Wednesday, February 8, 2017

TRUMP VẼ BỨC TRANH NGÀY CÀNG ĐÁNG QUAN NGẠI VỀ KHỦNG BỐ (Trí Thức Trẻ / AP)




Linh Anh  (Trí thức trẻ/AP)
Thứ 4, 08/02/2017, 18:00

Nỗ lực bảo vệ lệnh cấm nhập cư nhằm vào người dân 7 nước chủ yếu theo đạo Hồi, Tổng thống Trump đang vẽ một bức tranh ngày càng đáng quan ngại về sự nguy hiểm của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trong những tuyên bố của mình, Tổng thống Trump đang ngày càng tô vẽ cho cái gọi là “diệt chủng”, được gây ra bởi lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Thậm chí, ông Trump còn nói như thể nước Mỹ sắp bị tấn công và các cuộc tranh luận về an toàn chẳng khác gì cuộc đụng độ giữa phương Tây và Hồi giáo cực đoan.

Với những người ủng hộ ông Trump, loạt cảnh báo đó giống như cái nhìn trực diện vào những mối đe dọa khủng bố mà nước Mỹ đang phải đối mặt, những điều họ tin cựu Tổng thống Barack Obama đã coi nhẹ. Trong khi đó, Nhà Trắng chỉ ra 78 sự kiện làm bằng chứng cho việc truyền thông cố ý hạ thấp sự nguy hiểm của IS khi chúng “không nhận được sự chú ý phù hợp”.

Tuy nhiên, loạt sự vụ mà Nhà Trắng nêu ra chỉ đề cập tới các vụ tấn công do IS hoặc lấy cảm hứng từ các hoạt động của tổ chức này. Khủng bố vì các lực lượng khác không được đề cập trong bản danh sách này, bao gồm các vụ việc do Boko Haram gây ra. Nhóm cực đoan ở Tây Phi được cho là sát hại nhiều người hơn so với IS, bao gồm nhiều vụ đánh bom liều chết, thảm sát hàng loạt thường dân ở Nigeria và các nước láng giềng.

Và tất nhiên, danh sách của Nhà Trắng cũng không đề cập tới vụ tấn công mới nhất vừa xảy ra ở một nhà thờ Hồi giáo tại Quebec, Canada làm 6 tín đồ thiệt mạng. Kẻ tấn công là một người Canada gốc Pháp nổi tiếng với quan điểm cực hữu dân tộc. Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi nó là hành động khủng bố chống lại người Hồi giáo.

Khi kế hoạch đánh bại IS ở Iraq và Syria vẫn còn mơ hồ, ông Trump đã ngay lập tức hành động để ngăn chặn mối đe dọa với Mỹ, cụ thể là cấm cửa vô thời hạn với người tị nạn tới từ Syria và dừng tạm thời với người nhập cư từ một loạt quốc gia khác, chủ yếu theo đạo Hồi.
Khi lệnh cấm của ông Trump bị Tòa Liên bang đình chỉ, vị tổng thống lên tiếng chỉ trích phán quyết và cả hệ thống tư pháp. Thậm chí, ông Trump còn cho rằng hệ thống tòa án Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu khủng bố xảy ra.

“IS cho biết chúng sẽ thâm nhập vào nước Mỹ và các quốc gia khác thông qua các cuộc di cư. Thế nhưng, chúng ta còn không được phép động vào những người (di cư) đang vào nước Mỹ. Hãy giải thích điều đó”, ông Trump nói trong một sự kiện ngày 7/2 tại Nhà Trắng. Trước đó, tổng thống Mỹ cũng cáo buộc việc đình chỉ lệnh cấm khiến người di cư “ồ ạt” vào nước Mỹ dù trên thực tế, họ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, có thể kéo dài nhiều ngày, để được nhập cảnh.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định Tổng thống Trump không cố dọa người Mỹ. Tuy nhiên, chính ông Spicer cũng mới nói rằng Tổng thống Trump muốn mọi người biết “thế giới là một nơi rất nguy hiểm”.

Cách thể hiện của Tổng thống Trump rất khác so với những người tiền nhiệm. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Tổng thống George W. Bush khẳng định Mỹ không có chiến tranh với người Hồi giáo. Tổng thống Obama cũng khẳng định IS không thể gây ra mối đe dọa hiện hữu với nước Mỹ. Ông Obama luôn cảnh báo về sự phóng đại khả năng của IS trong khi ông Trump cho rằng tội ác của IS không được ghi nhận đầy đủ và công bố rộng rãi.

Bên cạnh việc ban hành lệnh cấm, Chính quyền Trump còn xem xét việc cải tổ chương trình chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực nhằm vào những kẻ tấn công lấy cảm hứng từ IS. Họ cũng thảo luận về khả năng đưa tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, một đảng phái của Ai Cập, vào danh sách khủng bố.

“Tổng thống đang chứng tỏ rằng ưu tiên hàng đầu của chính quyền là săn lùng và tiêu diệt IS tại hang ổ của chúng”, Phó tổng thống Mike Pence lý giải.

Linh Anh
Theo Trí thức trẻ/AP

*
*

Linh Anh - Thời đại/New York Times
Thứ 4, 08/02/2017, 09:01

Tổng thống Donald Trump liên tiếp chỉ trích thẩm phán liên bang chặn lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi đồng thời đổ lỗi cho hệ thống Tư pháp Mỹ khi quyết định của mình bị can thiệp.

Sự mâu thuẫn với hệ thống Tư pháp
Khi không đạt được những gì mình muốn, Tổng thống Donald Trump có xu hướng đổ lỗi cho người khác, chẳng hạn như các cuộc thăm dò quanh co, cử tri gian lận hay cánh phóng viên dối trá. Bất cứ ai chất vấn ông Trump hay các việc làm của ông ta đều sẽ trở thành kẻ thù.

Trong vài ngày qua, ông Trump đưa một phần của Chính phủ Liên bang – hệ thống Tư pháp – vào danh sách kẻ thù, New York Times đưa tin.

Vào ngày 3/2, James Robart, thẩm phán liên bang tại Seattle, Washington, đã chặn lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi của Tổng thống Trump với công dân 7 quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi. Ngay ngày hôm sau, ông Trump mỉa mai Thẩm phán Robart, người được Tổng thống George W. Bush đề cử và Quốc hội Mỹ phê chuẩn, là “cái gọi là thẩm phán”, người ra một phán quyết “vô lý”.

Hôm 5/2, ông Trump tiếp tục chế nhạo thẩm phán Robart và phán quyết của ông. “Không thể tin một thẩm phán có thể đặt nước Mỹ vào tình cảnh nguy hiểm đến vậy. Nếu có chuyện gì xảy ra, hãy đổ lỗi cho ông ta và hệ thống tòa án”, Tổng thống Trump chỉ trích phán quyết của Tòa liên bang cấp quận ở Washington.

Trong cùng tuần mà ông Trump đề cử ứng viên chức Thẩm phán Tòa Tối cao còn khuyết, Tổng thống Mỹ buông lời chế nhạo với không chỉ một thẩm phán mà còn cả ngành tư pháp Mỹ là lạm dụng quyền lực, không đáng tin và tiếp tay cho khủng bố sát hại người Mỹ. Sẽ không quá nếu đặt ra câu hỏi phải chăng ông Trump đang tìm cách đổ lỗi sự can thiệp của Tòa liên bang ở Washington là nguyên nhân của các vụ khủng bố tương lai?

Ngay sau sắc lệnh gây tranh cãi, một người da trắng đã gây ra vụ tấn công Thánh đường Hồi giáo ở Quebec, Canada, sát hại 6 người theo đạo Hồi khi họ đang cầu nguyện. Ông Trump không nói một lời về vụ thảm sát đó. Tuy nhiên, khi một người đàn ông Ai Cập gây ra vụ đâm dao làm một binh sĩ bị thương ở thủ đô Paris, Pháp, ông Trump đã ngay lập tức lên Twitter kêu gọi người Mỹ “hãy thông minh lên”.

Trong thế giới của ông Trump và cố vấn thân cận Stephen Bannon, hãy “thông minh” có nghĩa là chấp thuận lệnh cấm với người nhập cư từ các nước chưa từng chịu trách nhiệm cho bất cứ vụ khủng bố nào ở Mỹ trong suốt 2 thập kỷ qua. Các chuyên gia cũng cảnh báo, lệnh cấm tương tự có thể được ban hành với bất cứ quốc gia nào có thể đe dọa nước Mỹ. Và trái với tuyên bố của ông Trump, không ai có thể ồ ạt vào nước Mỹ. Người tị nạn và những người di cư có thể phải trải qua quá trình rà soát nhiều lớp và kéo dài tới 2 năm để vào Mỹ.

Tác động từ lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ
Thẩm phán Robart không phải người đầu tiên khiến Tổng thống Trump phải đau đầu. Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump tin rằng một thẩm phán thiên vị khi thụ lý vụ kiện nhằm vào đại học mang tên ông. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa cho rằng thẩm phán Gonzalo Curiel không công bằng vì ông muốn xây bức tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico cũng như trục xuất người nhập cư không có giấy tờ. Tuy nhiên, thẩm phán Curiel được sinh ra tại bang Indiana và ông Trump vẫn thua kiện và phải bồi thường 25 triệu USD.

Với một ứng viên tổng thống, phản ứng này chỉ đơn thuần là sự thái quá. Tuy nhiên, khi là tổng thống, hành động chỉ trích hệ thống Tư pháp của ông Trump có thể là sự đe dọa với quy tắc thượng tuân pháp luật. Thẩm phán có thể giả định rằng, nếu không thuận theo ý ông Trump, họ sẽ phải đối mặt với cơn lôi đình của tổng thống và hàng triệu người theo dõi ông trên Twitter.

Việc ông Trump lặp đi lặp lại các chỉ trích nhằm vào hệ thông tư pháp là điều vô cùng đáng quan ngại và Quốc hội đang chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết hậu quả. Ở thời điểm hiện tại, dấu hiệu tốt là Chính quyền Trump đang làm theo luật để đấu tranh pháp lý với phán quyết của Thẩm phán Robart. Tuy nhiên, ngày mai, Tổng thống Trump có thể nổi giận và tuyên bố rằng ông không cần tuân theo lệnh của tòa. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ ngăn chặn ông Trump sau đó.




No comments:

Post a Comment