Tuesday, February 21, 2017

VỤ BÊ BỐI GIỮA TRUMP VỚI NGA ĐẶT ÔNG SESSIONS & BỘ TƯ PHÁP VÀO SỰ CHỌN LỰA KHÓ KHĂN (Huffinton Post)





Jessica Schulberg, Dana Liebelson  Ryan J. Reilly
Huffinton Post   15-2-2017
Dịch giả: Trần Văn Minh và Thạch Đạt Lang
Posted by adminbasam on 21/02/2017

Tân Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Ảnh: AP Photo/Alex Brandon

Bộ trưởng Tư pháp cho biết, ông không nghĩ mình cần phải đứng ngoài các cuộc điều tra.

Mới chưa đầy một tuần giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp, Jeff Sessions đã phải đối mặt với một tình huống có khả năng bùng nổ: là một cố vấn hàng đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump, nhưng nay ông coi sóc cơ quan điều tra các thành viên trong chiến dịch tranh cử đó.

Cơ quan FBI nằm dưới quyền Bộ Tư pháp của Sessions, đang dẫn đầu một cuộc điều tra đa cơ quan về các mối liên hệ khả dĩ giữa các cộng sự của Trump với chính phủ Nga. Các viên chức tình báo và chấp pháp sở hữu các cuộc điện thoại đã được ghi âm và kiểm tra các cuộc gọi, cho thấy các thành viên trong chiến dịch tranh cử của Trump thường xuyên liên lạc với các viên chức tình báo cao cấp của Nga trong những tháng trước ngày bầu cử, báo New York Times đưa tin hôm thứ Ba. Sessions có quan hệ với ít nhất hai trong số những người được biết đang trong vòng điều tra.

FBI cũng kiểm tra từng cuộc nghe lén điện thoại giữa Đại sứ Nga và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Trump, Michael Flynn, là người đã cùng với Sessions làm việc trong ủy ban cố vấn an ninh quốc gia trong chiến dịch tranh cử của Trump. FBI đã phỏng vấn Flynn sau khi Trump nhậm chức tổng thống vài ngày, theo báo New York Times, được biết đã có những lo ngại rằng không biết ông có hoàn toàn khai sự thật hay không. Nói dối với FBI là một tội đại hình. Nếu cuộc điều tra của FBI về hành vi của Flynn cho thấy ông ta làm những điều sai trái, Sessions có thể phải chịu trách nhiệm phê chuẩn việc truy tố.

Flynn là người vừa từ chức cố vấn an ninh quốc gia hôm thứ Hai (13/2/2017), phủ nhận ông ta đã cố ý lừa dối về các cuộc nói chuyện của ông với đại sứ Nga. Ông nói trong đơn xin từ chức, sự việc xảy ra do “tình hình diễn tiến quá nhanh”.

Các nhân viên điều tra cũng đang nhắm tới chủ tịch ủy ban vận động tranh cử của Trump, Paul Manafort, là người mà Sessions quen biết từ thập niên 70 và thường xuyên liên lạc trong suốt chiến dịch tranh cử. Manafort nói trong một email rằng, FBI chưa bao giờ liên lạc với ông và ông chưa hề có sự liên hệ nào với Putin hay chính quyền Nga. Ông đưa ra một tuyên bố tương tự với báo New York Times, nhưng thêm vào, “Không phải như những người này, mang huy hiệu với hàng chữ, “Tôi là viên chức tình báo Nga”.

Báo New York Times đưa tin, cựu cố vấn chính sách ngoại giao, ông Carter Page và ông Roger Stone, thành viên đảng Cộng hòa, cũng đang bị điều tra.

Năm ngoái, FBI xin trát lệnh của Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) để theo dõi một số thành viên trong đội ngũ của Trump, là một phần của cuộc điều tra, báo Guardian cho biết hồi tháng Giêng. Nếu FBI muốn yêu cầu một trát lệnh FISA khác để theo dõi các cá nhân đó, có lẽ họ phải được sự chấp thuận của Sessions.

Mối liên hệ giữa Sessions với ủy ban tranh cử của Trump đặc biệt quan trọng, vì các mối liên lạc của Flynn với nhân viên sứ quán Nga bắt đầu trước ngày bầu cử. Sessions là thượng nghị sĩ đầu tiên ủng hộ Trump. Chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng, Steve Bannon, đã mô tả Sessions là “nhà chỉnh đốn chính sách và triết lý” trong chính quyền Trump, “người hăng hái nhất, tận tâm nhất, và vận động trung thành nhất các sách lược của Trump” ở Quốc hội trong suốt cuộc tranh cử. Sessions xuất hiện đều đặn bên cạnh Trump trên con đường vận động, và vị thượng nghị sĩ của tiểu bang Alabama này đã công khai đề cử Trump tại Đại hội đảng Cộng hòa toàn quốc vào tháng Bảy ở Cleveland. Một cựu phụ tá của Sessions đã trở thành cố vấn cao cấp tại Nhà Trắng.

Flynn chỉ từ chức sau một loạt những rò rỉ thông tin, tiết lộ rằng ông ta đã dẫn giải sai lạc nội dung các cuộc nói chuyện của ông với đại sứ Nga. Sau khi thoạt tiên khai rằng, cuộc trao đổi tập trung vào việc sắp xếp một cuộc điện thoại giữa Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, rối sau đó Flynn thừa nhận rằng, ông ta đã thảo luận về lệnh trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Obama áp đặt lên Moscow,sau khi có những bằng chứng về sự xâm nhập máy tính liên quan đến bầu cử.

Viên chức Nhà Trắng cho báo Associated Press biết hôm thứ Ba, vài ngày sau khi nhậm chức, Trump mới được thông báo cho biết Flynn đã không nói thật với Phó Tổng thống Mike Pence về những tiếp xúc của ông với đại sứ Nga. Nhưng Trump đã đợi tới 2 tuần mới yêu cầu Flynn từ chức. Flynn đã không trả lời một yêu cầu bình luận được gửi đến email của ông trong hồ sơ công khai.

Vẫn chưa rõ người trong ủy ban tranh cử của Trump – nếu có ai đó – biết Flynn đã thảo luận với đại sứ Nga về lệnh trừng phạt của Mỹ, [mà điều này] gửi đi những tín hiệu lẫn lộn một cách nguy hiểm tới Moscow trong lúc Obama vẫn còn là tổng thống. Đồng thời cũng không rõ các thành viên khác trong ủy ban tranh cử của Trump đã thảo luận điều gì với các viên chức Nga trước bầu cử.

Theo báo The New York Times, giới tình báo Mỹ tin rằng những kẻ đánh phá vi tính do chính quyền Nga hỗ trợ, đã xâm nhập tài khoản email của các đảng viên Dân chủ cao cấp và tuồn ra những thông tin bất lợi để gây hại cho cuộc tranh cử của Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và giúp cho Trump. Các điều tra viên vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về chiến dịch tranh cử của Trump cấu kết với Moscow để can thiệp vào cuộc bầu cử.

Khi được hỏi trong buổi điều trần, phải chăng ông ủng hộ sự thẩm định của cộng đồng tình báo rằng Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử để làm lợi cho Trump, Sessions đã lảng tránh. Ông nói vào tháng trước, “Tôi chỉ biết những gì mà truyền thông loan tải”.

Bộ Tư pháp có truyền thống tự hào về sự độc lập đối với Nhà Trắng. Matthew Miller, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp dưới thời Obama nói rằng, không phải là điều bất thường khi bộ trưởng tư pháp gửi ra một thông báo cho toàn cơ quan để minh định rằng, Bộ sẽ không cho phép Nhà Trắng can thiệp vào các cuộc điều tra.

Không có luật lệ nào quy định bộ trưởng tư pháp phải đứng ngoài việc tra cứu một vụ việc chưa thuộc diện điều tra hình sự hay truy tố. Hơn nữa, tất cả tùy Sessions quyết định liệu ông ta có giải quyết vấn đề một cách công bằng hay không. Như hiện nay, một chuyên gia nghiên cứu về đạo đức của bộ trưởng tư pháp nói, Sessions không cần thiết phải đứng ngoài [công cuộc điều tra]. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Dân chủ quan tâm [đến sự việc].

Chiều thứ Ba vừa qua, Lãnh đạo Khối Thiểu số ở Thượng viện, Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ, New York), nói rằng, “Tôi tin rằng Bộ trưởng Tư pháp Sessions không còn lựa chọn nào ngoài việc đứng ngoài [cuộc điều tra], và sau đó ông nên và phải đặt thẩm quyền vào cơ quan điều tra độc lập”.

Báo Huffington Post đã gửi một số câu hỏi đến phát ngôn viên Bộ Tư pháp về kế hoạch đứng ngoài [cuộc điều tra] của Sessions. Liệu ông ta có tham khảo ý kiến với các viên chức về đạo đức của Bộ Tư pháp về sự thích đáng của việc đứng ngoài hay không? Liêu ông ta có đứng ngoài bất cứ cuộc điều tra nào liên quan đến thành viên của đội ngũ của Trump hay không? Đối với vài cá nhân đặc biệt mà Sessions từng làm việc gần gũi thì sao? Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp và của Sessions đều từ chối đưa ra bình luận.

Nếu không để người khác phụ trách công cuộc điều tra, Sessions có nguy cơ, ít nhất tạo nên tình trạng không minh bạch. Bộ Tư pháp trước đây đã thể hiện những vụ công khai “đứng ngoài”, để trấn an dân chúng về tính độc lập trong các cuộc điều tra và để giữ uy tín của bộ. (Trong một trường hợp gần đây, một quyền lãnh đạo của Vụ Quyền Công Dân của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã đứng ngoài, không bỏ phiếu, vì ông ta đã từng đại diện pháp lý cho tiểu bang trong vụ việc từ hồi ông ta hành nghề tư nhân).

Các đảng viên Dân chủ lo lắng về việc chính quyền Trump sẽ ngăn chặn cuộc điều tra đang xảy ra về mối liên hệ giữa Trump với Nga – đã hỏi Sessions trong buổi điều trần rằng, liệu ông có đứng ngoài những vụ điều tra liên quan đến Trump và các cố vấn [của Trump] hay không.

Thượng Nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân chủ, California) đã hỏi thẳng ông Sessions rằng, ông ta có đứng ngoài bất cứ cuộc điều tra nào của FBI hoặc của Bộ Tư pháp về việc, liệu các cuộc liên lạc của Flynn với đại sứ Nga, có được luật pháp cho phép hay không.

Ông Sessions cho biết, ông không nghĩ cần phải như vậy. “Tôi không biết dựa trên căn bản nào nào để đứng ngoài sự việc như thế”, ông viết trả lời câu hỏi của Thượng Nghị sĩ Feinstein. Ông nói thêm rằng, “Nếu có một vấn đề đặc biệt nảy sinh mà tôi tin rằng sự công minh của tôi có vấn đề, tôi sẽ tham khảo ý kiến của các viên chức về đạo đức của Bộ Tư pháp, cho cách thức thích hợp nhất để hành động”.

Ông cũng nói với Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy (Dân chủ – Vermont) rằng: “Nếu chỉ là người ủng hộ tổng thống trong cuộc tranh cử, bị đòi hỏi phải đứng ngoài bất cứ vấn đề gì liên quan tới ông ta, thì hầu hết những người được tổng thống bổ nhiệm sẽ không thể thi hành nhiệm vụ của họ được”.

Bộ Tư pháp có một quy định ngăn cấm nhân viên của bộ không được tham gia vào một cuộc điều tra hình sự hoặc truy tố nếu người đó có quan hệ cá nhân hay chính trị với bất cứ người nào “dính líu nghiêm trọng” đến vụ án. Tuy nhiên, Bộ tư pháp chưa từng công bố bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào.

James Tierney, từng là người đứng đầu Bộ Tư pháp của tiểu bang Maine và chuyên gia về đạo đức của cơ quan tư pháp tiểu bang này, cho biết: “Có quan điểm chống lại việc đứng ngoài và phải với lý do chính đáng. Những người này ở đó phải ra những quyết định khó khăn. Đó là lý do chúng ta muốn họ ở đó”. Thông thường, các bộ trưởng tư pháp cần phải đứng ngoài vụ việc, chỉ khi họ tin rằng họ không thể có cái nhìn khách quan vì họ có những cảm xúc cá nhân liên quan đến sự việc hoặc với những người liên quan, “và những tình huống này rất hiếm”.

Tierney nói với báo Huffington Post rằng, cho tới nay, ông không tin Session nhất thiết phải đứng ngoài sự việc. Ông cũng chỉ ra rằng, sẽ khó khăn hơn cho Sessions để đứng ngoài vì Thượng viện vẫn chưa phê chuẩn một phó Bộ trưởng Tư pháp, là người có thể xử lý các vấn đề thay cho ông. Như tình trạng hiện nay, Tierney nói, “Tôi cho rằng ông ta [Sessions] sẽ không đứng ngoài”.

Tuy nhiên Miller, cựu phát ngôn viên Bộ Tư pháp trong chính quyền Obama, nói rằng, nếu Sessions không đứng ngoài, có khả năng ông sẽ bị buộc phải từ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Miller muốn thấy Sessions sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt cho cuộc điều tra hình sự và, để cho quốc hội thành lập một ủy ban điều tra tìm sự thật độc lập, theo khuôn mẫu của ủy ban điều tra 9/11. Lợi ích của ủy ban kiểu 9/11 là có thể phát hiện những hành động sai chưa tới mức cần phải truy tố hình sự.

Ông Miller nói: “Liệu ủy ban vận động tranh cử của Trump có hành xử thích đáng hay không, phải chăng họ cộng tác với chính quyền Nga – có những việc họ có thể đã làm không hẳn là những vi phạm hình sự, nhưng căn bản vẫn có thể đi ngược lại nền tảng dân chủ của chúng ta. Công chúng Mỹ có quyền được biết điều đó”.





No comments:

Post a Comment