Thursday, March 23, 2017

CON BÒ HÀ LAN (Vũ Thư Hiên)




23/03/2017

Trại Nhân Hậu sắp có một con bò Hà Lan!
Tin này, có vẻ không dính dáng gì đến cuộc sống của những người tù, nhưng lại rất gợi tò mò, do trung úy Bân, biệt danh “Bân mẹ chồng”, phát ra. Con người thấp bé, mặt mũi cau có, có một ưu điểm nổi bật trong đám quản giáo: đã nói là không xạo. Mà “Bân mẹ chồng” chỉ báo cho mấy đồ đệ tự giác thôi, cho nên nó có dáng tin mật, tin nội bộ. Thứ tin này, trong cảnh đời tù nhàm chán, quan trọng hay không quan trọng chưa biết, lập tức được tù truyền tai nhau. Nhưng rồi nó tắt ngấm như bất cứ tin nào không mau chóng trở thành hiện thực. Người ta sắp quên hẳn nó thì trung uý Thuỳ, phó giám thị, lại cho nó sống dậy bằng một thông báo đột ngột trên loa phóng thanh vào một buổi sáng, trịnh trọng như thể thông báo về một đợt xét tha.
Rằng: Nhân Hậu đã được trên phân cho một-con-bò-Hà-Lan.
Một tiếng ồ kéo dài trên sân trại trong buổi điểm danh trước giờ lao động.
Mà ngạc nhiên là phải: có gì lạ, nếu trại sẽ có thêm một con bò trong số bò hiện có? Con bò là con bò, cho dù có là bò Tây, bò Tàu, bò Pháp hay bò Thổ Nhĩ Kỳ. Ắt phải có cái gì đó quan trọng lắm đi kèm với nó. Không thì người ta thông báo cho tù biết làm gì? Có mà rỗi hơi.
Nhưng đây là một con bò khác thường – một-con-bò-Hà-Lan.
Những nhà bình luận thời sự, bao giờ cũng có mặt, và bao giờ cũng rất sẵn, ở bất cứ trại giam nào, đặt ra nhiều dự đoán và nhiều câu hỏi. Có khả năng đây là sự khởi đầu cho sự chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang chăn nuôi? Các đội màu đội lúa sẽ giải tán? Như vậy sẽ tốt lên hay xấu đi cho cuộc sống của người tù?
Bất luận thế nào, nó vẫn là một sự kiện đặc biệt, một sự kiện tầm cỡ. Chẳng thế mà tất cả các quan chức trại: từ Ban giám thị cho tới các quản giáo, các “bộ đội”(1), vốn lầm lì, kênh kiệu là thế, trong một ngày bỗng biến thành những con người vui vẻ, hồ hởi, như thể người của nước Phật.
Thấy Ban giám thị vui thì tù, được lịch sự gọi là trại viên, cũng vui theo. Không thể nào không vui được khi thấy những bộ mặt thường xuyên quàu quạu, bỗng hơn hớn lên với những nụ cười tươi tắn. Ở cái chốn “trâu gõ mõ, chó leo thang, mèo làm chủ tịch (2)”, xa cách những thị tứ nhỏ bé nhất của miền núi, cái sự kiện ít nhiều vui vẻ này làm cho hai loại người rất cách biệt nhau – người coi tù và người ở tù – bỗng thấy trong họ vẫn còn tồn tại một cái gì chung.
Các ông quản giáo, sau khi được Ban giám thị giải thích, hào hứng giải thích lại cho tù nhân trong các đội dưới quyền. Rằng: sở dĩ Ban vui mừng báo cho toàn trại tin này là có ý nghĩa đấy. Con bò trại ta sắp được nhận, trước hết, và quan trọng hơn hết, là thứ bò đặc biệt, hoàn toàn không phải bò thường. Nó là bò Hà Lan gốc, tức thị thuộc giống bò tốt nhất thế giới, không còn giống nào tốt hơn. Rằng: đây là quà của Bác Phi Đen Cát Tơ Rô tặng Bác Hồ. Các vị lãnh tụ đã tặng quà nhau thì quà tặng phải đâu ra đó, giá trị phải rất giá trị, ý nghĩa phải ra ý nghĩa. Những con gửi tặng là những con được chọn lọc rất cẩn thận trong đàn bò nước bạn. Mà cũng chỉ có năm đôi cho toàn ngành nông nghiệp nước ta thôi đấy, đừng có tưởng bở. Giống Hà Lan thuần chủng giờ hiếm lắm.
Bác Hồ cân nhắc kỹ rồi mới quyết định cho Cục Quản lý Trại giam một đôi. Đó là sự khích lệ thành quả cải tạo tư tưởng bằng lao động cho các công dân mất nết mà ngành Công an đã thực hiện trong hai kế hoạch năm năm. Nhân Hậu được Cục xét cho một con, con kia Cục phân cho Nhân Hoà, là hai trại xuất sắc trong toàn Cục. Ta được con đực. Nhân Hoà được con cái. Rồi đây Nhân Hoà phải chở con cái đến tận Nhân Hậu cho con của ta nó nhảy. Vinh dự vậy là lớn lắm.
– Ra thế!
Những người tù xuýt xoa.
Các quản giáo được thể, càng bốc:
– Cái giống bò này to khủng khiếp. Bằng con voi loại nhỏ. Nặng cả tấn. Nước ta tịnh không có giống bò nào to như thế. Sữa ấy à, cứ gọi là như suối – từ hai trăm đến bốn trăm lít ngày có dư…
– Chà, cánh ta rồi tha hồ uống sữa – những người tù kêu lên, nuốt nước bọt.
– Ấy là nói con cái. Con đực mới là át chủ. Không có nó thì đừng nói đến giống má. Con ta nhảy, con Nhân Hoà đẻ, lứa đầu của họ, lứa sau của ta – các quản giáo bốc thêm nữa – Ăn đều chia sòng. Con cái chúng nó lớn lên ta lại mang đi xin giống, cũng giống thuần Hà Lan của các nông trường được Bác cho. Cứ thế mà nhân ra. Chẳng bao lâu trên đồng cỏ của ta sẽ có một đàn bò Hà Lan lúc nhúc…
Một viễn cảnh tuyệt vời. Mới biết ở đời không nên coi thường các vật nhỏ – hạnh phúc có thể bắt đầu từ một con bò.
Trước khi vào chuyện, tưởng cũng cần nói đôi lời về trại Nhân Hậu.
Được thành lập từ cuối thập niên 50, Nhân Hậu thuộc loại sinh sau đẻ muộn trong vô số trại giam trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nó nổi tiếng là trại nhanh chóng phát triển vượt bậc từ vô vàn khó khăn, trong khí thế một người làm việc bằng hai, biến không thành có. Từ một thung lũng hoang dại đầy thú dữ và rắn rết, một nhà tù ra nhà tù đã mọc lên, cơ ngơi bề thế, khang trang: một trại chính chứa hơn một ngàn tù và hai phân trại, mỗi trại khoảng năm trăm. Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Ban giám thị, được thấm nhuần chính sách cải tạo lao động trị bệnh cứu người của Đảng, những người tù đã hăng say bạt núi san rừng, làm cho Nhân Hậu trở thành một trại vừa tiên tiến vừa gương mẫu trong toàn ngành.
Nhân Hậu được đánh giá cao đến như thế hoàn toàn không phải vì cảm tình riêng của Cục dành cho Ban giám thị trại vốn sởi lởi với khách, ai tới thăm cũng được chiêu đãi đến nơi đến chốn. Cũng không phải vì Nhân Hậu luôn mời được nhiều nhà báo đến thăm có quà cáp mang về đã viết những lời có cánh về nó. Thật vậy, trong số các trại giam rải rác khắp nước, Nhân Hậu có năng suất nông nghiệp cao nhất, chăn nuôi tốt nhất, bổ túc văn hóa giỏi nhất. Còn hơn thế, trong ba năm liền Nhân Hậu không xảy ra vụ trốn trại nào. Đây mới là thành tích hàng đầu, tiêu chuẩn cao nhất trong mọi tiêu chuẩn thi đua của ngành.
Những người tù có thâm niên cao, đã từng qua nhiều trại, lời bình của họ dĩ nhiên có trọng lượng, cũng xác nhận: trại Nhân Hậu có chế độ nuôi tù no nhất, tù ở đây an tâm cải tạo nhất.
Về chế độ ăn uống Nhân Hậu có thua chỉ thua một Hoa Lơ. Hoa Lơ là biệt hiệu của Hỏa Lò Hà Nội. Tại sao Hỏa Lò lại biến thành Hoa Lơ thì không ai giải thích được. Một chữ Hoa thay cho chữ Hoả đã nói lên tất cả. Hoa tất nhiên là phải đẹp. Hoả thì phải nóng. Ngoài cái nóng chảy mỡ ra, thử hỏi trại nào có thể sánh được với Hoa Lơ? Nhà xây, đèn điện, nước máy, tiện nghi phải nói là “cực kỳ”. Hơn nữa, Hoa Lơ là trại Trung ương, ở giữa thủ đô, trái tim của cả nước, quan trên trông xuống người ta trông vào, mọi cái phải oách hơn mọi nơi khác là lẽ đương nhiên. Trước hết, suất cơm tù ở Hoa Lơ đầy đặn hơn, tù Hoa Lơ được tắm rửa nhiều hơn. Và quan trọng hơn cả là Hoa Lơ thuận tàu xe, tù được “tắc(3)” thường xuyên, hơn đứt mọi trại. Đến nỗi, tù ngoa ngôn rằng Hoa Lơ là Thiên Đường của tù. Nhân Hậu kém Hoa Lơ là kém ở mấy điểm đó thôi. Chứ so với các trại khác Nhân Hậu là nhất. Người tù nào được chuyển tới Nhân Hậu đều thấy như được nhích tới gần Thiên đường một bước. Người nào đang ở Nhân Hậu mà bị chuyển đi nơi khác đều phiền não, đều cảm thấy mình bị rơi xuống gần Hoả ngục cũng một bước.
Con bò Hà Lan tới Nhân Hậu trong cảnh trống giong cờ mở.
Cái xe tải duy nhất của trại, vừa dùng để chở tù khi chuyển trại, vừa dùng để chở sản vật tù làm ra đi bán, được cọ rửa sạch như li như lau từ một tuần trước, chở con bò từ Trung ương về. Món quà Cục cho quý đến nỗi chỉ có công chở nó về thôi mà mặt anh lái xe cũng vác lên, như thể vừa lập chiến công huy hoàng.
Cả trại được nghỉ lao động một ngày để chào đón món quà quý của Bác Hồ. Con bò Hà Lan, được mấy người tù khoẻ mạnh tiền hô hậu ủng, quát tháo om xòm, từ thùng xe bước từng bước bướng bỉnh. Nó lơ láo nhìn quanh, rụt rè vài giây, rồi lao phốc xuống sân trong tiếng vỗ tay đôm đốp và tiếng hò reo rầm rĩ của cả cán bộ lẫn tù nhân. Phó giám thị, trung uý Thuỳ, thậm chí còn rút mu soa chấm lên mắt. Mà đấy là ông “Thuỳ sắt thép”, người đã đá mấy cú liền vào cái xác cứng đơ của một trại viên để bắt nó đứng dậy đi lao động vào một ngày rét căm căm, đến nỗi mặt nước trong hồ chứa đóng băng, tưởng anh này giả vờ ốm để trốn lao động.
Đúng là một con bò quý.
Quý từ cái vóc dáng quý đi. To lớn, bằng hoặc xấp xỉ bằng con voi thiếu niên, với bộ lông đen trắng loang lổ, hai hông phẳng lì, nó đứng lù lù một đống giữa đám đông ngất ngây chiêm ngưỡng. Nếu có ai khe khắt cho ra một nhận xét xấu nào về nó thì cũng chỉ có một mà thôi – con bò tự cao tự đại quá đáng, không có lấy chút khiêm tốn nào. Nó đứng đấy, lừng lững, đường bệ, đưa cái nhìn khinh khỉnh quan sát những người ra đón, không phân biệt quan hay tù. Cả hình hài nó toát ra một vẻ hách dịch không giấu giếm của giống nòi thượng đẳng nhìn xuống chủng tộc thấp hèn.
Những người tù đứng lặng, ngắm con bò khổng lồ. So với bò trại nó phải lực lưỡng bằng ba, mà cũng có thể bằng bốn. Mà nói đến những con bò trại làm gì. Than ôi, cái giống bò mạt hạng, khốn khổ, của chúng ta, ăn mấy thì ăn vẫn bụng ỏng đít vòn, chân đi run rẩy, đẩy mạnh một cái đã xiêu vẹo, thiếu điều chổng kềnh. Nhận xét này có thể hơi quá, nhưng sự thật là như vậy, bởi vì đàn bò trại Nhân Hậu đông tới hai chục con rặt một thứ ấy, không có con nào ra hồn. Hình như chỉ ở vùng này giống bò ta mới đổ đốn ra như thế, chứ ở nơi khác nghe nói cũng không đến nỗi.
Nước ở vùng này nổi tiếng độc, chẳng cứ súc vật gày mòn, đến người cũng tịt đẻ. Cho nên người Kinh mới không ở, đi cả ngày đường mới gặp hai ba xóm nhỏ, không ra của người Nùng, cũng không ra của người Tày. Nhân Hậu lại nằm ở cuối ngõ cụt của chốn thâm sơn cùng cốc, trong một thung lũng lòng chảo, bốn bề toàn núi cao suối sâu. Đến nỗi tù chưa có anh nào kịp trốn trại thì đã có ông quản giáo lén bỏ đơn vị rông tuốt về xuôi, kỷ luật thì kỷ luật chứ không ở.
Chuyện rừng thiêng nước độc đối với tù là chuyện thường. Có mà điên mới lập trại tù ở nơi khí hậu tốt, có thể xây biệt thự nghỉ mát. Được cái tù là loại người không bao giờ quan tâm chuyện đẻ đái, tịt đẻ họ cũng chẳng sợ, biết ngày nào về mà lo chuyện mai sau? Tù chỉ lấy miếng ăn làm trọng, cho nên không có cái nhìn khe khắt với đất. Đất nào chả là đất, miễn trồng được cây. Bù lại, ở đây sắn đặc biệt tốt, củ lớn như củ mài, sàn sàn bằng bắp tay cả, có điều ăn nhiều thì say. Ban giám thị chỉ khắc nghiệt ở lời nói, chứ đối với tù không đến nỗi tệ, cho tù ăn tương đối thoải mái sắn do họ làm ra, nên hàm anh nào anh nấy cứ bạnh ra như mang rắn hổ.
Dần Mọt Gông, người có thâm niên tù hai chục năm, nhìn con vật to lù lù hồi lâu rồi nhổ toẹt một bãi:
– Ông trông nó mà xem, đúng là cái giống Tây. Coi người bằng nửa con mắt.
Tôi thấy nhận xét của Dần Mọt Gông là hơi quá. Tôi đứng gần con bò Hà Lan, tôi thấy nó rất rõ. Nó nhìn tôi quả có khinh khỉnh thật, nhưng bằng cả con mắt.
– Tôi thấy khác: nó có cái nhìn bình đẳng với tất cả mọi người, không phân biệt tù hay Ban giám thị.
Dần Mọt Gông lúc lắc cái đầu bù xù:
– Rồi cái trại này sẽ khổ với nó.
Ông nói bằng giọng của nhà tiên tri.
Con bò được dắt đi. Nó khệnh khạng thả bước một theo chân Quảng Vixi, một phạm cán(4). Anh này được tự giác từ lâu do cải tạo tốt, cựu sinh viên thời tiền khởi nghĩa, bị “tập trung cải tạo” vì tội “giao du với người nước ngoài”. Tội danh này không được ghi trong Hiến Pháp hay trong các bộ luật, chỉ được thực hiện theo một chỉ thị của ông thủ tướng mà chân dung được treo trong mọi nhà bên cạnh chân dung Cụ Chủ tịch và đồng chí Tổng bí thư.
Quảng Vixi có một tình bạn đặc biệt với chúng tôi, tức là với tôi và Dần Mọt Gông. Anh không bao giờ lên mặt phạm cán, không bao giờ phô cái sự gần gụi với Đảng để ăn hiếp bạn tù, không làm “ăng ten”(5).
– Tôi vừa viết thư cho các con tôi, cấm chúng nó không được học tiếng Anh, tiếng Pháp. Cả tiếng Nga, tiếng Tàu cũng cấm. Không biết bất cứ tiếng gì là hơn. Tôi mà không biết tiếng Anh thì đâu đến nỗi…
– Chí phải – Dần Mọt Gông gật đầu – Các cụ cấm có sai: ngu si hưởng thái bình.
Quảng Vixi tình cờ gặp một nhân viên sứ quán Ai Cập lạc đường, anh dẫn anh chàng tội nghiệp về tận nhà anh ta. Để cảm ơn, anh Ai Cập mời anh ở lại dùng bữa. Họ trở thành bạn. Sau mấy lần liên hoan vui vẻ giữa những con người của một địa cầu không biên giới, Quảng Vixi rơi vào tù.
Trong tù, anh cựu đảng viên cộng sản ra sức cải tạo, nghĩa là chăm chỉ lao động, không cưỡng lệnh cán bộ, cán bộ bảo gì nghe nấy. Đi với cán bộ thấp hơn mình, anh co ro cóm róm, để giấu đi khổ người cao ngổng. Qua những lời tâm sự, tôi hiểu anh. Trong anh có sự đinh ninh rằng rồi ra sẽ có lúc đảng của anh sẽ nghĩ lại cho anh, ngày một ngày hai anh sẽ được trở về cơ quan để tiếp tục công tác, cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang – xây dựng chủ nghĩa xã hội, anh sẽ được sống bên vợ con. Cái ngày một ngày hai đó kéo dài tới năm thứ sáu, nhưng hi vọng của anh vẫn nguyên vẹn như khi mới vào tù.
Dần Mọt Gông khuyên anh:
– Đã vào đây rồi, không nên nghĩ tới ngày đó. Đùng một cái nó đến thì hơn.
– Bác không nên nói thế – anh cãi lại – Phải tin tưởng: Đảng bao giờ cũng sáng suốt…
Dần Mọt Gông đưa mắt cho tôi. Trong ánh mắt của ông là nụ cười vô hình không có ác ý.
Quảng Vixi không phải nói với chúng tôi mà nói với một cái tai nào đó đang lắng nghe. Mặc dầu quanh chúng tôi chẳng có một bóng người. Anh ta lúc nào cũng sợ cái tai vô hình mà anh không thể thấy, nhưng biết chắc nó có, nó đang rình mò ở đâu đấy, rất gần.
Khi Quảng Vixi được Ban giám thị trao cho nhiệm vụ chăn dắt con bò Hà Lan, Dần Mọt Gông gàn anh:
– Từ chối đi. Chớ dây vào cái con ấy, chết có ngày!
Nhưng Quảng Vixi không nghe. Anh đỡ bằng hai tay bất cứ ân huệ nào mà Ban giám thị, trong mắt anh là người thay mặt đảng, ban xuống. Vả lại, anh một lòng tin tưởng “Bân mẹ chồng”. Ông ta phụ trách tự giác, mà trong đám tự giác anh được ông ta cưng nhất. “Bân mẹ chồng” bề ngoài kèn kẹt với tù, ai mới gặp cũng khiếp, nhưng những người ở lâu đều biết trong đám quản giáo, trung uý Bân là người nhân hậu hơn hết những cán bộ trại.
Từ hôm ấy Quảng Vixi mất mặt. Anh suốt ngày ở bên con bò, chỉ hết giờ mới về nhà giam, đặt mình xuống là ngủ như chết.
Chúng tôi ít khi thấy con bò. Sáng ngày ra Quảng Vixi được cán bộ mở cửa cho xuất trại một mình, sớm nhất – anh đưa con bò quý đi chăn ở bên suối Ngọc, nơi đồng cỏ tươi tốt.
Lời tiên tri của Dần Mọt Gông chẳng bao lâu sau đã nghiệm.
Một hôm, tôi đang lui cui chọn gỗ tấm cho chuyến xe tải chở về Cục thì thấy Quảng Vixi lủi thủi dắt bò trên con đường về trại, theo sau là một “bộ đội”. Anh đi, mặt cúi gằm, như người có lỗi. Thường tự giác chỉ đi một mình. Nếu có “bộ đội” vác súng đi kèm thì ắt có vấn đề. “Bộ đội” chỉ đi kèm với tự giác khi tự giác phạm kỷ luật, bị áp giải. Mẫn cán như Quảng Vixi mà vi phạm kỷ luật thì còn giời đất gì nữa.
Nhưng rồi không có chuyện gì xảy ra trong ngày hôm đó. Buổi tối Quảng Vixi về phòng giam, chứ không bị điệu đi cùm. Về đến phòng giam, như bất cứ bao giờ, Quảng Vixi nằm vật xuống, mắt nhắm nghiền. Nhưng anh không ngáy vang như mọi bữa, mà trằn trọc đến khuya. Tôi tính hỏi chuyện anh, nhưng Dần Mọt Gông lừ mắt, ra hiệu đừng hỏi.
Sáng hôm sau Dần Mọt Gông giải thích:
– Tôi đã bảo rồi, nhưng anh ta có chịu nghe đâu. Con bò này sui lắm. Suýt vào kỷ luật đấy…
– Mà tại sao chứ?
– Anh ta quấn con bò lắm. Nó cũng thế, cũng quấn anh ta. Phàm đã nuôi con vật thì phải đặt cho nó cái tên để mà gọi. Anh ta mới đặt tên nó là Phi Đen. Chẳng may ông Thuỳ bất thình lình ra Suối Ngọc kiểm tra xem anh ta chăn dắt ra sao, mới nghe thấy Quảng gọi nó: “Phi Đen! Phi Đen!” Ông ta tức tốc về cơ quan, lệnh cho “bộ đội” giải ngay Quảng Vixi tới văn phòng…
– Thì có sao, nếu đặt tên nó là Phi Đen?
– Nhưng ông Thuỳ lại nghĩ khác. Ông ấy quát um: “Cái tư tưởng phản động trong con người anh gột rửa quá một kế hoạch 5 năm rồi mà chưa sạch. Chứng nào vẫn tật nấy. Vào đây mà vẫn còn giở trò xỏ xiên, xúc phạm lãnh tụ, dám cả gan gọi con bò bằng Phi Đen! Kỷ luật 15 ngày, chuyển sang đội nông nghiệp!”
Mấy hôm sau chúng tôi mới biết các chi tiết tai vạ xảy ra với anh như thế nào.
Quảng Vixi sợ méo mặt, vò đầu bứt tai trần tình với ban giám thị rằng anh không hề có ý xấu, anh một lòng kính trọng Bác Phi Đen Cát Tơ Rô, rằng ở bên Tây yêu ai người ta mới lấy tên người ấy đặt cho con cái hoặc con vật nuôi trong nhà… Lại càng chết! Ông Thuỳ đập bàn đánh chát: “Thế nuôi con chó anh cũng lấy tên lãnh tụ tối cao của ta đặt cho nó phỏng? Anh có biết như thế rồi sao không? Rũ tù! Rũ tù!” “Bân mẹ chồng” cũng có mặt, nhưng lặng thinh. Ông ấy thương quân mình lắm, bản vị lắm, khốn không có lý luận, không dám bênh, đành ngậm hột thị. May cho Quảng Vixi, vừa lúc ông Thông giám thị về. Ông ấy can ông Thuỳ: “Ông ạ, tôi cũng nghe nói bên Tây người ta có lệ thế đấy. Ra cái điều rằng quý. Cái nhà anh Quảng, tôi nghĩ, là sơ ý thôi. Này, anh Quảng, tôi truyền đời báo danh cho anh biết: từ rầy chớ cậy cái Tây học mà ăn nói linh tinh lang tang. Không có cách mạng thì cái Tây học của anh cũng chỉ giúp được anh làm tay sai đế quốc thôi. Tây là Tây, ta là ta, không có phép lẫn lộn. Thôi, tha cho anh cái kỷ luật. Từ sau nhớ mà rút kinh nghiệm
Từ hôm ấy, Quảng Vixi buồn thiu. Không còn đâu nét hào hứng ban đầu trên mặt. Nhờ ông giám thị anh được tha kỷ luật, nhưng lời doạ chuyển sang đội nông nghiệp vẫn còn đó. Cái ấy mới đáng sợ. Một ông chủ tịch tỉnh bị hạ tầng công tác xuống làm chủ tịch xã cũng không đau bằng anh tù đang được đi tự giác bị chuyển vào đội quản chế.
Nhưng cái xui liên quan tới con bò Hà Lan chưa phải đến đấy là hết. Ngược lại, mới chỉ là bắt đầu.
Ông Thuỳ không phải bỗng dưng nổi hứng ra suối Ngọc xem Quảng Vixi chăn bò. Mà là có ý. Ông ấy ra suối Ngọc cốt để coi nên dẫn khách của Bộ tới tham quan trại ra bãi chăn con Hà Lan, hay là dắt nó về sân cơ quan cho khách coi? Dắt như thế không hay, có vẻ dàn cảnh. Để tự nhiên vẫn hơn. Vì thế Quảng Vixi mới bị ông ta bắt quả tang gọi con bò bằng Phi Đen.
Đội mộc chúng tôi được trao trách nhiệm đóng mấy cái giường mới cho nhà khách. Trong số đó có một cái rất cầu kỳ, như thể cho vợ chồng mới cưới. Sau mới biết là giường dành cho ông bộ trưởng. Một đội nông nghiệp được điều đến để làm cỏ sân cơ quan, gánh đất tôn chỗ trũng, san bằng, gọt xén, trồng hoa trên đường vào trụ sở, nơi có phòng làm việc của giám thị và phòng khách.
Đúng vào lúc Ban đang tíu tít bận rộn chuẩn bị đón khách thì tai hoạ thứ hai cho Quảng Vixi xảy ra: con bò Hà Lan lăn ra ốm. Đang khoẻ mạnh, nó bỏ ăn, bụng chướng lên.
Mặt Quảng Vixi méo xệch.
May, đúng vào lúc nước sôi lửa bỏng, có điện báo khách hoãn chuyến thăm Nhân Hậu. Cả ban giám thị thở phào.
Y tá trại được lệnh ra ngay chuồng bò. Anh ta cuống quít bỏ cả đám bệnh nhân đang chờ khám, chờ tiêm thuốc, thay băng, nhét vội đồ lề vào túi cứu thương rồi hộc tốc bốc gan phóng thẳng.
Ra đến cổng trại anh ta mới sực nhớ, quay lại vội xin cán bộ phụ trách đội tự giác cho Dần Mọt Gông đi cùng. Tiếng là xin người đi phụ, chứ anh ta muốn có Dần Mọt Gông bên cạnh để hỏi ý kiến khi khó khăn. Dần Mọt Gông nổi tiếng là người uyên bác trong mọi lĩnh vực đời sống hàng ngày, từng làm nhiều việc gây kinh ngạc trong trại. Một lần ông đã bó xương cho con trâu của lò mật bị sa hố, con trâu lành ngay tức khắc. Biết đâu ông chẳng cứu nguy được cho anh.
Khi bị gọi ra chuồng bò y tá trại đã biết mình phải đối mặt không phải với một bệnh nhân bị kiết lỵ mà một con bò đau bụng. Ở khắp một vùng rộng lớn này bới không ra một mống thú y sĩ, biết nhờ ai cố vấn? Mà đối với cán bộ trại giam thì bệnh của bò với bệnh của người là như nhau, phàm bác sĩ thì phải biết cách chữa.
Quyết định đưa Dần Mọt Gông đi cùng của y tá trại là sáng suốt. Trong số tù lâu năm có một týp người như thế – cái gì họ cũng biết, việc khó mấy họ cũng tìm ra cách giải quyết. Chỉ có thể giải thích hiện tượng đó như thế này: trong cuộc sống cực khổ, thiếu thốn đủ thứ, những người tù kỳ cựu phải vật lộn hàng ngày để sống sót, nhờ đó họ trở thành những con người cực kỳ khôn ngoan, cực kỳ khéo léo. Gặp những hoàn cảnh quẫn bí đến mức tưởng chừng không thể vượt qua, họ có những sáng kiến tháo gỡ mà những đầu óc bình thường không thể nghĩ ra. Dần Mọt Gông là nhân vật xuất sắc nhất trong bọn họ.
Ở ngoài xã hội y tá trại của chúng tôi là bác sĩ khoa ngoại, vào tù vì một vụ tham ô tập thể. Theo một quy định khó hiểu của ngành quản lý trại giam, dù ở ngoài anh có bằng bác sĩ, ở trong trại anh chỉ được gọi bằng y tá. Ngoài việc mổ xẻ, anh y tá của chúng tôi chẳng biết làm gì hết, khờ lắm.
Y tá trại rất hiểu: nhờ Dần Mọt Gông là phải trả giá. Ông già sẵn sàng giúp đỡ bạn tù, nhưng với các bậc chức sắc thông tin, trật tự hoặc y tế, ông không cho không cái gì. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này y tá trại sẵn sàng trả giá. Y tá trại tuy khờ, nhưng không khờ đến mức không hiểu rằng nếu anh không chữa nổi con bò Hà Lan thì anh có thể mất biến cái chức vụ ngon lành. Trong trại còn có một bác sĩ phạm tội đầu độc vợ vừa được chuyển lên. Anh này sẽ lập tức thay thế anh một khi anh không hoàn thành nhiệm vụ.
Hôm đó tôi đang sửa lại mái chuồng bò bị dột nên có mặt ngay từ đầu cuộc hội chẩn của anh y tá trại với viên y sĩ cơ quan. Nhìn thấy tôi từ xa Dần Mọt Gông nháy mắt. Tôi hiểu cái nháy mắt của ông bạn già: “Trúng “quả” rồi!” Xin hiểu rằng cái “quả” ở trong tù không lớn. Y tá trại sẽ phải cảm ơn ông chí ít cũng vài phong thuốc lào kèm theo mấy buổi nghỉ ốm “vô tư” vào những lúc ông lên cơn buồn chán, không thiết đi lao động.
Xúm xít chung quanh con bò ốm là những bộ mặt lo âu của mấy cán bộ từ trên Ban giám thị chạy đến.
Quảng Vixi mặt dài thượt, ngồi bó gối bên cái đầu to tướng của con bò, thỉnh thoảng lại âu yếm đưa tay vuốt nhẹ cái má lông lá của nó. Con bò ốm không phải tại anh, nhưng anh không dám nhìn ai trong những người có mặt, như thể chính anh gây ra lỗi. “Bân mẹ chồng” đứng sau lưng anh như thần hộ mệnh không mang kiếm, chẳng nói chẳng rằng, chỉ có đôi mắt lộ vẻ lo lắng.
Hai viên thầy thuốc của nhà tù và trại giam bàn cãi một lúc lâu, không sao ngã ngũ được về nguyên nhân con bò bỏ ăn. Những người ngoại đạo đối với y học dán mắt vào mặt họ, cố hiểu những từ chuyên môn và những tên thuốc.
Suốt thời gian ấy, Dần Mọt Gông chỉ đứng ngoài, vẻ đăm chiêu, gật gù cái đầu to. Mãi rồi ông mới len vào, ngồi xổm bên cạnh con vật, sờ sờ nắn nắn bụng nó. Con bò liếc nhìn ông già tò mò bằng con mắt bất cần đời.
Anh y tá trại khẽ hỏi Dần Mọt Gông:
– Bác nghĩ nó là cái gì?
Dần Mọt Gông nín lặng. Ông đang bận suy nghĩ.
– Có phải ngộ độc không? – y tá trại giật tay áo ông – Anh Quảng nói nó đang ăn uống bình thường, bỗng dưng bỏ ăn…
Dần Mọt Gông vốn tinh ý. Ông lắng nghe hai người bàn luận, biết y tá trại chẩn đoán con bò bị ngộ độc, còn y sĩ cơ quan thì lại cho rằng có nhiều dấu hiệu rối loạn tiêu hoá. Ông nói nước đôi:
– Dễ thế lắm. Rừng nào cũng đủ loại cỏ, lành có, độc có… Mà cũng có thể chỉ là đường tiêu hoá do trái nắng trở giời sinh vấn đề.
Y tá trại thấy cần phải giới thiệu về Dần Mọt Gông:
– Thưa Ban, anh này biết nhiều về thuốc lá, tức là, tôi muốn nói, thuốc dân tộc…
– Tôi biết y sĩ cơ quan gật đầu – Anh Dần, anh thấy bệnh nó thế nào?
– Cũng không có gì đáng ngại cho lắm, thưa Ban(6). Không phải nan y – ông đứng lên, phủi hai tay, lễ phép trả lời, ném nhanh cái nhìn trấn an cho anh y tá trại – Nó là bò ngoại quốc đến nước ta, dễ bị ngã nước lắm, gọi là thuỷ thổ bất phục. Nếu có ngộ độc cũng không nặng, mắt còn tinh thế kia là không nặng. Trước hết, phải chữa cho hết cái chứng đầy hơi… Nhưng phải có thuốc.
Anh y tá trại thở dài:
– Thuốc gì bây giờ? Nó to kềnh to càng thế kia thì bao nhiêu thuốc cho vừa?
Anh ta biết trại có bao nhiêu thuốc chữa bệnh đường tiêu hoá cho cả cán bộ lẫn cho tù.
Viên y sĩ cơ quan hất hàm:
– Anh liệu chữa được nó không?
Dần Mọt Gông gãi đầu. Ông có cái tật ấy, mỗi khi suy nghĩ hoặc muốn tỏ ra mình đang suy nghĩ.
– Dạ, chắc có thể được.
– Chắc là thế nào? Chắc chắn chứ?
– Dạ, thưa Ban, ai dám nói chắc trăm phần trăm? Trong cái sự chữa bệnh, phúc tổ là trước hết, sau mới đến lộc thầy.
Viên y sĩ chỉ đáng tuổi con Dần Mọt Gông, nhưng Dần Mọt Gông bao giờ cũng cung kính thưa gửi với anh ta. Mà chẳng cứ ông, người tù nào cũng thế, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Cái đó làm cho những “ông cán bộ” sướng. Ở chốn này họ chẳng được gì hơn sự lên mặt với đồng loại. Tôi không tin rằng thói quen xách mé với người cao tuổi sẽ không theo viên y sĩ non choẹt này về nhà, và bố mẹ anh ta hẳn sẽ nhiều lúc phải rầu lòng vì đứa con rứt ruột đẻ ra.
Viên y sĩ phán:
– Được. Tôi cho phép anh chữa.
Một nụ cười thoảng qua mặt Dần Mọt Gông.
– Thưa Ban, bệnh này từng gặp ở trâu hoặc bò ta, nhưng đây là bò Tây…
– Anh nói chữa được mà…
– Tôi đâu có dám nói chắc, thưa Ban.
Trên mặt Dần Mọt Gông xuất hiện một nét ngang bướng, nó làm cho viên y sĩ thấy cần phải xuống nước.
– Anh phải cố chữa cho nó, nghe chửa? Quà của Bác, không phải chuyện chơi. Danh dự của trại ta đấy.
– Nhưng, như tôi vừa thưa với Ban, phải có thuốc…
– Hỏi thật anh, anh định chữa mẹo? Hay thuốc lá?
– Thuốc lá chứ, thưa Ban. Bệnh này không chữa mẹo được.
– Anh có thuốc sẵn không?
– Không, làm sao có sẵn được, thưa Ban. Phải đi kiếm mới có.
– Tôi sẽ xin Ban cho anh đi kiếm.
Giám thị Thông đến từ lúc nào, chăm chú theo dõi câu chuyện, gật đầu:
– Cho anh ấy đi.
Tù đồn rằng giám thị Thông trước làm mõ làng, đã cao tuổi, chuẩn bị về hưu. Ông ta ba phải, quan năm cũng ừ quan tư cũng gật, nhờ thế mà được lòng cả cấp trên lẫn cấp dưới.
– Thưa Ban, bệnh không nặng, nhưng để lâu dễ sinh chuyện… Đi kiếm lá trong rừng này không dễ, khi có khi không. Xin Ban cho thêm một người đi cùng…
Y tá trại nói :
– Để tôi đi với bác.
Dần Mọt Gông nguýt anh ta:
– Anh ấy à? Không được. Rừng chi chít cây cỏ rậm rạp, anh không biết gì về Đông dược, lại cận thị, làm sao tìm ra lá thuốc?
Viên y sĩ cơ quan bảo:
– Tôi sẽ xin Ban cho anh thêm một người. Anh xin ai?
Dần Mọt Gông gãi đầu, ra chiều suy nghĩ, nhìn quanh rồi chỉ lên mái:
– Tôi xin anh này.
Viên y sĩ công an lúng túng. Anh ta đã đôi lần đề nghị cho Dần Mọt Gông đi làm việc cho anh ta, không cần có “bộ đội” áp giải, nhưng đứng ra bảo lãnh cho tôi thì chưa bao giờ. Nói chung, trại không khe khắt đối với tù chính trị đã ở lâu – tù chính trị thường không trốn. Tôi có thâm niên 8 năm, thái độ cải tạo được ghi nhận không tốt cũng không xấu.
Thái độ của viên y sĩ làm Dần Mọt Gông sa xầm mặt. Ông quay sang phía giám thị:
– Chết nỗi, trong trại ngoài anh ấy là người còn biết võ vẽ về lá thuốc chẳng còn ai khác, thưa Ban.
“Bân mẹ chồng” nói:
– Cho anh ta đi được. Đồng thời, thử thách luôn. Ý kiến tôi vậy đấy, ông Thông có đồng ý không?
Giám thị vẫy tôi:
– Anh kia, xuống. Cho anh đi lấy thuốc với anh Dần. Anh Dần chịu trách nhiệm với tôi về anh ấy đấy nhá! Anh ấy mà vi phạm kỷ luật là tôi cứ anh tôi tróc.
Dần Mọt Gông được thể, xoa xoa hai tay:
– Thưa Ban, Ban yên tâm. Nhân tiện, xin Ban cho mấy chữ để nhà bếp xuất cho chúng tôi cái ăn. Đi thế này, nhanh cũng đến chiều tối mới về được.
– Anh muốn cái gì nào?
– Xin Ban bảo nhà bếp cho bốn vắt cơm nắm, một ít cá khô…
– Cơm, được rồi. Cá, mấy con?
Dần Mọt Gông gãi đầu:
– Thưa Ban, đa đa ích thiện ạ.
Chúng tôi được bốn nắm cơm tướng, kèm bốn con cá khô bản bằng bàn tay, coi như có một bữa tươi “cực”.
– Này, bác Dần, liệu có chữa được nó không đấy? Chứ chuyện này nguy hiểm lắm – tôi nói khi chúng tôi rời trại – Cầm bằng vuốt râu cọp.
– Yên trí lớn đi. Chữa nó dễ như trở bàn tay. Có gì đâu, con bò tham ăn, cạp lung tung, gặp thứ cỏ khó tiêu, bị chướng bụng, đầy hơi, thế thôi. Thuốc thì vừa nãy vào bếp tôi đã thó được đây rồi.
Ông giở cạp quần, lôi ra một củ gừng to tướng.
Việc đầu tiên của chúng tôi là phóng thẳng ra suối Ngọc. Thường đi làm theo đội, quản giáo chỉ cho chúng tôi tắm suối chừng mươi phút, hoặc hơn tí chút. Trong mươi phút ấy phải làm sao vừa tắm gội, vừa giặt quần áo, có khi chẳng kịp giặt nữa, cứ để nguyên trang phục mà lội ào xuống suối mà kỳ cọ, rồi để nguyên quần áo ướt trên mình mà về trại.
Hôm nay chúng tôi cứ việc nhẩn nha đằm mình trong nước mát. Tôi nằm ườn trên một tảng đá, gối đầu lên một tảng cao hơn, mặc cho lũ cá đen trũi có vây hồng rỉa ghét. Thứ cá này rất dạn, chúng lăn xả vào rỉa lấy rỉa để, đầu chúng thúc vào người như thụi. Không hiểu sao cánh lâm sản không bắt thứ cá này đem kho bán trong trại. Họ bảo nó độc.
– Nó độc thật đấy. Chất độc của nó thấm vào gan, ăn vào nhẹ thì nôn oẹ, nặng thì ngỏm – Dần Mọt Gông bảo.
Bên trên chúng tôi là bầu trời mênh mông, những vầng mây phiêu lãng.
– Ở quê tôi, trời cũng nhiều mây như thế này…
Tôi lim dim tận hưởng cái thú tự do, nghe lào phào bên tai tiếng Dần Mọt Gông tâm sự.
– Thế à?
– Nhưng sông thì lớn lắm.
– Thế à?
– Ở khúc làng tôi có nhiều ba ba, những người bán ba ba ngồi ngay ở bến đò, mặc cả trước với khách bằng một cái que…
– Tại sao lại bằng một cái que?
– Tại vì ba ba to nhỏ đủ cỡ, khách muốn ăn cỡ ba ba có mai to bằng nào thì họ bẻ que tới cỡ đó, đến lúc ấy mới lặn xuống bắt lên.
– Có nghĩa là họ coi ba ba sông như gà trong chuồng nhà?
– Chứ sao!
Tắm chán chê, chúng tôi mới lững thững đi vào rừng chơi. Mà đúng là chơi thật, vì có còn phải làm gì nữa đâu. Lâu lắm mới có dịp để chơi như thế. Dần Mọt Gông đã nhân dịp mà ra giá, thì phải tiêu cho xứng đáng cái giá đạt được.
Tôi tin ở Dần Mọt Gông. Ông là người không bao giờ sai lời, không biết mà nói rằng biết, không làm được mà nói rằng làm được. Có hôm vui miệng ông kể hồi năm 45 ông cũng tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, đã một thời làm chủ nhiệm Việt Minh huyện. Nhưng sau đó ông làm gì, rồi tại sao lại bị bắt tù thì ông không kể nữa, tôi cũng không hỏi. Những người tù chính trị thường bị bắt vì một cái cớ ba lăng nhăng nhất, nói ra chẳng ai tin, cho nên người ta không nói. Có người còn ngượng, không muốn nói với ai rằng mình oan, cho là như thế chỉ tổ giảm giá trị mình trong con mắt bạn tù. Về tính cách con người, Dần Mọt Gông là hình ảnh đối xứng của một cán bộ tuyên huấn, người chủ trương nói dối là một nghệ thuật và anh ta là nghệ sĩ trong cái nghệ thuật ấy.
Ở tù lâu cuồng cẳng, chúng tôi đi một mạch cả chục cây số. Rừng quanh trại Nhân Hậu không phải rừng già, mà cũng không phải rừng trồng, phần lớn là đồi cỏ tranh lúp xúp, chen lẫn vào đó là những vạt rừng không thể định tính với đủ mọi thứ cây linh tinh, cành khẳng khiu, rũ rượi dây leo.
– Muốn vào rừng lớn phải đi xa nữa. – Dần Mọt Gông nói – Những khu rừng gần đây lâm sản phạt hết rồi. Tôi đi đã nhiều trại, trại nào cũng thế, lúc mới lập ra thì chung quanh là rừng cả. Tù đến trại hôm trước, hôm sau đã bị xua đi đốt rừng, phát đồi, lấy đất trồng sắn. Trại ổn định rồi thì đến lượt bọn lâm sản đốn cây, xẻ gỗ, đóng bàn đóng tủ cho Cục, cho Bộ, đem bán cho mậu dịch. Rừng quang dần, mỗi năm một lùi xa khỏi trại. Nền văn minh cải tạo đi đến đâu thì hết rừng đến đấy. Thú rừng không còn đất sống bỏ đi hết.Ông có thấy trại nào có đội trồng rừng không?…
Chúng tôi dừng lại, nhóm lửa nướng sắn, nướng cá khô. Cơm nắm bẻ ra, ăn một bữa khoái khẩu. Ăn xong còn dọn chỗ làm một giấc thẳng cẳng. Tỉnh giấc, Dần Mọt Gông rủ tôi vào một cánh rừng thưa kiếm ít lá thuốc “để phòng xa khi anh em trong trại cần đến”.
Mọi người vẫn xúm quanh con bò khi chúng tôi trở về khi trời gần tối. Như một thầy thuốc chính hiệu, Dần Mọt Gông đi quanh con bò một vòng ra cái điều “quan hình sát sắc”, banh mắt nó ra xem rồi phán:
– Chúng tôi còn phải chế thuốc. Sáng mai chữa. Không sao đâu. Còn xa ruột.
Thuỳ “sắt thép” hỏi:
– Chế trong phòng được không?
Viên trung uý không muốn cho chúng tôi được ở thêm một đêm bên ngoài phòng giam cửa đóng then cài. Vả lại, để cho tù ngủ qua đêm bên ngoài phòng giam phải có phép Ban giám thị, dù cán bộ trực trại cũng không được tự tiện.
– Dạ, được. Nhưng xin Ban cho phép chúng tôi đốt lửa. Làm thuốc Nam lích kích lắm, thưa Ban. Có vị phải qua cửu chưng cửu sái, rồi lại còn phải khử hoả độc xong mới dùng được…
– Được. Tôi cho phép. Nhưng phải cẩn thận hoả hoạn.
Tối hôm đó cả phòng giam được tự do “nhặm xà” và “sột sệt”(7).
Thấy Dần Mọt Gông quá ung dung tự tại, tôi đâm lo:
– Bác Dần, coi chừng không chữa được nó thì mình toi đấy.
– Có cái quái gì mà rộn chứ. Trò trẻ ấy mà.
Ông nướng cả củ gừng, xắt nhỏ như miến, trộn với than bột cho đen xì đen xịt, đoạn bọc vào mảnh giấy dó phong thuốc lào Vĩnh Bảo, cất dưới gối.
Suốt đêm ấy chỉ có “bộ đội” ngó vào cửa sổ kiểm tra trật tự phòng giam. Nếu một anh tù đã được phép nổi lửa thì chính anh ta phải kiểm soát các bạn tù để anh ta không bị vạ lây.
Bảnh mắt, “Bân mẹ chồng” đã vào mở khoá cho hai chúng tôi ra. Con bò vẫn nằm đúng tư thế hôm trước, thở nặng nhọc. Màn đã được vắt lên, lấy chỗ cho người ra vào. Mùi khói lá xoan từ đống rấm đuổi muỗi lan toả, đắng ngắt. Sự kiện con bò được nằm màn sinh ra khối lời đàm tiếu. Nhưng rồi những người tù cũng hiểu ra: họ không thể so mình với con bò được. Họ là tù, được đưa tới đây để cải tạo, còn nó thì không. Người tù được về nhà, đứa con sinh ra mang lý lịch con phản động chống chế độ. Con bò cho giống tốt, anh ta cho giống xấu.
Con bò nhìn những người đi lại trước mặt bằng con mắt hờ hững. Dần Mọt Gông xin ít mỡ lợn trát đầy vào mu bàn tay phải cho tới tận trên cổ tay, rồi sai tôi giữ chặt hai chân con bò. Tôi chưa kịp thực hiện lệnh của ông thì cả hai viên y sĩ đã xông vào. Tôi chỉ phải nắm hờ hai cẳng chân lạnh ngắt của nó, bụng nghĩ nó mà giãy một cái thì cả ba sẽ văng ra tắp lự là cái chắc.
Giám thị Thông đã có mặt, vỗ vai Dần Mọt Gông:
– Thế nào, chắc ăn chứ?
– Thưa, Ban cứ yên tâm.
Nhanh như cắt, trong khi mọi người chưa biết ông sẽ làm gì, Dần Mọt Gông đã lấy gói thuốc đặt vào lòng bàn tay phải, nắm lại và thọc cả nắm tay vào lỗ đít con vật. Nhờ có mỡ trơn, con bò chỉ hơi rùng mình một cái nhẹ. Dần Mọt Gông rút tay ra, đứng thẳng lên:
– Xong rồi!
Ông đi ra suối Ngọc rửa tay, rồi ngồi xuống bên con bò, rít thuốc lào xòng xọc.
Một lát sau, con bò bỗng đánh rắm thối um. Tôi nghe tiếng y tá sĩ trại reo to:
– Nó ỉa rồi kìa!
– Nhiều lắm! Nhưng tháo tỏng – Quảng Vixi kêu lên.
Dần Mọt Gông nháy mắt với tôi, nhếch mép cười.
Hôm đó tù ốm ở trạm xá bị ăn cháo muộn đến hai tiếng. Theo lệnh Ban Thuỳ, nồi cháo dành cho họ phải chuyển ngay lập tức cho con bò Hà Lan ăn trước.
Giám thị trại hài lòng. Dần Mọt Gông được lệnh tới gặp ông ta. Phần thưởng cho Dần Mọt Gông đã nằm trên bàn – một Điện Biên bao bạc. Ông kì kèo thêm cho tôi một bao Tam Đảo, nói rằng công tôi kiếm lá thuốc cũng vất vả, đáng được thưởng. Tôi cự ông:
– Ông xin họ làm quái gì.
Ông bảo:
– Mình đòi đấy chứ. Tiền công mà chỉ có như thế, rẻ thối. Anh đừng có quân tử Tàu. Có đóng góp thì phải có thù lao, mới là chủ nghĩa xã hội chứ, họ chẳng thường nói thế sao? Mà suy rộng ra, họ lấy của mình là nhiều, chứ mình lấy được của họ là mấy…
Rồi ngửa mặt lên trời mà cười.
Chuyện con bò đến đây cũng chưa kết thúc. To xác là thế, bên ngoài lực lưỡng là thế, mà yếu lắm, cái giống bò Hà Lan ấy.
Sau vụ đầy hơi, lại đến vụ sâu quảng.
Ở hông bên phải con bò đột nhiên xuất hiện một cái lỗ sâu hoắm, từ đó những con ròi trắng như được tẩy bằng nước Javel ngọ ngoạy chui ra. Quảng Vixi bắt liên tục không hết. Hỏi Dần Mọt Gông, thì ông nói: “Đốt một mảnh đĩa hát, tán ra lấy tro, dịt vào khắc khỏi”. Nhưng ở cái trại này giết ai ra đĩa hát? Trên cơ quan, là nơi có mọi thứ đĩa, chỉ trừ đĩa hát. “Thế thì dùng thuốc trừ sâu vậy, nhưng phải cẩn thận, ít một thôi”, Dần Mọt Gông khuyên. Rắc thuốc trừ sâu thì hết ròi nhưng nước vàng cứ ri rỉ chảy ra. Cho tới khi anh y sĩ trại phải dốc hết số thuốc kháng sinh ít ỏi của trạm xá trét vào cái lỗ sâu hun hút ấy mấy ngày liền mụn sâu quảng mới lành. Sau vụ này Quảng Vixi đã dài ngoẵng lại dài ngoẵng thêm, quần áo thùng thình, trông như bù nhìn ruộng dưa.
Dần Mọt Gông bảo anh:
– Chăn con Phi Đen thế đủ rồi. Nên chia tay với cái giống ngu ấy đi thôi. Con này còn sinh chuyện còn chán, chưa hết đâu, nói cho anh biết.
Giữa chúng tôi với nhau, và với cả con bò Hà Lan, nó vẫn mang tên Phi Đen. Mặc dầu Ban giám thị đặt tên cho nó là Khoang, lúc vắng người Quảng Vixi vẫn tiếp tục gọi nó bằng cái tên xúc phạm lãnh tụ. Gọi khẽ thôi, nhưng con vật hiểu. Nó đến với anh, ngoan ngoãn như một con chó con.
Nghe Dần Mọt Gông, Quảng Vixi thở dài. Anh không bao giờ phản đối ông. Trong thâm tâm anh biết ông già rất tốt với anh. Ông nói đúng, con bò còn sinh chuyện nhiều, anh sẽ còn khổ với nó. Ngoài tình cảm quyến luyến với con vật thường gặp ở bất cứ người nào với một sinh vật khác giống sau một thời gian chung sống, trong anh vẫn le lói hi vọng nhờ công việc trông nom con bò, anh sẽ được mau về với vợ con. Mà muốn được mau về với vợ con thì không gì bằng lập công.
Anh suy nghĩ mấy đêm liền rồi rụt rè trình bày lên Ban giám thị rằng đối với con bò lớn như thế, một người chăn dù có mẫn cán đến mấy cũng không đủ. Ai cũng có thể thấy rằng một người không thể cùng một lúc ở đàng trước, đàng sau, bên phải, bên trái, một đụn thịt to tướng như thế được. Mà giống mòng vàng, tức một thứ ruồi trâu rất quái ác, kẻ duy nhất gây ra sâu quảng cho bò, ở vùng này có nhiều. Chúng bay với tốc độ siêu thanh, tấn công nhanh, rút nhanh, bám con mồi dai hơn đỉa. Nếu không được bảo vệ tốt, con bò sẽ còn bị sâu quảng nhiều lần nữa.
Nghe anh trình bày, thiếu tá giám thị gật gù, cho lập luận của anh có lý. Quảng được cấp hai người phụ, một người trông bên phải, một người trông bên trái con bò. Còn người đi đàng sau, ông giám thị coi là không cần thiết.
Được ba người chăm nom, con bò ngày một mỡ màng, béo mượt. Mỗi lần con bò đi qua chỗ tù làm việc là mỗi lần nó gây ra một trận cười. Không thể không cười được trước cảnh Quảng Vixi cao ngổng đi trước, nắm sợi thừng dắt con bò khổng lồ, hai bên hai anh tù thấp bé chạy tới chạy lui vung vẩy như múa hai cái chổi bằng nan nứa tước mỏng, khi hò hét xua đuổi, khi mím môi trợn mắt đập lấy đập để những con mòng to bằng con ong đất bay vù vù bên trên con bò.
Đúng vào lúc mọi việc trong trại diễn ra trôi chảy nhất thì phái đoàn của Bộ về thăm.
Cả trại nhốn nháo hẳn lên. Lần này, không phải chỉ riêng khu cơ quan, mà ngay trại tù cũng phải tổng vệ sinh, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, cứ gọi là sạch bong. Nhà bếp được phát quần áo mới, tạp dề trắng trước bụng, không khác gì nhân viên mậu dịch. Những cái chảo gang cóc cáy được đánh đến bóng loáng. Chỉ có lũ rệp là hoàn toàn vô sự, vì người ta không thấy cần phải phun thuốc trừ sâu, biết chắc rằng phái đoàn sẽ không ngồi hoặc ngả lưng trên giường tầng của tù nhân.
Phái đoàn đến vào một ngày đẹp trời. Không mưa. Không âm u. Thậm chí buổi trưa còn có nắng.
Tù vẫn đi làm như thường. Khi phái đoàn ra đồng thăm nền sản xuất nông nghiệp của trại thì tù được chống cuốc hồi lâu để vỗ tay hoan hô mà không bị quản giáo thúc giục. Mỗi đội đã được lệnh chọn một phạm nhân cải tạo tốt, ăn nói trôi chảy, để phát biểu ý kiến khi phái đoàn hỏi đến. Nhưng phái đoàn chỉ đi lướt qua, không hỏi han gì cả. Chắc họ đã đi tham quan nhiều trại, trại nào thấy cũng giống trại nào, cho nên không hỏi nữa. Buổi chiều, một số phạm nhân được về trại sớm, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, rồi lũ lượt kéo nhau lên cơ quan chầu, chờ các nhà báo hỏi chuyện. Có cả một nhà văn cũng đi trong đoàn. Ông này có tiếng lắm. Tôi đã được đọc tác phẩm của ông ta khi chưa đi tù. Ông ta cũng gặp vài anh có tiểu sử thú vị, hỏi nhiều, ghi chép không rời tay. Ông cho họ biết những câu chuyện của họ sẽ được nằm vào cuốn tiểu thuyết sẽ ra đời về hệ thống cải tạo xã hội chủ nghĩa cực kỳ nhân bản đối với những phần tử phạm pháp.
Dần Mọt Gông nhìn quang cảnh tấp nập ấy bằng cặp mắt nheo nheo, giễu cợt.
Tôi hỏi ông:
– Bao giờ thì họ đi?
– Chắc đến mai là cùng. Giống này không ở lâu đâu.
Tôi hỏi thế vì lo lắng. Vào phút chót, trước khi phái đoàn tới, đội mộc được lệnh cử mấy người, trong đó có tôi, lên làm chuồng xí cho khách. Thì ra mải chuẩn bị đón khách, Ban giám thị quên phứt rằng khách cũng là người, và họ không thể không làm cái sự bài tiết mà mọi động vật đều phải làm.
Chúng tôi hối hả dựng một khung nhà (tạm nhưng phải chắc), móc lên vài đôi kèo, gác mấy cái đòn tay, phủ tranh cho kín. Nhưng thưng vách cho đàng hoàng, đẹp đẽ thật khó. Ván xẻ đã xuất hết cho cửa hàng đồ gỗ của tỉnh, không còn một tấm. Đành phải lấy tranh mà thưng. Mà sửa tới sửa lui, tranh vẫn lờm xờm.
Thiếu tá Thông nhìn mấy bức vách, gầm lên:
– Các anh định nát ai đấy? Thế này mà gọi là nhà vệ sinh à? Một cái chuồng lợn.
Chúng tôi nói chúng tôi đã làm hết cách. Không có vật liệu thích hợp thì không thể làm hơn được. Nếu ông lệnh cho đội xẻ làm đêm thì sáng sớm chúng tôi có thể lấy ván họ xẻ được để thưng vách. Nhưng ông ta không chịu, bảo như thế lấy đâu ra thời giờ sửa chữa nếu làm xong rồi mà vẫn không ra làm sao. Trong khi chúng tôi loay hoay đặt cái thùng xí và giải quyết đường tiêu nước giải dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông thì ông nảy ra sáng kiến:
– Đến kho cơ quan lấy vải ra mà bao. Vừa sạch, lại vừa đẹp.
Cuối cùng rồi cái nhà vệ sinh cũng xong. Nó giống như nhà rạp đám cưới với vách bằng vải màu xanh hoà bình.
Không biết công trình của chúng tôi có được ngài bộ trưởng chiếu cố không, và chiếu cố được mấy lần, nhưng đến trại Nhân Hậu rõ ràng ngài được hưởng một trong tứ khoái ở mức độ cao.
Những phạm nhân cải tạo tốt cũng được ngài bộ trưởng khích lệ :
– Các anh đã cải tạo tốt rồi, lại càng phải cải tạo tốt hơn nữa, cải tạo chắc hơn nữa, mới đúng tinh thần cải tạo xã hội chủ nghĩa, có phải không nào? Đảng và chính phủ coi các anh như con cái, cái này Bác đã nói nhiều rồi, Bác cho các anh đi cải tạo cũng chỉ mong các anh trở thành công dân tốt, chuyện này các anh cũng được nghe giảng nhiều rồi, chẳng qua các anh nhất thời có khuyết điểm, có khuyết điểm thì sửa chữa khuyết điểm, có phải không nào? Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, không phải ai cũng như ai, hôm nay mình chưa tốt thì mai mình tốt, có phải không nào? Con hư thì phải dạy, yêu cho vọt, ghét cho chơi, Bác và Đảng đâu có ghét bỏ các anh, có phải không nào? Nhưng Đảng có trừng trị các anh cũng là giơ cao đánh sẽ thôi, có phải không nào? Đảng dạy các anh nên người rồi, Đảng sẽ giải quyết cho các anh trở về xum họp với gia đình…
Lũ phạm nhân đứng như tượng, thậm chí không dám ngước nhìn ngài bộ trưởng. Nói xong, ngài lập tức quay đi, mặt lạnh như tiền, như thể chưa từng nhìn thấy họ.
Mấy anh tù cải tạo tốt lắc đầu:
– Giá mà lão ấy cho lấy một phong thuốc lào! Đàng này “trều”, một miếng “mều”(8) cũng không, đéo có gì hết…
Phái đoàn đi rồi thì đâu lại hoàn đó. Cỏ lại mọc trên đường vào trại. Các đội nông nghiệp tiếp tục bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Tù tính: phái đoàn đến vào cuối tháng 5. Bữa tươi đặc biệt vào ngày Quốc tế lao động đã ở sau lưng. Từ nay cho tới bữa tươi gần nhất – ngày Quốc Khánh 2.9 – còn ba tháng nữa, dài lắm.
Cuộc sống của người tù là thế. Người tù thèm đủ thứ, nhưng nhất hạng là thèm thịt. Theo thông lệ, một tháng tù được ăn thịt một lần, nếu không bị thay bằng thứ khác, đậu phụ hay cá khô. Ngoài ra, còn có một số bữa tươi khác, được ăn thịt nhiều hơn, gắn với Tết âm lịch, với những ngày lễ lớn như Quốc Khánh, Ngày quốc tế lao động 1.5. Nói chung, trong những bữa tươi thường kỳ mỗi suất được vài miếng xắt quân cờ, bản bằng hai ngón tay. Thịt hiếm đến nỗi mỗi lần có thịt là mỗi lần những giá trị tinh thần được viện đến. Chỉ những người tù đạo cao đức trọng mới được tập thể trao trách nhiệm chia thịt. Nhà bếp thái không đều tay, nên khi chia, người chia ngoài tinh thần chí công vô tư còn phải vận dụng kinh nghiệm cả đời người để chọn trong cả đống xương, sụn, bì, nạc, mỡ… lộn xộn những miếng tương đương để chia thành các phần tương đối bằng nhau. Đó là việc rất khó. Cho nên còn phải bày ra cái trò “quay mặt đặt tên” để bổ sung. Tức là, khi thịt đã chia xong tương đối đều vào các bát, thì một người cầm danh sách đội tù lên, quay mặt đi xướng tên từng người theo thứ tự bất kỳ sau mỗi tiếng gõ vào một cái bát nào đó. Gõ vào tên ai là phần người ấy, một thứ xổ số để tìm lẽ công bằng.
Được cái, những người tù chính trị không đến nỗi quá quắt trong chuyện chia chác, không đến nỗi vì một miếng thịt mà để xảy ra đổ máu. Tôi nói tù chính trị là nói gượng, có thể sẽ bị chỉ trích là nói sai. Bởi vì nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước nay không bao giờ công nhận ở Việt Nam có tù chính trị. Sự phân chia hai loại chính trị và hình sự chỉ có trong các trại giam, mà cũng chỉ về mặt hình thức – tù chính trị mang số lẻ, tù hình sự mang số chẵn. Theo cách nhìn của tôi, trừ vài người đúng là chính trị, nghĩa là có ghét nhà nước hẳn hoi và có ý định chống lại nó, hoặc đã chống lại một cách khá ngớ ngẩn, tất cả số còn lại đều là tù ất ơ, chẳng chính trị mà cũng chẳng hình sự. Không thể gọi một ông nông dân nát rượu, khi đã lướt khướt coi giời bằng vung, dám vạch quần ra: “Bác thằng nào chứ Bác thế đéo nào được thằng này, có mà Bác cái đầu b… tao”, là tù chính trị được, dù ông ta đã ở tới “lệnh tập trung” thứ ba.
“Có ăn thì xin ăn rau, Đừng có ăn thịt mà đau dạ dày”, Dần Mọt Gông nói, và ông giữ lời, không bao giờ quan tâm tới các bữa tươi có “mều”. Những bữa như thế, ông bình tĩnh ngồi rung đùi đánh cờ.
Mùa hè năm ấy, trời đặc biệt nóng. Trong thung lũng lòng chảo tịnh không có một ngọn gió. Mồ hôi cứ vã ra, quần áo lúc nào cũng ướt như vừa nhúng nước. Lao động bình thường đã vất vả, trong cái nóng kinh khủng của miền núi nó trở thành cực hình. Chỉ có Quảng Vixi và hai anh phụ việc là nhàn. Cả ngày họ chỉ quanh quẩn bên con Phi Đen, tính công điểm bằng số lượng mòng bị hạ sát. Khi trời nóng quá, họ có thể đưa con bò vào chỗ râm, cắt một người canh, còn hai người kia làm một giấc thẳng cẳng.
Đúng vào lúc cái nóng lên tới cực điểm của nó thì nổ ra sự kiện động trời: con Phi Đen đang béo khoẻ là thế bỗng lăn đùng ra chết tốt.
Một buổi sáng Quảng Vixi và hai anh phụ ra đến chuồng thì thấy con bò đã nằm nghiêng, bốn chân cứng đơ, chết từ lúc nào. Cả ba ù té chạy về trại báo cáo, đúng vào giờ điểm danh sáng. Cả Ban giám thị nháo nhác, bỏ buổi luôn điểm danh để chạy ra chuồng bò, mặc dầu ai cũng biết rằng với một con bò đã chết rồi, không thể nào làm cho nó sống lại.
Dần Mọt Gông và tôi, với tư cách những người biết thuốc Nam, cũng được Ban Thuỳ ngoắc tay gọi đi. Viên trung uý vẫn còn hi vọng tin Quảng Vixi đưa về là hoảng báo, có khi con bò vẫn chưa chết hẳn cũng nên.
Nhưng nó chết thật.
Chẳng cần phải hiểu biết nhiều về thú y học mới có thể kết luận về sự qua đời của con bò Hà Lan. Mắt nó trợn trừng, bất động, giống như một hòn bi ve khổng lồ đã mờ đục vì xây xát.
Dần Mọt Gông sờ chân nó, nắn bụng nó, rồi lắc đầu:
– Bụng còn ấm, nhưng chân lạnh toát. Nó phải chết được mấy tiếng đồng hồ rồi. Chịu.
Nhà pháp y nội hoá của chúng tôi phán. Tôi nghĩ: cho dù nó vừa mới tắt thở cũng chẳng có cách nào làm hô hấp nhân tạo cho con vật to đùng thế kia được. Bên cạnh nó chúng tôi đúng là dân nước Liliput(9).
– Anh có biết nó bị bệnh gì không? – y tá trại ngồi xổm trước mõm con vật, nhìn chằm chằm vào con mắt đục của nó.
– Thưa Ban, khó mà biết được khi chẳng thấy nó bệnh tật gì.
– Rắn độc cắn chăng?
– Có lẽ vậy.
“Bân mẹ chồng”gắt:
– Sao anh dám cả quyết là rắn cắn? Rắn cắn thì phải có vết chứ? Vết đâu?
– Thưa Ban, là tôi thấy có tia máu đen ở lòng trắng con mắt nó, tôi đoán vậy, chứ lông nó dầy thế này, tôi làm sao thấy được vết cắn. Mà đây là nó mới bị ban đêm, nếu bị ban ngày anh Quảng đã biết…
– Nhưng biết sớm thì chữa được chứ?
Dần Mọt Gông thưa:
– Dạ, khi được khi không. Tuỳ theo rắn nào, tuỳ theo vết cắn nằm ở đâu.
– Anh nói chán bỏ mẹ. Thế thì còn chữa với chạy gì?
Viên y sĩ công an nói:
– Anh ấy nói đúng đấy, vết cắn càng gần hệ thần kinh trung ương càng mau chết… Tôi đã bảo nhà anh Quảng trồng chung quanh chuồng bò mấy bụi sả, mà anh ta cứ nay lần mai lữa.
“Bân mẹ chồng” đánh trống lảng:
– Tôi đã xin ông Thông cho anh Quảng làm cái lán bên cạnh chuồng bò mà ngủ, nhưng ông Thông không cho. Có người ngủ canh nó thì đâu đến nỗi… Bây giờ biết ăn nói thế nào với Cục?
Viên y sĩ chống tay vào đầu gối, nặng nhọc đứng lên:
– Nếu là rắn độc cắn thì thịt nó có dễ còn ăn được. Thôi, giải tán.
Ban giám thị họp đột xuất. Theo nguyên tắc, cần phải khám nghiệm thú y để có kết luận về cái chết của con bò. Không thể ăn thịt con vật chết mà không biết nó chết vì bệnh gì. Nhưng, như trên tôi đã nói, lấy đâu ra thú y sĩ trong cái vùng xa lắc xa lơ này. Đành phải lấy biểu quyết: thịt con bò ăn được hay không ăn được? Đại đa số đứng về phía ăn được. Con bò mỡ màng thế kia mà đem chôn ư? Có mà điên.
Tin nhà bếp được lệnh mang rìu, dao ra xả thịt con bò Hà Lan bay về trại gợi nên một cơn phấn hứng hết sức cuồng nhiệt trong đám tù hình sự. Họ reo hò rầm trời. Trung uý Thuỳ nghe tiếng reo hò, chạy ra sân, thổi còi toét toét rầm rĩ, lệnh cho chỉnh đốn đội ngũ, bắt cả trại đi làm hết. Nếu đám tù hình sự biết nén lại niềm vui thì có khi cả trại đã được nghỉ lao động hôm ấy, không phải để tỏ nỗi đau buồn trước sự ra đi đột ngột của con bò quý, món quà của Bác, niềm vinh dự của Nhân Hậu, mà vì tâm trạng bàng hoàng của Ban giám thị.
Tôi hỏi Dần Mọt Gông:
– Liệu có phải nó bị bệnh thán không bác?
– Không.
– Thế thì nó bị bệnh gì?
– Cái này khó đoán lắm. Cũng không hẳn do rắn cắn. Theo tôi nghĩ, nhiều phần là do lam sơn chướng khí. Bọn Tây sang ta cũng hay lăn đùng ra chết mà không biết do bệnh gì. Người mình thì không. Trời sinh ra vậy. Nếu cứ động một tí là ốm đau, là chết, thì tôi hỏi ông: dân cải tạo mình liệu còn được mấy mống, với chế độ ăn ở thế này?
Quảng và hai anh phụ chăn bị gọi đi hỏi cung cho đến tối rồi được về phòng lấy chăn chiếu đi cùm. Khi con bò chết không rõ nguyên nhân thì cái nguyên nhân gần, dễ thấy nhất, là sự vô trách nhiệm của người chăn dắt. Tôi gặp Quảng ở cửa phòng giam. Anh rơm rớm nước mắt, khẽ gật đầu chào tôi.
Chiều hôm ấy trại được một bữa “mều” hoàn toàn không chờ đợi. Bộ lòng vĩ đại của con bò vĩ đại được đem nấu lõng bõng với ca la thầu thành một món tả pí lù không ra kho mà cũng không ra canh, báo hại các bậc đạo cao đức trọng phải vất vả vớt phần cái ra trước, chia cái xong mới chia nước.
Những người tù biết ơn nói lót với nhà bếp chia cho ba con người đau khổ ba suất “mều” đặc biệt. “Bân mẹ chồng” trông nom khu kỷ luật biết vậy, nhưng giả vờ không biết.
Trước khi ăn, tôi hỏi Dần Mọt Gông:
– Liệu ăn có làm sao không bác?
– Làm sao là làm sao? Anh sợ chết lắm à? Chết được bây giờ là sướng đấy. Khốn lại không chết cho, mới khổ.
Chúng tôi ăn ngon lành bữa lòng bò, không một ai chết.
Thấy tù ăn không sao, nhà bếp cơ quan mới xuống bếp trại chọn những miếng thịt ngon nhất mang về.
Cả công an, cả tù ăn mấy bữa mới hết thịt và xương của con bò đã đến từ bên kia đại dương, quà của Bác Phi Đen tặng Bác Hồ.
2001
——————————
Chú thích:
(1) Những quân nhân không thuộc công an, làm nhiệm vụ canh gác trại giam.
(2) Mèo ở đây chỉ người Mèo, không phải con mèo.
(3) Tiếp tế, thăm nuôi (tiếng lóng).
(4) Cán bộ phạm tội, phân biệt với dân thường phạm tội.
(5) Ăng-ten (Chỉ điểm), tiếng lóng.
(6) Cách tù nhân xưng hô với người trong cơ quan công an trại. 
(7) Nhặm xà (uống trà); sột sệt (đun nấu thức ăn), tiếng lóng.
(8) Trều (không có), mều (thịt), tiếng lóng.
(9) Nước của những người tí hon, theo tiểu thuyết của nhà văn Jonathan Swift.




No comments:

Post a Comment