Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017-04-27
2017-04-27
Cuộc chiến Việt Nam
kết thúc ngày 30 tháng Tư 1975, ngày mà cố thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt nói
triệu người vui thì cũng có triệu người buồn.
Bộ đội Bắc Việt ở
Sài Gòn ngày 15 tháng 5 năm 1975. AFP photo
Nhuộm đỏ đất nước theo XHCN
Hôm nay là ngày 27,
chỉ còn 3 hôm nữa là 30 tháng Tư 2017, 42 năm im tiếng súng mà lòng người vẫn
chưa yên, là cảm nghĩ từ một số cựu binh từng vượt Trường Sơn gọi là vào giải
phóng miền Nam 42 năm trước:
Ngày 27 tháng Tư
năm 1975 thì tôi đang công tác ở rừng U Minh Thượng thuộc Long Châu Hà
theo cách gọi của phía cộng sản tức là gồm Long Xuyên, Châu Đốc và Hà Tiên. Đến
ngày 30 tháng Tư, đơn vị chúng tôi được lệnh tiến ra tiếp quản các cơ sở kinh
tài, ngân hàng, ngân khố, kho bạc của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Vượt
hơn một ngày trời bằng đường bộ và bằng ghe xuồng trên các kênh rạch ở miền
Nam, đến đêm ngày 1 tháng Năm tiến vào thị xã Long Xuyên, tiếp quản Ngân Hàng
Công Thương cũng như Kho Bạc, Ty Ngân Khố, Sở Nông Nghiệp của tình An Giang lúc
đó.
Đó là hồi tưởng của
cựu binh Nguyễn Khắc Toàn khi chưa đầy 20 tuổi:
Nhưng mà tôi đã thấy
một thành phố phồn thịnh, sầm uất ở miền Nam. Tháng Chín 1975 tôi có dịp lên bệnh
viện Chợ Rẫy chữa vết thương trong chiến tranh, được tiếp xúc với bà con họ
hàng thân thuộc đã di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 thì tôi chính thức có lập trường
và có nhận thức hoàn toàn khác với những gì mà đảng cộng sản và cả hệ thống
giáo dục miền Bắc nhồi nhét cho tôi.
Càng nhận thức càng
thêm ngậm ngùi và tiếc nuối, là tâm trạng của cựu binh Nguyễn Khắc Toàn 42 năm
sau, khi quyết định trở thành một người hoạt động cho dân chủ và dân oan ở
Hà Nội:
Đi vào miền Nam dưới
khẩu hiệu giải phóng, thống nhất đất nước, chống Mỹ cứu nước, nhưng bây giờ
nhìn lại cuộc chiến đã kết thúc cách đây 42 năm thì rất buồn bởi đó là cái bi kịch
lớn của dân tộc. Lẽ ra cuộc chiến này không nên có. Đất nước thì cần phải thống
nhất nhưng thống nhất bằng con đường hòa bình, thương lượng, đàm phán như tấm
gương của Cộng Hòa Liên Bang Đức và Cộng Hòa Dân Chủ Đức thì tốt hơn. Gọi là đi
giải phóng miền Nam mà chế độ miền Nam và Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã có đầy đủ
những đặc trưng của một xã hội tiến bộ, người dân được tự do làm ăn kinh doanh,
một xã hội văn minh. Tiến hành một cuộc chiến để thu hồi nốt miền Nam, để
nhuộm đỏ toàn bộ đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa chỉ
là một ảo vọng, chỉ là một thử nghiệm thì nay cũng đã sụp đổ hết.
Ngày 30 tháng Tư
1975 đã theo đoàn quân 203 vào tiếp quản Sài Gòn, cựu chiến binh Bùi Đình
Toàn:
Lần đầu tiên vào
thành phố Hồ Chí Minh thì rất ngỡ ngàng, rất xa lạ. Phải nói là lối sống của
thành phố Hồ Chí Minh nó hay gấp bao lần Hà Nội, dân lúc bấy giờ người ta cũng
không ưa cộng sản lắm. Nó hay là con người ta sống thoải mái hơn ngoài Bắc.
Lúc bấy giờ tôi còn đi thăm một số cô dì chú bác di cư năm 54. Năm 77 tôi
lại vào trong ấy một lần nữa thì coi như là một số gia đình đã đi hết, một số nữa
đến năm 80 thì cũng đi hết không còn ai.
Ông Bùi Đình
Toàn đã làm việc 6 năm tại Công Ty Xổ Số tỉnh Đồng Tháp. Năm 1983, khi xin
chuyển về Bắc mà không được chấp thuận, ông bỏ việc trở lại Hà Nội, đi
làm trong một số cơ quan ở đây. Đến giờ đã luống tuổi, ông là thợ sửa vá xe đạp
tại phố Quán Sứ, Hàng Bông:
Tôi là người Phố Cổ
mà cũng là người nhiều đời ở phố này rồi, ngồi sửa xe lặt vặt được hào nào hay
hào ấy, năm nay tôi 64 rồi.
Ngày 30 tháng Tư mỗi
năm là lúc ông Bùi Đình Toàn cảm thấy buồn cho mình nhất và nhớ thương đồng
đội đã ngã gục ở chiến trường hơn bao giờ hết:
Tôi chả có chế độ
gì cả mặc dù mình là người lính là người từng cầm súng đi đánh giặc bao năm. Thật
ra cái số cũng còn may mắn, đơn vị tôi nhiều người chết lắm, 10 người chết đến
7 mà bao nhiêu trận là tôi thoát chết.
Đáng nhẽ những người
lính như tôi và một số đồng đội về là phải có sự ưu đãi nhưng thực tế thì chả
có cái gì ưu đãi cả. Những năm tháng còn trẻ thì mình gian khổ trong chiến trường
dọc theo các nơi mà thực tế cuộc chiến này cũng chẳng mang lại cái gì cả.
Giải phóng rồi cuộc sống cao lên thì nó là là tiến triển chung của xã hội, còn
nói chung những người lính như chúng tôi thiệt thòi nhất là những năm tháng trẻ
tuổi mà phải đi cầm súng, bao nhiêu người hy sinh bao nhiêu người chết, không
tưởng tượng được chiến tranh nó kinh khủng thế nào đâu. Những người bạn của tôi, 50 người, về chỉ còn 3 người.
Theo lời ông Bùi
Đình Toàn, chiến tranh không chỉ cướp đi tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của bao
trai tráng Việt Nam mà còn biến họ thành phế phẩm xã hội như tình cảnh của ông
hiện giờ.
Ngày 30 tháng Tư
1975 cựu binh Nguyễn Duy Huân, quê ở Tuyên Quang, đang cùng sư đoàn 308
có mặt tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1977 ông được chuyẻn ngành vể làm
công tác báo chí tại Tuyên Quang. Năm 1995, ông bị qui kết chiếm đoạt tài sản
nhà nước do cấp trên vu cáo, liên quan đến tuyến đường Tân Trào Tuyên Quang mà
Bộ Chính Trị khóa VIII đảng cộng sản khởi xướng để kỷ niệm 105 ngày sinh
Hồ Chí Minh và 50 năm ngày thành lập nước:
Tôi chỉ là người
làm công mà họ qui kết cho tôi là bao nhiêu vật liệu là tôi chiếm đoạt hết để họ
bắt đưa đi tù.
Suốt 21 năm qua, cựu
binh Nguyễn Duy Huân đi gỏ cửa nhiều nơi cấp trung ương nhưng vì thấp cổ bé miệng
nên cứ bị đẩy từ cơ quan này qua cơ quan khác mà không được giải quyết rốt
ráo:
Năm nay là năm thứ
21 rồi, thông qua vụ việc của tôi và một số dân oan khác thì nói thực bây giờ
tôi chẳng còn tin gì cái đảng cộng sản này, nó là một đảng ăn cướp
chứ không còn là đảng lãnh đạo nhà nước và xã hợi nữa, nó từ cấp cơ
sở đến cấp trung ương rồi. Nói thực qua cuộc chiến đồng đội của tôi hy sinh rất
nhiều, biết bao nhiêu người đã chết ở Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào,
xương máu của đồng đội tôi đổ xuống sông xuống biển hết, nó chả mang lại ý
nghĩa gì cả. Sau khi đã có độc lập tự do rồi những người như chúng tôi, là những
người có công, lại trở thành người mất hết không còn gì cả. Trong quá
trình 20 năm khiếu kiện ròng rã như thế tôi mới được biết người đi khiếu kiện ở
cấp trung ương là rất đông, phải tới 2/3 là những trường hợp gia đình có
công với cách mạng đang bị trù dập..
Đó là một trong những
lý do mà cựu binh Võ Văn Tạo, vốn may mắn được hoàn cảnh học tập và sinh
hoạt thuận lợi hơn anh em đồng ngũ khác, không bao giờ muốn vào đảng mà chỉ muốn
làm một cây bút phản biện như đang làm:
Năm 1972 tới có mặt
tại chiến dịch “mùa hè đỏ lửa” tôi có mặt 14 tháng trong Quảng Trị. Tóm lại tôi
có tham gia cuộc chiến đầy đủ từ lúc trinh sát cho đến lúc kết thúc. Khi về trường
đại học tôi đã nghiên cứu về chủ nghĩa Mác với một tư duy phân tích độc lập và
một số anh em chúng tôi biết cái đó là sai lầm rồi cho nên là tôi không vào đảng.
Tôi chỉ mong một đất
nước Việt Nam làm sao để xứng đáng như hồi chúng tôi bắt đầu hăm hở vượt Trường
Sơn đi vào Nam, và sau này tiến lên chủ nghĩa xã hội như đảng và nhà nước tuyên
truyền là ưu việt.
Từ năm 75 đến giờ
thì đất nước đã vượt qua những giai đoạn tăm tối nhất nhưng so với thế giới thì
vẫn tụt hậu. Kinh tế phát triển đã chậm mà xã hội có nhiều bất ổn đẻ ra từ một
cơ chế không có đối lập không có đa nguyên không có cạnh tranh chính trị cho
nên kết quả không được như chúng tôi mong muốn.
Trong mặt trận ở Quảng
Trị, chỉ trong một mùa hè mà gần 30.000 người ngã xuống thì tôi cảm thấy như
mình mắc nợ anh em, mình còn sống mà để cho đất nước mình như thế này. Cho nên
còn một ngày thì tôi còn cố gắng góp ý để cho đất nước mình không tụt hậu,
không xa lạ, không dị hợm với nhân loại tiến bộ. Để cho con cháu mình nở mày nở
mặt và đồng đội của tôi nằm dưới suối vàng cũng mát lòng mát dạ.
Sau cùng là cựu
binh Nguyễn Đức Giang, không đi B tức không vào miền Nam vì còn nhỏ tuổi,
nhưng sau này có tham gia trận chiến biên giới phía bắc 1979, nói rằng sau 30
tháng Tư 75 ông đã đủ lớn để nhìn thấy và hiểu biết về miền Nam Việt Nam
thông qua những thứ mà các anh chị bộ đợi trở về và mang theo như những chiến lợi
phẩm:
Nghe các anh chị bộ
đội kể lại trong cuộc chiến thì báo chí, đài, cứ ca ngợi giải phóng miền Nam là
giải phóng đồng bào khỏi ách thống trị của Việt Nam Cộng Hòa, của đế quốc Mỹ.
Nhưng mà sau khi giải phóng miền Nam xong thì các sĩ quan quân đội từ tiểu
đoàn, trung đoàn trưởng là bê ra Bắc nào Tivi, tủ lạnh, quạt, xe máy...Còn lính
tráng không được phép mang thì bổ xà phòng ra rồi giấu đồng hồ trong đấy. Một
cái đồng hồ hồi ấy mang ra có thể có giá trị hàng cây vàng, bán một cái quạt
Sanyo là có thể đổi lấy được một cái nhà ở nông thôn.
Ngoài Bắc sau 75 thì
đồ miền Nam mới được xài nhiều chứ ngày xưa làm gì có tivi để xem. Băng nhạc
thì nhiều nhà có điều kiện hoặc có bà con trong Nam ra là bắt đầu mang ra những
giàn Akai, loa Pioneer, thế là bật nhạc tiền chiến nghe thích lắm. Cũng chỉ
nghe nhỏ thôi, nghe to là công an nó đến tịch thu, không cho nghe nhạc vàng.
Tôi thấy cuộc chiến
này là anh em đánh nhau, huynh đệ tương tàn chứ chả phải giải phóng miền Nam gì
cả. Đến giờ phút này tôi thấy đất nước dưới chế độ cộng sản thì càng ngày dân
chúng càng bất bình, nhưng có điều là có người dám lên tiếng và có người không
dám lên tiếng.
*
Liên lạc góp ý với
Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
*
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment