Saturday, March 18, 2017

ĐẾ CHẾ NGẦM TRÊN MẠNG, THẾ LỰC GIÚP TRUMP CHIẾN THẮNG (Trọng Thành - RFI Điểm Báo)




Đăng ngày 18-03-2017 

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến vòng một bầu cử tổng thống Pháp. Hơi nóng bầu cử tràn ngập các tuần báo. L’Obs có hồ sơ chính cảnh báo : « Nếu Le Pen đắc cử, 100 ngày đen tối đầu tiên … ». Tuần san Le Courrier International : « Macron, một bí ẩn của nước Pháp ». L’Express nhìn sang nước Mỹ những tuần đầu dưới chính quyền Trum, để truyền đi một thông điệp có phần lạc quan : « Trump bị hâm. Nhưng nước Mỹ đang chữa trị cho ông ta… ». Trước hết xin giới thiệu bài : « Robert Mercer, cỗ máy giúp Donald Trump chiến thắng » trên báo Anh The Observer, được Le Courrier International dịch lại.

Steve Bannon ( trái), người được coi đã đóng vai trò lớn giúp Donald Trump thắng cử tổng thống. Ảnh chụp ngày 17/03/2017 trong cuộc họp báo chung giữa tổng thống Trump và thủ tước Đức Merkel tại Nhà Trắng.REUTERS/Jim Bourg

Về những trợ thủ giúp Donald Trump đắc cử, có một nhân vật ít được nhắc tới. Tỉ phú Robert Mercer, thân cận với cố vấn chiến lược Steve Bannon, chính là người điều hành cả « một đế chế tuyên truyền thực thụ trên mạng internet ».

Robert Mercer vốn là một nhà tin học xuất sắc, từng khởi nghiệp tại công ty IBM, và đã có nhiều đóng góp được đánh giá là « cách mạng » cho ngành trí tuệ nhân tạo, trước khi trở thành người sử dụng các thuật toán để đầu cơ trên các thị trường tài chính. Theo The Observer, chỉ riêng Medallion – quỹ đầu tư mạo hiểm được đánh giá là sinh lời nhiều nhất trong lịch sử - đã mang lại 55 tỉ đô la.

Robert Mercer không chỉ là người đóng góp tài chính lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Điều chủ yếu mà nhà báo điều tra Carold Cadwalladr của The Oberver tìm cách làm sáng tỏ trong phóng sự này : Mercer là nhân vật đứng đằng sau một hệ thống mới được lập ra nhằm triệt hạ các phương tiện truyền thông dòng chính hiện có, với các thủ đoạn sẵn sàng đổi trắng, thay đen, ngấm ngầm tác động đến tình cảm của hàng chục triệu cử tri Mỹ, nhằm thay đổi lựa chọn chính trị của họ.

Ba trụ cột của đế chế Mercer
Đế chế truyền thông mạng của tỉ phú Robert Mercer và cố vấn Steve Bannon bao gồm ba cơ sở chính. Thứ nhất là trang mạng chính trị Breibart của nhà báo cực hữu Andrew Breibart (qua đời năm 2012). Breibart là trang mạng đứng thứ 29 trong số 30 trang được truy cập hàng đầu của nước Mỹ. Là trang mạng chính trị số một của Facebook và Twitter.
Địa chỉ số hai của đế chế này là một doanh nghiệp phân tích dữ liệu ít người để ý, mang tên Cambridge Analytica. Doanh nghiệp này tự hào khẳng định có đủ thông tin về 220 triệu dân Mỹ. Dựa trên 5.000 loại dữ liệu khác nhau, công ty phân tích dữ liệu tự tin nắm được tâm lý của các cá nhân, để tìm cách gây ảnh hưởng. Cambrige Analytica bị tố cáo từng hoạt động ráo riết nhằm tác động đến cuộc trưng cầu dân ý về quyết định Anh Quốc rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu.
Cơ sở thứ ba của đế chế tuyên truyền của Robert Mercer và Steve Banon là GAI/Government Accountability Institute. Mục tiêu của cơ sở này là xây dựng nền tảng cho các phương tiện truyền thông thay thế cho các phương tiện dòng chính hiện nay, với đầu tư ưu tiên cho loại hình « báo chí điều tra dài hơi ». GAI tìm kiếm các nguồn thông tin hiếm có, để phục vụ cho việc ra đời những cuốn sách dày dặn về dữ liệu, tạo đòn sấm sét hạ gục các đối thủ chính trị. Một sản phẩm tiêu biểu của GAI là cuốn « Clinton Cash » (Tiền của Clinton), tấn công vào cựu ngoại trưởng Hillary Clinton. Khi được tung ra, sách đã làm đảo lộn sự chú ý của công chúng.


Trong số ba cơ sở của đế chế Mercer, báo The Observer đặc biệt chú ý đến Cambridge Analytica và liên hệ của nó với quỹ đầu tư Renaissance Technologies. Một chuyên gia tin học từng quen biết Robert Mercer trong những năm 1980, khi ông ta còn làm việc tại IBM, phỏng đoán là nhà tỉ phú tương lai đã có ý định ứng dụng « các khả năng tin học xuất sắc được ứng dụng trong ngành tài chính » (với các mô hình dự báo kinh tế) sang một lĩnh vực hoàn toàn khác : đó là ảnh hưởng đến các quyết định bầu cử của cử tri, trên cơ sở khai thác khối dữ liệu rất phong phú về các cá nhân trên mạng, như Twitter, Facebook, Google...
Tác giả bài báo đưa ra một kết luận lạnh gáy : với tốc độ tuyên truyền, tác động tâm lý công chúng như hiện nay, thời kỳ mà các thông tin nghiêm túc bị đông đảo công chúng coi là « các tin giả/fake news » chắc không còn xa !...

*
*
Le Pen trở thành tổng thống Pháp : 100 ngày giả tưởng
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến vòng một bầu cử tổng thống Pháp. Viễn cảnh lãnh đạo đảng Mặt Trận Quốc Gia – FN giành chiến thắng, tuy không lớn, nhưng đây là điều mà giờ đây ít ai có thể « loại trừ hoàn toàn ». Tuần báo Le Nouvel Observateur mường tượng : « Nếu bà Le Pen đắc cử, kịch bản 100 ngày đen tối đầu tiên ở điện Elysée ».
L’Obs cho biết, kịch bản nói trên dựa chủ yếu vào các cam kết tranh cử của bà Marine Le Pen, cũng như quan điểm của những người thân cận, nhưng được thảo ra dưới dạng chuyện kể.
Sau vài ngày bàng hoàng, khắp nơi trên nước Pháp là không khí « Kháng chiến ». Người ta chuẩn bị cho các cuộc tuần hành lớn tại Paris, Lyon, Marseilles…, vào ngày chuyển giao quyền tổng thống 15/05. Nhiều người cánh tả và cánh hữu, vốn là đối thủ, nay sát cánh kề vai.
Tân tổng thống FN đoán trước sẽ không có được đa số tuyệt đối tại Quốc Hội trong cuộc bầu cử tháng 6, nên chuẩn bị cho việc điều hành đất nước bằng con đường trưng cầu dân ý. Mục tiêu của Le Pen là ngay từ phiên họp hội đồng bộ trưởng ngày 22/06, sẽ đưa các đề nghị sửa đổi Hiến pháp ra trưng cầu dân ý. Chính trị gia cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Dupont-Aignan được cử làm thủ tướng. « Đảo chính bằng trưng cầu dân ý » là điều báo chí tố cáo.
Một trong những quyết định đầu tiên của tân chính quyền là tái lập kiểm soát biên giới. Trên khắp nước Pháp, lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu bị phế bỏ. Hàng loạt cam kết về miễn giảm thuế được thực hiện, cho dù không biết lấy tiền ở đâu để bù đắp.
Áp lực Pháp rời Liên Hiệp Châu Âu buộc chính phủ Đức phải tìm giải pháp nhượng bộ. Trong khi đó, kết quả trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp đầu tháng 7 có lợi cho tổng thống Le Pen. Không khí chống Hồi Giáo trỗi dậy. Nước Pháp của Le Pen công nhận chủ quyền của nước Nga Putin đối với bán đảo Crimée…

Sự trỗi dậy của Macron : Bí ẩn Pháp
Cũng về tranh cử tổng thống Pháp, nhưng Le Courrier International chú ý đến hiện tượng « Macron, một bí ẩn của nước Pháp ». Tuần san nhận xét : « Tình trạng suy tàn của giới chính trị Pháp đã mở ra cả một chân trời rộng lớn cho cựu bộ trưởng Kinh Tế ». Le Courrier International dẫn lại hàng loạt bình luận từ báo chí Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Nga.
The New York Times nhận định : «người thanh niên Macron đã khéo léo len chân vào kẽ hở », mở ra sau khi hai đảng lớn tự hạ uy tín của mình, đảng cánh hữu với « nghi án tham nhũng » của Fillon, đảng cánh tả với « dự án không tưởng » của Hamon. Cựu bộ trưởng Kinh Tế Macron giờ đây trở thành người có khả năng lọt vào vòng hai, và giành chiến thắng trước Marine Le Pen. Tuy nhiên, tờ báo Mỹ tỏ ra hết sức nghi ngờ về đường lối không tả, không hữu của Macron.
Báo El Pais cũng cùng nhận định : « Con kỳ nhông đã tìm thấy kẽ hở », nhưng tờ báo Tây Ban Nha cũng thừa nhận Marcon là « hiện thân cho một nền cộng hòa mới », « không cổ vũ cho một chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa yêu nước cuồng tín, mà một nhà nước thế tục và sự gắn bó với châu Âu ».
Các phương tiện truyền thông Ý và Nga được trích dẫn đều thiên về lên án Macron, chỉ riêng nhật báo thiên hữu Die Welt (Đức) hết lời ca ngợi : « Giữa tả và hữu : một định hướng đúng ». Die Welt bảo vệ ứng cử viên 39 tuổi : « chương trình của Macron giống với một nỗ lực tổng hợp những sáng kiến tốt nhất của châu Âu », « ông đã mang lại lòng yêu thích chính trị đối với nhiều người Pháp đã quá ghê tởm giới chính trị hiện nay ».
Die Welt đặt câu hỏi : « Phải chăng, giống như (cựu thủ tướng Anh) Tony Blair, Macron sẽ là người tạo ra một ‘‘con đường thứ ba’’ cho nước Pháp ? ». Macron hy vọng một « khế ước xã hội mới », xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, như tổng thống Mỹ Kennedy từng nói : đừng hỏi đất nước phải làm gì cho bạn…
Liệu nước Pháp, với phong trào Tiến bước/En March của Macron, sẽ trở thành một đầu tầu của châu Âu và cùng với nước Đức thúc đẩy Liên Âu tiến lên ? Quá đẹp để có thể tin là sự thật ! Die Welt dự đoán, trừ khi mắc một « sai lầm nghiêm trọng », ứng cử viên Macron sẽ bình yên thẳng tiến đến điện Elysée.

*
*
Friedman : « Cảm ơn bạn đã đến trễ ! »
Trong lúc các báo tập trung vào bầu cử và chính trường, Le Point nhìn sang hướng khác. Chủ đề chính của Le Point là « Trí tuệ nhân tạo. Làm thế nào để tranh thủ được thế giới mới này ». Tuần báo có bài phỏng vấn nhà báo Mỹ Thomas Friedman, người ba lần đoạt giải Pulitzer, nhân dịp dịch phẩm cuốn « Thank you for being late/Cảm ơn bạn đã đến trễ » ra mắt tại Pháp. Friedman cũng là tác giả « Thế giới phẳng », cuốn sách được nhiều độc giả Việt Nam hâm mộ.
Cuốn « Cảm ơn bạn đã đến trễ » vạch ra ba động lực đang làm tăng tốc thế giới chúng ta hiện nay. Đó là toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và công nghệ. Theo tác giả, một trong những thách thức lớn của thế giới hiện nay là tốc độ biến đổi công nghệ nhanh chóng, vượt khả năng học tập, thích nghi của con người. Chu kỳ công nghệ đổi mới là từ 5 đến 7 năm, trong khi con người phải mất 10 đến 15 năm để thích ứng.
Về mặt địa chính trị, sau thời kỳ « ổn định » do Chiến tranh Lạnh, bối cảnh thế giới hiện nay, với biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, cạnh tranh kinh tế… khiến hàng loạt quốc gia « yếu » đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Nhà báo Friedman đặc biệt lưu ý đến một giải pháp có thể là lối thoát đối với nhiều xã hội. Đó là các cộng đồng lành mạnh, tự tổ chức, sẽ là mô hình quản trị của thế kỷ XXI, thay vì Nhà nước. Cụ thể như thành phố Minneapolis, quê hương ông, nơi chỉ có 2,9% dân thất nghiệp.
Bí quyết : Địa phương này đã tạo được một đời sống tập thể năng động, các doanh nghiệp có hợp đồng đối tác với hệ thống giáo dục, cho phép thích nghi nhanh chóng với các nhu cầu việc làm mới. Các tổ chức thiện nguyện và chính quyền thì có các biện pháp hỗ trợ phù hợp.
« Cảm ơn bạn đến trễ », như tên gọi của nó, là cuốn sách mời gọi sống chậm, sống cùng chiêm nghiệm, suy tư. Tâm sự cuối cùng của Friedman trong cuộc phỏng vấn là : trong kỷ nguyên tăng tốc mà chúng ta sống hiện nay, điều quan trọng là « trở về với những gì không thể tải được từ mạng xuống : đó là quan hệ con người, khả năng nối kết các quan hệ sâu sắc với người khác. Tóm lại, những gì làm chúng ta khác với máy ».
Cũng trong số báo này của Le Point có bài « Người dạy máy suy nghĩ », giới thiệu về chuyên gia Pháp Yann Le Cun, người lãnh đạo phòng thực nghiệm trí tuệ nhân tạo của Facebook.  Le Point lo lắng cho sự chậm trễ của nước Pháp trong lĩnh vực tin học.

*
*
« Pilgrim » : Thơ của những người vô gia cư
Trong lĩnh vực văn hóa, mục 360° của Le Courrier International tuần này dành nhiều trang giới thiệu về một tạp chí đặc biệt. « Pilgrim » (Người hành hương), do một nhà báo ở Boston, Hoa Kỳ, sáng lập, hướng tới những người vô gia cư.
Ra đời vào năm khủng hoảng 2011, Pilgrim là nơi những con người khốn cùng có cơ hội thả hồn thơ. Từ đó đến nay, Tạp chí Người hành hương đã ra được hơn 40 số.

*
*
Người siêu giàu bỏ mặc thế giới
Cũng về tương lai của nhân loại, L’Obs có bài « Những người siêu giàu bỏ rơi thế giới chúng ta ». Nhà triết học Pháp Bruno Latour đưa ra « một giả thuyết triệt để ». Đó là « các tầng lớp thống trị xã hội hiện nay ý thức được hiểm họa sinh thái, nhưng họ giữ yên lặng. Bởi họ muốn xây dựng một tương lai bên ngoài cộng đồng xã hội ».
Trái ngược với việc dùng danh xưng « chủ nghĩa dân túy » để lên án một số thế lực, nhà triết học Pháp cho rằng nhiều người đã lợi dụng việc lên án này để « tránh phải đối diện với những lý do (thực sự) khiến con người ngờ vực lẫn nhau ». Theo ông, « nhân danh toàn cầu hóa, người ta đã bị yêu cầu phải hy sinh nhiều thứ, phải từ bỏ nhiều bảo trợ, để đổi lấy những lợi ích không bao giờ có được ».
Bênh vực người yếu thế, nhưng nhà triết học Pháp cũng đồng thời ủng hộ dự án châu Âu. Vấn đề là một châu Âu được xây dựng dựa trên chính tiềm năng sức mạnh của mình, như điều mà cộng đồng châu Âu than và thép đã từng thành công nửa cuối thế kỷ XX. Hình ảnh về « một tổ quốc châu Âu » vượt qua chủ nghĩa quốc gia là điều mà nhiều người châu Âu đã từng trải qua. Và đây là điều cần được tiếp nối.
Nhà triết học và xã hội học Bruno Latour, nổi tiếng tại Hoa Kỳ hơn là tại Pháp, là tác giả về khoa học nhân văn được trích dẫn đứng hàng thứ 10 trên thế giới (trên ông tổ phân tâm học Freud và sau nhà xã hội học Max Weber), theo tạp chí « Times Higher Education ».




No comments:

Post a Comment