Sunday, March 19, 2017

HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CHÍNH MÌNH - BÀI 3, 4 & CUỐI (Tiền Phong Online)




13:05 ngày 14 tháng 03 năm 2017

*
13:27 ngày 16 tháng 03 năm 2017
TP - Kể lại sự đau đớn về thể xác khi phải gồng mình đối mặt vô số ca phẫu thuật đau thấu xương, nhiều người chuyển đổi giới tính không khỏi rùng mình. Khóe mắt họ lúc nào cũng rươm rướm.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển giới nằm lại bệnh viện khoảng 3 ngày để phục hồi sức khỏe.

Lằn ranh sự sống và cái chết
Trong thời gian đợi Long Nữ đánh cược với số phận ở phòng mổ. Chúng tôi cùng hai người bạn của Yến (27 tuổi, quê Hải Phòng, vừa sang Bangkok để chuyển giới từ nam sang nữ) hàn huyên ở một quán cà phê gần bến tàu điện ngầm. Yến chia sẻ, câu chuyện chuyển giới thật ra không khác gì trò đùa với số phận, nó chính là lằn ranh giữa sự sống và cái chết của những người thuộc LGBT. Mặc dù ngày nay y học phát triển, con người làm chủ được “cuộc chơi”, nhưng không có gì là chuẩn, chính xác và trọn vẹn được 100% xác suất rủi ro chưa biết ập vào ai. Phi Yến nhớ lại, hơn 3 năm trước, khi vết thương phẫu thuật ngực lành lặn, sau đó “cô” chuyển sang phẫu thuật bộ phận kín ở một bệnh viện thuộc xứ chùa Vàng.
Sau ca phẫu thuật, “cô” còn “nửa mê nửa tỉnh”, bất chợt một số y tá, bác sỹ vội vã đẩy một bệnh nhân nằm trên băng ca được phủ vải trắng lên khắp người từ một phòng mổ khác đi ra. Phút chốc tiếng xe cấp cứu kêu inh ỏi trước sảnh bệnh viện… “Chứng kiến khoảnh khắc đó tôi không khỏi rùng mình. Mồ hôi vã như tắm, đôi tay lúc đó cố gắng đưa lên trên mặt sờ, lúc đó mới yên tâm ca phẫu thuật của mình bước đầu xem như thành công. Nghĩa là, giây phút đó mình tin mình không trở thành người thiên cổ như người bạn bất hạnh vừa rồi”, Yến chia sẻ. 
Còn theo Phi Phụng (21 tuổi, quê Đà Nẵng, đã phẫu thuật bộ phận kín, qua Thái Lan lần này để nâng ngực) cho rằng, nếu những ai đồng ý chuyển đổi giới tính thì phải chấp nhận sự rủi ro. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, có thể lúc mổ hay hậu phẫu từ bác sỹ gây ra, nhưng cũng có không ít sự cố xảy ra do chính bệnh nhân. “Lỗi những người sau chuyển đổi giới tính mắc phải nhiều nhất là trong thời gian nằm dưỡng thương. Thời gian này nếu không nghe lời bác sỹ mà cử động hay đi đứng không đúng cách là các vết khâu nứt toác, chảy máu, đứt chỉ… rất nguy hiểm đến tính mạng. Nhẹ thì phải phẫu thuật lại, nặng thì có thể biến dạng, thậm chí là tử vong”, Phi Phụng cho biết thêm.
Cũng theo Phi Phụng, từ sau cái chết của H. (quê Ninh Thuận) thì 3 năm trở lại đây, hầu hết những người xuất ngoại qua Thái Lan để chuyển giới đều thuê dịch vụ để phiên dịch, chăm sóc trọn gói… Bởi trước đó H. cùng người bạn theo chăm sóc đến một bệnh viện để thực hiện ca chuyển giới từ nam sang nữ. Ca phẫu thuật bước đầu thành công, nhưng do không biết tiếng Thái, còn vốn tiếng Anh thì ở mức vỡ lòng nên khi về khách sạn dưỡng thương, cả hai hiểu sai lời dặn của bác sỹ về việc dùng thuốc không đúng liều, mặt khác do cử động và nong cây (làm giãn bộ phận sinh dục để sau này quan hệ) không đúng cách khiến vết thương mới khâu bị bục chỉ, máu tuôn xối xả… Khi đưa tới bệnh viện thì H. không qua khỏi bởi xuất huyết và mất máu quá nhiều.

Long Nữ nằm trên giường bệnh.

Hợp đồng sinh - tử
Trở lại phòng chờ nơi Long Nữ đang phẫu thuật. Tại đây, chúng tôi cảm nhận trên gương mặt những người sắp bước vào phòng mổ đầy lo lắng. Mặc dù, họ không nói ra, nhưng ai cũng hiểu rằng họ rất sợ ca phẫu thuật không thành công, là coi như “thần chết gõ cửa”. Thoáng qua cánh cửa phòng phẫu thuật, chúng tôi không khó để nghe tiếng y tá, bác sỹ trấn an bệnh nhân. Tiếng la hoảng loạn của bệnh nhân cùng tiếng lách cách… của dao kéo khi va chạm vào da thịt. Âm thanh ám ảnh như chốn địa ngục.        
Ngồi cạnh chúng tôi, Diễm Hằng (23 tuổi, quê Nghệ An), một người bạn của Yến nói: “Mặc dù bản thân rất sợ khi đối mặt với “thần chết” trong ca phẫu thuật này, nhưng nếu có bất trắc nào xảy ra đi chăng nữa thì em cũng không bao giờ hối hận. Bởi khi đến đây em chấp nhận rủi ro nếu xảy ra, và em tự tay ký vào “hợp đồng sinh tử” cho số phận. Lúc làm thủ tục, em có yêu cầu bác sỹ rằng, nếu em có mệnh hệ nào trên bàn mổ đi chăng nữa, thì đội ngũ bác sỹ cũng phải hoàn thành xong ca phẫu thuật cho em… để khi về thế giới bên kia, bản thân em là một người phụ nữ trọn vẹn, không còn mang hình hài nào của đàn ông trên người nữa. Điều em ngại duy nhất là nếu ca phẫu thuật không thành công, mình vào cõi hư vô đã đành, nhưng người đời cười chê, mỉa mai… khiến gia đình phải gánh chịu”.         
Khoảng 3 đến 5 giờ nằm trong phòng phẫu thuật, Long Nữ được y tá đưa vào phòng hồi sức, ca mổ bước đầu thành công, những người đi cùng “thiếu nữ” này từ Việt Nam sang Bangkok bắt tay, ôm nhau cười, thậm chí có người khóc... vì trút được gánh nặng âu lo.

“Hết thuốc tê rồi, cắn răng chịu đựng đi. Đau về thể xác xem nó nhẹ tựa lông hồng đi, nó đâu có đau bằng sự giày vò về tinh thần mà mấy chục năm qua em phải mang hình hài của đàn ông trên người” 
Út Diễm

Tối hôm đó, tại khách sạn, tự tay Hoa Hạ nấu cháo rồi mang đến tận phòng hồi sức để bón từng thìa cho Long Nữ. Người yếu ớt sau ca mổ, cơn đau âm ỉ khiến “cô gái” có tên gọi giống như “cô cô” của anh hùng Dương Quá trong truyện kiếm hiệp Kim Dung chỉ nuốt vài ba thìa cháo trắng loãng rồi lắc đầu. Long Nữ nằm trên giường bệnh rên rỉ liên hồi, bởi như cô thều thào, hết cơn đau này trôi qua thì cơn đau khác lại ập đến.
“Thuốc tê tan hết rồi hay sao mà họ đau khiếp vậy” - chúng tôi hỏi, Hoa Hạ trả lời: “Phần lớn các ca phẫu thuật ở Thái đều là tiền mê, không gây mê bệnh nhân hoàn toàn, khiến họ có cảm giác nửa mê nửa tỉnh. Bởi bác sỹ không muốn đưa thuốc mê vào cơ thể những người chuyển giới quá nhiều, có thể để lại di chứng sau này”. Còn theo Yến cho biết, trong lúc phẫu thuật, bác sỹ mổ xẻ, làm gì… bệnh nhân không đau. Tuy nhiên, những người chuyển giới vẫn cảm nhận được từng vết cắt, đường kim, sợi chỉ may vào da thịt. Mỗi người có một cảm giác khác nhau, họ suy nghĩ gì thì viễn cảnh đó sẽ hiện ra trong lúc mê lúc tỉnh. Điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là khi tỉnh dậy thấy mình là… phụ nữ.  

Mọi sinh hoạt của người phẫu thuật luôn có sự chăm sóc của những người cùng cảnh ngộ.

Máu và nước mắt
Những ngày lưu lại Bangkok cùng những người sang chuyển đổi giới tính, chúng tôi phát giác và nhận ra rằng, tùy theo sức khỏe, thể trạng của mỗi người, người yếu, không người thân chăm sóc thì nằm lại bệnh viện vài ba ngày để đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc đặc biệt. Còn những bệnh nhân có sức khỏe tốt thì được người thân, bạn bè đưa về khách sạn dưỡng thương từ 15 – 20 ngày rồi về nước.
Do thể trạng yếu, Long Nữ phải nằm lại bệnh viện để bác sỹ dễ bề theo dõi. 5 ngày sau “cô” được xuất viện. Từ khi về khách sạn nằm dưỡng thương, Long Nữ khóc rất nhiều bởi những cơn đau từ những vết cắt, khâu ngày đêm giày vò. “Hết thuốc tê rồi, cắn răng chịu đựng đi. Đau về thể xác xem nó nhẹ tựa lông hồng đi, nó đâu có đau bằng sự giày vò về tinh thần mà mấy chục năm qua em phải mang hình hài của đàn ông trên người. Giờ mỹ mãn rồi, nín đi bé út à. Đừng kêu ca nữa, bình tĩnh đi”, Út Diễm (26 tuổi, quê Trà Vinh, chuyển giới từ nam sang nữ được 13 ngày), đang nằm dưỡng thương ở giường bên cạnh động viên.  
Chứng kiến cảnh đau đớn thể xác từ những người em, người bạn và cùng thân phận với mình, Hoa Hạ thốt lên: “Thật sự mà nói, sự đau đớn và ám ảnh nhất sau ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính là ở chỗ bác sỹ không sử dụng thuốc gây mê hoàn toàn, do đó, bệnh nhân có cảm giác lửng lơ, họ cảm nhận được hết những gì bác sỹ “cắt vá” trên cơ thể. Những giây phút lửng lơ trên bàn mổ đó đã khiến không ít người ám ảnh, mỗi khi nhắc lại họ chỉ biết lắc đầu và rùng mình”.  
(Còn nữa)

Những người chuyển giới vẫn cảm nhận được từng vết cắt, đường kim, sợi chỉ may vào da thịt. Mỗi người có một cảm giác khác nhau, họ suy nghĩ gì thì viễn cảnh đó sẽ hiện ra trong lúc mê lúc tỉnh. Điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là khi tỉnh dậy thấy mình là phụ nữ.  
Đình Đình

*
13:01 ngày 17 tháng 03 năm 2017
TP - Trong 1.001... nỗi đau về thể xác ở ca phẫu thuật chuyển giới của người đồng tính, thì việc đưa “gậy gỗ” vào bộ phận sinh dục nữ vừa mới tạo hình để nong thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng khiến họ đau đớn về thể xác lẫn tinh thần hơn bao giờ hết.

Bác sĩ Thep Vechavisit phẫu thuật thành công hàng ngàn ca chuyển đổi giới tính.

Đau đớn tột cùng về thể xác
Trước khi bước vào giai đoạn quyết định cho cuộc chuyển giới “tổng lực” quan trọng nhất, những người chuyển giới thường phẫu thuật các giai đoạn cơ bản như: Nâng mũi, độn cằm, căng da mặt, gọt xương gò má, xương vai… bước cuối cùng là tái tạo lại bộ phận sinh dục mới.
Tại nhiều nơi phẫu thuật chuyển giới trên đất Thái, chúng tôi đã tiếp xúc khá nhiều bác sỹ, y tá… giúp người chuyển giới hoàn thiện quá trình “lột xác”. Theo y tá R. đang làm việc tại một bệnh viện chuyển giới ở Bangkok thì, những người ở Việt Nam sang Thái “thay hình đổi dạng” phần lớn là chuyển từ nam sang nữ, rất ít bệnh nhân chuyển giới ngược lại. Và gần như các ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở xứ Chùa Vàng đều thành công, rất hiếm xảy ra sự cố hay tai nạn nghề nghiệp trong lĩnh vực này. Bởi Thái Lan là một trong những nước đi đầu trên thế giới về lĩnh vực y khoa này.
Trong vai người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, tiếp cận bác sỹ T., người từng đứng mổ hàng trăm ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính tiết lộ, quá trình cắt bỏ bộ phận sinh dục nam để tạo bộ phận sinh dục nữ rất phức tạp. Bác sỹ phải thật sự lành nghề, có kinh nghiệm nhiều năm đứng cầm dao phẫu thuật giới tính thành công thì bệnh nhân mới dám phó thác sinh mạng của mình để họ mổ xẻ. Thật sự mà nói, giai đoạn này người chuyển giới cảm nhận sự đau đớn tột cùng về thể xác, nhiều người sau khi lành lặn, họ không dám đối diện sự thật. Mỗi khi có người nhắc đến, hay hỏi về việc chuyển giới như thế nào, có đau hay không… họ chỉ biết trả lời bằng ròng ròng nước mắt.
Cũng theo bác sĩ T. quá trình chuyển giới được bắt đầu khi các bác sỹ tâm lý kiểm tra và thấy người đàn ông đó tự nguyện chuyển giới trở thành phụ nữ thật sự không. Tiếp đến, bác sĩ trực tiếp cầm dao, kéo trong ca phẫu thuật sẽ đánh giá bệnh nhân có đủ sức khỏe để trải qua quá trình “tìm lại chính mình” bằng máu và nước mắt hay không. Nếu bệnh nhân đáp ứng được những yêu cầu trên thì ký giấy tờ cam kết và... lên bàn mổ.
Vào phòng phẫu thuật, bước đầu đội ngũ y, bác sỹ đặt một ống thông tiểu vào niệu đạo của bệnh nhân để rút cạn nước tiểu. Sau đó, rạch vùng bìu, cắt bỏ tinh hoàn, dương vật, chỉ duy nhất niệu đạo (đường dẫn nước tiểu ra bên ngoài cơ thể giữ lại). Sau đó, các bác sĩ tạo hình cơ quan sinh dục nữ với hàng loạt các thủ thuật phức tạp, rất tỉ mỉ. Bác sỹ phải thật sự có chuyên môn giỏi, bởi công đoạn này liên quan đến việc quan hệ tình dục của bệnh nhân sau này, nó giúp người chuyển giới có được cảm giác như phụ nữ bình thường trong lúc quan hệ.

Gia đình xa lánh, họ ở cùng, chăm sóc nhau, xem như người thân trong nhà.

Mùi hôi…tra tấn      
Những ngày lưu lại và ghi nhận ở các khách sạn người đồng giới thuê phòng nằm dưỡng thương, gần như chúng tôi cảm nhận trọn vẹn nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần của họ sau khi sang Thái chuyển đổi giới tính. Nhớ ngày nào gặp và trở thành bằng hữu với Minh Hằng, lúc đó “cô” còn là cậu nhạc công với cái tên Phi Hùng rất mạnh mẽ, hay biểu diễn ở các quán bar thuộc trung tâm Sài thành. Ngày đó, Phi Hùng nam tính chừng nào thì nay trở nên yếu đuối, phút chốc trở thành một cô Minh Hằng “chân yếu tay mềm”, nằm trên giường bệnh rên rỉ liên hồi bởi những cơn đau hành hạ sau phẫu thuật. 
Nhớ ngày nào gặp và trở thành bằng hữu với Minh Hằng, lúc đó “cô” còn là cậu nhạc công với cái tên Phi Hùng rất mạnh mẽ, hay biểu diễn ở các quán bar thuộc trung tâm Sài thành. Ngày đó, Phi Hùng nam tính chừng nào thì nay trở nên yếu đuối, phút chốc trở thành một cô Minh Hằng “chân yếu tay mềm”.
Hớp miếng cháo loãng lót dạ, Minh Hằng thều thào: “Lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới cảm nhận hết được cơn đau xé da xé thịt như thế này. Từ khi thuốc tê tan hết là các cơn đau buốt ập đến, vết mổ khô đi những vùng da non ngứa ngáy mà mình cũng không dám gãi. Chỉ cần đụng nhẹ vào là đã đủ đau đến chảy nước mắt”. Vừa nói, Minh Hằng vừa lấy hai chiếc khẩu trang y tế đeo lên mặt.
Hơn một tuần gần như sinh hoạt cùng những người Việt sang Thái phẫu thuật chuyển giới, chúng tôi không thể quen với mùi xú khí từ chính những người đang dưỡng thương. Khoảng ba ngày sau khi mổ, những mảng da chết còn sót bắt đầu khô bên ngoài, nhưng bên trong thì luôn ứ mủ, còn các vết khâu âm ỉ chảy nước dịch màu vàng… khiến các căn phòng luôn nồng nặc mùi tanh xộc lên tận óc. Để hạn chế mùi hôi, nhiều người phải bó tã em bé cả ngày. Mỗi khi thay tã, khắp căn phòng ngập mùi khó gọi thành tên ấy.

Tột đỉnh đớn đau
Khoảng 8 giờ sáng và 16 giờ chiều mỗi ngày, những người lưu trú tại khách sạn Gon-dinh-lin, thủ đô Bangkok không xa lạ với những tiếng rên rỉ, khóc la đau đớn của những người vừa chuyển đổi giới tính đang được những người bạn của mình dùng gậy gỗ cho vào vùng kín để nong. Theo chân xuyên suốt hành trình tìm lại bản thân của người đồng tính, chúng tôi không khó để nhận ra rằng, trong 1.001... nỗi đau kinh khủng về thể xác ở ca phẫu thuật chuyển giới của người đồng tính, thì việc đưa gậy gỗ vào bộ phận sinh dục để nong cho thông khiến họ đau đớn gấp trăm ngàn lần những ca phẫu thuật khác.  
Theo ghi nhận, những người chuyển giới nằm dưỡng thương ở khách sạn 3 ngày là trở lại bệnh viện cho bác sỹ rửa vết thương; 2 ngày sau cắt chỉ và bắt đầu thực hiện việc nong cây; 7 ngày cắt dây kẽm dùng để tạo hình bộ phận sinh dục nữ; 10 ngày cắt chỉ bên trong; 14 ngày làm vệ sinh tổng thể. Việc nong theo ba chặng, bằng ba khúc gỗ có kích thước từ 8-20 cm. Người nong phải hết sức tỉ mỉ, nhẹ nhàng, nếu sai qui trình sẽ ảnh hưởng đến đời sống tình dục của người chuyển giới sau này, hay thậm chí đe dọa tính mạng khi còn đang trong thời kỳ dưỡng thương.

Hoa Hạ (phải) mỗi ngày 2 lần thực hiện việc nong cây cho những “chiến hữu” của mình.

Tại khách sạn, Hoa Hạ là người trực tiếp nong cây cho những người bạn của mình. “Cô” nói: “Nỗi đau nong cây sẽ ám ảnh suốt đời đối với người chuyển giới. Bởi vết thương khi chưa kịp lành, nhưng mỗi ngày đều phải dùng một vật cứng để nong, mục đích để tạo nên một lỗ rỗng dài, không cho da thịt khép lại. Mặc dù, vết thương còn rỉ máu, nhưng ngày nào vật cứng ấy cũng được đưa vào rồi chà đi chà lại khiến nhiều người đau đớn như chết đi sống lại. Nhưng khi nghĩ mình sắp trở thành con gái, trở về với con người thật của mình thật sự thì họ cắn răng chịu đựng để vượt qua”.
Tại khách sạn Gon-dinh-lin, kể lại hành trình bản thân mình từng phẫu thuật chuyển giới và nong cây, Khởi My (23 tuổi, ngụ quận 5) rùng mình nói: “Những cơn đau sau mổ tạo hình bộ phận sinh dục chẳng thấm vào đâu so với việc nong cây. Thời gian đó tôi như người vô hồn, mỗi khi thấy bác sỹ, những người bạn của mình cho vật đó vào thân thể chẳng khác gì cực hình tra tấn. Nhiều lúc đau đớn, quá sức chịu đựng, tôi van xin bác sỹ chích thuốc giảm đau, nhưng họ can ngăn bởi không nên lạm dụng thứ thuốc “an thần” ấy”.      
(Còn nữa)

Để được làm người, những thân phận “hồn cô xác cậu” đã phải bước qua lộ trình lột xác khủng khiếp như thế. Họ chấp nhận tốn kém, chấp nhận những đớn đau về thể xác tột cùng, chấp nhận giảm tuổi thọ chỉ mong được tìm lại còn người thật của chính mình, dù đó là hành trình… kinh hoàng!
Đình Đình

*
15:11 ngày 18 tháng 03 năm 2017
TP - Những người LGBT mong rằng, Nhà nước công nhận giới tính thật của họ, cho phép họ thay đổi giới tính trên giấy tờ... Đây là những quyền lợi mà cộng đồng người chuyển giới khát khao được xã hội nhìn nhận, pháp luật cho phép.

Gập ghềnh
Ca sĩ Lâm Chi Khanh (tên thật Lâm Chí Khanh), người từng khiến báo chí tốn không ít giấy mực sau ca phẫu thuật giới tính ở Thái Lan cho rằng, dù đã phẫu thuật chuyển giới nhưng giấy tờ tùy thân của cô vẫn mang giới tính nam. Điều này khiến bản thân cô gặp nhiều trở ngại trong các thủ tục hành chính. “Nếu luật cho phép chuyển giới tính điều đầu tiên tôi làm là đổi hoàn toàn giấy tờ cho đúng giới tính mà mình mong ước. Việc này giúp tôi được sống thoải mái hơn, nhất là khi tiến đến hôn nhân”, Lâm Chi Khanh nói.

Ca sỹ Lâm Chi Khanh “lột xác” thành mỹ nhân sau ca phẫu thuật chuyển giới.

Tại một hội thảo xoay quanh cuộc sống của người LGBT ở TPHCM vừa qua, rất nhiều người trong cộng đồng này mạnh dạn chia sẻ về những nỗi trăn trở mà họ phải gánh chịu. Anh Bùi Công Hoàng (30 tuổi, quê Tiền Giang, hiện đã chuyển giới sang nữ) chia sẻ: “Những rào cản người đồng giới thường hay bắt gặp là từ phía gia đình, xã hội và pháp luật. Năm tôi học cấp 2, gia đình phát hiện giới tính thật của tôi và từ đó bố đẻ tôi cứ rượu vào là trút đòn roi lên đầu đứa con vô tội. Và ông ấy chỉ dừng lại việc “trừng phạt” là mỗi khi tôi được mẹ, hàng xóm…đưa vào bệnh viện để cấp cứu”.

Vượt qua đủ thứ nghịch cảnh và sự miệt thị của người đời lẫn người thân, rồi em cũng tốt nghiệp đại học ngành kinh tế. Ra trường, cố ém thân phận, em đi làm cho nhiều doanh nghiệp nhưng đi đâu cũng bị người ta nhìn mình như quái thai. Chịu đời không xiết, không đủ bản lĩnh chống chọi, em bung ra ngoài, rồi em lầy luôn… 
Tóc Tiên

Cũng theo Hoàng, những người chuyển giới hiện gặp quá nhiều trở ngại, nhiêu khê. Khó khăn khi đi thay đổi các giấy tờ tùy thân, họ luôn vấp phải quá nhiều thủ tục và sự kỳ thị không ít từ những cán bộ hộ tịch làm giấy tờ cho mình: “Suy cho cùng, những cán bộ hộ tịch cũng có cái khó của họ. Mình ban đầu là đàn ông, lột xác thì thành phụ nữ, giờ chuyển thủ tục hành chính từ đàn ông sang phụ nữ, họ đâu có chịu. Nên phẫu thuật chuyển giới rồi, đó chỉ là bước đầu để hành trình làm kiếp người đúng nghĩa thôi. Muốn làm nữ đúng nghĩa, ngoài thể xác, còn phải có giấy tờ tùy thân. Nhưng để có giấy tờ tùy thân, mình phải thay đổi họ tên, chứng minh thư, hộ khẩu, tài khoản… chất chồng…lắm!”.
Với Nguyễn Thái Hải (26 tuổi, nghệ danh Tóc Tiên) là nạn nhân điển hình của sự kỳ thị đến cùng cực: “Em ý thức thân phận của mình từ nhỏ. Em không muốn mình như nhiều người đồng tính khác là phải bán mình cho những cuộc vui thân xác hay hát đám ma…nên quyết tâm theo đuổi việc học.
 Vượt qua đủ thứ nghịch cảnh và sự miệt thị của người đời lẫn người thân, rồi em cũng tốt nghiệp đại học ngành kinh tế. Ra trường, cố ém thân phận, em đi làm cho nhiều doanh nghiệp nhưng đi đâu cũng bị người ta nhìn mình như quái thai. 
Chịu đời không xiết, không đủ bản lĩnh chống chọi, em bung ra ngoài, rồi em lầy luôn… Từ đó em cũng hát đám ma, cũng chịu cho người ta lột đồ, cũng đi khách… để mong có đủ tiền chuyển đổi giới tính thật, để mình được là chính mình, để người ta không còn xem mình là quái vật nữa”, Tóc Tiên ngậm ngùi.

Hoa hậu Hy Sa B đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Miss International Queen 2016 tại Thái Lan.

Công nhận - lúc nào?
Vừa qua, hội thảo mang tên “Định hướng xây dựng luật chuyển đổi giới tính” được tổ chức tại Huế do Vụ Pháp chế của Bộ Y tế phối hợp với Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường, Trung tâm ICS - Tổ chức Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Tại đây, hoa hậu chuyển giới đầu tiên của Việt Nam Hy Sa B. cho rằng, những quy định trong việc sử dụng hoóc - môn giới tính hiện nay chưa rõ ràng. Ở Việt Nam người chuyển giới đang phải tự mua và tự sử dụng chứ không một đơn vị nào đứng ra giám sát, hướng dẫn. Hoóc - môn mua trôi nổi trên mạng, có xuất xứ từ Thái Lan. Do nguồn cung không ổn định và chất lượng không được giám sát nên thường bị các tay bán hàng nâng giá trên trời và hậu quả khó lường.
Nhận xét về những hệ lụy sau khi phẫu thuật đến cuộc sống thường ngày của những người đã chuyển giới, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế) cho biết: “Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có. 
Những người này cơ thể sinh học là nam hoặc nữ, nhưng trong suy nghĩ và hành động thì ngược lại. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khi chuyển giới, chấp nhận liệu trình sử dụng hoóc - môn hằng ngày, người chuyển giới đã tự tước đi 20 năm tuổi thọ của mình. Ngoài ra, có rất nhiều thiệt thòi khác tác động trực tiếp đến người chuyển giới nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình. Việc thu thập số liệu người chuyển giới gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội khiến họ không thể hiện hoặc không công khai giới tính mong muốn của mình”.

LGBT ở Việt Nam rất khó khăn trong việc mua thuốc, hoóc - môn liên quan việc chuyển giới.

Bà Lương Bích Ngọc (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) nhận định: Những định kiến về người chuyển giới đang đẩy họ trở nên bất lực khi đi tìm việc làm. Thậm chí, có người xin được công việc tạm thời như phục vụ quán ăn, doanh nghiệp tư nhân… nhưng sau một thời gian ngắn phải nghỉ việc vì thái độ phân biệt đối xử và bất công nơi làm việc. 

“Tại Việt Nam, những người chuyển giới đang phải chấp nhận “cái chết giả”, vì họ vẫn đang sống nhưng giấy tờ cá nhân thì đang chống lại chính họ. Lấy gì để chứng minh được tên tuổi, bằng cấp trên giấy tờ là của chính họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước”. 
Bà Lương Bích Ngọc (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường)

Người chuyển giới thường có nhu cầu làm việc ở các ngành nghề dịch vụ, làm đẹp, biểu diễn... nhưng do từ gia đình chưa nhận thức đúng và đủ nên họ ít được gia đình đầu tư cho việc học hành và phát triển nghề nghiệp. Và sự kỳ thị trong nhà trường cũng khiến họ khó theo đến cùng việc học.
Chính việc thiếu nền tảng hỗ trợ từ gia đình, không có bằng cấp chứng nhận nên cơ hội việc làm của họ càng trở nên mong manh hơn.
“Tại Việt Nam, những người chuyển giới đang phải chấp nhận “cái chết giả”, vì họ vẫn đang sống nhưng giấy tờ cá nhân thì đang “chống” lại chính họ. “Lấy gì để chứng minh được tên tuổi, bằng cấp trên giấy tờ là của chính họ trong khi khuôn mặt, giới tính đã không còn như trước”, bà Ngọc cho biết thêm.
Còn Tiến sỹ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), chuyên gia về gia đình và giới tính, nhận định: “Điều quan trọng nhất đối với người chuyển giới là phải thay đổi nhận thức xã hội. Tức là xã hội cần phải thừa nhận rằng, họ có quyền tồn tại hiển nhiên như tất cả những người không chuyển giới và hoàn toàn bình đẳng với tất cả mọi người. 
Người chuyển giới không có lỗi, nhưng cách mà xã hội chúng ta đang đối xử với họ như nhiều người hiện nay vô hình trung đẩy họ ra rìa cuộc sống”. Cũng theo Tiến sỹ Hồng, xây dựng nền tảng pháp lý mới chỉ là viên gạch nền cho việc xây dựng rất nhiều giải pháp tiếp theo để thay đổi nhận thức của xã hội về người chuyển giới, đi đến nhận thức đúng và có thái độ đúng đắn trong ứng xử với người chuyển giới.
Được biết, hiện trên thế giới đã có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên hồ sơ pháp lý, kể cả một số nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản… Do đó, để đề cao quyền con người, đượm tính nhân văn, Việt Nam cũng hướng tới bảo đảm sự công bằng, hợp pháp cho cộng đồng LGBT.

Đình Đình - Quốc Định




No comments:

Post a Comment