27/04/2017
Đa
số các nhà phân tích đã nói rằng chính phủ Trump là chính phủ của các nhà kinh
doanh và tướng lãnh, thiếu các nhà chuyên môn.
Jared Kushner, con rể của Trump và là người có quyền
lực số 1 về các quyết định của Trump
Trả lời phỏng vấn của WaPo, cậu Jared Kushner, con rể
của Trump và là người có quyền lực số 1 về các quyết định của Trump, đã tuyên bố
: "Chính phủ Mỹ nên vận hành
như một công ty Mỹ khổng lồ. Hy vọng của chúng tôi là chúng ta có thể đạt được
nhiều thành công và hiệu quả cho các khách hàng của mình, đó là các công
dân".
Nhân ngày 30 tháng Tư, chúng tôi xin nói về
hai tướng nổi bật nhất trong Nội các của Trump là Steve Bannon và HR
McMaster, và quan điểm của hai ông về chiến tranh Việt Nam, để độc giả
có thể thấy tại sao Nội các Trump đang gặp nhiều khó khăn trong việc lãnh
đạo nước Mỹ và thế giới, và tại sao miền Nam mất.
Hai
tướng nổi bật của Trump
Khi Trump ra ứng cử, Steve Bannon, một cựu
tướng Hải quân, được chọn làm người điều khiển chiến dịch tranh cử của Trump và
là người đã đưa Trump đến chiến thắng. Sau khi Trump nhận chức, Bannon trở
thành "Phụ tá Tổng thống và đứng đầu Chiến lược của Nội các Donald
Trump". Ông được coi là bộ óc của Tòa Bạch Ốc. Với nhiệm vụ đó, Bannon đã
đẩy Trump đi theo phương thức và những tuyên bố khi còn tranh cử của Trump, đưa
chính quyền Trump đi từ rối loạn này đến rối loạn khác. Bị nhiều chống đối và
tranh chấp, ngày 5/4/2017 Bannon đã bị loại ra khỏi Hội đồng An ninh Quốc
gia. Tướng H.R. McMaster được đưa lên thay.
H.R.
McMaster là một trung tướng hiện dịch, được Trump cử làm Cố vấn
Hội đồng An ninh quốc gia ngày 20/2/2017. Ông có kinh nghiệm tại chiến trường
Afghanistan và Iraq, nhưng kinh nghiệm chính trị gần như không có gì.
Có nhiều đấu hiệu cho thấy các nhà chiến lược Mỹ đứng
đàng sau hậu trường đang dùng McMaster và tướng James Mattis, Bộ trưởng Quốc
phòng, đẩy Trump trở lại củng cố vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ như dưới
hai đời tổng thống George Walker Bush và Barack Hussein Obama, vì nếu để chính
phủ Mỹ "vận hành như một công ty Mỹ khổng lồ", theo chủ trương của
Jared Kushner, con rể của Trump, thì nước Mỹ sẽ đi đời nhà ma. Nhưng chuyện
không dễ dàng vì Trump không có các khái niệm căn bản về các vấn đề chính trị,
kinh tế và quân sự của nước Mỹ cũng như thế giới, chỉ thích làm các
chuyện lặt vặt để "biểu dương khí thế".
Cả tướng Steve Bannon lẫn tướng H.R. McMaster đều chỉ
trích về những sai lầm của hai tổng thống Johnson và Nixon đã đưa cuộc chiến Việt
Nam đến thất bại.
Tướng Steve Bannon 64 tuổi, tốt nghiệp MBA (Master
Business Administration) tại Đại học Harvard năm 1985, còn tướng H.R. McMaster,
54 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ sử học tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill. Cả
hai đều có kiến thức và kinh nghiệm chiến đấu, nhưng không có kinh nghiệm chính
trị. Chúng ta thử nghe hai ông nói về chiến tranh Việt Nam.
Những
cách nhìn về chiến tranh Việt Nam
1.
Cách nhìn của tướng Bannon
Steve Bannon đã đề nghị tất cả viên chức Tòa Bạch
Ốc phải đọc cuốn sách phân tích các sai lầm của chính quyền Mỹ dẫn đến chiến
tranh Việt Nam trước đây, đó là cuốn "The Best and the
Brightest" của tác giả David Halberstam, xuất bản từ năm 1972. Cuốn
sách nhận định rằng giới lãnh đạo Mỹ lúc bấy giờ ảo tưởng, tự tin quá mức,
không một chút am tường và hiểu biết về thực địa trong chính giới Mỹ khi quyết
định đổ quân, nên đã loại bỏ những nhà lãnh đạo lỗi lạc của miền Nam Việt Nam
như Tổng thống Ngô Đình Diệm, thay vì coi trọng lòng ái quốc và tài năng của
ông ấy… để rồi dẫn đưa quân đội Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến kéo dài và không lối
thoát. Phải nói là "nhục nhã cuốn cờ về nước" hơn là "rút quân
trong danh dự".
Tổng thống Donald Trump và cựu cố vấn an ninh tướng
Bannon
Theo ông, hãy nhìn vào những gì Israel đã làm… không
cần sự hiện diện của quân đội Mỹ mà chỉ nhờ vào sự trợ giúp phát triển công nghệ
chiến tranh, ngày nay họ đã là một quốc gia hùng cường có thể kìm chế và kiểm
soát được khu vực Trung Đông về chính trị, kinh tế và ngoại giao độc lập.
David Halberstam vừa là một ký giả vừa là một sử
gia. Năm 1963, ông được giải thưởng George Polk Award của báo New York Times
vì chụp được những tấm hình về vụ thiêu sống Thích Quảng Đức. Ông đã rời
Việt Nam năm 1964 và được giải thưởng Pulitzer Prize for International
Reporting.
2.
Cách nhìn của tướng H.R. McMaster
Trong cuốn "Xao lãng nhiệm vụ : Lyndon Johnson,
Robert McNamara, các Tham mưu liên quân và những sự tin tưởng sai lầm đưa đến
Việt Nam" (1997), Tướng H.R. McMaster cáo buộc cựu Tổng thống Hoa Kỳ
Lyndon B. Johnson và các cố vấn chính trị, dân sự và quân sự của ông về việc
làm mất Việt Nam. Cuốn này là một phần trong luận án tiến sĩ của ông. Ông đặt vấn
đề :
"Tôi tự hỏi làm thế nào và tại sao Việt Nam đã trở thành một cuộc
chiến tranh của Mỹ - một cuộc chiến mà người ta đã chiến đấu và chết mà không
có một ý tưởng rõ ràng về hành động và hy sinh của họ đã góp phần làm cho cuộc
chiến chấm dứt".
Tổng thống Donald Trump và Tướng McMaster
Trong việc tìm kiếm câu trả lời, McMaster cho rằng
"Vai trò của quân đội trong việc ra quyết định về Việt Nam rất ít được
hiểu và phần lớn bị bỏ qua". Ông chỉ trích rất nặng Alain C.
Enthoven, Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ từ 1961 đến 1969, cho rằng ông
này "quá kiêu ngạo, coi quân đội có trí tuệ thấp kém hơn ông ta, còn quân
đội đã xem Enthoven và các nhân viên khác của McNamara như những kẻ thù".
Ông đi đến kết luận : "Chiến tranh đã bị mất tại Washington,
D.C., ngay cả trước khi người Mỹ chịu trách nhiệm duy nhất cho cuộc chiến
năm 1965 và trước khi họ nhận ra đất nước đang ở trong chiến tranh ; thực sự,
ngay cả trước khi các đơn vị đầu tiên của Mỹ được triển khai".
3.
Không có tầm nhìn chiến lược
Nhìn chung, hai tướng Steve Bannon và McMaster của
Trump đều không có tầm nhìn chiến lược. Họ không biết chính xác mục
tiêu của Hoa Kỳ khi mở cuộc chiến ở Đông Dương từ 1965 đến 1967 là gì, cuộc chiến
đó đã được tiến hành ra sao, và sau khi đạt được mục tiêu rồi, nó phải kết thúc
như thế nào. Những người không biết chiến lược, chỉ nhìn vào một số diễn biến của
cuộc chiến, đã cho rằng Mỹ thua, nhưng sự thật không phải vậy.
Ở miền Nam Việt Nam, sau khi giết được ông Diệm rồi,
Mỹ không cho bất cứ người Việt nào có tầm nhìn chiến lược đứng ra lãnh đạo, họ
chỉ dùng những kẻ chỉ biết tuân hành sự chỉ đạo của Mỹ. Năm 1971, khi Tổng thống
Nguyễn Văn Thiệu mới thăm dò để mời Giáo sư Nguyễn Văn Bông ra làm Thủ tướng
ngày 10/11/1971, người ta đã để cho một "Việt Cộng" (có tên tuổi đàng
hoàng) hạ sát ông tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản. Ông Thiệu không biết
gì đã nghi người ra lệnh giết Giáo sư Bông là Tướng Trần Thiện Khiêm, vì cho rằng
Tướng Khiêm sợ ông Bông giành chức Thủ tướng của ông ta. Năm 1974, khi ông Thiệu
mời Luật sư Trần Văn Tuyên ra làm Thủ tướng, tôi đã đến gặp ông tại văn phòng
và lưu ý rằng "Maître" phải coi chừng, chúng nó sẽ giết
"Maître" như đã giết Giáo sư Bông !
Ký giả David Halberstam viết cuốn "The Best and
the Brightest" từ năm 1972, khi các tài liệu mật chưa được giải mã, nên
ông không thể thấy các mặt trái đàng sau của cuộc chiến. Còn luận án của tướng
McMaster cũng chỉ là thứ bài tập của sinh viên, chưa có tầm nhìn sâu sắc nên
không thể căn cứ vào đó để đưa ra kết luật về cuộc chiến Việt Nam được.
Trong hơn 20 năm qua, căn cứ vào các tài liệu Mỹ đã
tiết lộ, chúng tôi đã trình bày nhiều lần về mặt thật của cuộc chiến Việt Nam
qua nhiều tài liệu khác nhau. Hôm nay chúng tôi chỉ tóm lược như sau :
Mỹ
đi vào chiến tranh Việt Nam bằng mọi giá
Thuyết Domino (Domino theory), xuất hiện dưới
thời của Tổng thống Dwight D. Eisenhower, cho rằng nguy cơ phát triển của chủ
nghĩa cộng sản tại Việt Nam, nếu Hoa kỳ không ngăn cản, nó sẽ lan rộng ra các
nước tại Đông Nam Á giống như quân bài Domino. Nhưng các nhà phân tích cho rằng
thuyết này đã bị phóng đại, vì vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ giới hạn
trong phạm vi ba nước Việt-Miên-Lào mà thôi. Hoa Kỳ thừa biết như vậy, nhưng
Hoa Kỳ vẫn đổ quân vào Việt Nam bằng mọi giá.
1.
Giết hai Tổng thống
Để đi vào chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã phải giết
hai tổng thống, Tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa và Tổng Thống
Kennedy của Mỹ, vì hai tổng thống này đã ngăn cản việc Mỹ đổ quân vào Việt Nam.
2.
Đổ quân vào Việt Nam chẳng cần hỏi ai
Không cần xin phép ai, lúc 9 giờ sáng ngày 8/3/1965,
Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đã đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, mở màn cho sự
can thiệp trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam.
Ông Bùi Diễm, lúc đó là Bộ trưởng Phủ thủ tướng, cho
biết Thủ tướng Phan Huy Quát đã hỏi ông : "Có gì đặc biệt về phương diện
quân sự mà chúng ta không được biết, đến độ họ phải hành động một cách vội vàng
như vậy". Sứ thần Melvin Manfull của Mỹ đã đến yêu cầu ra một
thông cáo chung về việc này (Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, Paris
2000, tr. 222-223).
3.
Thực hiện cuộc chiến một cách tàn bạo
Tướng Curtis LeMay, Tư lệnh Không quân Mỹ tuyên bố
: "Chúng tôi sẽ ném bom để đưa chúng về Thời kỳ đồ
đá" (We're going to bomb them back into the Stone Age).
Theo tài liệu của Bộ quốc phòng Mỹ, trong cuộc chiến
Việt Nam, Hoa Kỳ đã thực hiện tất cả 1.899.688 phi vụ, ném xuống Đông
Dương 6.727.084 tấn bom, so với 2.700.000 tấn đã ném xuống Đức trong Đại Chiến
thứ II. Tổng số chi phí là 352 tỷ USD (giá thời đó).
Có 5 tỉnh của Việt Nam có tỷ lệ bom mìn nặng nhất
là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Việt Nam ước
tính khoảng 6,6 triệu ha đất đang bị ô nhiễm bom mìn. Theo sự ước tính của Mỹ, nếu
muốn rà phá toàn bộ bom mìn này phải mất 320 năm.
Nạn nhân của cuộc chiến được ước tính
là 5.773.190 người, trong đó có khoảng 2.122.700 người bị chết. Có 58.169
quân nhân Mỹ bị giết, 153.303 bị thương và 1.643 bị mất tích. Miền Nam có
440.357 quân nhân bị chết và khoảng 499.000 bị thương.
Mỹ
rút ra khỏi Việt Nam bằng mọi giá
Mỹ đã thực sự thực hiện cuộc chiến tại Việt Nam
chỉ có 3 năm, từ 1965 đến 1967, sau đó ra đi. Nhưng việc ra đi khó hơn việc
đưa cuộc chiến vào rất nhiều. Kissinger đã đưa ra kế hoạch thiết lập "Một
khoảng cách vừa phải" (Decent Interval), làm thế nào để sau khi Mỹ rút
quân khỏi Việt Nam khoảng 2 năm, miền Nam mất là vừa, lúc đó dư luận
sẽ không đổ lỗi cho việc miền Nam mất là do sự phản bội của Mỹ, mà do sự bất
tài (incompetence) của người miền Nam. Frank Snepp, Trưởng nhóm phân tích của
CIA tại Sài Gòn đã viết một cuốn sách dài 590 trang với cái tên
là "Decent Interval" để nói về kế hoạch này của Kissinger. Kế hoạch
đó gồm những điểm chính sau đây :
1. Lập các phong trào phản chiến để tạo lý do rút
quân : Richard Flacks, Vivian Rothstein, Ross Canton, Abe Peck, Thiền sư Nhất Hạnh,
Trịnh Công Sơn, John Kerry, Jane Fonda, Tom Hayden… đã được đưa ra phát động
các chiến dịch phản chiến.
2. Làm giảm bớt sức mạnh của quân đội Miền Bắc : Đưa
Sư đoàn Không kỵ 101 của Mỹ từ Quy Nhơn ra Huế phục sẵn rồi dụ cộng quân vào
chiếm cổ thành Huế trong Tết Mậu Thân 1968 và dùng đại pháo tiêu diệt. Mở các
cuộc hành quân qua Cambodia năm 1970 và Hạ Lào năm 1971 dể làm tan vỡ các lực
lượng chủ lực của Bắc Việt. Gài Sư đoàn 308, một sư đoàn thiện chiến
nhất của Bắc Việt, vào Cổ thành Quảng Trị năm 1972 rồi cho B-52 san bằng, v.v.
3. Đem miền Nam bán cho Trung Quốc : Ngày 20/6/1972
Kissinger đến Bắc Kinh gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và giao miền Nam cho Trung Quốc.
Kissinger nói "tôi tin rằng tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh
quan trọng đối với Á châu hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom Penh, Hà Nội
hay Sài Gòn".
4. Buộc hai bên ký Hiệp định Paris : Ngày 18/2/1972,
hàng loạt B.52 đã bay đến ném bom xuống các căn cứ quân sự ở Hải Phòng và Hà Nội.
Sau 12 ngày bị dội bom, ngày 30/12/1972 Hà Nội đồng ý sửa đổi lại một số điều
khoản của Hiệp Định Paris và hai bên đã ký kết ngày 27/1/1973.
5. Đánh lừa Tổng thống Thiệu lập kế hoạch tái phối
trí "Đầu bé đít to" : Rút quân từ Quân khu 2 và Quân khu 1 về
Tuy Hòa lập phòng tuyến, gây ra biến loạn đưa tới sự sụp đổ của miền Nam rồi
đưa Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng.
Tất cả các kịch bản đó đều đã được soạn thảo rất kỹ
càng và được thực hiện chính xác trong từng giai đoạn.
Chỉ
có Việt Nam Cộng Hòa thua
Nhìn qua các diễn biến của cuộc chiến Việt Nam,
chúng ta thấy rằng mục tiêu chính của các nhà lãnh đạo Mỹ khi mở cuộc chiến
Việt Nam là tiêu thụ tất cả những loại vũ khí tồn kho từ Thế chiến II và thí
nghiệm các vũ khí mới, bất chấp những thảm họa có thể gây ra. Việt
Nam được chọn làm chiến địa và Việt Nam Cộng Hòa bị biến thành con cờ thí.
Giai đoạn kế tiếp là Afghanistan và giai đoạn tới có thể là Iran…
Các tướng Mỹ như Steve Bannon và HR McMaster đều
không có tầm nhìn chiến lược, chỉ có tầm nhìn chiến thuật, nên cho rằng các nhà
lãnh đạo Mỹ đã sai lầm trong việc mở và điều hành cuộc chiến Việt Nam, nhưng
trong thực tế họ đã thành công và các mục tiêu đề ra đều đã đạt được. Chỉ có Việt
Nam Cộng Hòa thua.
Nhiều viên chức và sĩ quan Việt Nam Cộng
Hòa khi bị đưa vào các trại tù cải tạo hay đã được qua Mỹ vẫn còn nói với
nhau : "Nếu Tổng thống Nixon đừng bị mất chức vì vụ Watergate, miền Nam đã
không mất !". Đa số người Việt ở Mỹ đã ghi danh vào Đảng Cộng Hòa vì
tin rằng Đảng Cộng Hòa chống Cộng… Đến nay, nhiều người vẫn còn tin
như thế. Ai có ý kiến khác họ, thường bị coi là tay sai cộng sản hay đặc công cộng
sản nằm vùng. Với cái lối đấu tranh này, mất miền Nam là chuyện không thể tránh
được và còn thua dài dài.
Ngày 27/4/2017
Lữ
Giang
No comments:
Post a Comment