Minh Anh - RFI
Đăng ngày 18-04-2017
Quan
hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng trên nhiều hồ sơ như Syria, Ukraina. Thế
nhưng, theo nhà báo Renaud Girard, trên báo Le Figaro ngày 18/04/2017, muốn
quan hệ với Nga thì phải hiểu Nga, tức phải hiểu được “Bốn trụ cột của nền ngoại
giao Nga”.
Trong cuộc họp của G7 hồi đầu tháng 4/2017 tại Ý,
Angelino Alfano, ngoại trưởng nước chủ nhà, đã nhắc lại với các đồng nhiệm một
định đề ngoại giao và đã được chứng minh trong lịch sử : không nên nói chuyện với Nga theo kiểu ra tối hậu
thư.
Theo tinh thần này, tác giả cho rằng chính sách đối
ngoại của Nga được soạn thảo một cách bình tĩnh, có ý thức, không bao giờ là kết
quả của một sự xúc cảm nào đó. Ngoại giao Nga luôn nhìn về dài hạn hoặc trung hạn,
không bao giờ ngắn hạn và dựa trên bốn nguyên tắc.
Nguyên tắc đầu tiên là độc lập. Đối với Nga, không
có gì quan trọng hơn độc lập, phải làm chủ được vận mệnh của mình trong mọi
hoàn cảnh. Đôi khi Nga chấp nhận lời khuyên nhưng không bao giờ chấp nhận mệnh
lệnh. Năm 2012, Vladimir Putin tuyên bố : “Trong thế giới ngày nay, độc
lập là một thứ xa xỉ mà ít quốc gia nào có được”.
Nguyên tắc thứ hai là lợi ích quốc gia và ngoại giao
có nhiệm vụ tạo các điều kiện tốt nhất để phát triển lợi ích quốc gia. Không tự
coi mình là một pháo đài khép kín, nước Nga tự cho mình là một phần của nền văn
minh châu Âu-Đại Tây Dương và trong không gian này, Nga muốn được đối xử bình đẳng,
không ưu tiên, không hạ cố. Cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine, hồi tháng
02/2000, đã ngạc nhiên khi nghe thấy tổng thống Putin bày tỏ mong muốn xây dựng
một không gian pháp lý chung giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu.
Trụ cột thứ ba là vấn đề an ninh quốc gia. Matxcơva
cảnh giác với các quân đội đến từ phía tây vì đã từng nhiều lần xâm lược nước
Nga. Chính quyền Nga trách cứ phương Tây không giữ lời hứa không mở rộng Liên
Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – đến sát biên giới Nga mà Helmut Kohl đã cam kết
với Gorbatchev, hồi tháng 02/1990. Nga muốn duy trì các nước đệm, ngăn cách
lãnh thổ quốc gia với các cường quốc phương Tây. Nga duy trì vũ khí nguyên tử vì
lực lượng quy ước không đủ sức bảo vệ một lãnh thổ rộng gấp 26 lần nước Pháp.
Cuối cùng, Nga gắn bó với Liên Hiệp Quốc và thường
trách cứ các nước phương Tây trình ra Hội Đồng Bảo An những đề nghị với thái độ
: hoặc là đồng ý tất cả hoặc là không, không chấp nhận đàm phán, thương lượng
và có những nhượng bộ.
Tác giả kết luận, việc đưa nước Nga hội nhập vào gia
đình châu Âu đòi hỏi nhiều thời gian. Nhưng giai đoạn đầu tiên là phải hiểu được
nước Nga qua việc kiên trì phân tích các nền tảng chiến lược của Nga.
Nga
- Trung lại khắng khít, Hoa Kỳ lo lắng
Quan hệ Nga-Trung lại “khắng khít” là mối bận tâm của
Les Echos. Một báo cáo của Quốc Hội Mỹ gióng chuông báo động về việc Matxcơva
ký kết nhiều hợp đồng bán trang thiết bị quân sự tối tân cho Bắc Kinh. Washington
quan ngại mối hợp tác này có thể có những hệ quả đáng kể thách thức tính ưu việt
không quân của Hoa Kỳ và đặt ra nhiều vấn đề cho các binh sĩ Mỹ và các đồng
minh trong khu vực.
Với sự hỗ trợ của Nga, Trung Quốc "tiếp
tục theo đuổi các mục tiêu hiện đại hóa quân sự". Thế nhưng, theo nhận
định của nhật báo kinh tế Pháp, chính việc cô lập Nga trên phương diện địa
chính trị từ năm 2014, đã thúc đẩy nhanh hơn nữa mối liên kết Nga-Trung, trên mọi
phương diện, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Chẳng hạn như đã đồng ý bán
cho Trung Quốc 24 chiếc Sukhoi-35, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga. Hợp đồng
này trị giá 2 tỷ đô la và việc giao hàng đã được bắt đầu từ tháng 12/2016.
Trung Quốc còn là khách hàng lớn nhất của Nga đặt
mua hệ thống tên lửa địa đối không S-400 đời mới nhất, dự kiến đợt giao hàng đầu
tiên diễn ra vào năm 2018. Đó là chưa kể đến các cuộc tập trận hải quân chung
giữa hai nước ở Vùng Viễn Đông, và cả ở Địa Trung Hải. Những mối hợp tác gây
khó chịu cho Washington.
Năm 2016, Nga đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu
hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Châu Á được xem như là thị trường
tiềm năng lớn của Nga với hai khách hàng chính là Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc
gia đối đầu nhau trên mặt trận địa chính trị.
Dù vậy, theo nhận xét của ông Andrei Kortounov, thuộc
trung tâm cố vấn về các vấn đề quan hệ quốc tế Russian Council, “Trung
Quốc lại trở thành ưu tiên, với nhiều dự án, kể cả trong nghiên cứu phát triển,
trong phòng thủ phòng không hay không gian. Nhưng, trong số các đối tác thương
mại và quân sự tại châu Á, Trung Quốc vẫn đứng sau xa Ấn Độ.”
Les Echos nhắc lại, về mặt hình thức, sau khi các
tranh chấp biên giới đã được giải quyết, việc bán vũ khí Nga cho Trung Quốc đã
được xúc tiến mạnh trong giai đoạn 2005-2006. Thế nhưng, vào thời điểm đó, giới
công nghiệp quân sự Nga nghi ngờ Trung Quốc mua vũ khí, rồi sao chép công nghệ
Nga, để rồi xuất khẩu ngày càng nhiều.
Chính vì thế mà lượng vũ khí Nga bán cho Trung Quốc
đã bị giảm hẳn. Giờ đây, mối lo sợ đó vẫn tồn tại, nhưng đó không còn là một bí
mật trong mối quan hệ đầy thăng trầm Nga-Trung, như nhìn nhận của ông Andrei
Kortounov.
Guy
Sorman : “Trump lầm lẫn về Bắc Triều Tiên”
Liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, trong mục
diễn đàn của báo Le Monde, Guy Sorman, nhà văn, chuyên viết tiểu luận, giải
thích rằng Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân chỉ nhằm một mục đích duy
nhất : duy trì chế độ độc tài.
Theo tác giả, lo lắng về các vụ thử hạt nhân của Bắc
Triều Tiên là chính đáng và cũng chẳng có gì đáng phàn nàn về mặt chính trị,
trong lúc không ai quan tâm đến các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, Nga, Ấn Độ,
Pakistan, Anh, Trung Quốc, Pháp và Israel. Vậy tại sao hệ thống vũ khí hạt nhân
của Bắc Triều Tiên lại dấy lên nỗi lo sợ đến như vậy, trong khi các kho vũ khí
hạt nhân của các nước khác thì lại không ?
Chế độ Bình Nhưỡng là độc tài, nhưng Trung Quốc và
Pakistan cũng không thực sự là dân chủ. Trung Quốc có tham vọng đế quốc, đe dọa
các nước láng giềng. Nga cũng vậy. Thế nhưng không một ai tính tới việc tước bỏ
vũ khí hạt nhân của những nước này và ngoài Bắc Triều Tiên ra, thì không một quốc
gia nào trong số nêu trên bị trừng phạt vì có vũ khí nguyên tử.
Đối với phương Tây, nhà độc tài Kim Jong Un dường
như là một nhân vật rất kỳ cục, thế nhưng, liệu có nên tin tưởng hơn vào
Vladimir Putin hay Tập Cận Bình hay không ? Theo tác giả, trong cuộc xung đột với
Bắc Triều Tiên này, tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay đang làm cho tình hình
thêm trầm trọng với những nguyền rủa và đe dọa của ông và dường như người ta nhầm
lẫn về chức năng của vũ khí nguyên tử và chiến lược của Bình Nhưỡng.
Vũ khí nguyên tử chưa bao giờ được sử dụng từ năm
1945 đến nay. Nhìn bề ngoài, đây là loại vũ khí tấn công, nhưng trên thực tế và
qua các kinh nghiệm, thì đây lại là loại vũ khí phòng thủ. Chắc chắn là việc sở
hữu vũ khí nguyên tử giúp cho lãnh thổ quốc gia không bị xâm lăng và việc trả
đũa bằng vũ khí nguyên tử chống lại kẻ xâm lược sẽ gây ra những hậu quả khủng
khiếp hơn là những mối lợi mà kẻ xâm lược hy vọng có được.
Như vậy, vũ khí nguyên tử về cơ bản giúp duy trì
nguyên trạng và đường cùng, thì vũ khí này là một bảo đảm cao nhất cho sự sống
còn của một số quốc gia, như Israel và Pakistan, tránh bị các quốc gia láng giềng
khổng lồ nuốt chửng.
Vũ
khí nguyên tử, liều thuốc cứu sinh
Trong mối tương quan lực lượng giữa kẻ yếu và kẻ mạnh,
ví dụ Israel chống lại thế giới Ả Rập, Pakistan chống lại Ấn Độ, thì việc sở hữu
vũ khí nguyên tử giúp bảo vệ kẻ yếu, bất luận người ta yêu hay ghét bên nào. Đối
với những chế độ bị đe dọa, như Iran Shia chống lại hệ phái Sunni và Hoa Kỳ;
hay Bắc Triều Tiên chống lại Hàn Quốc và Mỹ, thì giải pháp có vũ khí nguyên tử
là liều thuốc cứu sinh phần nào hiệu nghiệm.
Đối với tác giả, dường như lý do duy nhất mà giới
lãnh đạo Bắc Triều Tiên - một quốc gia nghèo đói – đầu tư mạnh mẽ vào vũ khí hạt
nhân là nhằm duy trì, kéo dài sự tồn tại của chế độ độc tài này. Ngoài ra không
nhằm mục tiêu gì cả. Theo giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, từ bỏ vũ khí hạt nhân
là tự sát.
Do vậy, khi ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đe dọa can
thiệp quân sự vào Bắc Triều Tiên khi ông công du Hàn Quốc, thì điều này chứng tỏ
sự thiếu hiểu biết trầm trọng của ông trong hồ sơ này hoặc là ông cố tình phát
biểu như vậy để làm hài lòng Donald Trump. Tóm lại, trong vụ việc này, “Trump
lầm lẫn về Bắc Triều Tiên”, như tựa đề bài viết.
Trung
Quốc “giơ cao đánh khẽ” với Bắc Triều Tiên
Cũng liên quan đến Bắc Triều Tiên, báo Le Monde
trong bài viết đề tựa “Trung Quốc gây áp lực vừa phải đối với Bắc Triều
Tiên”, có đưa ra một số nhận định về sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc
trong chính sách đối với nước này.
Có một hằng số trong ngoại giao Hoa Kỳ, cho dù dưới
thời Donald Trump, Barack Obama, hay những người tiền nhiệm, đó là coi Trung Quốc
nắm giữ chìa khóa giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên, thông qua việc đóng-mở kênh
trao đổi thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ lập luận rằng do Bắc Kinh là đồng minh chủ chốt
về kinh tế của Bình Nhưỡng, nên chỉ cần liên tục gây áp lực đòi Trung Quốc siết
chặt, cắt giảm trao đổi thương mại là Bắc Triều Tiên sụp đổ hoặc đứng bên bờ vực
sụp đổ, buộc quốc gia này phải thay đổi.
Thế nhưng, Bắc Kinh lại có quan điểm khác hẳn với
Washington. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, cần thúc đẩy Bắc Triều Tiên mở cửa,
bảo đảm ổn định, thay vì lên án, cô lập nước này. Một chuyên gia về Triều Tiên,
thuộc đại học Phúc Đán, Thượng Hải, được Le Monde trích dẫn, giải thích : Trung
Quốc cho rằng chính sách cải tổ, mở cửa là chìa khóa, bảo đảm sự trường tồn của
Nhà nước, giống như những gì diễn ra ở Trung Quốc và Việt Nam.
Vì thế, Trung Quốc phản đối mọi biện pháp trừng phạt,
vì cho rằng nếu trừng phạt nặng nề, sự ổn định xã hội của Bắc Triều Tiên sẽ bị ảnh
hưởng, cho nên Trung Quốc từ chối làm như vậy.
Căng
thẳng bán đảo Triều Tiên : “Chuyện thường tình !”
Trong khi thế giới có vẻ lo sợ bùng nổ chiến sự trên
bán đảo Triều Tiên do khẩu chiến leo thang giữa Bình Nhưỡng và Washington, thì
người dân Hàn Quốc, lại có vẻ điềm tĩnh. Frédéric Ojardias, thông tín viên La
Croix tại Seoul, đã có dịp trao đổi với nhiều người dân tại đây để hiểu được vì
sao “Người dân Hàn Quốc vẫn giữ được bình tĩnh”.
Nếu như báo chí thế giới ùn ùn giật tít lớn trên các
phương tiện truyền thông, nào là “chiến tranh sắp nổ ra”, “các mối họa
hạt nhân” hay như “chiến tranh toàn diện”…, người dân xứ
Hàn điềm tĩnh cho rằng : “Các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên chỉ là lời
nói mà thôi, chúng tôi đã quá quen rồi, điều này diễn ra từ bấy lâu nay… Làm
sao mà chế độ đó có thể khởi động một cuộc chiến được ? Chúng tôi mà chết thì họ
cũng thế”, theo như lời bà Kwon, 68 tuổi đã về hưu với nhà báo.
Đối với anh Kim Young-Ho, một công chức 39 tuổi, đấy
chẳng qua là những chiêu đánh lừa nhau của Mỹ. Anh nói : “Tôi chẳng sợ
chút nào : hầu như mỗi năm đều có một lần căng thẳng lên đỉnh điểm. Điểm khác
biệt năm nay chính là vị tân tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump. Nhưng tôi
nghĩ là ông ấy chỉ lòe mà thôi. Ông ấy chỉ tìm cách gây áp lực lên Bắc Triều
Tiên. Tại Hàn Quốc có đông đảo công dân Mỹ đến sinh sống và đầu tư ở đây. Và
ông Trump không muốn mạo hiểm gây chiến tranh. Bắc Triều Tiên không phải là
Syria hay Afghanistan.”
Bầu
cử tổng thống : Tít lớn trên trang nhất các báo Pháp
Chỉ còn có năm ngày nữa là diễn ra vòng một bầu cử tổng
thống Pháp. Đây cũng là “Một tuần lễ để thuyết phục những người do dự” như
nhận định của Le Monde. Bởi vì, các kết quả thăm dò đều cho thấy “Khoảng
cách giữa 4 ứng viên sáng giá nhất đang thu hẹp dần”, Les Echos giải thích.
Giờ đây cả bốn ứng viên đang dồn hết sức cho cuộc
đua nước rút. Điều đó còn làm cho tính hồi hộp tăng thêm một nấc. Le Figaro ghi
nhận : “Sáu ngày trước vòng một, sự bất định toàn diện.” Trong tình
hình kết quả thăm dò sít sao, vòng hai khó đoán, … Libération đặt câu hỏi lớn : “Bạn
làm gì ?”
Erdogan
cũng là « sao » trên báo Pháp
Cạnh tranh trên trang nhất các báo Pháp còn có tổng
thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan. Các tờ báo tiếp tục phân tích, mổ xẻ thắng
lợi của tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến Pháp,
tăng thêm quyền hạn cho tổng thống diễn ra hôm Chủ Nhật 16/4 vừa qua.
Les Echos chua chát cho rằng : “Erdogan, chủ
nhân duy nhất lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ”. Với hơn 51% số phiếu thuận, còn xa
với tỷ lệ 60% mà ông mong muốn đạt được, nhưng chiến thắng này cũng có thể giúp
ông duy trì quyền lực đến tận năm 2029.
Đương nhiên, đây là một “Thắng lợi của
Erdogan, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ”, tít lớn của Le Monde. Bởi vì đó
chỉ là một thắng lợi sát nút. Tại những thành phố lớn như Istanbul, nơi ông từng
là thị trưởng hay thủ đô Ankara, những lá phiếu nói "không" "
chiếm đa số. Tỷ lệ sít sao này cho thấy xã hội Thổ Nhĩ Kỳ bị phân hóa.
Thế nhưng, kết quả này của cuộc trưng cầu dân ý còn
đặt “Liên Hiệp Châu Âu dưới áp lực”như ghi nhận trong bài giải mã của
Les Echos. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ là một đối tác ương ngạnh đối với
phương Tây, nhất là với Liên Hiệp Châu Âu trên nhiều hồ sơ như đàm phán gia nhập
Liên Âu, thỏa thuận nhập cư, thương mại…
Trong khi Châu Âu còn đang lúng túng cho tương lai
quan hệ Bruxelles - Ankara, vương Quốc Anh về phần mình lại tìm cách củng cố
các mối quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ.
--------------------------
TIN
LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment