Sunday, April 16, 2017

NGƯỜI DÂN ĐÃ LỰA CHỌN LỊCH SỬ (tin tổng hợp)




Posted by adminbasam on 16/04/2017

16-4-2017

Ngủ sâu sau một đêm, thức dậy nhìn những thông tin từ facebook tôi không thể không ngậm ngùi. Kinh nghiệm đọc sử của mình, tôi biết lịch sử đã chính thức sang trang từ thời điểm này. Dấu hiệu hiển nhiên nó đã có trước đó, tản mác đâu đó và thật ra hơi khuất tầm nhìn của người quan sát sử như một sự kiện. Ở đây chúng ta không cần quan tâm đến những dấu hiệu tản mác kia, vì thật ra lịch sử nào cũng chảy trên một dòng chính là dựa trên những sự kiện có sức ảnh hưởng đến ký ức mọi người dân. Việc diễn đạt sự kiện chính đó, là một phạm trù khác, để rảnh rồi bàn. Tôi chỉ xin chỉ ra vài dấu hiệu từ những sự kiện chính, để nhấn mạnh rằng, lịch sử đã sang trang.

Có hai dấu hiệu theo tôi là quan trọng trong những sự kiện chính gần đây, hiển nhiên không chỉ riêng tôi nhìn thấy dấu hiệu đó, rất nhiều người quan sát đã nhìn và phân tích nó. Khác chăng, tôi nhìn dấu hiệu từ sự kiện kia ở một góc nhìn khác: Sự lựa chọn thái độ của người dân.

Hai dấu hiệu đó là: Một, xuất hiện quốc kỳ Quốc gia Việt Nam và cũng là quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà sau đó, cờ vàng ba sọc, thấp thoáng một cách tản mác nơi người dân biểu tình ở Hà Tĩnh; và hai, ngày 15.04 hôm qua, người dân xã Mỹ Đức – Hà Nội, đã bắt nhốt 20 cảnh sát cơ động vốn được điều đến để giải toả đất đai của bà con, có nguồn thông tin những cảnh sát cơ động đó còn bị tẩm xăng.

Ở đây tôi không bàn về tính đúng sai của hành vi trên phương diện luật pháp hay đạo đức thế tục, tôi cũng không tán đồng hay phủ nhận hành vi của người dân là nên hay không nên, tôi chỉ nhấn mạnh là tôi nhìn dấu hiệu trên ở khía cạnh sự lựa chọn thái độ của người dân.

Năm ngoái, từ vụ cá chết Formosa, lần đầu tiên trong lich sử biểu tình người ta không còn nhìn thấy… cờ đỏ sao vàng nữa. Đến đầu năm nay, dưới sự dẫn dắt của nhiều linh mục miền Trung, người dân biểu tình đòi lại quyền lợi trên mảnh đất tổ tiên của mình với lá cờ công giáo; gần đây nhất, xuất hiện cờ vàng ba sọc đỏ.

Sự thay đổi như vậy cần nhìn ở tác động vô thức của người dân, tất cả những người dân đã và đang biểu tình kia, đầu tiên họ từ chối lá cờ được chọn là quốc kỳ của Việt Nam dân chủ cộng hoà vốn gắn liền với đảng cộng sản. Sau, phải mất một thời gian để họ tìm thấy một biểu tượng để đứng cùng, là cờ công giáo. Và gần đây nhất, họ tìm đến một lá cờ đại diện cho một thể chế quốc gia đã chết.

Tất cả đều cho thấy một thái độ chung nhất: Phủ nhận tinh thần quốc gia mà đảng cộng sản đã lựa chọn, hay nói thẳng hơn, phủ nhận quyền cai trị của đảng cộng sản, mọi thứ mà đảng cộng sản đã chọn làm biểu tượng quốc gia thì nay, bị người dân từ chối. Tóm lại, dấu hiệu thứ nhất cho thấy thái độ phủ nhận quyền cai trị của đảng cộng sản.

Dấu hiệu thứ hai, theo tôi là không tốt, đó là hành vi sử dụng bạo lực với công cụ cai trị của chính quyền. Nên nhớ, từ xưa đến giờ, người Việt dưới chế độ cộng sản thường phản kháng bằng tiếng nói, bằng phẫn nộ, bằng tiếng khóc và cả bằng cái chết; họ chưa bao giờ dùng đến vũ lực, nếu có, là thứ vũ lực què quặt của người đàn bà cố tự vệ cho mình mà thôi.

Thật ra người dân cũng không thể nào dùng vũ lực để chống lại công cụ cai trị của chính quyền, bởi đám công cụ đó được đào tạo chuyên môn và cả vũ khí; chúng luôn ở vị thế áp đảo người dân. Điều này chính là lý do ở những quốc gia toàn trị, người dân sở hữu vũ khí là một trọng tội; cho đến giờ nước Mỹ vẫn không dám chạm vào điều khoản sở hữu súng của người dân trong Hiến Pháp, dù lâu lâu vẫn có vụ xả súng chết người vô tội, lý do là vì hiến pháp Mỹ nhận thấy tính chất yếu thế của người dân với công cụ cai trị; khi cần, người dân có thể dùng chính vũ khí mình sở hữu để lật đổ một kẻ độc tài.

Khi người dân lúc này, bắt đầu dùng vũ lực với đám công cụ nhà nước, thì đó cũng là lúc mà người dân không còn một chọn lựa nào khác: Hoặc phải dùng vũ lực để bảo vệ tài sản mình hoặc, mất trắng và tương lai đám cháu con thì mù mịt vô định. Dấu hiệu này cho thấy, thái độ người dân với chính quyền không còn ở mức độ phản kháng, mà là hành động, họ bắt đầu chủ động với vũ lực.

Cả hai dấu hiệu trên đều khắc hoạ một tâm tính người dân trong xã hội lúc này: Họ không công nhận quyền cai trị của đảng cộng sản và, họ đã chấp nhận dùng vũ lực với cả chế độ cai trị.

Kinh nghiệm đọc sử của tôi, khi tâm tính người dân xuất hiện điều đó thì chắc chắn lịch sử phải sang trang, cứ so sánh cuộc cách mạng Pháp thì chúng ta dễ thấy sự tương đồng hơn. Khi tâm tính này đang lan dần ra ở toàn bộ phận người dân, nó cần thời gian, và đó cũng là thời gian để đảng cộng sản bắt đầu lựa chọn vai trò lịch sử của mình kết thúc trong bảo toàn hay kết thúc trong ô nhục, họ sẽ lựa chọn thay đổi như ý nguyện người dân hay tiếp tục xếp ý nguyện đó như một thái độ thù địch và phải trừng trị.

Tôi e rằng họ không lựa chọn cái thứ nhất, vì đã nhiều lần trong lịch sử, họ có lựa chọn tốt hơn cho đất nước nhưng họ từ chối nó. Và thật ra thời điểm này, thay đổi đã là quá muộn, khi tình cảm người dân đổi chiều, thái độ người dân với vũ lực càng lúc càng mạnh; thì nơi đó tôi lại nhìn thấy một tương lai u ám, những cuộc chiến giữa chính quyền và người dân sẽ kéo dài âm ỉ nhiều năm, những con người sẽ chết hoặc bị tù tội, những gia đình tản mác khắp nơi, những đứa trẻ sẽ mất đi gia đình, một nước Việt đổ nát khắp nơi trước khi lịch sử bước sang chương mới. Cái chương mới kia sẽ kế thừa cái di sản mâu thuẫn dân tộc từ năm 1975 đã đành, mà nó kèm theo cả di sản của chế độ cộng sản đã chết gồm tài sản và gia đình của những kẻ cai trị, đó là chưa bàn đến công cụ. Nhìn cái chương mới đó, thú thật, tôi không lạc quan cho tương lai Việt Nam cho lắm.

Hy vọng thời khắc đó, một vĩ nhân về chính trị xuất hiện để cải sửa quốc gia theo kịp với quỹ đạo tiến bộ của nhân loại hoặc, vĩ nhân đó trở nên vĩ cuồng thì sớm muộn gì người ta cũng ướp xác và dựng tượng hắn. Nước Việt lại bắt đầu chu kỳ điên loạn mới.

Tôi mong là tôi sai. Nhưng lúc này, tôi không có gì để lạc quan, bởi cuộc cách mạng từ người dân lên chứ không phải từ trên xuống, bao giờ cũng tàn khốc.

------------------

16-4-2017

Từ làng Nhô tới Đồng Tâm
Trịnh Văn Khải học ở Liên Xô về, giảng dạy tại trường ĐH Hàng Hải hơn 20 năm sau đó về quê sống tại làng Lác Nhuế huyện Kim Bảng Hà Nam (tên ngày xưa là Ác Nhuế vì dân làng đã từ chối không giúp một vị có công gặp nạn). Là người có học thức sống biết điều với xóm giềng lại mang dòng họ Trịnh nên ông được bà con tin tưởng và kính trọng.

Lúc đó xảy ra vụ lùm xùm tách đất thôn xóm, lấp ao không công bằng nên ông Khải sau khi thưa kiện cùng bà con không xong đã cùng thanh niên trong làng lập chiến lũy, chỉ có những người trong làng mới được tự do ra vào. Địa thế làng Nhô có cái hay là nằm giữa đồng ruộng và chỉ có một con đường dẫn vào nên dân làng rất dễ kiểm soát sự xâm nhập từ bên ngoài.

Trong gần 3 năm làng Lác Nhuế không đóng thuế nông nghiệp, không có người nào đi lính. Quân đội lúc đó nhất quyết không tham gia cưỡng chế hay đàn áp. Chính quyền huyện, tỉnh nhiều lần cử người vào làng nhưng đều bị phát hiện, kể cả việc dụ ông Khải lên ủy ban huyện để bắt cũng không thành vì mỗi lần ông đi đều có đội phản ứng nhanh đi cùng bảo vệ.

Có lần hai người được cho là của chính quyền thuê lẻn vào định đầu độc giếng nước nhà ông Khải thì bị bắt và giam. Đám thanh niên quá khích đã không nghe lời ông Khải và đánh chết 1 người .

Tình hình căng thẳng quá nên tỉnh mới làm giấy mời ông Khải lên và cam đoan giải quyết việc này bằng thương lượng và có sự đảm bảo là lãnh đạo từ TƯ tới giải quyết cho bà con. Ông Khải tin lời nên tới dự và bị bắt tại chỗ. Ông Khải bị kết án tử hình và bị xử tử nhanh chóng vào đầu năm 1997, phong trào bị dập.

Sau đó 1 năm thì người con trai của ông Khải cũng bị giết. Mô hình đấu tranh của ông Khải còn được bà con bên Quỳnh Phụ Thái Bình cử người sang học tập. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên một câu chuyện khác xa với thực tế do những nhân chứng sống trong sự vụ thuật lại. Hình ảnh ông Trịnh Văn Khải trong chuyện cũng như phim đã được mô tả như là một ác quỷ độc ác. Một lưu ý cuối cùng là Chúa Trịnh cuối cùng của nhà Trịnh cũng tên là Trịnh Khải (chả liên quan lắm).

Kết lại: nếu nhà nước vẫn khăng khăng giữ quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân thì còn rất nhiều Lác Nhuế, Quỳnh Phụ, Đồng Tâm …

Mời xem thêm clip:

----------------------

16-4-2017

ĐỪNG NGHĨ MƯU ĐỂ THẮNG DÂN
Người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức đang rủi ro sinh mệnh pháp lý của mình khi đối đầu với chính quyền. Nhưng đấy là quy luật của muôn đời. Lãnh thổ thiêng liêng với một quốc gia như thế nào thì đất đai cũng trở thành máu thịt với người dân như thế.

Kể từ Luật Đất Đai 1993, các quyền của người dân đối với đất đai đã được trả lại cho dân gần như là quyền về tài sản. Bộ Luật Dân Sự 1995 tiếp tục minh định điều đó khi coi “5 quyền” của người sử dụng đất của dân là quyền dân sự. Từ Hà Giang tới Phú Quốc, người dân thực sự là chủ trên mảnh đất của mình cho đến khi có những “nhà đầu tư” bắt tay dưới gầm bàn với chính quyền, nhân danh các dự án, thu hồi đất của họ với giá rẻ mạt rồi bán lại với giá ngất ngưởng rồi trở thành tỷ phú.

Sở dĩ các địa phương có thể làm được điều này là vì Luật trao cho chính quyền từ cấp huyện trở lên quyền thu hồi đất. Điều 27, Luật Đất Đai 1993 quy định khá chặt chẽ các trường hợp bị thu hồi. Luật sửa đổi 2003 tuy mở ra cho chính quyền quyền thu hồi đất đai vì “mục đích phát triển kinh tế” nhưng vẫn còn rất giới hạn. Từ năm 2007, khi các “nhóm đặc quyền đặc lợi” bắt đầu lộng hành, Chính phủ đã ban hành hai Nghị định 84 & 181, bổ sung khái niệm “Nhà nước thu hồi đất để phát triển các dự án phát triển kinh tế quan trọng”. Từ đây, chính quyền các cấp càng lộng hành.

Nếu như “sở hữu toàn dân”(SHTD) được coi là quan hệ cuối cùng mang chút “nội hàm” xã hội chủ nghĩa thì “thu hồi đất” lại là dấu hiệu có ý nghĩa nhất còn lại để xác lập SHTD. Có thể những người bảo vệ chế độ cần SHTD như một liều thuốc an thần nhưng chính họ đêm qua lại đang mất ngủ.

Có thể giờ này Chính quyền đang nhìn vụ Đồng Tâm như nhìn một vụ án. Đừng nghĩ mưu để thắng dân. Nếu như các vị chưa học được gì sau “Quả bom Đoàn Văn Vươn” thì nên ngồi lại sau vụ Đồng Tâm. Cái gốc vấn đề vẫn là SHTD. Thời bao cấp thì nó làm cho toàn dân đói kém, thời kinh tế thị trường thì nó làm cho toàn dân bất an. Việc cần làm ngay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đình chỉ quyền thu hồi đất của chính quyền địa phương trước khi bãi bỏ nó.

Xôi thịt thì “nhóm lợi ích” ăn chia với bọn tham nhũng cấp huyện cấp tỉnh. Sự bất ổn chính trị thì đe dọa trước hết các nhà lãnh đạo Trung ương. Đừng đẩy dân vào thế phải đối đầu chỉ vì các nhà làm chính sách muốn tự ru ngủ mình trong các ngôn từ sáo rỗng.




No comments:

Post a Comment