Monday, March 20, 2017

MỸ : GIẢM NGÂN SÁCH NGOẠI GIAO LÀM GIẢM ẢNH HƯỞNG CỦA MỸ TRÊN THẾ GIỚI (Thụy My - RFI)




Thụy My – RFI
Đăng ngày 20-03-2017

Khi đề nghị cắt giảm ngân sách của ngành ngoại giao đến gần một phần ba, tổng thống Mỹ Donald Trump gánh lấy rủi ro làm giảm hẳn ảnh hưởng của Hoa Kỳ, siêu cường hàng đầu lãnh đạo thế giới.

Trả lời phỏng vấn của AFP, Jeffrey Rathke, cựu phát ngôn viên bộ Ngoại Giao đã bày tỏ nỗi lo lắng như trên. Đối với nhà ngoại giao lão luyện này, hiện là chuyên gia của Center for Strategic and International Studies (CSIS), tân chính quyền Mỹ cần phải cân nhắc các bài học từ chiến tranh Irak và Afghanistan : Tốt nhất nên cố tránh các xung đột nhờ hoạt động ngoại giao, thay vì ưu tiên cho can thiệp quân sự.

Ông Donald Trump tìm kiếm gì khi cắt giảm 28% ngân sách bộ Ngoại Giao, và hạn chế những đóng góp của Hoa Kỳ cho Liên Hiệp Quốc trong khi cho tăng 10% ngân sách quốc phòng ?
Tuy tổng thống đề nghị, nhưng cuối cùng Quốc Hội mới là nơi phê duyệt. Theo ý nghĩa đó, các đề xuất này chỉ là điểm khởi đầu. Nhưng một điểm xuất phát như thế rõ ràng đã làm giảm hẳn tham vọng của Hoa Kỳ với tư cách lãnh đạo thế giới không phải về mặt quân sự.
Khó thể việc cắt giảm này diễn ra như thế nào để đoán được cụ thể Mỹ sẽ bị yếu đi ra sao, nhưng khi cắt mất 28% ngân sách của một tổ chức, thì ảnh hưởng bị sa sút là điều không thể tránh khỏi. Đối với ngành ngoại giao Mỹ, điều đó có nghĩa là phải hạ thấp những kỳ vọng và giảm thiểu năng lực tiến hành các chính sách của mình.
Một ví dụ là việc viện trợ cho nước ngoài : nếu hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á trang bị chiến hạm cho lực lượng tuần duyên của họ, sẽ giúp các nước này chống hải tặc, nạn buôn lậu ma túy hoặc chấm dứt các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

Ngoại trưởng Rex Tillerson có lý khi đòi hỏi một ngành ngoại giao Mỹ « hiệu quả hơn », làm được nhiều việc hơn với số tiền ít hơn ?
Mỗi chính phủ khi lên nắm quyền đều muốn cải thiện hiệu quả các chương trình của Hoa Kỳ. Có thể tìm thấy các đề nghị tương tự từ các ngoại trưởng tiền nhiệm khi nói về ngân sách. Đó là một mục tiêu hoàn toàn chính đáng.
Vấn đề là những hố sơ nào được ưu tiên?
Chằng hạn nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc : các hoạt động của LHQ tại Mali đóng góp vào an ninh của Hoa Kỳ, vì đó là các đạo quân quốc tế giúp chống lại mưu toan của những kẻ khủng bố muốn nắm lấy quyền lực tại đất nước. Tất cả chúng ta đều biết sự hiện diện của một hang ổ cực đoan trên thế giới nguy hiểm như thế nào, như đã thấy ở Afghanistan hay Soudan.
Như vậy hoàn toàn hợp pháp khi chỉ trích những hoạt động như gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, nhưng nhìn chung, các chiến dịch này là điều tốt cho nền an ninh của Hoa Kỳ.

Nước Mỹ của ông Trump liệu có đứng trước rủi ro bị mất đi ảnh hưởng trên trường quốc tế, « quyền lực mềm » bị giảm sút ?
Tốt nhất là đừng sử dụng khái niệm quyền lực « cứng » hay « mềm », mà nên nói về các chương trình ngoại giao làm nên ảnh hưởng của Mỹ. Đôi khi đó là những chương trình hợp tác mang tính dân sự, đôi khi là chương trình về tư pháp hay cảnh sát, khi lại là chương trình quân sự. Tất nhiên nếu cắt giảm mạnh tay các nguồn này, thì sẽ làm giảm đi khả năng bảo vệ các lợi ích của chính mình.
Kinh nghiệm trong 15 năm qua dạy cho chúng tôi rằng tốt nhất là không vội vã lao vào các cuộc xung đột quân sự. Cần nắm bắt, giải quyết vấn đề trước khi bị chuyển đổi thành xung đột vũ trang. Đó là một bài học quan trọng mà chúng tôi nhận được, và tôi hy vọng rằng trong khi thảo luận về ngân sách với Hạ viện, triển vọng này sẽ được xét đến.
(Theo AFP) 




No comments:

Post a Comment