì không bị hạn điền. Mặc dù mục đích sử dụng đất giữa các
doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và kinh doanh nông nghiệp là khác nhau,
nhưng lại giống nhau về bản chất kinh tế - xã hội, là tích tụ, tập trung ruộng
đất vào một doanh nghiệp để cho doanh nghiệp khác thuê lại (xây dựng nhà máy
hay lập cửa hàng, văn phòng giao dịch), tương tự như “phát canh, thu tô”.
Tích tụ và tập trung đất đai là một tất yếu kinh tế
của sự phát triển diễn ra trong nền kinh tế quốc dân và trong kinh tế nông nghiệp.
Việc giải quyết sinh kế cho những nông dân kém khả năng kinh doanh nông nghiệp
và bị mất đất nông nghiệp do tiến trình tích tụ và tập trung ruộng đất là phát
triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, để biến phần lớn nông dân hiện nay (chiếm
gần 70% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội) thành thị dân một cách bền vững,
có đời sống cao hơn khi họ còn là nông dân.
Chỉ khi nào đại bộ phận nông dân trở thành thị dân,
nông dân chỉ còn lại dưới 10% dân số và lực lương lao động xã hội thì nước ta mới
trở thành nước phát triển.
Không thể tồn tại quan điểm cho rằng: Trong nông
nghiệp, sự tích tụ, tập trung ruộng đất dẫn đến bần cùng hóa nông dân và hình
thành tầng lớp địa chủ mới, còn trong phát triển công nghiệp và đô thị thì
không. Hơn nữa, bộ máy công quyền còn ra tay, giúp sức cho những nhà đầu tư
kinh doanh bất động sản thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất một cách nhanh
chóng, không đếm xỉa đến lợi ích và kế sinh nhai của người dân bị mất đất, gây
ra nạn dân oan và bất ổn xã hội, mâu thuẫn lợi ích đối kháng giữa nhà nông với
nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, giữa người dân và chính quyền.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp khác với các ngành
công nghiệp và dịch vụ ở chỗ: đối tượng sản xuất nông nghiệp là sinh vật. Do vậy,
để đạt hiệu quả kinh tế, người làm nông nghiệp phải triệt để tuân thủ nguyên tắc,
“nhất thì, nhì thục” (đúng lúc, đúng cách).
Để thực hiện “nhất thì, nhì thục”, phải có cả điều
kiện cần và đủ. Điều kiện cần là trách nhiệm cao của người thực hiện các khâu sản
xuất mang tính sinh học trên đồng ruộng, ao nuôi, chuồng trại gia súc. Muốn thế,
thu nhập của người lao động phải trực tiếp phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của
mỗi quá trình sản xuất nông nghiệp. Điều này chỉ có trong kinh tế nông hộ, mà gọi
đúng tên là trang trại gia đình. Điều kiện đủ là qui mô đất canh tác, ao nuôi,
đàn gia súc nằm trong tầm hạn quản trị của người lao động nông nghiệp. Điều này
cũng chỉ thực hiện được ở trang trại gia đình và trang trại cá nhân, không có cấp
quản lý trung gian. Người chủ trang trại cá nhân đủ sức trực tiếp kiểm soát hoạt
động của từng cá nhân người lao động làm thuê trên mỗi thửa ruộng, vườn cây, ao
nuôi, chuồng trại gia súc, gia cầm. Nếu qui mô đất hay đàn gia súc quá lớn, phải
thuê quá nhiều người lao động, đến mức người chủ trang trại cá nhân phải thiết
lập cấp quản lý trung gian và thuê người quản lý, điều đó chắc chắn dẫn đến thất
bại. Vì người quản lý làm thuê không thể có trách nhiệm cao như người chủ.
Do vậy, qui mô tích tụ, tập trung ruộng đất để kinh
doanh nông nghiệp là có giới hạn, như một tất yếu kinh tế. Đó là sự khác biệt
giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ. Vì thế, việc luật Đất đai
qui định mức hạn điền không có lý do tồn tại trong sản xuất nông nghiệp.
Có thể có câu hỏi đặt ra là vì sao một số doanh nghiệp
có qui mô đất nông nghiệp, đàn gia súc rất lớn, nhưng kinh doanh vẫn đạt hiệu
quả cao, ví dụ như nông trường quốc doanh Sông Hậu (SOHAFARM) thời ông Năm Hoằng.
Câu trả lời là ở đó, người ta đã thực hiện “khoán hộ” trong trồng trọt và “nuôi
rẽ” trong chăn nuôi, chứ không thiết lập cấp quản lý trung gian.
Khoán hộ và nuôi rẽ, về bản chất kinh tế là tái lập
trang trại gia đình dưới hình thức dự phần (affiliated farmhousehold) trong
lòng doanh nghiệp. Theo đó, các khâu sản xuất mang tính sinh học được giao
khoán cho nông hộ chủ động đầu tư thực hiện và thu nhập của họ trực tiếp phụ
thuộc vào kết quả cuối cùng của quá trình thực hiện các khâu sản xuất đó. Họ
không phải là công nhận làm công ăn lương. Còn doanh nghiệp chỉ thực hiện các dịch
vụ đầu vào - đầu ra, không có tính sinh học, để bảo đảm cho hộ nhận khoán có đủ
điều kiện thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học với vai trò lãnh đạo,
quản lý chuỗi giá trị hàng nông sản theo cơ chế các chủ thể tham gia chuỗi giá
trị cùng có lợi, cùng thắng.
Về qui định thời hạn sử dụng đất cho nông dân. Mục đích của việc qui định này là gì? Chẳng lẽ hết thời hạn, nhà nước
lại chia ruộng đất cho nông dân? Nếu điều đó diễn ra sẽ làm đảo lộn xã hội. Mặt
khác, nếu bị giới hạn thời gian sử dụng đất thì người sử dụng sẽ không đầu tư cải
tạo đất, kiến thiết đồng ruộng, không mua sắm máy móc… Còn nếu họ đầu tư, khi gần
hết hạn thời gian sử dụng đất thì giá mua bán quyền sử dụng đất sẽ xuống mức thấp
nhất, trong khi đó hiệu quả của việc đầu tư tạo ra địa tô cấp sai 2 lại ở mức
cao nhất. Thiệt hại sẽ rất lớn cho người sử dụng đất.
4.4.
Trang trại và nông dân
Luật đất đai và các chính sách khác của nhà nước đều
vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường nói chung, phát
triển kinh tế nông nghiệp và xã hội nông thôn nói riêng.
Tế bào của nền kinh tế nông nghiệp là các đơn vị sản
xuất nông nghiệp tự chủ, trước hết và chủ yếu thực hiện các khâu mang tính sinh
học, tạo ra nông phẩm cung cấp cho xã hội thông qua thị trường. Những đơn vị ấy
được gọi là trang trại. Nói cách khác, trang trại là đơn vị kinh doanh
tự chủ, vì lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường, chủ yếu thực hiện các khâu sản
xuất mang tính sinh học để tạo ra nông phẩm cung cấp cho xã hội (ở đây
không xét đến trang trại tự cấp tự túc trong nền kinh tế hiện vật và kinh tế
hàng hóa thời sơ khai, hàng đổi hàng). Vì thế, chính sách phát triển kinh tế
trang trại đồng nghĩa với chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp. Nói cách
khác, kinh tế nông nghiệp là sự hợp thành của hoạt động kinh tế của các trang
trại. Do vậy, không thể có qui định đơn vị kinh doanh nông nghiệp có qui mô lớn,
ví dụ 100 triệu đồng doanh số/1 năm, thì được công nhận là trang trại để được
hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đó là cách tư duy phi logic, định lượng
trước để định tính, như tất cả con vật nào to, như bò tót, trâu, hà mã, voi,
thì được gọi là voi, còn con voi mới sinh, do quá nhỏ, nên không được gọi là
voi. Lẽ ra, phải định tính trước, nó là cái gì, rồi mới xác định nó to, nhỏ đến
mức nào? Nếu có chính sách khuyến khích riêng cho trang trại theo tiêu chí “to”
thì đã vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các chủ thể cùng hoạt động
trong ngành nông nghiệp.
Là đơn vị kinh doanh nông nghiệp tự chủ, trang trại
cũng giống như các tổ chức kinh doanh trong kinh tế công nghiệp và dịch vụ, được
phân loại theo bản chất kinh tế - xã hội, để có cách ứng xử thích hợp, trong đối
nội và đối ngoại của mỗi loại trang trại.
Trang trại gia đình chính là hộ kinh doanh cá thể
trong nông nghiệp.(thuong goi la kinh te nong ho)
Trang trại cá nhân (do một cá nhân làm chủ sở hữu)
là doanh nghiệp cá nhân (luật Việt Nam gọi nhầm là doanh nghiệp tư nhân) trong
nông nghiệp.
Trang trại hợp danh chính là công ty hợp danh trong
nông nghiệp.
Trang trại nhà nước, trang trại trách nhiệm hữu hạn,
trang trại cổ phần chính là doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn
và công ty cổ phần trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, như trên đã phân tích, do đặc điểm của sản
xuất nông nghiệp mang tính sinh học, nên trang trại gia đình và trang trại cá
nhân không có cấp quản lý trung gian và trang trại gia đình dự phần trong các
doanh nghiệp lớn, mới là đơn vị kinh doanh đạt hiệu quả cao, trong đó lực lượng
chủ yếu là trang trại gia đình (không có khái niệm gia trại, vì không rõ bản chất
kinh tế - xã hội). Mặt khác, luật Đất đai cũng cần qui định về thừa kế trang trại
theo hướng không chia nhỏ trang trại cho những người có quyền thừa kế. Trang trại
gia đình và trang trại cá nhân, khi chuyển quyền thừa kế, sẽ hình thành hai loại
thành viên, một thành viên có quyền quản lý và phải chịu trách nhiệm vô hạn;
các thành viên còn lại chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn thuộc sở hữu
của mình và không có quyền quản trị trang trại.
Trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế
ngày càng sâu rộng, các trang trại phải tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng
nông sản do các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong
và ngoài nước lãnh đạo, thì mới có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh
tranh ngày càng gay gắt.
Vì thế, luật Đất đai và các luật, chính sách vĩ mô
khác phải tạo điều kiện cho các trang trại tham gia chủ động tích cực vào chuỗi
giá trị nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.
Nông dân, họ là ai? Không phải tất cả những người lao động làm việc và sống bằng nghề
nông đều là nông dân. Chỉ có những người chủ và người lao động trong trang trại
gia đình (gồm cả trang trại dự phần) mới là những nông dân. Do vậy, không có
khái niệm nông dân không đất (không có trang trại). Chủ trang trại cá nhân là
nhà tư sản kinh doanh nông nghiệp và người lao động làm thuê trong các trang trại
này là công nhân nông nghiệp.
Trong các trang trại hợp danh, trách nhiệm hữu hạn
và cổ phần, có hai loại thành viên. Thành viên góp vốn và trực tiếp quản lý
trang trại là các doanh nhân, những nhà tư sản trong nông nghiệp. Những người
khác góp vốn vào các trang trại này, không tham gia quản lý trang trại là những
nhà đầu tư vốn trong nông nghiệp.
Vì thế, luật Đất đai không thể yêu cầu những người
chủ đất (chủ sở hữu hay chủ sở hữu quyền sử dụng đất) phải là những người “trực
canh”. Trong kinh tế thị trường không có khái niệm này. Mặt khác, nền kinh tế
thị trường càng phát triển, các hoạt động dịch vụ trong nông nghiệp cũng phát
triển ngày càng mạnh. Không chỉ các hộ nông dân nhỏ lẻ hiện nay mà cả những
trang trại có qui mô lớn cũng không tự đầu tư mua sắm đủ các trang thiết bị cần
thiết, mà họ sẽ thuê dịch vụ, từ tư vấn kinh tế, tài chính, kĩ thuật đến việc
thực hiện các khâu canh tác, nuôi trồng. Chủ trang trại giành phần lớn thời
gian cho việc kiểm soát các hoạt động diễn ra trên đồng ruộng, ao nuôi, chuồng
trại và thực hiện các giao dịch với thị trường đầu vào - đầu ra trong chuỗi giá
trị nông sản.
4.5.
Hình thành và phát triển thị trường đất nông nghiệp đích thực
Nền nông nghiệp và mỗi trang trại muốn tồn tại và
phát triển, có lợi nhuận cao, nhất thiết phải sản xuất nông sản an toàn: an
toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất và an toàn cho môi trường.
Muốn thế, các trang trại phải áp dụng công nghệ cao, hiện đại, thực hiện tiêu
chuẩn và qui trình GAP, phù hợp với yêu cầu của mỗi loại thị trường. Muốn áp dụng
công nghệ cao, hiện đại, các trang trại phải có qui mô kinh doanh đủ lớn, tận dụng
được lợi thế kinh tế theo qui mô. Do vậy, tiến trình tích tụ và tập trung ruộng
đất là một tất yếu kinh tế khách quan. Muốn tích tụ và tập trung ruộng đất diễn
ra lành mạnh, hiệu quả, phải hình thành và phát triển thị trường đất nông nghiệp
đích thực. Có ba yếu tố cấu thành thị trường đất nông nghiệp là: (i) nguồn cung
cấp đất nông nghiệp, dưới hình thức bán hay cho thuê dài hạn, (ii) nguồn cầu đất
nông nghiệp dưới dạng mua hay thuê dài hạn, (iii) khuôn khổ pháp lý để cung - cầu
đất nông nghiệp gặp nhau và việc giao dịch mua - bán, cho thuê đất nông nghiệp
diễn ra minh bạch, công bằng, theo nguyên tắc các bên cùng thắng.
Để có nguồn CUNG đất nông nghiệp, việc phát triển
công nghiệp, dịch vụ và đô thị phải biến phần lớn nông dân hiện nay thành thị
dân, có đời sống vật chất, văn hóa ổn định và cao hơn đời sống khi họ còn là
nông dân. Lực lượng lao động nông nghiệp, làm việc trong các trang trại, phải
giảm đến mức dưới 10% lực lượng lao động xã hội.
Chỉ khi đó, những người nông dân mới rời bỏ đồng ruộng,
bán hoặc cho thuê dài hạn ruộng đất của mình ở quê. Nếu họ còn tâm thế lo sợ bị
chủ doanh nghiệp ở các khu công nghiệp và đô thị sa thải khi trên 30 tuổi, sẵn
sàng trở về quê làm nông dân nhỏ, chắc chắn họ không bán hay cho thuê lâu dài đất
nông nghiệp ở quê hương. Tức là sẽ không có nguồn cung đất nông nghiệp.
Để có nguồn CẦU đất nông nghiệp phải có một đội ngũ
nông dân chuyên nghiệp, những “thanh nông tri điền”, được đào tạo nghề nông một
cách căn bản, thay thế đội ngũ nông dân “cha truyền, con nối”, “lão nông” mới
“tri điền” hiện nay. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực của nhà nước phải hướng
tới mục tiêu này.
Để giao dịch mua - bán, cho thuê đất nông nghiệp diễn
ra minh bạch, nhanh chóng, thuận lợi, trước hết phải có khuôn khổ pháp
lý rõ ràng, minh bạch, với các chế tài đủ sức răn đe các hoạt động
giao dịch bất minh. Muốn thế, luật Đất đai phải thừa nhận chế độ đa sở hữu. Ruộng
đất phải thuộc quyền sở hữu của người dân, của doanh nghiệp, của các tổ chức cộng
đồng dân cư và của nhà nước ở qui mô cần thiết đủ phục vụ cho các mục tiêu an
ninh quốc phòng và phúc lợi công cộng.
Người dân và doanh nghiệp có toàn quyền định đoạt
trong các giao dịch dân sự về ruộng đất thuộc quyền sở hữu của mình. Những xung
đột lợi ích trong quan hệ ruộng đất đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, trên
qui mô lớn, chủ yếu là do không thừa nhận chế độ đa sở hữu ruộng đất, trong đó
có quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Trước mắt, điều có thể làm ngay để khắc phục
một phần những xung đột lợi ích trong quan hệ ruộng đất, là xóa bỏ qui
định của luật Đất đai hiện hành cho phép các cấp chính quyền thu hồi và đền bù
giá trị quyền sử dụng đất của người dân theo khung giá do chính quyền cấp tỉnh,
thành phố qui định theo thời kì 5 năm/1 lần. Thay vào đó là sự thừa nhận quyền
sử dụng đất hiện hành của công dân và doanh nghiệp là quyền tài sản, là hàng
hóa được trao đổi theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán, như tất cả các tài sản
khác. Chẳng lẽ, những tài sản thuộc cơ sở hạ tầng kinh tế trọng yếu của
quốc gia như bến cảng, sân bay, cầu đường, những công ty nhà nước quan trọng…
đang được xã hội hóa, thực chất là tư nhân hóa, dưới hình thức cổ phần hóa
doanh nghiệp nhà nước, được khuyến khích đầu tư theo phương thức hợp tác công -
tư (PP), BOT, mà ruộng đất, cội nguồn của của cải nuôi sống con người, lại
không được “xã hội hóa”, không được vốn hóa để trở thành nguồn lực to lớn phục
vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện nay, ở một số địa phương, chính quyền đứng ra
thuê đất của các nông dân nhỏ lẻ, thậm chí sử dụng ngân sách địa phương chi trả
tiền thuê đất một lần cho nông dân với thời hạn thuê 20 năm. Sau đó, chính quyền
cho doanh nghiệp thuê lại và việc trả tiền thuê đất của doanh nghiệp cho chính
quyền địa phương được thực hiện trong nhiều kì trong thời hạn 20 năm. Điều này,
nảy sinh mấy vấn đề: UBND xã, huyện, hay tỉnh không phải là một pháp nhân,
không có tư cách pháp lý thuê đất của người này rồi cho người khác thuê lại. Nếu
trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp bị phá sản thì tự nhiên ngân sách nhà
nước, tiền thuế của dân, bị mất trắng. Đó là chưa kể nguy cơ diễn ra tình trạng
chính quyền địa phương ép dân phải cho thuê đất để có thành tích “đổi mới” tư
duy, “sáng tạo” cách làm để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, tạo lập các doanh nghiệp
áp dụng công nghệ cao, nguy cơ diễn ra tình trạng quan chức chính quyền liên kết
với các doanh nhân vì lợi ích nhóm, gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội. Phải
để cho doanh nghiệp và nông dân tự nguyện và trực tiếp giao dịch mua - bán, cho
thuê ruộng đất. Chỉ có trên cơ sở đó, các doanh nghiệp mới có thể tích tụ ruộng
đất một cách hợp pháp theo cơ chế thị trường. Cũng cần lưu ý là, khi qui mô ruộng
đất và đàn gia súc quá lớn, phải sử dụng nhiều người lao động, doanh nghiệp phải
áp dụng cơ chế khoán hộ, tạo ra các trang trại gia đình dự phần, như nông trường
sông Hậu đã làm trước đây. Chính quyền chỉ đóng vai trò bà đỡ, vai trò chứng thực
các hoạt động giao dịch và trọng tài, không thể là bà đẻ, cho bất kì một hoạt động
kinh tế nào.
Để chính quyền đóng vai trò kiến tạo cho sự phát triển,
kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển, chính quyền nhất thiết chỉ có thể
là cơ quan ban hành chính sách, kiểm soát việc thực thi chính sách, không trực
tiếp thực thi các hoạt động kinh doanh. Không nên lo sợ đất đai thuộc sở hữu tư
nhân, nhà nước sẽ không thể có đất phục vụ cho nhu cầu an ninh quốc phòng. Bởi
trong kinh tế thị trường và theo luật Dân sự, nhà nước có quyền trưng mua tài sản
thuộc sở hữu của cá nhân và tổ chức để phục vụ lợi ích quốc gia. Trong trường hợp
này, người dân và tổ chức buộc phải bán đất cho nhà nước, nhưng nhà nước trả bằng
hoặc cao hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
Tôi thiết nghĩ những ý kiến nêu trên có thể góp phần
hình thành cơ sở khoa học của việc sửa đổi luật Đất đai hiện nay.
TP. HCM, tháng 4/2017
V.
T. K.
__________
Ghi
chú:
[1] Địa tô tuyệt đối nảy sinh từ quyền sở hữu ruộng đất ở những diện
tích có độ phiều nhiêu thấp nhất và không thuận tiện để kinh doanh nông nghiệp,
như thiếu cơ sở hạ tầng, không gần đường giao thông thủy, bộ, xa bến cảng…
[2] Địa tô cấp sai (chênh lệnh) 1 nảy sinh do đất có độ phì nhiêu tự
nhiên cao hơn, có cơ sở hạ tầng hiện hữu tốt hơn những mảnh đất khác.
[3] Địa tô cấp sai (chênh lệch) 2 phát sinh do người kinh doanh nông
nghiệp đầu tư làm tăng độ phì nhiêu của ruộng đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
trên diện tích đất của mình, và cũng do nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng
trên vùng đất nông nghiệp này.
Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 13:04
No comments:
Post a Comment