Thursday, March 23, 2017

LỄ HỘI, DI TÍCH & KINH DOANH TÂM LINH (Nguyễn Thị Hậu - Diễn Đàn)




Nguyễn Thị Hậu 
Cập nhật lần cuối 23/03/2017

Quốc gia nào dân tộc nào cũng có hệ thống di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống. Đó là kho tàng di sản văn hóa chứa đựng giá trị tinh túy và luôn được gạn lọc những gì không còn phù hợp với thời đại mới. Khoảng hơn mười năm nay ở nước ta truyền thống "tháng Giêng là tháng ăn chơi" đã sống lại và phổ biến nhờ hàng lọat lễ hội mở ra với mật độ dày đặc trong khoảng thời gian không dài, quy mô tổ chức ra ngòai phạm vi một địa phương, nhất là lễ hội ở khu vực phía Bắc.


Lễ và hội và... lộc (1)

Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thường diễn ra ở những nơi tôn nghiêm như trong đền, đình, chùa... Thực hiện và điều hành phần lễ là các bậc cao niên có uy tín và được cộng đồng kính trọng, được những người dự lễ hội tuân thủ sự điều hành. Ý nghĩa của lễ là để giao tiếp với thần linh thông qua các nghi thức tín ngưỡng thể hiện nguyện vọng hay tái hiện ký ức của cộng đồng. Lễ hiến tế là một phần quan trọng của lễ hội, sau lễ hiến tế là bữa ăn chung cả làng, như sự sẻ chia những gì được thần linh phù hộ và ban tặng. Hiện nay hầu hết lễ hội lớn đều do các cấp chính quyền nhà nước tổ chức nên phần Lễ - trước đây trang nghiêm, giản dị thì nay rất “hoành tráng” rườm rà do sự có mặt của các quan chức.

Phần hội diễn ra ở một “không gian mở” rộng lớn hơn cho toàn thể cộng đồng và người ngoài cộng đồng có thể tham gia. “Vui như hội” vì không gian và thời gian này là để thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của con người, thông qua các trò chơi dân gian thể hiện sự khéo léo, khỏe mạnh, trong đó phổ biến là “cướp” lộc/phết… Cũng có những trò mang tính chất “phá luật” như “linh tinh tình phộc” (tắt đèn thì trai gái “tự do”)… Nhìn chung lễ hội xưa mang đậm dấu ấn của xã hội nông nghiệp với cộng đồng cư dân “làng” hẹp về không gian và nhỏ về quy mô, chỉ có một vài lễ hội nổi tiếng khắp vùng như hội Gióng hội Lim… Phần Hội xưa là phần vui chơi của chủ thể lễ hội, tức là cộng đồng dân cư địa phương, những người có sự hiểu biết và từng trải nghiệm ý nghĩa của hành vi lễ hội từ đời này qua đời khác, thì nay có thêm rất nhiều người từ nơi khác đến tham gia, không mang tâm thức của chủ thể và không phải ai cũng hiểu ý nghĩa những hành vi mang tính tượng trưng của lễ hội xưa.

Lễ hội cổ truyền thường diễn ra vào thời gian mùa xuân “nông nhàn”, đây là dịp con người nghỉ ngơi, nhìn lại và giải toả những phiền muộn, lo âu của năm cũ thông qua việc bày tỏ với thần linh những mong muốn về cuộc sống tốt đẹp hơn. Lễ hội có mặt tích cực như bảo tồn các giá trị truyền thống của cộng đồng, nhắc nhở ý thức về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, anh hùng dân tộc… Trò chơi trong hội thể hiện ý thức về đồng loại, cố kết con người với cộng đồng, thể hiện quan niệm về mỹ tục và tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao của cá nhân và cộng đồng. Tâm thức trong lễ hội xưa là tinh thần “dân chủ làng xã”, qua dịp lễ hội mọi người gần gũi, bình đẳng với nhau hơn. Hình thức “cướp lộc” trong nhiều lễ hội mang ý nghĩa là “may mắn” từ thần linh ban cho, không phải ai cũng có được, vì vậy những người không may mắn thì cần cố gắng làm ăn. Những hành vi trong lễ hội thời xưa là cần được hiểu và thực hành như biểu trưng của văn hóa.

Ngày nay phạm vi không gian của lễ hội rộng hơn thông qua và nhờ không gian trên truyền thông, đồng thời việc thực hành nghi lễ thể hiện và phản ánh tâm lý thực dụng, thậm chí tham lam của nhiều người. Biết rằng “lộc” chỉ là tượng trưng nhưng “kém miếng giữa làng” thì khó chịu, đánh đồng “sự may mắn” với “cái lợi” cho cá nhân nên quyết cướp giật cho bằng được. Tính thực dụng làm lây lan hành vi vô văn hóa trong lễ hội như sử dụng bạo lực trong trò chơi, phổ biến việc nhúng tiền vào máu động vật bị giết hay rải tiền lẻ, nhét tiền vào tay Thần Phật để cầu may; để con trẻ chứng kiến và người lớn thì reo hò phấn khích nhìn con vật bị giết chết một cách bất nhẫn; đánh chửi nhau vì không cướp được “lộc thánh”…

Không khó để nhận thấy sự tương đồng giữa hiện tượng lễ hội bị biến dạng với thực trạng bạo lực ngày càng phổ biến trong xã hội, điển hình như những vụ “mất chó giết người đền mạng”, bảo mẫu hành hạ trẻ nhỏ, học trò “hội đồng” đánh bạn, thanh niên hỗn láo đánh người già cả, người dân “tự tử” trong đồn công an... Hành vi “buôn thần bán thánh”, dựa vào cầu cúng để coi thường luật pháp, nạn tham nhũng hối lộ của quan chức ngày càng nặng nề; nhiều người trốn vào “tâm linh” để biện minh cho sự dửng dưng trước bất công, trước những vấn nạn về văn hóa, giáo dục, môi trường…

Trước thực trạng lễ hội và một số sinh hoạt văn hóa tinh thần khác bị biến chất và dung tục đến mức báo động, các nhà khoa học và công chúng đã lên tiếng từ nhiều năm nay. Thế nhưng vì sao mỗi năm lễ hội lại phát triển nhiều hơn, lãng phí thời giờ tiền bạc công sức của xã hội, ngày càng mang nặng yếu tố tiêu cực hơn?


Khi lịch sử bị bóp méo

Có thể lấy Lễ Khai Ấn Đền Trần (Nam Định) là một trường hợp để nhận diện những nguyên nhân của tình trạng này.

Từ năm 2011 sau vài năm lễ hội Khai ấn đền Trần diễn ra đủ bi hài, dung tục và kinh hoàng chen lấn cả đêm để xin ấn, dư luận xã hội đồng loạt lên tiếng. Truy về nguồn gốc của tục khai ấn đền Trần trong chính sử, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) đã chỉ ra:
Không hề có chuyện nguồn gốc của lễ khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần thiết triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công, ban tước như nhiều ý kiến. Việc đó sử chép là diễn ra ở Thăng Long. Từ năm ngoái, tôi đã đọc lại sử cũ và khẳng định trong thư tịch cổ không hề chép gì về cái gọi là “lễ khai ấn đền Trần”.
Tôi đã từng viết loạt bài “Lễ khai ấn đền Trần - một xuyên tạc lịch sử”. Cũng không có chuyện nhà Trần cứ tết đến lại đóng ấn ban chức tước. Xin dẫn một chuyện chính sử có chép: vua Trần Anh Tông từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều. Thượng hoàng Nhân Tông biết được sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế?”. Từ đó vua Trần Anh Tông lại càng thận trọng khi ban chức tước. (Báo Tuổi trẻ ngày 21.2.2011)

Tháng 7.2011 Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã nghe Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, trình bày nội dung Đề án “Xây dựng mô hình tổ chức Lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012”. Trong Đề án này nêu ra hai phương án tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2012: Phương án 1 là không tổ chức phát ấn; phương án 2 là vẫn phát ấn nhưng phát vào ngày hôm sau và kéo dài vào các ngày tiếp theo. Và phương án 2 đã được Bộ VH-TT-DL cùng địa phương chọn thực hiện.

Lễ hội khai ấn. (ảnh Internet)

Việc tiếp tục tổ chức lễ hội “phát ấn” dù không có cơ sở khoa học và lịch sử, dù đã làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực cho thấy, thực tế lễ hội này thu hút rất nhiều người đến xin ấn, địa phương đã thu được những khoản lợi nhuận lớn từ việc “phát ấn” và dịch vụ kèm theo. Duy trì lễ hội nhiều ngày hơn có nghĩa là số lượng người (đa phần là công chức nhà nước) đến xin ấn nhiều hơn và lợi nhuận tăng cao hơn. Việc xin ấn đã trở thành biểu hiện của cầu xin thăng quan tiến chức! Đây là tâm lý của một bộ phận không nhỏ của công chức nhà nước nên có ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội nói chung.

Nhưng thiệt hại bao nhiêu cho nhà nước và cho nhân dân trong những ngày công chức bỏ việc đi lễ thì cơ quan quản lý văn hóa và địa phương có tính đến? Không chỉ là thời gian, tiền bạc mà còn là sự suy thoái đạo đức và văn hóa, tạo ra tiền lệ cứ lễ hội nào có vấn đề bị xã hội lên án, lập tức nhà nước lại phải tốn tiền cho các công trình nghiên cứu kiểu “Đề án xây dựng mô hình…”. Ở đây chính là vai trò của “cơ quan nghiên cứu văn hóa” đã tham mưu cho việc “phục dựng” lễ hội không có cơ sở khoa học và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Cùng đó là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa trong việc không cân nhắc, suy xét khi công nhận hàng loạt di tích, lễ hội, nâng cấp từ địa phương lên cấp quốc gia để tăng cường quy mô lễ hội… Một mặt nhằm đạt thành tích “bảo tồn di sản” nhưng mặt khác cũng làm tiêu tốn nhiều chi phí của nhà nước và xã hội để “làm hồ sơ di tích”, đồng thời gây nên tâm lý đua nhau “chạy bằng di tích” ở các địa phương.

Từ khi Lễ phát ấn Đền Trần được duy trì, nhiều địa phương đã tổ chức những lễ hội tương tự, tất nhiên đều dựa vào “công trình nghiên cứu khoa học” mà thực chất là những Dự án do tỉnh hay địa phương chi kinh phí. Cho đến đầu năm 2017 một số nơi khác đã dựng lên chuyện khai/phát ấn ở đền Trần Thương (Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam), đền Trần Tam Đường (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình), ở khu văn hóa núi Bài Thơ (TP Hạ Long, Quảng Ninh), khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)... Tình trạng bành trướng quy mô và số lượng lễ hội phát ấn Đền Trần như thế e rằng một ngày nào đó lễ hội kiểu này sẽ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp đặc biệt của quốc gia, rồi làm hồ sơ trình UNESCO làm Di sản văn hóa thế giới cũng nên!

"Từ thực tế bịa tạc của các ấn được sử dụng, xin nói thẳng rằng: Các lễ khai ấn này có rất ít ý nghĩa văn hoá, tất cả đều nhằm mục tiêu thương mại"(TS. Nguyễn Hồng Kiên) nên mục đích ý nghĩa của lễ hội không còn thuần túy tinh thần như trước. Dưới danh nghĩa “bảo tồn văn hóa truyền thống” nhưng “thương mại hóa” mới chính là mục đích của các địa phương khi đua nhau nâng cấp di tích, lễ hội. Do đó tính nhân văn của lễ hội ngày càng biến mất, sự xuất hiện những yếu tố thực dụng hiện đại đã góp phần nuôi dưỡng và phát triển tâm lý không lành mạnh của công chức, quan chức trong việc coi chức tước quyền hành là mục đích tối thượng, việc “chạy chức chạy quyền” là bình thường nên phải tìm đến Thánh thần làm chỗ dựa…

Đặc biệt, hiện tượng “chính thức hóa”, “nhà nước hóa” lễ hội dân gian bằng sự tham gia tổ chức và quản lý lễ hội của cơ quan nhà nước, của quan chức cao cấp góp phần không nhỏ làm cho lễ hội bị “hiện đại hóa” theo nghĩa tiêu cực. Việc quản lý và tổ chức thực hành tín ngưỡng này là của cộng đồng địa phương; không phải là việc của các cơ quan nhà nước hay của các vị lãnh đạo. Việc nhiều quan chức từ trung ương đến địa phương trịnh trọng có mặt “khai hội” là “tấm gương” mà nhiều thành phần trong xã hội “noi theo”, nhất là khi sự mê tín hay thực dụng được tuyên truyền dưới ý nghĩa bảo tồn di sản văn hóa. Điều đáng tiếc là bên cạnh đó vẫn có một số nhà nghiên cứu và cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý văn hóa tiếp tục nguỵ biện, chống chế, bênh vực cho những lễ hội bị biến dạng hay không có cơ sở khoa học như Lễ khai ấn Đền Trần.

Nếu để cho những lễ hội bị bóp méo ý nghĩa truyền thống tiếp tục tồn tại sẽ dẫn đến hậu quả:

1/ Các lễ hội truyền thống không còn giá trị đích thực, chính những người làm nhiệm vụ “nghiên cứu bảo tồn văn hóa” lại đánh mất, xóa sổ di sản văn hóa.

2/ Các giá trị truyền thống tốt đẹp mất đi, con người phải tìm đến và tin vào những giá trị “ảo” đang ngày càng làm băng họai xã hội.

3/ Nhà nước không thể quản lý được các lễ hội tổ chức tràn lan và tùy tiện làm xuất hiện nhiều tệ nạn mê tín dị đoan.

Mỗi thời đại có hệ giá trị của thời đại mình, nhất là những giá trị văn hóa. Việc duy trì hay phục dựng lại lễ hội truyền thống cần đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại để nhận biết yếu tố nào nên lưu giữ, yếu tố nào cần thay đổi. Tuy nhiên thay đổi thế nào để những lễ hội trở thành nguồn mạch trong lành để nuôi dưỡng văn hóa dân tộc hiện tại và tương lai, không thể biến lễ hội thành nơi hối lộ, mặc cả với Thánh Thần nhằm tư lợi hoặc là nơi dung dưỡng những hành vi phản cảm không phù hợp với giá trị văn hóa mới.


Di tích và... hiện đại ảo

Bên cạnh tình trạng lễ hội như trên còn có một thực trạng khác cũng rất đáng báo động: nhiều di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh thành xuống cấp nghiêm trọng, có di tích đã trở thành phế tích hoặc có nguy cơ “biến mất” do hư hỏng nặng mà không có kinh phí sửa chữa, trùng tu. Thực trạng này làm nảy sinh một câu hỏi: hiện nay tốc độ và số lượng di tích được công nhận ở các cấp, nhất là Di tích cấp Quốc gia, tỷ lệ thuận hay tỷ lệ nghịch với số lượng các di tích được bảo tồn và phát huy giá trị tốt?

Hỏi tức là đã trả lời. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên chính là việc ồ ạt công nhận di tích ở các cấp. Việc công nhận di tích Lịch sử văn hóa và nâng cấp từ địa phương lên cấp quốc gia đang trở thành "phong trào", do đó nhiều di tích chưa thực sự có giá trị tiêu biểu. Hệ thống di tích được công nhận cấp quốc gia phải phản ánh đặc trưng lịch sử - văn hoá quốc gia, vì vậy cần nghiêm túc xem xét giá trị các mặt của di tích.

Di tích lịch sử văn hóa ở địa phương khi nâng lên tầm quốc gia, vùng miền thì để xứng với danh đó sẽ phải trùng tu tôn tạo, tổ chức quy mô “hoành tráng” hơn, nhiều di tích bị gán thêm những giá trị ảo từ nội dung đến hình thứ kiến trúc, trang trí… Khi nhà nước không đủ kinh phí ớc để bảo tồn hay trùng tu thì địa phương thường huy động các nguồn kinh phí khác. Tuy nhiên “chủ đầu tư” thường có vai trò quyết định chứ không phải là các nhà khoa học, trong việc bảo tồn di tích như thế nào, thậm chí dưới danh nghĩa trùng tu họ quyết định làm mới di tích, thật giả lẫn lộn về giá trị, về nội dung. Tình hình kéo dài như vậy làm cho các di tích dù cấp nào cũng dần dần trở nên giống nhau ở xu hướng ngày càng “hoành tráng” thậm chí không còn nhận ra yếu tố truyền thống trong kiến trúc, trang trí và cả cảnh quan nữa.

Đặc biệt hiện nay xuất hiện khá nhiều công trình kiến trúc tôn giáo có quy mô kỷ lục “nhất Đông Nam Á” tại những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, công trình mới xây dựng lại được gắn với khái niệm “du lịch tâm linh” – là loại hình du lịch đến những di tích tín ngưỡng tôn giáo nổi tiếng có từ lâu đời… Thế là lại thêm một nơi “kinh doanh” nhằm vào sinh hoạt tín ngưỡng của dân chúng. Và cũng như lễ hội, việc các quan chức, chính quyền tham gia quảng bá cho những công trình “tôn giáo” mới này cũng làm tăng thêm “tiếng tăm” của nó khi mà ngay hình thức kiến trúc nghệ thuật và sinh hoạt tín ngưỡng ở đó chưa kịp tích lũy bất cứ một giá trị nào. Đó là chưa kể sự tàn phá môi trường tự nhiên để xây dựng cơ sở hạ tầng cho công trình, việc làm cáp treo cho bất cứ danh thắng nào, phá vỡ cảnh quan tự nhiên, coi đó là “tiêu chí” hiện đại và sang trọng của một khu “du lịch tâm linh”.

Càng nhiều di tích “trùng tu” nâng cấp, càng nhiều công trình “tâm linh” được xây dựng thì càng có thêm những lễ hội mang giá trị ảo hoặc sai lạc về ý nghĩa. Cứ thế cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn, ngày càng phức tạp và để lại nhiều hệ lụy lâu dài.

Để khắc phục tình trạng này, làm cho việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thực sự có hiệu quả cần rà soát lại hệ thống di tích và lễ hội cấp quốc gia, sau đó là cấp tỉnh thành - với những tiêu chí thực sự khoa học và đặt trong bối cảnh của phát triển kinh tế - xã hội, của đời sống cộng đồng đang có nhiều biến đổi để có thể xem xét giá trị thực sự và tiêu biểu của từng di tích, lễ hội và cần thiết phải “hạ cấp” những di tích, lễ hội nào đã bị biến dạng, thay đổi hoặc mang giá trị “ảo”. Bên cạnh đó không nên duy trì một hệ thống lễ hội quá dày đặc như hiện nay bằng “sự ủng hộ” của nhà nước (như cho nghỉ dài ngày hoặc không có chế tài nghiêm khắc với công chức dùng ngày làm việc đi lễ hội…). Xây dựng lối sống, văn minh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa bắt đầu từ việc quý trọng thời gian và tôn trọng luật lệ.

Và quan trọng hơn, để tình trạng “bảo tồn” di tích, lễ hội như hiện nay tiếp diễn thì chúng ta sẽ để lại cho thế hệ sau một di sản văn hoá truyền thống chắp vá và mục nát bên cạnh những “di sản” mới hoành tráng nhưng vô hồn và rỗng tuếch về giá trị.

Sài Gòn 22.3.2017
Nguyễn Thị Hậu



No comments:

Post a Comment