Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 14-04-2017
Từ
chủ trương đối với NATO, cho đến lập trường đối với Trung Quốc hay là Nga,
trong những ngày qua, chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã biểu thị những quan
điểm đối nghịch hoàn toàn với những gì ông đã hô hào trong thời gian qua hơn một
năm qua. Ngày 13/04/2017, hãng tin Pháp AFP đã trích dẫn giới quan sát cho rằng
đó là những dấu hiệu phản ánh đà « bình thường hóa » đường lối
ngoại giao của Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) họp báo chung với tổng thư ký NATO Jens
Stoltenberg (T), tại Nhà Trắng, ngày 12/04/2017.REUTERS/Jonathan Ernst
Thay đổi được AFP đánh giá là « hoành tráng »
nhất liên quan đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Trong suốt chiến dịch vận
động tranh cử, và nhiều tuần lễ đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Donald
Trump đã liên tục mệnh danh NATO là một khối đã « lỗi thời »,
bao gồm các đồng minh chủ yếu là châu Âu chuyên ăn bám vào Mỹ, cho nên cần bị
buộc phải chia sẻ « gánh nặng tài chính » với Washington bằng
cách gia tăng chi tiêu quân sự.
Thế nhưng, hôm 12/04 vừa qua, tại một cuộc họp báo với
tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, ông đã thay đổi hẳn thái độ, và công
khai rút lại từ ngữ « lỗi thời » từng khiến cho NATO bực bội :
« Tôi từng nói (là NATO) lỗi thời, nhưng (giờ đây NATO) không còn lỗi
thời nữa ».
Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn yêu cầu là toàn bộ 28%
thành viên NATO phải nâng chí phí quân sự của mình lên mức tối thiểu là 2% GDP,
một yêu cầu vốn đã được toàn khối đồng ý từ lâu.
Dẫu sao thì thay đổi đánh giá 180° của tổng thống Mỹ
trên tính chất gọi là « lỗi thời » của NATO đã dự báo tốt cho
chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Trump trong tư cách chủ nhân Nhà Trắng
sẽ đưa ông đến Bruxelles ngày 25/05 tới đây để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh
NATO.
Thay đổi cũng đáng chú ý không kém là lập trường đối
với Trung Quốc, nước đã bị ông Donald Trump tố cáo thậm tệ là một kẻ « thao
túng ngoại hối », ghìm giá đồng nhân dân tệ để gây hại cho nước Mỹ.
Ông Trump đồng thời tuyên bố sẵn sàng trừng phạt thương mại Bắc Kinh bằng cách
áp thuế cao trên hàng nhập từ Trung Quốc. Một trong những tuyên bố gây sốc của
ông Trump là sẽ ký ngay lệnh quy định Trung Quốc là nước lũng đoạn ngoại tệ
ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Thế nhưng mới đây, trong cuộc phỏng vấn ngày 12/04
dành cho nhật báo tài chánh Mỹ Wall Street Journal, ông Trump đã cho rằng Trung
Quốc không hề phá giá đồng tiền của họ trong thời gian qua, và xác định rõ ràng
: « Không, họ (tức là Trung Quốc) không phải những kẻ thao túng tiền tệ ».
Dĩ nhiên là lệnh quy định rằng Trung Quốc là quốc gia lũng đoạn ngoại tệ mà ứng
cử viên Trump từng hứa ban hành đã không hề xuất hiện.
Thay đổi lập trường đối với Nga cũng được ghi nhận
trong bối cảnh là trước đây ông Donald Trump không hề che giấu ý muốn xích lại
gần Mátxcơva hơn, không ngừng khen ngợi tổng thống Nga Putin mà ông cho là một
lãnh đạo « mạnh » và « thông minh ».
Thế nhưng mới đây ông đã bớt hẳn những tuyên bố phấn
khởi về Nga, thậm chí vào hôm qua, 14/04, ông còn nhấn mạnh rằng ông không hề « quen
biết » ông Putin, rằng quan hệ giữa hai bên « có lẽ đang ở mức
xấu nhất từ trước đến nay », và khả năng hòa giải khó thực hiện.
Đối với phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, thay đổi
quan điểm của ông Trump không có gì là lạ vì « bối cảnh đã thay đổi ».
Nhận định này tương ứng với một lập luận rất phổ biến là một khi đã ngồi vào
Phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng, bất kỳ một tổng thống Mỹ nào cũng nhìn sự việc bằng
một con mắt khác.
Ngoài ra, theo AFP, thay đổi quan điểm 180° của ông
Trump cũng một phần bắt nguồn từ việc giàn cố vấn thân cận của ông đã thay đổi,
với những nhân vật cực đoan như Steve Bannon, Mike Flynn và KT McFarland đã bị
gạt ra, thay vào bằng tướng McMaster có cái nhìn truyền thống hơn.
Trong lãnh vực kinh tế, sự vươn lên của các nhân vật
chuộng toàn cầu hóa trong chính quyền Trump cũng không xa lạ gì với thay đổi lập
trường của tân tổng thống Mỹ. Trong số này phải kể đến ba người : Con gái
Ivanka, và con rể Jared Kushner của ông Trump, cũng như là cố vấn kinh tế hàng
đầu Gary Cohn.
-------------------------
CÁC
TIN KHÁC
No comments:
Post a Comment