Monday, April 17, 2017

MỸ - BẮC HÀN VẪN CÒN CƠ HỘI CUỐI CHO GIẢI PHÁP NGOẠI GIAO (VOV.VN)




VOV.VN
Thứ 3, 05:55, 18/04/2017

Lịch sử cho thấy căng thẳng leo thang với Triều Tiên thực chất lại mở ra cơ hội cho giải pháp ngoại giao nhưng đây có thể là cơ hội cuối cùng của Mỹ.

Kho vũ khí hạt nhân ngày càng mở rộng của CHDCND Triều Tiên và những lời đe dọa của nước này về việc sẽ sử dụng chúng đã tạo ra tình huống ngày càng nguy hiểm ở khu vực Đông Bắc Á. Động thái gây hấn mới nhất là vụ phóng tên lửa của Triều Tiên rạng sáng 16/4 vừa qua, bất chấp những cảnh báo trước đó của Mỹ. Dù quả tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng, nó vẫn khiến bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn”.

Có mặt tại Hàn Quốc ngay sau vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 16/4 tuyên bố tuyên bố rằng sự kiên nhẫn chiến lược của Mỹ với Triều Tiên đã cạn kiệt. Ông đồng thời nhấn mạnh “mọi sự lựa chọn đang đặt trên bàn” và Bắc Triều Tiên “không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ đứng bên cạnh các đồng minh”.
Một số nhà phân tích lo ngại bán đảo Triều Tiên đang bị đẩy đến bờ vực chiến tranh trong khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J. Perry chỉ ra rằng những bối cảnh leo thang tương tự thực chất từng mở đường cho giải pháp ngoại giao mới.
Viết trên trang Politico, ông Perry cho rằng, vấn đề hiện nay chỉ là chính quyền của Tổng thống Donald Trump có nhận ra cơ hội đó và nắm bắt lấy nó hay không và điều quan trọng ở đây là chính phủ nước này cần phải hiểu họ đang muốn giảm nhẹ nguy cơ đe dọa nào.

Kịch bản “Ngày tận thế” trên bán đảo Triều Tiên
Mối đe dọa với Mỹ, như một số người nhận định, không phải là việc Triều Tiên có phát triển công nghệ quốc phòng đến mức độ thực sự khơi mào một vụ tấn công hạt nhân bất ngờ hay không. Lãnh đạo Triều Tiên, dù bị phương Tây cho là liều lĩnh đến thế nào đi chăng nữa, cũng không phải là “điên cuồng” hay “tự sát”.
Theo ông Perry, mục đích cốt lõi của giới chức ở Bình Nhưỡng chỉ là duy trì quyền lực và thực tế, bất chấp nhiều khó khăn, họ đã làm được điều đó suốt nhiều thập kỷ. Triều Tiên hiểu rõ, nếu họ khơi mào một cuộc tấn công hạt nhân, sự đáp trả của Mỹ sẽ chôn vùi cả chế độ lẫn đất nước này.
Thay vào đó, mối đe dọa chính yếu từ Triều Tiên là nước này có thể kích động một sự đáp trả quân sự từ phía Hàn Quốc. Viễn cảnh này có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến toàn diện quy mô lớn mà chắc chắn không thể không cuốn nước Mỹ vào bởi Washington đang có gần 30.000 binh sỹ đóng tại Hàn Quốc.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry nhận định, Triều Tiên có thể thua nếu một cuộc chiến như vậy xảy ra và họ có thể dùng đến vũ khí hạt nhân như một nỗ lực đáp trả tuyệt vọng cuối cùng. Hậu quả thảm khốc đó chính là những gì mà chính sách ngoại giao của Mỹ cần phải ngăn chặn.

Bài học lịch sử “quan hệ” Mỹ - Triều
Giữa lúc bán đảo Triều Tiên sôi sục như “chảo lửa”, gợi ý về giải pháp ngoại giao của William Perry dựa trên cơ sở khá vững chắc là kinh nghiệm của chính ông.
Đó là vào năm 1994, khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton, ông Perry đã giám sát kế hoạch chi tiết cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên ở Yongbyon để ngăn chặn nước này sản xuất plutonium sử dụng cho bom hạt nhân.
Lúc đó, Mỹ rất nghiêm túc với ý định này và phía Triều Tiên cũng ý thức được điều đó. Chính điều này rút cuộc đã buộc Triều Tiên phải chấp nhận một giải pháp ngoại giao, dù không được thực thi một cách hoàn hảo, nhưng thực sự đã ngăn chặn được những tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên trong một khoảng thời gian.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bill Clinton, ông Perry đã rời Lầu Năm Góc nhưng vẫn dẫn đầu một nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho bài toán hạt nhân Triều Tiên.
Khi đó, cùng với các đồng minh ở Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ đã thảo luận một phương án “mặc cả” nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ. Đó là việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên và đổi lại Bình Nhưỡng phải từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông Perry khẳng định rằng, vào những giờ khắc cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Clinton, Mỹ đã tiến đến rất gần một thỏa thuận với Triều Tiên, bao gồm chuyến thăm của tổng thống đến Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền, Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush đã đình chỉ kế hoạch ngoại giao đó và thay bằng một mô hình mang tính đối đầu hơn.
Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry, thời điểm đó, Mỹ đã đánh mất một cơ hội vô giá để rồi ngày nay Triều Tiên được cho là đang sở hữu 10 đến 20 quả bom hạt nhân.

Cơ hội lịch sử đang lặp lại
Ông Perry chỉ ra rằng, chiến lược thương lượng của Mỹ trong suốt 16 năm qua chủ yếu đánh vào kinh tế Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt nhưng nó không có tác dụng.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng kho vũ khí hạt nhân của họ cũng chỉ có thể bảo vệ chính quyền chừng nào nó còn chưa được sử dụng.
Trong bối cảnh này, một chiến lược thương lượng mới có thể được đưa ra.
Ông Perry gợi ý, chiến lược này có thể mở ra cho chính quyền ở Bình Nhưỡng một con đường không có vũ khí hạt nhân và được hỗ trợ bởi các biện pháp kinh tế mạnh hơn trước rất nhiều. Theo ông, chiến lược này giờ đây có thể thành công nhờ có hai diễn biến quốc tế mới sau đây.
Trước hết, đó là khả năng hợp tác toàn diện của Trung Quốc.
Chia sẻ trong chương trình “This Week” của kênh truyền hình ABC phát ngày 16/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết, nước này đang phối hợp với các đồng minh và đối tác cũng như lãnh đạo Trung Quốc để phát triển một loạt các lựa chọn khác nhau. “Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, đồng thuận rằng tình hình hiện nay không thể tiếp tục kéo dài mãi”, ông McMaster nói.
Điều này có nghĩa rằng Mỹ phải khiến Trung Quốc trở thành một đối tác toàn diện trong vấn đề Triều Tiên. Là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, nên Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất có thể thực sự gây tổn thương về kinh tế cho Triều Tiên.
Trước đây, Trung Quốc không sẵn lòng làm điều này nhưng những tháng gần đây, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên ngày càng động chạm đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Nó không chỉ đẩy khu vực vào nguy cơ bất ổn mà còn khiến Nhật Bản và Hàn Quốc có cớ tăng cường năng lực quốc phòng, thậm chí là có thể cũng muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, điều mà Bắc Kinh rõ ràng không mong muốn.
Diễn biến thứ hai là việc Mỹ oanh kích căn cứ không quân Syria bằng 59 quả tên lửa Tomahawk, sau đó ném “mẹ của các loại bom” nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan, đồng thời triển khai tàu sân bay Carl Vinson áp sát bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng nay hẳn đã tin rằng thực sự có khả năng Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị sử dụng vũ lực với họ.
“Chúng ta vẫn có một cơ hội thực sự cho giải pháp ngoại giao thành công. Câu hỏi lớn ở đây là liệu chúng ta có đủ khôn ngoan để nắm bắt lấy nó hay không. Sau tất cả, đây có thể là cơ hội cuối cùng của chúng ta” – cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry trăn trở./.

Diệu Hương/VOV.VN

----------------

TIN LIÊN QUAN









No comments:

Post a Comment