Lê Mạnh Hùng
April 26, 2017
http://www.nguoi-viet.com/binh-luan/la-thu-luan-don-macron-le-pen-va-gioi-han-cua-chu-nghia-dan-toc/
Vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp đã cho
thấy một chiều hướng mới trong chính trị quốc tế. Vào lúc này phân chia chính
trị quan trọng nhất không còn là giữa tả và hữu nữa mà giữa những người chủ
trương dân tộc chủ nghĩa và những người ủng hộ mở cửa ra với thế giới. Năm cao
điểm và đột phá của nhưng người dân tộc là năm 2016 với Brexit tại Anh và chiến
thắng của ông Donald Trump tại Hoa Kỳ. Nhưng cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật vừa qua tại
Pháp khuyến dụ rằng Pháp và hầu hết Châu Âu lục địa hãy còn đứng ở phía quốc tế
của lằn ranh phân chia.
Cuộc đấu tranh giữa bà Marine Le Pen và ông Emmanuel
Macron trong vòng chót của cuộc bầu cử hôm 7 Tháng Năm tới sẽ là cuộc một cuộc
đấu tranh điển hình giữa một người dân tộc và một người quốc tế. Bà Le Pen muốn
rút Pháp ra khỏi khối tiền tệ chung Châu Âu, tăng thuế quan, mở lại kiểm soát
biên giới và cắt giảm di dân. Ông Macron là một người ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu,
tin tưởng vào mậu dịch tự do cũng như là có một thái độ cởi mở đối với người tỵ
nạn. Các cuộc thăm dò dư luận vốn tiên đoán chính xác rằng ông Macron sẽ thắng
bà Le Pen sát nút trong vòng đầu nay khuyến dụ rằng ông sẽ đạt được một chiến
thắng quyết định trong đợt hai của cuộc bầu cử với trên 60% số phiếu. Cố nhiên
là còn đến hai tuần nữa người ta mới đi bầu trở lại và trong hai tuần đó nhiều
chuyện có thể xảy ra dẫn đến chiến thắng của bà Le Pen. Nhưng chúng ta hãy cứ
tin tưởng rằng có nhiều triển vọng là các cuộc thăm dò này đúng và nước Pháp sẽ
có một vị tổng thống quốc tế.
Bởi vì cuộc đấu tranh Macron-Le Pen là một phần của
một cuộc đấu tranh ý thức hệ quốc tế, kết quả cuộc đầu phiếu tại Pháp chắc chắn
là được theo dõi một cách chuyên chú bởi phần còn lại của thế giới. Một chiến
thắng cho ông Macron sẽ được đón nhận một cách vui mừng tại Berlin và Brussels,
nhưng lại với thất vọng tại điện Kremlin và văn phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Ốc.
Còn tại Luân Ðôn người ta sẽ đón nhận môt cách nửa vui nửa buồn.
Bà Le Pen vận động tranh cử với những đề tài tương tự
như ông Trump tuy rằng lời lẽ của bà ôn hòa hơn. Bà không đòi cấm mọi người Hồi
Giáo vào nước Pháp chẳng hạn. Gia đình Le Pen hăng say ủng hộ ông Trump và ngược
lại ông tổng thống Mỹ cũng đã khuyến dụ mạnh mẽ trên Twitter rằng ông ủng hộ bà
Le Pen làm tổng thống Pháp. Tuy nhiên nếu ông Trump có thất vọng vì bà Le Pen
thất cử thì những cố vấn của ông về an ninh quốc gia chắc sẽ thở phào nhẹ nhõm.
Thất vọng của điện Kremlin nếu ông Macron thắng cử sẽ mạnh hơn nhiều. Ông
Macron là ứng cử viên độc nhất ủng hộ một đường lối cứng rắn chống lại nước Nga
của ông Putin. Một ngân hàng Nga cũng cho đảng của bà Le Pen khá nhiều tiền –
có thể là một phần của việc điện Kremlin đầu tư vào việc gây rối loạn tại Liên
Hiệp Châu Âu.
Phản ứng của Luân Ðôn có thể là một hỗn hợp giữa e
ngại và thư giải. Chính phủ của bà Theresa May bác bỏ việc người ta cho Brexit
là một hành dộng bài ngoại và nhấn mạnh đến Anh Quốc tiếp tục ủng hộ mậu dịch tự
do và một Liên Hiệp Châu Âu mạnh. Nhưng vấn đề với Anh là Liên Hiệp Châu Âu rõ
ràng là coi Brexit là một biểu hiện của tinh thần dân tộc chủ nghĩa cần phải giải
quyết một cách cương quyết để khỏi lây lan. Trên phương diện này, một chiến thắng
của ông Macron thì vừa tốt vừa xấu cho Anh. Ông Macron biểu tượng cho một Liên
Hiệp Châu Âu đoàn kết và vững mạnh – điều mà bà May nói muốn thấy. Thế nhưng
khó khăn đối với Luân Ðôn là sức mạnh và sự đoàn kết đó có nhiều triển vọng được
thể hiện qua một đường lối rất cứng rằn trong thương thuyết về Brexit. Ngược lại
một chiến thắng của bà Le Pen sẽ đưa Châu Âu đi vào một con đường mới và đầy
nguy hiểm nhưng lại có thể giúp làm nhẹ vấn đề thương thuyết Brexit vì có triển
vọng rằng không còn một Liên Hiệp Châu Âu để thương thuyết.
Một cách rộng rãi hơn, nếu ông Mcron chiến thắng
trong vòng hai sắp tới thì nó sẽ xác nhận một sự chuyển hướng trong chính trị
Châu Âu với những thất bại của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa trong các cuộc bầu cử
gần đây tại Áo và Hòa Lan cũng như sự suy thoái của họ tại Ðức nơi mà sự ủng hộ
của dân Ðức cho đảng AfD (Alternativ fur Deutschland) nay rớt xuống hàng một
con số trong các cuộc thăm dò ý kiến. Một chiến thắng cho đảng của bà Angela
Merkel nay có nhiều triển vọng hơn. Các đảng theo chủ nghĩa dân tộc nay đã lên
nắm chính quyền tại Ba Lan và Hungary nhưng hạch tâm nguyên thủy của Châu Âu (6
nước đầu tiên ký vào thỏa hiệp Rome năm 1957) vẫn còn đứng vững trước cao trào
dân túy.
Tuy nhiên nếu có chiến thắng trong cuộc bầu cử lần
này ông Macron sẽ còn phải đối phó với một vấn đề khó khăn nhất. Làm sao đưa nước
Pháp ra khỏi cái vòng lẩn quẩn tăng trưởng kinh tế thấp, thất nghiệp cao và nợ
nần gia tăng là một vấn đề đã vượt quá khả năng của một loạt các tổng thống từ
ông Jacques Chirac đến ông Nicolas Sarkozy và ngay cả ông tổng thống hiện nay
Francois Hollande vốn đã bổ nhiệm một ông bộ trưởng trẻ tuổi đầy năng động và
hăng say là làm bộ trưởng kinh tế tên là Emmanuel Macron để đưa nước Pháp ra khỏi
cái vòng này.
No comments:
Post a Comment