Wednesday, March 22, 2017

MÓN "TỰ DO CHIÊN GIÒN" (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
Monday, 20/03/2017 - 10:40:51

Món “tự do chiên giòn” là sản phẩm của ông Bob Ney, mặc dù ông không phải là một chef cook, mà chỉ là một dân biểu, chủ tịch tiểu ban Quản Lý Hạ Viện; trong vai trò này ông có quyền rất lớn tại ba quán ăn phục vụ nhân viên Hạ Viện -kể cả những dân biểu.

Năm 2003, thời điểm Tổng Thống George W. Bush đưa quân sang tấn công Iraq, và gặp trở ngại ngoại giao là hai nước đồng minh của Hoa Kỳ -Pháp và Đức- không đồng ý với hành động quân sự đó. Ngoại Trưởng Pháp Dominique de Villepin thẳng thừng tuyên bố là Pháp không ủng hộ, mà cũng tham dự cuộc chinh phạt.

Ông Ney giận nước Pháp, cho là Pháp không chí tình với Mỹ, rồi quyết định xóa bỏ quốc húy của Pháp trong món ăn khá thông dụng của người Mỹ là món French Fries; ông ra lệnh cho cả ba tiệm cafeteria của Hạ Viện phải đổi tên món ăn này là Freedom Fries -món “tự do chiên giòn.”

Dân Biểu Bob Ney

Tác phẩm Freedom Fries của ông Bob Ney

Quý vị dân biểu vào cafeteria nhai món “tự do chiên giòn” trong suốt ba năm dài mà Pháp vẫn chưa thay đổi lập trường, cuối cùng ông Ney xin từ chức, vì bị tố cáo là tham nhũng. Ra tòa ông bị xử 30 tháng tù giam.

Tác phẩm “tự do chiên giòn” của ông cũng bị quên lãng, những khác biệt quan điểm giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu được thoa dịu với việc Hoa Kỳ giúp NATO (North Atlantic Treaty Organization-Khối Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương), nhất là giúp Ukraine (một thành viên NATO) chống lại cuộc xâm lấn của Nga.

Vào thời điểm đó, Tổng Thống Mỹ Barack Obama quan niệm NATO là một tổ chức đồng minh gồm những quốc gia yêu chuộng dân chủ mà Hoa Kỳ nên giúp đỡ chống lại những tham vọng xâm lấn lãnh thổ của Nga -cường quốc thù nghịch với Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Nhì.

Thời gian 14 năm (từ 2003 đến 2017) chưa đủ dài để người Mỹ quên đi giai thoại “tự do chiên giòn” thì tình hình bang giao hiện nay giữa Hoa Kỳ và những quốc gia đồng minh đang gay cấn trở lại. Hôm 17 tháng Ba, tổng thống Donald Trump tiếp bà thủ tướng Đức Angela Merkel tại Bạch Cung; sau đó hai vị nguyên thủ quốc gia họp báo; tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố với truyền thông là ông “cần các quốc gia NATO đồng minh của Hoa Kỳ thanh toán những phí tổn mà Hoa Kỳ gánh vác để phòng thủ khối Bắc Đại Tây Dương.”

Sáng hôm sau, thứ Bảy, 18 tháng Ba, ông viết tweet khẳng định là Đức còn mắc nợ Mỹ “nhiều khoản tiền rất lớn,” do việc phòng thủ NATO. Nguyên văn bức “điện văn”: “Dù quý vị có nghe bọn FAKE NEWS (tin giả) nói gì, thì sự thật tôi vẫn có một cuộc hội kiến tuyệt vời (GREAT meeting) với thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy tuyệt vời nhưng Đức vẫn nợ NATO một số tiền lớn, và Hoa Kỳ phải được thù lao nhiều hơn cho hệ thống phòng thủ vững mạnh và tốn kém mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Đức.”

Phải nhìn nhận ngôn ngữ ngoại giao của tổng thống Trump bốp chát hơn ngôn ngữ của bất cứ vị tổng thống nào khác của Hoa Kỳ.

Ông Ivo Daalder, Đại Sứ Mỹ tại tổ chức NATO, xác nhận là Đức không thiếu nợ Mỹ; ông giải thích là quy chế ấn định những quốc gia thành viên của NATO phải đóng góp 2% lợi tức quốc gia vào ngân sách NATO chỉ mới được ấn định từ hai năm nay, và còn có khoản dự trù ghi rõ là cuộc đóng góp chi phí phòng thủ chỉ bắt đầu từ năm 2024, đối với những quốc gia thành viên chưa đủ khả năng.

Ông Ivo Daalder khẳng định Đức không mắc nợ Mỹ.

Ông Donald Trump họp báo chung với nữ Thủ Tướng Angela Merkel.

Daalder nhận định, “Tổng thống quả quyết là các quốc gia Âu Châu phải trả nợ cho Mỹ, vì Mỹ gửi quân qua phòng thủ Âu Châu. Nhưng nội quy của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, không viết như vậy." Cho đến giờ này Đức đã góp 1.2% GDP, Greece, Estonia, Poland và Britain đóng đủ 2%.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Đức, bà Ursula von der Leyen, tuyên bố là Đức không nợ nần gì ai cả, và “đóng góp quân sự của Đức phải bao gồm cả việc quân đội Đức tham gia những trọng trách bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, và tham gia hành quân chống lực lượng ISIS khủng bố.”

Bà Ursula von der Leyen 

Lập luận “đòi nợ” này đã được ông Trump nói lên từ lúc ông còn tranh cử, và nếu ông khăng khăng đòi các nước Âu Châu chia gánh nặng phòng thủ, Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương có thể tan vỡ, phá hỏng thế bó đũa, làm yếu đi khả năng tự vệ của những quốc gia Đông Âu, gần cận với Nga. 

Câu hỏi mà người Mỹ cần đặt ra là: Chính sách ngoại giao của tổng thống Donald Trump tháo gỡ thế liên minh quân sự của Hoa Kỳ với Âu Châu nhắm thực hiện mục đích chính trị nào? Và việc NATO tan rã sẽ giúp gì cho Nga?

NATO chỉ là một góc của bối cảnh “ngoại giao mới,” và Thủ Tướng Merkel cũng chỉ là một trong những lãnh tụ đồng minh bị Tổng Thống Trump đối xử thiếu nhã nhặn. Hai trong những vị lãnh tụ khác gặp khó khăn với tổng thống Hoa Kỳ là:

1. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. Hôm mùng 2 tháng Hai, Tổng Thống Trump điện đàm với Thủ Tướng Turnbull; cuộc điện đàm được ước định trước là sẽ kéo dài 1 tiếng đồng hồ, nhưng đã chấm dứt ở phút thứ 25 khi thủ tướng Úc hỏi Tổng Thống Trump xem ông có ý định tôn trọng lời hứa của nguyên Tổng Thống Barack Obama nhận 1,250 người tị nạn đang có mặt tại các trại tị nạn Úc hay không.
Tổng thống Mỹ hỏi lại xem có phải Thủ Tướng Turnbull muốn xuất cảng “những tên khủng bố Boston tương lai” sang Mỹ không. Cuộc điện đàm chấm dứt tại đó.

2. Nạn nhân thứ nhì là Tổng Thống Mễ Pena Nieto. Ông cũng bị Tổng Thống Donald Trump nặng lời vì đã không chịu đài thọ phí tổn xây bức trường thành biên giới, mà lại còn dám hủy bỏ cuộc hội kiến đã ước hẹn vào ngày 30 tháng Giêng, 2017.

Nếu việc Pháp không đồng ý với chính phủ George W. Bush tấn công Iraq bằng bộ binh 14 năm trước đã đủ “lớn” để tạo ra món freedom fries, thì tình trạng bất đồng ý kiến vô cùng phổ quát giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ hôm nay có thể tạo ra một số khá nhiều món ăn đủ để viết một cái menu dài.

Điều này làm nhiều người không hãnh diện, như Ngoại Trưởng Rex W. Tillerson chẳng hạn. Ông “ngoại” không buồn xuất hiện trong ngày Bộ Ngoại Giao Mỹ phát hành ấn phẩm “Phúc Trình Nhân Quyền Hằng Năm” đề cao cuộc sống đầy đủ nhân quyền của người Mỹ, bên cạnh những chính sách độc tài, độc ác của nhiều quốc gia khác.

Tổng thống cũng không hãnh diện, vì ông từng tuyên bố, "Có rất nhiều tên sát nhân đang sống tại Hoa Kỳ, đừng tưởng người Mỹ hiền lành, vô tội." Ông dằn mặt những người Mỹ tưởng Mỹ đạo đức hơn Nga.

Ông không muốn chấp nhận cái tự hào của người Mỹ tự mình cho mình là đạo đức. Tuy nhiên thiếu niềm tự hào này thì Hoa Kỳ cũng chỉ là một siêu cường như Nga hay Trung Quốc mà thôi. (ndt)




No comments:

Post a Comment