Nguyễn Xuân Nghĩa - RFA
2017-03-29
2017-03-29
Một
ngộ nhận của giới chuyên gia khi họ tin rằng một chế độ độc tài mà anh minh
sáng suốt vẫn có thể đem lại thịnh vượng cho người dân.
Ông
Vladimir Zhirinovsky, thành viên quốc hội Nga, tổ chức một cuộc họp báo tại Hội
đồng châu Âu hôm 25/1/2006, tranh luận về một báo cáo chống lại các tội ác do
chế độ độc tài cộng sản gây ra. AFP photo
Nguyên
Lam : Ban
Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân
Nghĩa. Thưa ông, qua nhiều chương trình liền, ông thường nhắc tới một nhu cầu
là dân quyền và nhân vị trong công cuộc phát triển kinh tế và chế độ độc tài sẽ
không thể đem lại thịnh vượng cho người dân. Ý kiến ấy có vẻ như đi ngược với
luận cứ của nhiều chuyên gia kinh tế hay thành tích chói lọi của Trung Quốc với
một chế độ thiếu dân chủ. Vì vậy, kỳ này xin đề nghị ông giải thích tiếp về nghịch
lý đó.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa : Thưa
rằng trong thế kỷ 20 đã có cuộc tranh luận về giá trị của hai mô hình kinh tế đối
nghịch. Một là tập trung kế hoạch của các nước cộng sản hai là tự do phát triển
theo quy luật thị trường của các nước dân chủ. Kết cuộc thì các chế độ cộng sản
độc tài trôi vào khủng hoảng hoặc tan rã từ năm 1991 nên chẳng còn được nhà lý
luận nào bênh vực nữa. Nhưng một số người từng đặt niềm tin vào chế độ cộng sản
lại tìm ra một lý lẽ khác, từ cộng sản chạy qua xã hội chủ nghĩa. Rằng thế giới
có các nước chuyên chế độc tài nhưng được lãnh đạo anh minh sáng suốt để quyết
định về việc sung dụng hay phân phối tài nguyên quốc gia nên đạt thành quả phát
triển cao.
Hiện
tượng được viện dẫn là nhiều nước tân hưng Đông Á chưa có dân chủ thì đã phát
triển mạnh. Lớn thì có trường hợp Trung Quốc, nhỏ thì là trường hợp Singapore,
Hong Kong, ở giữa thì có Đài Loan, Nam Hàn. Vì nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế
của Tây phương cũng đồng tình với lập luận ấy cho nên chúng ta cần tìm hiểu sâu
xa hơn về sự sai lầm của họ. Kỳ này, tôi xin được nói về chuyện đó, nhất là về
trách nhiệm của giới chuyên gia và sẽ phải lần lượt đi từ đầu qua từng bước.
Nguyên
Lam : Nguyên
Lam xin được mời ông trình bày sự thể này.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa : Trước
hết, thế giới có nhiều nước nghèo, chậm phát triển hoặc chưa phát triển mà nói
cho phũ phàng thì còn chậm tiến. Nhưng các định chế quốc tế vẫn lịch sự gọi đó
là các nền kinh tế "đang lên". Trong lãnh vực kinh tế, có loại chuyên
gia quan tâm đến việc phát triển các nước nghèo, ta gọi họ là "chuyên gia
phát triển", chứ không vơ đũa cả nắm mà phê phán mọi chuyên gia. Chuyện thứ
ba, với giới chuyên gia phát triển thì nếu một nền kinh tế đạt mức tăng trưởng
6% một năm, như Việt Nam hiện nay, thì đấy là bước đầu của phát triển vì nếu giữ
được tốc độ ấy trong 12 năm liền là có thể nâng lợi tức gấp đôi.
Lấy
tiêu chuẩn 6% như hòn đá thử vàng, giới chuyên gia phát triển mới đo lường công
cuộc phát triển của các nước nghèo và suy ngược lên lý do, là các nước đã có
chính sách kinh tế quốc gia thế nào để giữ được đà tăng trưởng trong lâu dài ?
Trường hợp của bốn nền kinh tế Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Nam Hàn được họ
coi là mẫu mực. Sau đó họ viện dẫn thêm trường hợp của Trung Quốc rồi của Việt
Nam. Yếu tố cần chú ý ở đây là khái niệm "chính sách kinh tế quốc
gia", với hàm ý rằng đà tăng trưởng là do các chính quyền hay nhà nước hoạch
định và thi hành từ trên xuống, nghĩa là nhà nước mới giữ vai trò trọng yếu.
Quy luật
về kinh tế
Nguyên
Lam : Thưa
ông, khi cho rằng nhà nước mới giữ vai trò trọng yếu qua chính sách kinh tế quốc
gia từ trên ban xuống thì phải chăng các chuyên gia về phát triển vẫn đánh giá
sai hai yếu tố kia là thị trường và người dân ?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa : Thưa
rằng đấy mới là vấn đề ! Đầu tiên, cái tiêu chuẩn 6% ấy thật ra vô giá trị vì
nhiều nước nghèo khác cũng từng có chục năm tăng trưởng như vậy, sau đó là suy
sụp. Thí dụ như Togo vào quãng 1960, Paraguay vào quãng 1970 hay Oman quãng
1980, rồi Cộng hòa Dominican vào quãng 1990, nước Chad vào quãng 2000 hay
Rwanda vào quãng 2010. Ngày nay chẳng còn ai nhắc đến sáu nước bại liệt đó nữa.
Lý do ở đây là xứ nào cũng có thể được chục năm tăng trưởng mà không bền vững,
và tăng trưởng chưa thể là phát triển.
Sai
lầm thứ hai của các chuyên gia về phát triển là cho rằng yếu tố dẫn tới tăng
trưởng lâu dài thuộc về chính sách vĩ mô do nhà nước đề ra. Thí dụ như bội chi
ngân sách, chế độ kiểm soát giá cả và lãi suất hay mậu dịch, v.v… Lý do sai lầm
là vì giới chuyên gia được mời làm tư vấn cho nhà nước về chính sách và tưởng rằng
hoặc làm người ta tưởng là nhờ sự cố vấn của họ mà kinh tế đạt mức tăng trưởng
trong lâu dài. Sự thật thì nhiều đà tăng trưởng ấy có thể khựng và đảo ngược
như các trường hợp nói rên. Nguyên nhân tăng trưởng hay suy thoái có khi chẳng
thuộc chính sách kinh tế nhà nước mà vì nhiều yếu tố có tính chất giai đoạn,
như sự thăng trầm của giá nguyên nhiên vật liệu, của đầu tư hay viện trợ từ nước
ngoài, hoặc thậm chí thiên tai lẫn cả cách đếm sai đà tăng trưởng. Vì thế,
Singapore hay Hong Kong cũng có 10 năm ngoạn mục từ năm 2000 tới 2010 nhưng sau
đó thì giảm.
Có
một quy luật thực tế ở đây là khi một nền kinh tế đạt mức tăng trưởng vượt bậc,
hơn hẳn trung bình của các quốc gia khác, thì sau mươi năm là hụt hơi. Đầu năm
1997, các chuyên gia quốc tế vừa ngợi ca phép lạ kinh tế Đông Á thì Tháng Bảy
năm đó lại nổ ra vụ khủng hoảng kinh tế với hậu quả là Đông Á bị suy thoái
trong bốn năm liền tới độ Nam Hàn còn phải xin Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế cấp cứu. Sai
lầm căn bản nhất của giới chuyên gia là nhìn vào chuyện trừu tượng mà quên hẳn
số phận của dân nghèo khi sẵn sàng cộng tác với các chế độ chuyên chính độc tài
và lại còn nói rằng nhờ sức mạnh của nhà nước thì quốc gia mới dễ phát triển.
Khách
sạn và công viên giải trí tại Resort World Sentosa, Singapore chụp hôm
10/3/2017. AFP photo
Nguyên
Lam : Chúng
ta bước qua một vấn đề khác, là thưa ông, liệu các chế độ độc tài có ưu thế cao
hơn nền dân chủ hay không khi họ đề ra chính sách kinh tế cho toàn dân ?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa : Đấy
là huyền thoại nguy hại nhất. Huyền thoại là cái gì đó không thật mà cứ được
loan truyền, và trong lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia về phát triển ưa loan
truyền lý luận tai hại đó. Tôi xin lấy một thí dụ tiêu biểu là công trình
nghiên cứu hỗn hợp của Ngân hàng Thế giới và nhà cầm quyền Trung Quốc được công
bố năm 2013 mà tiết mục chuyên đề của chúng ta cũng có nhắc tới. Đấy là Phúc
trình có tên là "Trung Quốc năm 2030 : Xây dựng một Xã hội Hiện đại, Hài
hòa và Sáng tạo".
Sự
thật là trong khi Bắc Kinh đàn áp người dân, kiểm soát báo chí thì họ quyết định
về các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và kinh tế gia của họ làm công tác
tuyên truyền này. Khi thấy Ngân hàng Thế giới tung ra báo cáo ấy thì người ta
tin rằng định chế tài trợ phát triển này xác nhận tương lai sáng láng của Trung
Quốc dưới sự lãnh đạo của một chế độ sáng suốt có đầy ý chí.
Trong
khi đó, người ta bỏ qua số phận của dân nghèo trong một quốc gia đầy ô nhiễm và
tham nhũng. Đây là một hiện tượng lầm lạc đã có từ lâu và rất khó sửa. Nó đã có
từ thời Đặng Tiểu Bình nay tiếp tục với Tập Cận Bình. Sự thật thì kinh tế có thể
tăng trưởng nhờ sức dân mặc dù người dân lại là nạn nhân của chế độ độc tài, và
ngược lại, chính sách kinh tế của nhà nước độc tài mới dễ gây ra khủng hoảng.
Khó sửa
sai
Nguyên
Lam : Nhưng
thưa ông, vì sao người ta lại khó cải sửa sự lầm lạc như ông vừa nói ?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa : Thứ
nhất là nhiều người cho rằng chế độ độc tài có khả năng tập trung cao hơn chế độ
dân chủ để phát triển quốc gia dù khái niệm phát triển đó chỉ là tăng trưởng mà
thôi. Sự thật ở đây là một thống kê u ám. Các lãnh tụ độc tài thường tàn phá quốc
gia mà không có thuốc chữa, còn trường hợp tương đối tốt đẹp như lãnh tụ Phác
Chính Hy tại Nam Hàn, Lý Quang Diệu của Singapore hay Augusto Pinochet của xứ
Chile chỉ là ngoại lệ, là rất hãn hữu. Thứ hai, nhiều người công nhận rằng dù
các lãnh tụ độc tài tệ hại nhất có thể tàn phá quốc gia hơn một lãnh tụ dân chủ
bất tài nhất thì các lãnh tụ độc tài sáng suốt vẫn có nhiều thành tựu hơn các
lãnh tụ dân chủ sáng suốt nhất. Sai lầm thứ hai này mới khó cải sửa vì nó khá
mơ hồ.
Thí
dụ điển hình gần gũi với Việt Nam là trường hợp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là
người khởi xướng đổi mới, hay Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người tiến hành sau đó, hoặc
gần đây hơn nữa là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhiều tai họa kinh tế phát sinh từ
thời lãnh đạo của các nhân vật ấy mà chuyên gia quốc tế không biết, hoặc có biết
một cách mù mờ thì tránh nói tới. Sự thật ở đây là ngoài vài trường hợp ngoại lệ,
không phải là chế độ độc tài phát triển quốc gia nhanh hơn chế độ dân chủ. Ách
độc tài thu hẹp khả năng cải sửa của thị trường và người dân cho nên dân nghèo
mới là nạn nhân ở dưới đáy. Hãy hỏi bà con ở miền Trung ngày nay tại Vệt Nam
thì biết thế nào là nạn nhân ở dưới đáy vì nhiều quyết định xa xưa của chế độ độc
tài.
Trong
khi đó, sự thật lịch sử từ bảy tám chục năm qua đều cho thấy là các chế độ dân
chủ đã phát triển bền vững hơn. Quan trọng nhất, chế độ dân chủ có khả năng thẩm
xét thực tài của giới chuyên gia trong khi chế độ độc tài lại dùng chuyên gia
quốc tế làm bình phong cho các chính sách tai hại của họ. Việc Ngân hàng Thế giới
hay Công ty tài trợ IFC vừa bị phê phán cho thấy là chính khả năng các chuyên
gia quốc tế về phát triển đang bị thẩm xét lại.
Nguyên
Lam : Vì
thời lượng có hạn cho một đề tài lý thú, Nguyên Lam xin yêu cầu ông đưa ra một
kết luận, dù đó có thể chỉ là một kết luận tạm cho một vấn đề quá sâu xa phức tạp.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa : Khi
một chế độ độc tài cho người dân có thêm quyền tự do về kinh tế thì đấy chỉ là
một cách dung hợp với yêu cầu của thị trường mà lại được giới chuyên gia phát
triển đánh giá là đổi mới hay cải cách. Trong khi đó, chế độ độc tài lại không
cho người dân có thêm quyền tự do về chính trị, là trường hợp phổ biến của nhiều
nước nghèo, kể cả Trung Quốc hay Việt Nam, thì giới chuyên gia tránh nhắc tới,
hoặc còn biện hộ rằng nhờ đó mà có ổn định. Ta rất nên thận trọng với loại
chuyên gia ấy khi họ ăn cây nào phải rào cây nấy.
Sự
thật quan trọng nhất là công cuộc phát triển nước nghèo phải đi từ dưới lên, từ
dân nghèo. Quyền tự do, nhân phẩm hay nhân vị của họ phải là điểm khởi đầu và
chính sách phát triển phải ưu tiên nhắm vào họ. Cái chân lý hay "sợi chỉ đỏ
xuyên suốt" theo ngôn từ cộng sản, phải xuất phát từ một điều đã được các
nước Tây phương xiển dương từ hơn hai thế kỷ trước, rằng "con người ta
sinh ra là phải có quyền tự do và được bình đẳng". Lớp người nghèo khổ nhất
không có cơ hội bình đẳng và thiếu tự do chọn lựa.
Chính
sách phát triển phải khởi đi từ thành phần bần cùng đó, chứ không từ các giai tầng
trên và nhất là không từ lãnh đạo ở chóp bu đã lấy tài nguyên quốc gia nuôi các
chuyên gia có nhiệm vụ bảo vệ chính nghĩa đáng ngờ của chế độ. Bản thân tôi thường
đọc phúc trình của các chuyên gia này với sự nghi ngờ đó !
Nguyên
Lam : Ban
Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ
này.
No comments:
Post a Comment