Monday, February 27, 2017

VIỆT NAM BỊ ĐỀ NGHỊ VÀO CPC SAU 10 NĂM ĐƯỢC RÚT TÊN (Ỷ Lan - RFA)




Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2017-02-27

Bà Tina Mufford, Nhà phân tích chính trị của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ. –   RFA photo

Đề nghị đưa Việt Nam vào lại CPC

Ỷ Lan : Thưa bà Tina Mufford, bà là Nhà phân tích chính trị của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (gọi tắt là USCIRF). Uỷ ban vừa công bố bản báo cáo mang tựa đề “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam : Đánh giá việc đưa vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) 10 năm sau khi rút tên”. Xin bà giải thích lý do viết bản báo cáo này ?
Tina Mufford : Vâng. Sau 10 năm, chúng tôi nghĩ lúc này là cơ hội thẩm định những gì đã xẩy ra thực sự khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Điều mang ý nghĩa đặc biệt là sự kiện Quốc hội Việt Nam vừa thông qua đạo luật về Tín ngưỡng và Tôn giáo hồi tháng 11 năm 2016, gần đúng 10 năm sau khi Bộ Ngoại giao rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Thực ra chúng tôi không biết trước việc này, nhưng lúc này đặc biệt hợp thời để thẩm định về những gì xẩy ra 10 năm trước, đồng thời tìm ra đường lối thực hiện ngày nay khi đạo luật được thông qua.

Ỷ Lan : Hầu như USCIRF luôn đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi tên Việt Nam vào danh sách CPC kể cả những năm Bộ Ngoại giao không chia sẻ quan điểm của Uỷ ban. Uỷ ban đề nghị theo tiêu chuẩn nào ?
Tina Mufford : Bà nói đúngUSCIRF không ngừng đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi tên Việt Nam vào danh sách CPC hằng năm kề từ năm 2002. USCIRF đặt sự đề nghị này trên nền tảng, thứ nhất theo tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, và chúng tôi nhận thấy Việt Nam chưa bao giờ đạt tiêu chuẩn này, và thứ hai y cứ vào Đạo luật Tự do Tôn giáo trên Thế giới của Hoa Kỳ. Đây là hai điểm chuẩn mà chúng tôi tham chiếu mỗi năm khi tái xét tái xét tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Cho nên đây không phải là sự đánh giá theo quan điểm chính trị của Hoa Kỳ, chúng tôi hoàn toàn độc lập và khách quan trong sự xét đoán của chúng tôi. Vì vậy, mặc dù chúng tôi nhìn thấy một số cải thiện trong vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam — điều đáng khen mà tôi xin hoan nghênh ở đây — nhưng vẫn còn tiếp diễn những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trầm trọng. Đó là lý do vì sao, năm này tiếp năm khác, USCIRF tiếp tục đề nghị Bộ Ngoại giao ghi tên Việt Nam vào danh sách CPC.

Ỷ Lan : Đông người Việt Nam thất vọng khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC năm 2006. Bà giải thích trong bản Báo cáo rằng lý do không chỉ vì sự tiến bộ về tự do tôn giáo, mà vì nhiều lý do khác. Bà có thể khai triển các lý do này ?
Tina Mufford : USCIRF đã nhận thấy rất sớm những bước cải thiện nhanh chóng trong các năm 2004 đến 2006, là thời gian Việt Nam bị đặt vào danh sách CPC. Đặc biệt, Việt Nam chịu nhượng bộ trong các cuộc thương thảo ở cấp cao Hoa Kỳ, nên hai quốc gia đã đạt được bản Hợp đồng qua đó Việt Nam chấp nhận thực hiện một số cải thiện cụ thể, đổi lại, Bộ Ngoại giao sẽ rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC.

Đúng vậy, USCIRF nhận thấy mặc dù còn bao nhiêu vấn đề khác, chính quyền Việt Nam có truyền thống mong muốn chấp nhận, ở cấp cao, về các điều kiện cho tự do tôn giáo, và chúng tôi nghĩ rằng đây là sự mở cửa cho Hoa Kỳ các các quốc gia khác muốn thu đạt lợi thế. Tuy nhiên, thu nhận điểm tích cực, nhưng đồng thời USCIRF cần minh bạch việc cải thiện nhỏ này chẳng kéo dài được bao lâu, và không đủ chứng minh để rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC mau lẹ như vậy. Tiếc thay, lời cảnh báo của chúng tôi đã thành sự thật, vì sau khi rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, tình hình tự do tôn giáo đã suy thoái rất nhanh. Thật vô cùng thất vọng cho chúng tôi khi thấy sự tiến bộ nhỏ nhoi vừa được hoàn tất, kể cả Hợp đồng giữa hai nước với bao lời hứa hẹn bỗng phút chốc bị tan biến.

Thật là một điều bất hạnh. Nếu danh sách CPC còn được kéo dài thêm, có thể là 2, 3, 4 năm, ai biết đâu sự tiến bộ sẽ dài lâu — nếu không là vĩnh viễn tại Việt Nam.

Thực trạng tại Việt Nam

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tại tu viện Thanh Minh, thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 7 năm 2007. AFP photo

Ỷ Lan : Vừa qua bà cùng với phái đoàn USCIRF đến Việt Nam để lượng giá tự do tôn giáo tại đó, gặp gỡ chính quyền và một số nhà tôn giáo bất đồng chính kiến. Cuộc viếng thăm này có giúp cho bà thấy rõ hơn hình ảnh tự do tôn giáo tại Việt Nam không ?
Tina Mufford : Đúng vậy, USCIRF đã viếng thăm Việt Nam vào tháng 8 năm 2015. Một trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên khi chúng tôi vừa bước chân đến Tp Hồ Chí Minh, là Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Gặp gỡ ngài là một cơ hội tuyệt vời không những thu nhận nguồn thông tin về Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà còn biết thêm hoàn cảnh rộng lớn về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Sự hiểu biết của Đức Tăng Thống về tình hình tôn giáo và kinh nghiệm đầu tay của bản thân ngài qua một quá trình dài, đã giúp USCIRF hiểu thấu sâu sắc trên mọi vấn đề phức tạp. Vì là những vấn đề thực sự phức tạp, nên cuộc gặp gỡ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã cho chúng tôi nhiều hiểu biết sâu sắc và quý giá, giúp chúng tôi trong trọn chuyến viếng thăm. Tôi cực kỳ tri ân ngài đã “tạo dựng” sự hiểu biết cho chúng tôi trong suốt chuyến đi.

Ỷ Lan : Xin bà câu hỏi chót. Trong phần kết luận bản Báo cáo đưa ra một số bình luận Luật mới về Tín ngưỡng và Tôn giáo được Quốc hội Việt Nam thông qua tháng 11 vừa qua. Nay Luật mới đã thông qua, bà có hy vọng gì cho tương lai của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tại Việt Nam ?
Tina Mufford : Trước hết, tôi muốn nói rằng, có nhiều điều tích cực cần nêu về Luật mới và Luật ấy đã xẩy ra như thế nào. Nói cho công bằng, chính quyền Việt Nam cam kết khá nghiêm trọng với chính phủ Hoa Kỳ trong khi soạn thảo luật mới, một số cải thiện nhỏ và thay đổi trong bộ luật là thành quả của các cuộc thương lượng này. Dù vậy, Luật mới là một văn kiện không hoàn hảo. Luật mới không đạt các tiêu chuẩn quốc tế trong mọi ý nghĩa của nó. Đương nhiên, những điều viết lên mặt giấy là một chuyện — cuộc thử thách thực sự sẽ bắt đầu từ khi có hiệu lực vào ngày 1 tháng giêng năm tới. Chúng ta cần nhìn vào những Sắc lệnh Cải tiến, vì chưa ai rõ bằng cách nào Chính quyền muốn cải thiện Luật trên diện rộng.

Đây là điều rất quan trọng, như chúng ta đã thấy có một số cộng đồng tôn giáo được quyền hành đạo, nhưng những nơi khác tuyệt đối chẳng có tự do, mà đa số lỗi vì cán bộ địa phương. Không phải riêng chuyện nhân dân không có tự do hành đạo, mà họ còn bị sách nhiễu, hăm doạ, bị công an địa phương bắt bớ, hay bị hành xử bạo động, bị cán bộ công an đánh đập hoặc thuê bọn côn đồ hành hung.

Đây là thực tế của vấn đề, và chính quyền Việt Nam cần tìm cách giải quyết — chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ và khuyến khích thực hiện — để cải thiện Luật mới ở mọi cấp, như vậy bất cứ ai từ chính quyền trung ương xuống cấp dưới, đều có cùng viễn kiến nhằm thăng tiến và tôn trọng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho mọi tín đồ, hay cho những ai không có niềm tin tôn giáo.

Có một thành ngữ nói rằng, “qua thử thách mới biết dở hay”, và chúng ta cần theo dõi sự cải tiến, không phải những gì xẩy ra trong năm tới mà những năm tiếp theo. Cần nhiều thời gian trước khi thấy rõ tác dụng — tốt hay xấu — của bộ Luật mới này.

Đây là lý do vì sao kỳ niệm 10 năm được rút tên khỏi danh sách CPC, như chúng tôi đã biện luận trước đây, rằng cần đặt vào danh sách CPC khá lâu trước khi thấy được sự cải thiện. Ngày nay tôi vẫn có cùng biện luận — rằng chúng ta cần Luật mới này hiện hữu một thời gian trước khi chúng ta có thể thực sự đánh giá tôn giáo cho mỗi cá nhân và tôn giáo của các cộng đồng trong toàn quốc. Sẽ là lý tưởng nếu chúng ta nhận ra một số cải tiến, nhưng sẽ không thể tha thứ cho bất cứ sự dung dưỡng hay vi phạm tự do tôn giáo nào đến từ chính quyền hay ai khác. Chúng ta đang có một việc làm dài hơi trước mặt, chúng ta cần cảnh giác, theo dõi và đánh giá những diễn biến tại Việt nam xem có đạt tiêu chuẩn quốc tế hay không.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Tina Mufford.



No comments:

Post a Comment