Lê Văn Tích
Tháng Ba 1, 2017
Lịch sử nói riêng và khoa học xã hội nói chung
là những kiến thức căn bản để hình thành nhân cách và tư tưởng cho học sinh. Việc
tôn trọng sự thật lịch sử khách quan, trung thực là yêu cầu tối thiểu trước khi
nói đến các yêu cầu khác trong nhận thức lịch sử.
Để góp phần vào việc viết lại chương trình và sách giáo khoa (SGK) sắp tới của
Bộ Giáo dục, trong phạm vi công tác của mình, chúng tôi có vài kiến nghị cần
thay đổi khi viết lại phần Lịch sử Thế giới hiện đại như sau.
1. Ở bài 10: CÁC NƯỚC TÂY ÂU thuộc chương III: MĨ, NHẬT BẢN, TÂY ÂU TỪ NĂM
1945 ĐẾN NAY(SGK Lịch sử 9 – NXB Giáo dục -2005), ở nội dung về chính trị của
phần một lớn (Tình hình chung), SGK và cả Chuẩn Kiến thức Kỹ năng(CKTKN) đều có
chung nhận định như này(xin trích nguyên văn): “Về chính trị, chính phủ các
nước Tây Âu tìm cách thu hẹp các quyền tự do dân chủ, xóa bỏ các cải cách tiến
bộ đã thực hiện trước đây, ngăn cản phong trào công nhân và dân chủ,…”(SGK
Sử 9 – tr 41 và CKTKN tr 132)
– Dạy đến nội
dung này, chúng tôi cảm thấy có điều gì đó rất ngượng mồm khi nói với học sinh. Về mặt triết học và trong các chủ trương đường lối của Đảng, chúng ta đã
thừa nhận: “Dân chủ vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển”. Sự phát
triển của Dân chủ tỉ lệ thuận với sự tiến bộ của xã hội. Thực tiễn của lịch sử
thế giới cũng đã minh chứng rằng, xã hội nào càng Dân chủ Tự do thì xã hội đó
càng tiến bộ và phát triển. Vậy mà chương trình và SGK của Bộ GD lại viết về
chính sách đối nội của các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Italia, Đức… từ 1945 đến
nay lại như vậy. Nếu họ “…tìm cách thu hẹp các quyền tự do dân chủ,
xóa bỏ các cải cách tiến bộ đã thực hiện trước đây, ngăn cản phong trào công
nhân và dân chủ…” thì làm sao có thể có những nền văn minh hiện
đại đang làm cho nhiều người dân Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ và “thèm khát”
được sang Anh, Pháp, Đức… như ngày nay?
– Chúng tôi cho rằng, chính sách về chính trị của
các nước Tây Âu như SGK viết chỉ có chăng là một thời điểm cực ngắn (khi mâu
thuẫn Đông- Tây đang đỉnh điểm) mà không thể lấy nó để quy kết cho cả một giai
đoạn dài ngót cả thế kỷ (1945 – nay).
– Hiện nay, trong quan hệ với EU, Việt Nam đã ký “Hiệp
định Đối tác Chiến lược” với hầu hết các nước Tây Âu. Đảng và nhà nước ta đã
coi họ là những người bạn đáng tin cậy, làm ăn lâu dài và trong thực tế những
nước này đã có nhiều sự giúp đỡ to lớn với Việt Nam về ODA, FDI… nên việc SGK
phổ thông cần thay đổi quan điểm là nên làm. Không có kiểu đạo lý vừa đi vay đi
nhờ người ta lại vừa chê bai khinh bỉ người ta!
2.
Ở bài 8, Lịch sử 9, khi nói về
chính sách đối nội của Mĩ từ 1945 đến nay, SGK và CKTKN đều viết: “để phục vụ
mưu đồ bá chủ thế giới, những năm đầu tiên sau chiến tranh, Mĩ đã ban hành hàng
loạt đạo luật phản động như cấm Đảng Cộng sản Mĩ hoạt động, chống lại phong
trào đình công và loại bỏ những những người có tư tưởng tiến bộ ra khỏi bộ máy
Nhà nước. Tuy sau này do áp lực đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, một vài đạo
luật đã phải hủy bỏ, nhưng chính quyền của các đời tổng thống vẫn tiếp tục thực
hiện hàng loạt chính sách nhằm ngăn cản phong trào công nhân, thực hiện chính
sách phân biệt chủng tộc đối với người da đen và da màu…” (SGK
LS 9 tr35 – NXB GD- 2005).
– Nếu chính quyền Mĩ thi hành chính sách đối nội như
SGK viết thì liệu có một nước Mĩ văn minh và giàu mạnh bậc nhất thế giới như
ngày hôm nay? Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với quy luật của triết học: Không có
dân chủ thì làm sao có phát triển? Sách viết như vậy, buộc thầy cô phải dạy như
vậy nhưng liệu học sinh thời @ này có thể tiếp nhận như vậy?
– Nếu có như sách của mình viết thì cũng chỉ là một
giai đoạn cực ngắn sau chiến tranh thế giới thứ hai chứ không thể là những
chính sách đại diện cho nước Mĩ suốt cả thời kỳ hiện đại. Câu chuyện về người
dân Mĩ biểu tình chiếm phố Wall(Wall Street) ở New York, hay chiếm tòa nhà Quốc
hội Mĩ, câu chuyện của các quan chức cao cấp Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo Đảng Cộng
sản Mĩ trong các chuyến thăm cấp cao được phát ra rả trên truyền thông
nhà nước trong nhiều thời gian qua được VTV loan báo thì giải thích như thế nào
với học sinh? Rõ ràng có gì đó không trung thực và khách quan. Dạy lịch sử mà
không khách quan thì làm sao thuyết phục được người học?
– Ở chi tiết “… loại bỏ những người có tư tưởng
tiến bộ ra khỏi bộ máy Nhà nước…” cũng có gì đó không đúng? Vì bầu cử ở
Mĩ được dư luận đánh giá là dân chủ công khai nhất nhì thế giới. Hơn nữa, nếu
loại bỏ những người có tư tưởng tiến bộ ra khỏi bộ máy Nhà nước thì làm sao có
được nước Mĩ giàu mạnh nhất thế giới? Lãnh đạo có tiến bộ và tài giỏi thì mới
làm cho đất nước văn minh và giàu mạnh chứ!
– Chúng tôi cho rằng, lịch sử Việt – Mĩ từng là kẻ
thù là không thể phủ nhận, nhưng khi thời gian đã lùi xa, khi mối quan hệ này
đã thay đổi, Việt- Mĩ đã trở thành “Đối tác toàn diện”-2013, khi Mĩ trở thành
thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam, là nơi có du học sinh Việt Nam theo
học nhiều nhất trên thế giới… thì nên chăng các nhà viết sách sử cũng cần có
quan điểm linh hoạt và “mềm mại” hơn? Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi
ngược”.
– Quá khứ là những thứ đã qua, không thể thay đổi.
Trách nhiệm của thế hệ ngày nay là từ những bài học đau thương của quá khứ mà cần
thiết phải ứng xử linh hoạt khôn khéo hơn nhằm đưa đất nước tránh được những cuộc
“đụng độ” đáng tiếc, tiến nhanh đến chuẩn mực văn minh của nhân loại. Đó mới thực
sự là mục tiêu của mọi nhận thức và khoa học chân chính.
3. Ở bài 7: CÁC NƯỚC MĨ LA – TINH, trong phần khái chung, SGK Lịch sử 9 nhận
định về “Cu Ba như một ngọn cờ tiên phong đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh củng
cố độc lập và phát triển kinh tế xã hội”? Điều này là vô cùng đáng tiếc khi nhận
thức của nhiều giáo viên cho rằng “Cu Ba là lá cờ đầu của phong trào cách mạng
thế giới”!
– Thông tin về một Cu Ba anh hùng là có thật. Nhưng
tính tiên phong của Cu Ba chỉ được nên nhận thức ở những thập niên 60 – 70 của
thế kỷ XX ở khu vực Mĩ La-tinh chứ không thể là đại diện cho cả thế giới suốt từ
1945 đến nay được.
– Câu chuyện về đất nước Cu Ba thiếu lương thực, người
dân mới được tự do dân doanh từ năm 2010, về nghiên cứu dự án lắp đặt Internet
(2016) và nhiều câu chuyện nghèo đói lạc hậu khác phổ biến trên các truyền
thông nhà nước… Là những câu chuyện có thật. SGK không thể bắt người dạy và người
học nhận thức kiến thức một cách “quan liêu” như vậy được. Và nên chăng, tư tưởng
“cùng hội cùng thuyền, phe nọ phe kia” cũng nên cần thiết cắt bớt. Tránh tình
trạng “tô hồng”, khoa trương thái quá khi nhận thức lịch sử. Một đất nước nhiều
năm sống bằng viện trợ lương thực cứu đói của thế giới mà lại “đại diện, đi đầu”
thế giới thực sự là một chân lý trớ trêu.
Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ có thể
nêu lên 3 vấn đề nhưng rất mong ban soạn thảo SGK Lịch sử xem xét thay đổi. Làm
được điều đó cũng là góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào chuẩn mực của văn minh
nhân loại.
Trân trọng và biết ơn!
Lê
Văn Tích
Trường THCS Diễn Bích, Diễn Châu, Nghệ An
-------------------
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày 11-08-2011
Cuối tháng 7/2011 vừa qua, tại Việt Nam kết quả môn
lịch sử trong kỳ thi vào các trường Đại học đã gây chấn động dư luận. Tại rất
nhiều trường, hơn 90% học sinh có điểm sử dưới trung bình. Kết quả gây bàng
hoàng này cũng là dịp công luận đặt câu hỏi: những nguyên nhân nào đã dẫn đến
tình trạng học vấn kém cỏi đến mức độ này ?
Trong số các giải thích được đưa ra, một số ý kiến tập
trung nhấn mạnh vào tính chất « chính trị hóa » nặng nề mà môn
lịch sử phải gánh chịu (xem Phạm
Quốc Sử hay Nguyên
Ngọc). Nói một cách khác là, môn lịch sử trong nhà trường bị biến thành nơi
tuyên truyền cho một số giá trị được áp đặt từ trên xuống. Điều này được coi là
một nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho việc xây dựng chương trình, soạn sách
giáo khoa, giảng dạy và học tập môn lịch sử lâm vào tình trạng bê bối và bế tắc
như hiện nay. Mà, điểm đặc biệt nổi bật là : rất nhiều học sinh thờ ơ và mất
lòng tin vào một môn học, vốn hết sức quan trọng đối với việc nhận thức về xã hội
và đối với việc xây dựng một ý thức công dân trong xã hội.
No comments:
Post a Comment