Sunday, March 19, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ BẢY 18/3/2017 (Lê Minh Nguyên)




Lê Minh Nguyên
18-3-2017

Tin Thế Giới

1. Mỹ, Đức đồng ý củng cố NATO, thảo luận thương mại
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ Tướng Đức Angela Merkel thảo luận về vấn đề củng cố Liên minh Bắc Đại Tây Dương –NATO, thương mại toàn cầu và các vấn đề khác trong cuộc gặp gỡ ở Toà Bạch Ốc hôm thứ Sáu.
Tiếp theo sau các cuộc đàm đạo, hai nhà lãnh đạo chủ trì một cuộc họp bàn tròn với giới lãnh đạo doanh thương Đức và Mỹ, chỉ tập trung vào vấn đề huấn nghệ và phát triển lực lượng lao động, chứ không bàn đến những vấn đề gai góc hơn về thương mại thế giới.
Sau đó tại một cuộc họp báo, ông Trump, người từng tuyên bố rằng NATO là một tổ chức đã “lỗi thời”, tái khẳng định sự hậu thuẫn của ông đối với liên minh, nhưng không rút lại những lời chỉ trích đã đưa ra trước đây nhắm vào các đồng minh mà ông cho là không làm phần mình để chia sẻ gánh nặng quốc phòng.
Tổng thống Trump phát biểu:
“Tôi tái khẳng định sự ủng hộ của tôi đối với NATO với Thủ Tướng Merkel, cũng như sự cần thiết là các đồng minh NATO phải đóng góp một cách công bằng và chia sẻ chi phí quốc phòng. Rất nhiều quốc gia đang nợ những món tiền khổng lồ trong quá khứ, và điều đó thật là bất công đối với Hoa Kỳ. Các nước đó phải thanh toán món nợ còn thiếu.”
Bà Merkel hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Trump và khẳng định lại sự cam kết của Đức sẽ tăng đóng góp tài chính cho NATO.
Bà Merkel nói:
“NATO rất quan trọng đối với chúng tôi và đó là một lý do vì sao tại cuộc họp NATO ở Wales, chúng tôi đã hứa rằng Đức sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Chúng tôi đã đồng ý với chỉ tiêu 2% cho tới năm 2024. Chúng tôi đã tăng chi tiêu quốc phòng tới 8% trong năm ngoái và sẽ tiếp tục làm việc theo hướng đó.”
Ông Trump cũng tìm cách xoa dịu những quan ngại rằng ông đang đưa Hoa Kỳ hướng tới chủ nghĩa bảo hộ, ông nói ông sẽ thương thuyết những thoả thuận có lợi hơn với các đối tác thương mại của Mỹ.
Ông Trump nói:
“Tôi không tin vào một chính sách cô lập. Nhưng tôi tin rằng chính sách thương mại phải là một chính sách công bằng. Hoa Kỳ trong quá khứ đã bị nhiều nước đối xử một cách rất, rất bất công, và điều đó phải chấm dứt.”
Bà Merkel nói rằng cả hai nước cùng có lợi từ các thoả thuận thương mại, và Đức đã đồng ý về vấn đề “thương mại công bằng.”
Bà nói: “Chúng tôi cũng ủng hộ thương mại công bằng. Đây phải là một tình huống các bên đều thắng, tất cả mọi người đều có lợi. Chúng tôi có thể thảo luận về những chi tiết tại đây, và chưa gì hôm nay đã thấy tiềm năng của hai nền kinh tế của chúng ta, chỉ qua các cuộc trao đổi với các công ty và những người học nghề tại đây.”
Trả lời câu hỏi xin bà bình luận về kế hoạch của ông Trump xây một bức tường ở biên giới với Mexico, bà Merkel nói “các cuộc di dân bất hợp pháp” phải được “lèo lái” và phải chận đứng những kẻ đưa lậu người vào nước khác, nhưng “phải nghĩ tới khi nói đến người tị nạn”.
Giới quan sát các quan hệ xuyên Đại Tây Dương nói chung đồng ý rằng cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và bà Merkel, hai nhà lãnh đạo rất khác biệt nhau và đều là những nhà thương thuyết có kinh nghiệm, là một khởi đầu tích cực. – VOA

2. Tillerson bàn vấn đề Bắc Hàn với Vương Nghị — Trung Quốc chỉ trích dự luật Biển Đông của Mỹ
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đang có mặt ở Trung Quốc trong chặng thứ ba và cũng là chặng cuối của chuyến công du đầu tiên của ông tới Châu Á. Trọng tâm của chuyến đi là vấn đề Bắc Hàn và các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo gây nhiều tranh cãi của nước này.
Sau cuộc gặp gỡ với Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Bảy nói rằng những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức “khá là nguy hiểm.”
Ông nói:
“Ngoại trưởng Vương Nghị và tôi đã có một cuộc trao đổi sâu rộng về vấn đề Bắc Hàn, ông Vương đã tái khẳng định chính sách lâu dài của Trung Quốc về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Chúng tôi cũng trao đổi quan điểm với nhau và tôi tin rằng chúng tôi chia sẻ chung một quan điểm, và đồng tình rằng những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức rất cao tại thời điểm này, và tình hình đang leo thang tới mức khá nguy hiêm.”
Ông Tillerson nói tiếp:
“Chúng tôi sẽ làm việc với nhau để xem liệu có thể đưa Bình nhưỡng tới chỗ họ muốn chọn một con đường khác, thay đổi hướng đi hiện nay để lánh xa các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.”
Hôm thứ Sáu tại Seoul, Ngoại Trưởng Tillerson nói chính sách “kiên nhẫn chiến lược” với Bắc Hàn đã chấm dứt, và hành động quân sự chống Bình Nhưỡng là “một giải pháp.”
“Hãy để tôi nói cho thật rõ, chính sách kiên nhẫn chiến lược đã qua. Chúng tôi đang cân nhắc một loạt biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế. Không loại trừ một giải pháp nào.”
Trước đó trong tuần, Ngoại Trưởng Tillerson kêu gọi Trung Quốc hãy đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực để khích lệ Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông cũng khuyến khích Trung Quốc thực thi đầy đủ các các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc có mục đích tăng sức ép lên chính quyền Bắc Hàn.
Ông Tillerson theo chương trình sẽ gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày mai, Chủ nhật 19/3. Ngoài vấn đề Bắc Hàn, các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo có phần chắc sẽ tập trung vào vấn đề thương mại và các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. – VOA

***
Bắc Kinh hôm 17/3 lên án việc một số thượng nghị sĩ Mỹ trình một dự luật đòi áp đặt trừng phạt đối với các công ty của Trung Quốc tham gia vào “các hoạt động bất hợp pháp” ở Biển Đông.
“Dự luật do một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đề xuất cho thấy sự ngạo mạn và thiếu hiểu biết của họ”, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói.
Ngoài Biển Đông, dự luật cũng nhắc tới Biển Hoa Đông mà Nhật Bản, đồng minh của Mỹ, hiện có tranh chấp với Trung Quốc.
Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn dẫn lời bà Hoa nói thêm rằng “quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Điếu Ngư (quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật ở Biển Hoa Đông và Nam Trung Hoa (Biển Đông) nhất quán và rõ ràng. Dự luật của các thượng nghị sĩ Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc cơ bản về quan hệ quốc tế. Phía Trung Quốc mạnh mẽ phản đối dự luật này”.
Dự luật do các thượng nghị sĩ Mỹ công bố kêu gọi “áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm nhập cảnh đối với các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng và phát triển” trên Biển Đông, cũng như những người đe doạ đến hòa bình, an ninh hoặc sự ổn định trên Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông”.
Trong thông cáo báo chí về dự luật công bố hôm 16/3, thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa Marco Rubio, người từng chạy đua bất thành vào chức tổng thống Mỹ, nói rằng “hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa an ninh và thương mại khu vực”.
Thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương của Thượng viện nói tiếp rằng “những vụ vi phạm trắng trợn các tiêu chuẩn quốc tế đang diễn ra và không thể được bỏ qua, và các biện pháp trừng phạt được ghi trong luật này là một cảnh báo đối với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ thật sự nghiêm túc và có ý định buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”.
Còn thượng nghị sĩ Ben Cardin, thành viên của Ủy ban Đối ngoại thượng viện, một trong các “tác giả” dự luật, nói rằng “trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy một Trung Quốc ngày càng gây hấn hơn trên biển, trấn áp và đe dọa các nước láng giềng ở cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, đồng thời sử dụng mối đe dọa về sức mạnh quân sự để giải quyết các vụ tranh chấp lãnh thổ và khu vực”.
Ông Cardin nói rằng việc Trung Quốc “rầm rộ” xây đảo nhân tạo trên Biển Đông “đe dọa sự ổn định trong khu vực”.
Tới tối ngày 18/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về dự thảo luật về Biển Đông của hai thượng nghị sĩ Mỹ.
Dự luật trên được công bố ít lâu trước khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đặt chân tới Bắc Kinh trong chuyến công du khu vực Đông Á lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
Biển Đông được coi là một trong các vấn đề nằm cao trong nghị trình chuyến thăm tới quốc gia đông dân nhất thế giới của ông Tillerson. – VOA

3. G20 bất đồng với Mỹ về thương mại và khí hậu
Bộ trưởng Tài Chính các nước G20 họp tại Baden-Baden (Đức) sáng nay 18/03/2017 tiếp tục đấu tranh nhằm ngăn trở Hoa Kỳ quay lui trước chính sách tự do mậu dịch toàn cầu và chống biến đổi khí hậu.
Hai chủ đề nhạy cảm được đề cập đến vì tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mà G20 vẫn phản đối, và liên tục đưa ra những phát biểu hoài nghi về hồ sơ môi trường. Vấn đề tôn trọng các quy định trong thương mại quốc tế là bất đồng căn bản giữa Hoa Kỳ và các nước chủ trương đa phương, bên cạnh đó, chính quyền mới của Mỹ cũng không muốn nhắc đến hiệp định khí hậu COP 21, Paris 2015.
Về các chủ đề khác như chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, chống trốn thuế, các bộ trưởng Tài Chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tỏ ra đồng thuận.
Một nguồn tin châu Âu cho AFP biết phái đoàn Mỹ « có thiện chí thương lượng », không thẳng thừng quay lưng với G20. Các cuộc tranh luận không mang tính đấu đá nhưng nhuộm màu chính trị. Nếu không thỏa thuận được với nhau, có thể các bộ trưởng Tài Chính sẽ nhường lại các chủ đề gai góc cho các vị nguyên thủ, sẽ họp thượng đỉnh vào tháng Bảy tới tại Hambourg (Đức).
Bộ trưởng Tài Chính Pháp Michel Sapin khằng định : « Sẽ không có nhượng bộ trên các chủ đề căn bản », còn Đức, chủ tịch luân phiên G20 trong năm nay muốn tránh mọi xung khắc công khai. Bộ trưởng Tài Chính Đức Wolfgang Schäuble cho biết ông tin vào khả năng đạt được « kết quả tốt ».
Tuy nhiên hố ngăn cách giữa Mỹ và châu Âu vẫn thấy rõ, qua cuộc gặp gỡ giữa ông Donald Trump và thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua, cũng như dự thảo ngân sách của chính phủ Trump hôm thứ Năm 16/3 cắt giảm thẳng tay ngân quỹ dành cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. – RFI

4. Tàu Pháp dẫn đầu cuộc tập trận tại Thái Bình Dương nhắm vào TQ
Trong một cuộc biểu dương lực lượng quân sự nhằm vào Trung Quốc, Pháp sẽ điều động một trong những tàu sân bay đổ bộ hùng mạnh Mistral để lãnh đạo những cuộc tập trận trên và quanh đảo Tinian tại tây Thái Bình Dương, với các binh sĩ Nhật Bản, Hoa Kỳ, và hai máy bay trực thăng chở binh sĩ của Anh.
Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết “Hơn là một cuộc tập trận hải quân, cuộc tập trận đổ bộ này sẽ gởi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc.”
Cuộc tập trận sẽ diễn ra trong tuần lễ thứ 2 và thứ 3 của tháng 5, nguồn tin này cho biết.
Gia tăng sức mạnh quân sự và tàu sân bay, Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng vượt quá vùng biển duyên hải của mình vào trong Thái Bình Dương. Động thái này không chỉ làm Nhật Bản và Hoa Kỳ lo ngại, mà còn khiến Pháp quan tâm vì Pháp kiểm soát một vài vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương trong đó có New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp.
Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai. Chiếc Sơn Đông, khi hoàn tất, sẽ gia nhập tàu Liêu Ninh mua của Ukraine vào năm 1998. Tàu Liêu Ninh dẫn đầu một nhóm tàu chiến khác của Trung Quốc đi qua vùng biển phía nam Nhật Bản hồi tháng 12.
Do Hoa Kỳ quản lý, Tinian là một phần của quần đảo Bắc Mariana, bao gồm đảo Guam, nằm cách Tokyo khoảng 2.500 kilômét về phía nam.
Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, có lực lượng hải quân mạnh hàng thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc và đang thiết lập các quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Pháp và Anh.
Vào tháng 10 năm ngoái, London điều động 4 máy bay phản lực chiến đấu Typhoon đến Nhật Bản để huấn luyện với Lực lượng Không quân Tự vệ Nhật Bản. Trên đường trở về, máy bay của Anh bay qua Biển Đông để khẳng định quyền bay trên khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu hết.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày Chủ Nhật sẽ đến châu Âu để thảo luận với các nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu, trong đó có cuộc họp với Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Các giới chức tại tòa đại sứ Pháp và Anh ở Tokyo chưa sẵn sàng bình luận. Một phát ngôn viên của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cũng không bình luận vào lúc này. – VOA

5. Lập pháp Nga đòi điều tra phát thanh quốc tế, kể cả VOA
Hạ viện Nga đã ra lệnh tiến hành điều tra xem liệu chương trình tiếng Nga của Đài Âu Châu Tự Do, Đài VOA, và đài CNN có tuân thủ luật pháp Nga hay không.
Động thái này được Viện Duma đưa ra hôm 17/3, chỉ vài ngày sau khi Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen thuộc Đảng Dân chủ, đại diện bang New Hampshire tiến cử một dự luật trao quyền cho Bộ Tư pháp Mỹ điều tra các vụ vi phạm pháp luật đối với Luật đăng ký các cơ quan đại lý nước ngoài của kênh truyền hình RT của nhà nước Nga.
Người đưa ra đề xuất này là Konstantin Zatulin, thành viên của đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin. Đảng này chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện Nga.
Được các nhà lập pháp phê chuẩn hôm 17/3, dự thảo luật ra lệnh cho uỷ ban chính sách thông tin của Viện Duma điều tra xem các đài VOA, CNN và chương trình tiếng Nga của đài Âu Châu Tự do có tuân thủ đúng luật pháp Nga hay không.
Dân biểu Zatulin liên kết cuộc điều tra này với dự luật của Thượng nghị sĩ Mỹ Shaheen, dự luật này viện dẫn tình báo Mỹ nói rằng RT được dùng như một phần trong một chiến dịch tin tặc do Nga chỉ đạo, tìm cách gây ảnh hưởng trong công chúng để giúp ông Donald Trump đánh bại đối thủ chính trị bên Đảng Dân chủ, là bà Hillary Clinton, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái.
Cả kênh truyền hình RT và điện Kremlin đều bác bỏ cáo buộc đó. RT được chính quyền Nga tài trợ, nhưng họ lập luận rằng cơ quan này có quan điểm độc lập đối với điện Kremlin. – VOA

6. Pháp: 11 ứng viên chính thức tranh cử tổng thống
Ngày 18/03/2017, chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến của Pháp, ông Laurent Fabius, đã công bố danh sách 11 ứng cử viên chính thức sẽ tham gia vòng một bầu cử tổng thống vào ngày 23/04 tới.
Chiều hôm qua (17/03), 18 giờ là hạn chót để những người muốn ứng cử tổng thống nộp bảng thu thập chữ ký bảo trợ và nộp đơn tranh cử chính thức. Tổng cộng đã có 11 người thu thập hợp lệ đủ 500 chữ ký cần thiết của các vị dân cử để được quyền ra tranh cử.
Thu được nhiều chữ ký nhất là ứng cử viên cánh hữu François Fillon ( 2.653 ), cho thấy là là ông có sự ủng hộ vững chắc trong đảng Những người Cộng Hòa, dù đang gặp rắc rối với pháp luật do nghi án tạo việc làm giả cho vợ con. Tiếp đến là ứng cử viên Xã Hội Benoît Hamon ( 1.717 ) và ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron ( 1.548 ).
Các ứng cử viên khác đã thu đủ chữ ký bao gồm Nicolas Dupont-Aignan, cánh hữu dân tộc chủ nghĩa, Jean-Luc Mélenchon, cánh cực tả, Nathalie Arthaud, thuộc đảng cực tả Đấu tranh công nhân, Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia. Nhân vật bất ngờ lọt vào danh sách 8 người đầu tiên là ông François Asselineau, cánh hữu theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, chống hợp nhất châu Âu. Ba ứng cử viên kia là Philippipe Poutou ( Tân đảng chống tư bản chủ nghĩa NPA, cực tả ), Jean Lassalle ( cánh trung, độc lập ), Jacques Cheminade ( độc lập ). – RFI

7. Pháp: Một người bị bắn chết sau khi toan cướp súng ở sân bay Orly
áng nay, 18/03/2017, tại sân bay Orly, Paris, một người đàn ông đã bị bắn chết sau khi toan cướp súng của một nữ quân nhân đang tuần tra, theo lời một phát ngôn viên bộ Nội vụ Pháp.
Vào khoảng 8 giờ 30 sáng nay, tại nhà ga Sud ( Nam ) của sân bay Orly, một người đàn ông đã toan cướp súng của một nữ quân nhân đang tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch Sentinelle, rồi chạy vào trốn trong một cửa hàng của sân bay, trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Không có hành khách nào bị thương trong vụ này.
Giao thông hàng không rối loạn
Ngay sau vụ nổ súng, giao thông hàng không từ sân bay Orly đã tạm ngưng hoàn toàn, hai nhà ga Sud và Ouest bị đóng cửa, nhiều máy bay phải đáp xuống các sân bay khác, nhất là xuống sân bay Roissy. Những hành khách đã lên máy bay chờ cất cánh thì được lệnh ở yên trong máy bay trong thời gian nhà ga đóng cửa. Nhưng các chuyến bay tại Orly đã dần dần được mở lại vào chiều nay.
Theo cảnh sát, trước khi bị bắn chết ở sân bay Orly, người đàn ông nói trên vào sáng sớm đã nổ súng vào cảnh sát đang kiểm tra xe lưu thông trên đường tại Gares-lès-Gonesse, vùng Val d’Oise, ngoại ô bắc Paris, khiến một cảnh sát bị thương nhẹ, rồi bỏ trốn. Sau đó, ông ta đã cướp một xe hơi tại Vitry-sur-Seine, ngoại ô phía nam Paris, dùng xe này chạy đến sân bay Orly, nằm cách đó không xa.
Kẻ bị bắn hạ là ai?
Theo nguồn tin từ các nhà điều tra, kẻ bị bắn chết là một người Pháp 39 tuổi, mà tên tuổi đã được cảnh sát biết đến vì có nhiều tiền án tiền sự về cướp giật và buôn ma tuý, cũng như nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan tình báo Pháp. Được xem là một nhân vật bị cực đoan hóa, người này đã từng bị lục soát nhà vào năm 2015, nhưng lúc ấy cảnh sát không tìm thấy gì. Viện công tố chống khủng bố đã được giao điều tra vụ này. Trước mắt, người bố và người anh của kẻ bị bắn chết ở Orly đã tự ra trình diện cảnh sát và đang bị tạm giữ để điều tra. Cảnh sát Pháp cũng đã lục soát nhà của người này ở Garges-lès-Gonesse.
Tổng thống Pháp François Hollande đã ngay lập tức ra thông cáo khen ngợi “lòng dũng cảm và hiệu quả” của những cảnh sát và quân nhân đã can thiệp để chặn đứng cuộc tấn công của một kẻ “cực kỳ nguy hiểm”.
Vụ tấn công ở sân bay Orly, sân bay lớn hàng thứ hai của Pháp, chỉ sau Roissy Charles de Gaulle, xảy chỉ một tháng rưỡi sau vụ tấn công bằng rựa vào các quân nhân đang đi tuần trước viện bảo tàng Louvre, ngay trung tâm Paris, mà thủ phạm là một người Ai Cập 29 tuổi.
Từ sau các vụ tấn công khủng bố tháng 11/2015 ở Paris và vùng Paris, khiến tổng cộng 130 người chết, nước Pháp vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp, đã được triển hạn nhiều lần và trên nguyên tắc sẽ hết hạn ngày 15/07 tới. – RFI

8. Khoa học sắp tạo ra ‘em bé hoàn hảo’
Khoa học giờ đây đang tiến thêm một bước tới khả năng tạo ra một em bé sơ sinh hoàn hảo, hoặc chí ít là một em bé không bị những khiếm khuyết di truyền nhất định.
Các nhà khoa học Trung Quốc dùng một kỹ thuật chỉnh sửa gen di truyền gọi là CRISPR để loại các bệnh di truyền gây chứng rối loạn máu và các bệnh khác ra khỏi phôi thai, theo tờ New Scientist. Các chuyên gia đã xem qua dự án này cho tờ báo biết rằng đây triển vọng đầy hứa hẹn.
Ông Robin Lovell-Badge, chuyên gia về gen người tại Viện Francis Crick ở London, nhận xét với tờ New Scientist: “Thật hết sức khích lệ.”
Kỹ thuật này là phương pháp vô hiệu hoá gen bằng cách đưa ra những đột biến nhỏ phá vỡ mã di truyền của một chuỗi DNA. Trước cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc, các cuộc nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật CRISPR tập trung vào việc sử dụng kỹ thuật này trong các phôi bất thường không thể phát triển hoàn toàn. Vì lý do đạo đức sinh học, trước đây kỹ thuật này không được sử dụng cho phôi lành tính hoặc phôi bình thường.
Thử nghiệm chỉ ‘sửa chữa’ thành công dưới 10% các đột biến gen, tuy còn quá thấp nhưng đủ để khích lệ.
Theo tờ báo, nhóm nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu thoạt đầu thử nghiệm với phôi bất thường, nhưng không mấy thành công. Sau đó, họ tìm cách ‘sửa chữa’ các đột biến trong các phôi bình thường từ trứng chưa trưởng thành của những người mẹ muốn thụ tinh trong ống nghiệm, thì đạt được bước đột phá.
Nhóm nghiên cứu thụ tinh mỗi trứng bằng cách tiêm tinh trùng từ một trong hai người đàn ông mắc bệnh di truyền, sau đó sử dụng kỹ thuật CRISPR trên phôi bào đơn trước khi chúng bắt đầu phân chia.
Nghiên cứu này có thể dẫn tới việc thử nghiệm rộng rãi hơn bằng cách sử dụng CRISPR để chỉnh sửa bộ gen của phôi người bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo công nghệ này chưa tới mức được sử dụng an toàn để chỉnh sửa phôi. – VOA


Tin Hoa Kỳ

9. Chính quyền Trump kháng cáo vụ sắc lệnh nhập cư bị ngăn chận
Chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 17/03/2017 đã kháng cáo việc các thẩm phán liên bang ngăn chận sắc lệnh nhập cư mới nhằm tạm cấm công dân của sáu nước Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Đơn kháng cáo của chính quyền sẽ được các tòa án liên bang xem xét, trước khi lên đến Tòa Án Tối Cao – như ông Donald Trump đã dọa sẽ viện đến nếu cần thiết.
Hôm thứ Năm 16/3, thẩm phán Théodore Chuang ở tiểu bang Maryland đã ngăn chận một phần sắc lệnh thứ hai của tổng thống Trump, về việc cấp visa cho công dân sáu nước Hồi giáo, nhưng duy trì việc tạm cấm người tị nạn vào Mỹ trong bốn tháng.
Một thẩm phán khác của Hawai là Derrick Watson thì ngăn chận toàn bộ sắc lệnh. Tại tiểu bang Washington, thẩm phán James Robart cũng ra phán quyết tương tự.
Các tiểu bang do đảng Dân Chủ nắm và các nhà tranh đấu cho rằng sắc lệnh nhập cư của tổng thống Donald Trump mang tính phân biệt đối xử, vi phạm tự do tín ngưỡng ; còn ông Trump khẳng định đã hành động vì an ninh quốc gia.
Hiện nay Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ gồm bốn thẩm phán cấp tiến và bốn bảo thủ, còn thẩm phán thứ chín do ông Trump bổ nhiệm là Neil Gorsuch thì vẫn chưa được phê chuẩn. Giới phân tích cho rằng nếu bộ Tư Pháp Mỹ muốn kháng cáo lên Tòa Án Tối Cao, thì sẽ phải chờ đợi đến khi ông Gorsuch được chính thức trở thành thẩm phán. – RFI

10. Thêm người tìm cách vượt rào Nhà Trắng
Một người đã nhảy qua một nơi dựng xe đạp ở khu vực cấm trước Nhà Trắng hôm 18/3, nhưng chưa vượt qua được hàng rào để vào khuôn viên nơi ở của tổng thống Mỹ thì đã bị bắt.
Thông tin này được người phát ngôn của Nhà Trắng, ông Sean Spicer thông báo trên Twitter.
Theo CNN, hai nhân viên mật vụ đã quật ngã nhân vật trên ở khu vực vùng đệm giữa Nhà Trắng và đường đi bộ.
Reuters cho biết rằng cơ quan mật vụ Mỹ chưa hồi đáp tức thời đề nghị phỏng vấn của hãng này về sự việc xảy ra hôm 18/3.
Lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ tổng thống và gia đình ông cũng như quan chức Mỹ cấp cao khác trước đó bị chỉ trích sau khi xuất hiện tin cho biết rằng công dân Mỹ gốc Việt, Jonathan Tuấn Anh Trần đã ở trong khuôn viên Nhà Trắng 16 phút trước khi bị bắt.
Trong một diễn biến khác, cơ quan mật vụ Mỹ hôm 17/3 cho biết rằng một chiếc laptop đã bị đánh cắp khỏi một chiếc xe của cơ quan này ở thành phố New York, nhưng thiết bị này được bảo mật nhiều lớp và không chứa thông tin mật.
Jonathan Tuấn Anh Trần được tại ngoại hôm 13/3, nhưng bị buộc phải đeo thiết bị định vị và không được đi xa khỏi nhà ở tiểu bang California, bờ tây nước Mỹ, cho tới ngày ra tòa tiếp theo vào tháng tới ở Washington DC, miền đông Hoa Kỳ.
Tin cho hay, tòa án liên bang ở thủ đô yêu cầu Jonathan Tuấn Anh Trần không được đi xa quá 160 km tính từ nhà của anh này, trừ khi đi ra tòa nằm ở thủ đô.
Anh ta cũng được yêu cầu phải tránh xa Nhà Trắng, cũng như phải trải qua một cuộc đánh giá về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, Tuấn Anh cũng không được phép sở hữu súng hoặc các loại vũ khí nguy hiểm khác.
Nếu bị kết án với tội danh mang vũ khí nguy hiểm xâm nhập vào khu vực cấm, Tuấn Anh có thể đối mặt với 10 năm tù giam. Chính quyền cho biết rằng anh ta mang theo hai bình xịt hơi cay nhãn hiệu Mace.
Về khả năng bị kết án nhiều năm tù, luật sư Từ Huy Hoàng từ California, người từng bào chữa có nhiều nghi can gốc Việt, nói với VOA Việt Ngữ: “Cái này chắc họ buộc tội felony (đại hình hay trọng tội). Tuy nhiên, theo những kinh nghiệm tôi đã đại diện trong vấn đề hình sự giống như cái case (vụ) Minh Béo [ấu dâm] thì họ đòi tới 6 năm. Tuy nhiên, với sự điều đình, còn lại có 18 tháng à”.
Luật sư này nói thêm: “Cái này cũng như họ nói, nếu buộc tội trước bồi thẩm đoàn, thì họ phải đi theo cái tội 10 năm. Tuy nhiên, nếu người đó nhận tội và điều đình thì không có thời gian 10 năm đâu. Có nhiều khi bị tù treo hoặc tù ở nhà thôi”. – VOA


Tin Việt Nam

11.‘Gây áp lực’ ngưng quảng cáo trên YouTube, Facebook
Việt Nam hôm 16/3 hối thúc các doanh nghiệp trong nước ngưng quảng cáo trên Youtube và Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác cho tới khi các thông tin “xấu, độc” chống chính quyền Hà Nội bị ngăn chặn.
Trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa tin, trong cuộc họp với Bộ trưởng của Bộ này, ông Trương Minh Tuấn, một số nhãn hàng lớn của Việt Nam như Vinamilk hay Vinhomes hay các công ty quốc tế có chi nhánh ở Việt Nam như Ford đã “cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam về kinh doanh và quảng cáo đồng thời khẳng định tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube”.
Infonet còn dẫn lời ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết đã phát hiện “nhiều quảng cáo của sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam phát trên kênh YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google”.
Theo Reuters, Việt Nam tháng trước đã “bắt đầu gây áp lực cho các công ty quảng cáo trong nước yêu cầu công ty Google, vốn sở hữu Youtube, phải gỡ các video của các nhà bất đồng chính kiến hoạt động ở hải ngoại đăng trên trang này”.
Tuy nhiên, trang Soha dẫn lời ông Tuấn nói rằng vẫn còn “khoảng 8.000 video có nội dung xấu, xuyên tạc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên Youtube và 42 video clip được gỡ là quá nhỏ”.
Theo quan chức quản lý truyền thông trong nước này, “Google, YouTube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất các video clip trên YouTube, trong đó có cả những clip xấu, độc, do đó vô tình gián tiếp, khuyến khích các video clip xấu độc được đăng tải nhiều hơn trên YouTube”.
Ông Tuấn được báo chí trong nước kêu gọi “cộng đồng sử dụng Internet tại Việt Nam cùng lên tiếng với Google, Facebook ngăn chặn các nội dung xấu độc, tin giả mạo, thất thiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức cá nhân, vi phạm pháp luật Việt Nam trên môi trường mạng”.
Trong một thông cáo gửi cho báo chí hôm 14/3, Youtube cho biết rằng “chúng tôi có các chính sách rõ ràng về các yêu cầu gỡ bỏ từ các chính phủ khắp thế giới”.
“Chúng tôi dựa vào các chính phủ thông báo cho chúng tôi các nội dung mà họ tin là trái phép thông qua các kênh chính thống, và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc hạn chế sau khi xem xét kỹ lưỡng”, thông cáo viết tiếp.
Việt Nam thời gian qua bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích việc “kiểm soát Internet”, nhưng Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc này. – VOA

12. Con trai cố ký giả Đạm Phong: ‘Bố tôi làm cho CIA’
Con trai của cố ký giả Đạm Phong, người bị sát hại ở Houston, Texas, Hoa Kỳ 35 năm trước nói với BBC cha ông từng làm việc cho CIA, Cục Tình báo Trung ương Mỹ, trong thời của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Trong cuộc phỏng vấn ngay sau cuộc họp báo với cộng đồng báo chí tiếng Việt tại Nam California hôm 17/3, mà ông Nguyễn Thanh Tú thực hiện nhằm công bố ‘một số thông tin mới’ mà ông thu thập được liên quan tới cái chết của ký giả Đạm Phong, cố chủ biên báo Tự Do, ông nói với BBC:
“Bố tôi ngày xưa, thời Việt Nam Cộng Hòa, làm cho tình báo CIA, rồi qua bên đây (Hoa Kỳ)… nhưng tình bạn với những người CIA Mỹ ở bên đây, vẫn tiếp tục giữ tình bạn đó.”
Trước câu hỏi nếu đúng cố ký giả Đạm Phong là cựu nhân viên của cơ quan trên, thì ông có được bảo vệ hay không và như thế nào ở Mỹ, ông Nguyễn Thanh Tú giải thích thêm:
“Bố tôi làm việc cho CIA lúc thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng khi qua bên Mỹ không còn làm cho CIA nữa, nhưng vẫn giữ tình bạn của những người đồng nghiệp ngày xưa ở Mỹ.
“Còn chuyện tại sao không bảo vệ, chuyện đó không có, bởi vì lúc đó CIA biết những người giết bố tôi và đưa những cái tên đó cho FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ).
“Cái người mà không bảo vệ không phải là CIA mà là FBI thì đúng hơn,” ông Tú đưa ra quan điểm riêng của ông.
Lý do họp báo
Chia sẻ với BBC lý do vì sao có cuộc họp báo của ông Nguyễn Thanh Tú ở Nam California vào thời điểm sau một thời gian khá dài bộ phim ‘Nỗi kinh hoàng ở Little Sài Gòn’ (The terror in the Little Saigon) được công bố có liên quan tới cố ký giả Đam Phong, nhà báo Trần Nhật Phong, người hiện diện tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu nói với BBC:
“Ngày 17/3, anh Tú có mặt tại California để mở ra một cuộc họp báo để tường trình với mọi người thứ nhất về mục tiêu của anh đi là tìm hiểu cái chết của cha anh, ai là người giết.
“Thứ hai, là thực hiện chí nguyện của cha anh là tiếp tục làm sao cho cộng đồng được khỏe mạnh, được trong sạch hơn và làm rõ hơn những chuyện ở trong quá khứ… và do đó anh đã có cuộc họp báo.
“Và điều thứ ba là anh cho biết tiến trình anh đi tìm công lý cho cha anh đã đến mức độ nào, đó là ý nghĩa của cuộc họp báo.”
Về phản ứng tại chỗ của giới truyền thông người Việt ở cuộc họp báo, nhà báo Trần Nhật Phong nói thêm:
“Theo ghi nhận của cá nhân tôi, tôi thấy là họ đến họ nghe nhiều hơn, họ nghe những thông tin mới từ phía anh Tú nhiều hơn.
“Đương nhiên cũng có một số nhà báo đặt câu hỏi liên quan đến tổ chức mà anh Tú trình bày…
“Và họ cũng đòi hỏi anh Tú cung cấp thêm những thông tin mà anh Tú cho rằng còn một số cơ quan truyền thông khác Việt ngữ ‘cũng có liên hệ’ tới tổ chức này’ và có người của tổ chức này hoặc cảm tình viên của tổ chức này, thì họ cũng đặt ra một số câu hỏi.
“Ở đây, tôi không muốn nói ra những tổ chức nào, trên diễn đàn của BBC do vấn đề pháp lý mà chúng ta cũng phải tôi trọng…,” nhà báo Trần Nhật Phong chia sẻ với BBC từ quan điểm riêng của ông.
Được biết, nhà báo Đạm Phong, tên thật là Nguyễn Đạm Phong từng là chủ biên của tờ báo Tự Do, một tờ báo địa phương trong cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ gần bốn thập niên về trước. Ông bị sát hại năm 1982 tại nhà riêng ở Houston, Texas.
Vụ việc của ông đã được chính quyền Mỹ điều tra, tuy nhiên hồ sơ đã được khép lại mà theo phản ánh của truyền thông Mỹ là do ‘chưa đủ chứng cớ’ đối với các cơ quan, tổ chức nghi can.
Sự việc đã được làm nóng trở lại sau khi chương trình phóng sự điều tra Front Line và hãng truyền thông ProPublica công bố bộ phim ‘Nỗi kinh hoàng ở Little Sài Gòn’ sau hàng chục năm sự việc ‘lắng xuống’. – BBC

13. Mafia đang kiểm soát tài nguyên Việt Nam?
Sau khi thủ tướng Việt Nam yêu cầu, bộ trưởng Bộ Công An loan báo đã chỉ đạo Tổng Cục Cảnh Sát điều tra vụ hàng chục viên chức tỉnh Bắc Ninh bị hăm dọa vì cản trở khai thác cát.
Chủ tịch tỉnh cũng chẳng là gì!
Cách nay vài ngày, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh công bố với báo chí văn bản đề nghị thủ tướng chỉ đạo Bộ Công An điều tra xem những ai trong hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đang đứng phía sau “Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.”
Tuần trước, sau khi chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đề nghị tạm ngưng thực hiện dự án, vì việc tận thu cát khiến hữu ngạn sông Cầu bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục chuyên viên, lãnh đạo Sở Tài Nguyên – Môi Trường, kể cả chủ tịch tỉnh, bị hăm dọa.
Trong văn bản vừa kể, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lập lại đề nghị: Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải thẩm định lại toàn bộ “Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu,” xác định thiệt – hơn, lợi – hại.
Tháng Mười Một, 2015, theo đề nghị của chính quyền tỉnh Bắc Ninh, chính phủ Việt Nam đã từng nêu yêu cầu đó nhưng Bộ Giao thông – Vận tải không thực hiện.
Câu chuyện vừa kể chỉ là một giọt thêm vào ly nước “khai khoáng” của Việt Nam. Chưa rõ giọt nước đó đủ làm tràn ly hay chưa?
Singapore vẫy, Việt Nam tan hoang
Trong thập niên vừa qua, bất kể các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam liên tục nhắc nhở rằng, cát không chỉ là khoáng sản hay vật liệu xây dựng mà còn là nền móng lãnh thổ, chính quyền vẫn làm ngơ, để mặc giới hữu trách từ trung ương đến địa phương thi nhau cấp giấy phép hoặc “thỏa thuận miệng” cho một số doanh nghiệp thi nhau khai thác cát.
Ngoài việc móc cát từ lòng sông, suối, giới hữu trách tiến thêm một bước, cho phép móc cát ở khu vực ven biển để xuất cảng dưới chiêu bài “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn.”
Hậu quả đến ngay lập tức, sạt lở ở sông, suối, bờ biển xảy ra khắp nơi, không thể ngăn chặn. Trong vài năm gần đây, mỗi năm, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã mất năm cây số vuông mặt đất do sạt lở tại sông rạch và bờ biển. Với tốc độ sạt lở như hiên nay, sau vài thập niên nữa, Cà Mau sẽ biến mất.
Khai thác cát không chỉ khiến lãnh thổ bị thu hẹp mà còn hủy hoại tài sản và hủy diệt sinh kế của dân chúng ở những khu vực bị giới hữu trách gật đầu cho một số doanh nghiệp móc cát. Đó cũng là lý do dẫn tới hàng trăm cuộc biểu tình, một số biến thành bạo động suốt từ ngoài Bắc vào tới trong Nam.
Hồi đầu tháng này, tờ Tuổi Trẻ công bố loạt bài điều tra về “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” để xuất cảng sang Singapore.
Từ năm 1960, Singapore liên tục mua cát ở khắp nơi trên thế giới để mở rộng lãnh thổ. Đến nay, diện tích lãnh thổ của Singapore đã tăng thêm 24%. Phần lớn cát giúp Singapore mở rộng lãnh thổ là mua từ Việt Nam.
Theo các số liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, từ 2007 đến 2016, Việt Nam xuất cảng 67 triệu mét khối cát.
Trong giai đoạn từ 2007 đến 2009, cát xuất cảng chủ yếu được móc từ lòng các con sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng khoảng 24 triệu mét khối.
Do bị các chuyên gia và dân chúng phản ứng kịch liệt, cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam cấm xuất cảng cát. Đến năm 2013, Bộ Xây Dựng tìm ra một con đường mới để tiếp tục móc cát mang đi bán: Giao cho một số doanh nghiệp tự bỏ tiền “khai thông, nạo vét luồng lạch” rồi được “tận thu, xuất cảng” cái gọi là “cát nhiễm mặn” để trang trải chi phí. Bộ Xây Dựng gọi con đường mới này là “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải!”
Dẫn đầu “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải” là Bộ Quốc Phòng với những dự án nạo vét luồng lạch tại các quân cảng. Kế đó là chính quyền 11 tỉnh ven biển: Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Các chủ đầu tư bao gồm Bộ Quốc Phòng và chính quyền 11 tỉnh đã trình 40 dự án, nhằm móc khoảng 250 triệu khối cát từ lòng biển để xuất cảng.
Từ năm 2013 đến cuối năm 2016, Việt Nam tiếp tục xuất cảng 43 triệu khối cát nhiễm mặn sang Singapore.
Sau khi thủ tướng “yêu cầu chấn chỉnh” việc xuất cảng cát nhiễm mặn, trách nhiệm của Bộ Giao Thông – Vận Tải, Bộ Xây Dựng, Bộ Quốc Phòng, chính quyền các tỉnh trong việc moi nền của lãnh thổ mang đi bán coi như đã xong!
Hỗn loạn vì bị cả trên lẫn dưới, trong lẫn ngoài thao túng
Ngoài cát, hệ thống công quyền Việt Nam còn cho phép khai thác đủ thứ khoáng sản, như titan chẳng hạn. Trong vòng năm năm gần đây, riêng tại Bình Thuận có năm vụ hồ chứa nước tuyển quặng titan bị vỡ. Ngoài những thiệt hại như đã kể, khai thác titan tại các tỉnh phía Nam miền Trung Việt Nam (Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định) đang kéo theo vô số hậu quả khôn lường. – nguoiviet







No comments:

Post a Comment