Thursday, April 20, 2017

ĐÀI LOAN CẦN TỪ BỎ TÊN GỌI TRUNG HOA DÂN QUỐC (Salvatore Babones - Foreign Affairs)




Salvatore Babones  -  Foreign Affairs  
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 21/04/2017 by The Observer

Giờ là lúc hãy để Đài Loan được là Đài Loan.

Trước tiên là một cuộc gọi điện thoại, tiếp theo là một quả bom gây sốc dư luận. Vào ngày 02/12/2016, Donald Trump xoay ngược 37 năm chính sách ngoại giao của Mỹ bằng việc nhận cuộc gọi chúc mừng từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ngày hôm qua, ông còn đi xa hơn nữa, tuyên bố rằng ông không biết rằng “tại sao chúng ta (nước Mỹ) phải bị bó buộc bởi chính sách Một Trung Quốc trừ khi chúng ta có những thỏa thuận với Trung Quốc về những vấn đề khác, bao gồm thương mại.”

Quan điểm chính thức của Trump vẫn chưa rõ ràng, nhưng những phát ngôn của ông cho thấy rằng về vấn đề Đài Loan, ông ta có thể ủng hộ việc thay đổi hiện trạng đã tồn tại gần bốn thập niên. Phiên bản hiện tại của chính sách Một Trung Quốc của Mỹ, cho rằng chỉ có một chính phủ hợp pháp ở Trung Quốc, đã tồn tại từ năm 1979, khi Mỹ công nhận chính quyền cộng sản ở Bắc Kinh và cắt quan hệ ngoại giao với chính quyền Dân quốc ở Đài Bắc.

Lúc bấy giờ, Đài Loan là một quốc gia độc đảng chuyên chế, nhưng trong 20 năm tiếp theo nó đã thay đổi một cách hòa bình thành một quốc gia dân chủ tự do đầy sức sống. Nhưng mặc cho những tiến triển đó, vẫn chưa có một quốc gia độc lập tên là Đài Loan. Hòn đảo bà Thái lãnh đạo vẫn tự gọi mình là Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China – ROC). Trung Quốc Đại Lục gọi nó là Đài Loan và chính thức coi hòn đảo là một tỉnh phiến loạn, nhưng trong thực tế lại đối xử với nó như là một nước khác. Tổ chức thương mại thế giới gọi nó là “Các Lãnh thổ hải quan tách biệt Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ (Trung Hoa Đài Bắc).” Nước Mỹ vẫn dùng tên Đài Loan và họ công khai việc duy trì quan hệ mạnh nhưng không chính thức với chính quyền Đài Bắc. Dù vậy, khi một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ vô ý nói rằng Đài Loan là một đất nước vào đầu năm nay, nó bị coi là một câu nói hớ có hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng vậy thì Đài Loan là gì? Ngày hôm nay, 70 năm sau khi cuộc nội chiến Trung Quốc chấm dứt và đi kèm với nó là sự chia cắt giữa hòn đảo và đất liền, giờ là lúc để cộng đồng quốc tế giải quyết câu hỏi này. Việc duy trì huyền thoại rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc giờ là một điều vô nghĩa. Bây giờ đã là lúc để Đài Loan trở thành một đất nước bình thường.

Để những điều trẻ con qua một bên

Dĩ nhiên là Trung Quốc có thể không bao giờ chấp nhận những nỗ lực của Đài Loan nhằm hành xử như một quốc gia bình thường như những nước khác, và họ sẽ chắc chắn phủ quyết tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc của Đài Loan. Nhưng Bắc Kinh phải biết rằng Đài Loan sẽ không bao giờ quay trở về. Ngày hôm nay, giới trẻ Đài Loan đã lớn lên trong một xã hội tự do, cởi mở và dân chủ và họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu để đặt mình dưới sự thống trị của Bắc Kinh, đặc biệt sau khi họ đã chứng kiến những gì đã diễn ra với Hong Kong. Con cháu của họ sẽ còn ít mặn mà hơn trong việc này. Bắc Kinh chờ đợi Đài Loan thống nhất một cách hòa bình với Trung Quốc cũng sẽ như là Bình Nhưỡng chờ đợi Hàn Quốc thống nhất hòa bình với Triều Tiên, và đại lục cũng sẽ không chấp nhận cái giá phải trả cho một giải pháp quân sự.

Cùng với góc độ trên, thậm chí nếu Trung Quốc không bao giờ công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, thì họ cũng sẽ bắt đầu đối xử với Đài Loan theo cách khác nếu Đài Loan bắt đầu hành xử như một quốc gia. Nếu Đài Loan muốn được coi trọng, thì họ phải hành xử một cách nghiêm túc. Từ bỏ các yêu sách về lãnh thổ ở Biển Đông là cái đầu tiên họ có thể làm. Giống như Bắc Kinh, Đài Bắc vẫn duy trì một yêu sách thiếu vững chắc đối với chủ quyền ở toàn bộ Biển Đông, dựa trên giả thuyết rằng họ là người xứng đáng được hưởng các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ biển của Trung Quốc.

Yêu sách về Biển Đông của Đài Loan dựa vào đường chín đoạn nổi tiếng, một đường ranh giới biển được vẽ một cách sơ sài trên các bản đồ Trung Quốc vào năm 1947. Đường vẽ này minh họa cho những yêu sách rộng đối với các vùng biển, đảo, và thềm lục địa ở Biển Đông của Trung Hoa Dân Quốc. Khi phe cộng sản chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc, họ cũng áp dụng đường chín đoạn làm nền tảng của những yêu sách của họ, và ngày hôm nay cả Trung Quốc và Đài Loan đều cho rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về họ – hay có thể nói là thuộc về nước Trung Quốc thật sự.

Trớ trêu là phần lớn yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đều dựa vào việc Đài Bắc có nhiều cơ sở hạ tầng ở Đảo Ba Bình (còn được gọi là Taiping hay Itu Aba), một cấu tạo đang bị tranh chấp tọa lạc hơn 900 dặm (khoảng 1.500 km) về phía nam của Đài Loan. Nhưng vào ngày 12/7/2016, một tòa trọng tài UNCLOS tại La Haye đã ra phán quyết rằng hòn đảo này chỉ là một đảo đá và vì thế chỉ mang lại cho ai kiểm soát nó quyền lợi lãnh thổ rất hạn chế. Mặc dù Đài Loan không phải là thành viên của UNCLOS, họ nên tôn trọng phán quyết của tòa, rút khỏi đảo Ba Bình, và trả bãi đá về trạng thái tự nhiên. Làm như thế sẽ giúp họ có thêm nhiều bạn bè trong khu vực, và Trung Quốc không thể than phiền về việc Đài Loan rút lui.

Bắc Kinh có thể tiếp tục theo đuổi yêu sách của họ và chống lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), nhưng một Đài Loan không còn giả bộ là Trung Quốc không nên can dự vào tranh chấp này. Họ nên đón chào những tiến triển hòa bình ở khu vực Biển Đông dưới sự bảo trợ của các thể chế đa phương. Hơn tất cả, Đài Loan nên nhấn mạnh rằng họ không phải là một bên tham gia vào các tranh chấp ở Biển Đông.

Đài Loan cũng nên chấm dứt việc tham gia trò chơi bơm tiền để đổi lấy công nhận ngoại giao. Đài Loan có thể đã từ bỏ quyền cai trị Đại Lục vào đầu thập niên 1990, nhưng họ vẫn chính thức tự gọi mình là Trung Hoa Dân Quốc, và dùng các khích lệ tài chính để thuyết phục 21 nước nghèo tiếp tục giữ mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan chứ không phải với Trung Quốc. Đài Loan là một nước giàu và họ có khả năng giúp người nghèo ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Chính bởi vì sự chuyển hóa đáng nể phục của Đài Loan từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ, Đài Loan có thể đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia như Mông Cổ và Ukraine trong việc bồi đắp các hệ thống dân chủ hiện tại. Đồng tiền mà Đài Loan dùng để đổi lấy những công nhận về ngoại giao, ở mức 200 triệu đôla Mỹ một năm, có thể được dùng một cách tốt hơn cho việc truyền bá hệ thống quản trị tốt tới các nền dân chủ mong manh của thế giới.

Một Trung Quốc

Nhưng điều quan trọng nhất phải xảy ra là việc Đài Loan cần từ bỏ giả tưởng rằng nó là Trung Hoa Dân Quốc, điều này có nghĩa là Đài Loan phải từ bỏ giả tưởng rằng họ có chủ quyền, mặc dù chỉ là trên luận điệu, đối với đại lục. Sự thay đổi như thế sẽ gây chấn động chính trị, nhưng nó sẽ không đòi hỏi phải dùng tới một giải pháp mạnh như là tuyên bố độc lập. Thậm chí số ít những người ở Đài Loan mong muốn thống nhất cũng thừa nhận rằng bất kỳ một nước Trung Quốc thống nhất trong tương lai nào cũng sẽ được điều hành ở Bắc Kinh, chứ không phải ở Đài Bắc. Giải pháp rõ ràng nhất là việc chính phủ Đài Loan đơn thuần thay đổi tên gọi hòn đảo từ Trung Hoa Dân Quốc sang Đài Loan, mà không cần đưa ra công bố chính thức về tình trạng pháp lý của đất nước. Đó là một tuyên ngôn về bản sắc, chứ không phải là một tuyên ngôn độc lập.

Đương nhiên, thậm chí với một tuyên ngôn như thế, Đài Loan vẫn sẽ như là hiện tại – một quốc gia trên thực tế nhưng không được công nhận một cách chính thức. Nhưng đối với phần còn lại của thế giới, sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng lớn. Trong những thập niên gần đây, các lãnh đạo trên thế giới (bao gồm các tổng thống Mỹ cho đến gần đây), đã từ chối làm việc trực tiếp với Đài Loan bởi vì họ chỉ công nhận một Trung Quốc. Nhưng họ có thể học cách làm việc với một Đài Loan không còn cho rằng họ là Trung Quốc. Các tổng thống Mỹ, những người thường xuyên nói chuyện với các lãnh đạo của những thực thể phi quốc gia hay bán quốc gia như Chính quyền Palestine, có thể nói chuyện với tổng thống Đài Loan.
Tiến triển này sẽ không làm Trung Quốc hài lòng. Nhưng khác với những phát ngôn mang tính báo động của nhiều nhà nghiên cứu chính sách ở ngoài nước Mỹ, Trung Quốc đang không chuẩn bị để xâm lược Đài Loan, và cuộc điện đàm của Trump sẽ không dẫn đến thế chiến thứ ba. Quan điểm chung về cuộc gọi điện giữa bà Thái và ông Trump ở bên trong nước Mỹ, những quan điểm đã tranh luận về những lợi ích của việc nói chuyện với Đài Loan, đều có lý hơn. Và mặc dù Trung Quốc chống đối mạnh mẽ việc công nhận chủ quyền của Đài Loan một cách chính thức, họ dầu gì cũng làm việc với Đài Loan, một trong những nước láng giềng gần nhất và là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất, theo một cách tương đối thực dụng.

Ai cần sự chắc chắn?

Nước Mỹ đã luôn luôn có chính sách một Trung Quốc. Nhưng chính sách này đã luôn luôn mập mờ về tình trạng của Đài Loan trong quan hệ với “một Trung Quốc” đó. Bắc Kinh cho rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh cũng ra một yêu sách tương tự yêu sách của Đài Loan về Biển Đông, nơi mà phần còn lại của thế giới đã cho thấy rằng họ sẽ không chấp nhận tất cả các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Về mặt này, những yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan cũng nên được đối xử như vậy.

Bình thường hóa địa vị của Đài Loan như là một quốc gia trên thực tế (de facto), chứ không phải một quốc gia theo pháp lý (de jure), có thể làm mích lòng những người hiếu chiến ở Đài Loan, những người kêu gọi sự công nhận hòn đảo là một quốc gia có chủ quyền. Nhưng thay đổi cách ứng xử đi trước các thay đổi chính trị là điều tốt hơn, chứ không phải ngược lại. Chừng nào hiện trạng vẫn tiếp diễn, và Đài Loan tiếp tục tuyên bố chủ quyền dựa trên bản sắc tự xưng là Trung Hoa Dân Quốc, thì các quốc gia khác sẽ có lý trong việc cho phép Bắc Kinh áp đặt các điều kiện trong chính sách Đài Loan của họ. Còn nếu Đài Loan lựa chọn một bản sắc khiêm tốn hơn của riêng mình, thế giới cuối cùng có thể quay sang ủng hộ nó.

*
Salvatore Babones là Phó iáo sư ngành Xã hội học và chính sách xã hội tại trường Đại học Sydney.

Nguồn: Salvatore Babones, “Taipei’s Name Game”, Foreign Affairs, 11/12/2016.





No comments:

Post a Comment