Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 20-02-2017
Tân
tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cầm quyền vừa đúng một tháng. Trên báo Pháp, có
nhiều sơ kết. Trước hết, xin giới thiệu bài phân tích của Le Figaro « Trump
có thực sự là một mối đe dọa với Trung Quốc ? ». Bài viết nhấn mạnh sự
tương phản giữa một bên là các đe dọa của Donald Trump nhắm vào Trung Quốc, khiến
nhiều chuyên gia dự đoán một cuộc « chiến tranh kinh tế » và « các
tranh chấp lãnh thổ gia tăng », nhưng mặt khác, đe dọa từ nước Mỹ rất
có thể được Tập Cận Bình sử dụng để củng cố quyền thống trị trong nước.
Thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, Cyrille
Pluyette, trước hết ghi nhận, tổng thống Mỹ đã phải chấp nhận một bàn thua trước
hoàng đế đỏ Tập Cận Bình, khi thừa nhận trở lại chính sách một nước Trung Hoa,
vốn là nền tảng quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh từ 1979, điều mà
ông Trump từng để lộ khả năng sẽ xem xét lại. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai cường
quốc đứng đầu thế giới vẫn còn rất căng thẳng.
Le Figaro lần lượt điểm hai lĩnh vực chính. Trước hết
về kinh tế, câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao trước các áp lực của
Mỹ ? Trước đe dọa của Washington tăng thuế đến 45% các mặt hàng nhập khẩu, để
chống lại việc Trung Quốc kìm giá đồng yuan, Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách
trừng phạt các tập đoàn lớn của Mỹ gắn bó với thị trường Trung Quốc, như hãng
xe hơi General Motors. Tuy nhiên, nếu trả đũa Mỹ, kinh tế Trung Quốc cũng phải
gánh chịu thiệt hại nặng, vì hàng sang Mỹ chiếm tới 1/5 hàng hóa xuất khẩu của
Trung Quốc, và tăng trưởng trong lĩnh vực này đang chững lại.
Trung Quốc lo ngại chính sách khuyến khích đầu tư,
cùng chính sách tiền tệ mới của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ thúc đẩy giới nhà
giàu Trung Quốc tuồn vốn ra ngoài. Làn sóng rút vốn, lên đến 725 tỉ đô la năm
2016, nếu tiếp diễn sẽ gây áp lực buộc đồng nhân dân tệ phải xuống giá, với hệ
quả là hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, và điều này càng thúc đẩy việc đưa vốn ra
ngoài Trung Quốc. Nhìn chung, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có nhân nhượng về chính
sách tiền tệ, để tìm cách tránh một cuộc chiến thương mại, sẽ khiến cả hai bên
cùng suy yếu.
Về vấn đề Biển Đông, theo Le Figaro, cho dù
Washington đã xuống thang trong chuyện Đài Loan, Bắc Kinh vẫn rất lo ngại những
quan hệ « không chính thức » của ông Trump với Đài Bắc, hiện
đang dưới quyền của một tổng thống có xu hướng ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, điều
đáng chú ý nhất tại khu vực này là chính sách hết sức khó đoán định của ê kíp
tân tổng thống Mỹ đối với các thực thể địa lý mà Trung Quốc đang kiểm soát ở quần
đảo Trường Sa. Theo chuyên gia Valérie Niquet, được Le Figaro dẫn lại, chính
quyền Bắc Kinh rất căng thẳng, vì nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ, quân đội Trung
Quốc « không có khả năng giành chiến thắng ». Trung Quốc hiện
nay đang giữ một « thái độ chờ đợi » và « liên tục có
các biểu hiện phô trương sức mạnh, nhằm thuyết phục Hoa Kỳ bỏ ý định lao vào một
xung đột ».
Tuy nhiên, ngoài hai vấn đề cạnh tranh kinh tế và
căng thẳng Biển Đông, điều chủ yếu mà Le Figaro chú ý là tác động của chính sách
mới của chính quyền Trump đến chính trị nội bộ của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu
Pháp Juliette Genevaz rút ra một nghịch lý là : « các đe dọa của Mỹ
‘‘có thể giúp lãnh đạo số một của Trung Quốc tập trung quyền lực vào tay mình,
hơn là làm ông ta suy yếu’’ ». Đối kháng từ Hoa Kỳ càng giúp cho Tập Cận
Bình khẳng định lập trường dân tộc chủ nghĩa, vốn đã được quảng bá rất mạnh.
Nhà chính trị học Willy Lam, người Hồng Kông, cảnh báo trong bối cảnh kinh tế
Trung Quốc giảm tốc, tinh thần yêu nước cuồng nhiệt đang trở thành « trụ
cột duy nhất » làm nên tính chính đáng của đảng Cộng Sản trong mắt người
dân.
Le Figaro nhấn mạnh thêm, chính « quan điểm
hiếu chiến và chủ nghĩa biệt lập Mỹ của Donald Trump sẽ có thể giúp cho Tập Cận
Bình khẳng định như một nhà lãnh đạo có trách nhiệm của thế giới »…. « Lấp
vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại, chủ tịch Trung Quốc tỏ ra, đặc biệt đối với
châu Âu, là một đối tác tin cậy, và thậm chí có tiếng nói trọng lượng hơn trong
việc lãnh đạo thế giới ». Cho đến nay, Le Figaro đánh giá « Tập
Cận Bình đã thành công trong việc đối phó với đối thủ Mỹ bất thường, vấn đề là
xem tiếp hồi hai diễn biến ra sao… ».
*
Tập
Cận Bình chống tham nhũng theo kiểu gãi ngoài da
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde có bài « Chương
trình chống tham nhũng của Tập Cận Bình chỉ là gãi trên da », tựa phỏng
vấn nhà chính trị học Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), giáo sư chính trị học tại
Claremont McKenna College, California, tác giả cuốn « China’s Crony
Capitalism » (tạm dịch là « Chủ nghĩa tư bản thông đồng »,
Nhà xuất bản Havard, ấn hành năm ngoái 2016). Theo tác giả, nạn tham nhũng là
không thể diệt trừ tại Trung Quốc, bởi « các nguyên nhân căn bản của tệ
nạn này đã bắt rễ trong hệ thống kinh tế chính trị của Trung Quốc ».
Nhà chính trị Minxin Pei nhận xét : các lãnh đạo của
đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm soát rất nhiều tài sản của quốc gia, điều này cho
phép họ biến quyền lực chính trị thành lợi ích vật chất cho cá nhân. Và đây
chính là yếu tố căn bản của hệ thống, cho dù chế độ cộng sản Trung Quốc đã tiến
hành cải cách kinh tế trong 40 năm, cổ phiếu do Nhà nước kiểm soát vẫn chiếm
hơn 50% GDP, với khoảng 5.000 tỉ đô la. Trong cuộc thanh trừng tham nhũng vừa
qua, theo tác giả, lý do tham nhũng về kinh tế chỉ là 40%, lý do chính trị là
60%.
Dự báo về tương lai của chế độ cộng sản Trung Quốc,
tác giả cho rằng chế độ tham nhũng tận xương tủy này, trước khi sụp đổ, sẽ phải
trải qua một giai đoạn suy yếu kéo dài vài thập niên. Tác giả so Trung Quốc hiện
nay với Liên Xô, trước khi rơi vào sụp đổ, đã có một thời kỳ suy thoái kéo dài
ít nhất 20 năm.
*
Tham
vọng toàn cầu của Trung Quốc và tấm bản đồ đảo ngược
Nhật báo Pháp giới thiệu với độc giả quan điểm quân
sự mới của Trung Quốc, thông qua một tấm bản đồ của Viện Hàm Lâm Khoa Học Trung
Quốc, cho thấy một cách nhìn hoàn toàn mới và tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh
(Bài « Trung Quốc, cái rốn của thế giới »).
Trong bản đồ này, không phải Thái Bình Dương nằm giữa
Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà là Bắc Cực. Tác giả của tấm bản đồ, ông Hao Xiaoguang
(Hác Hiểu Quang), ca ngợi trên truyền hình đây là « một cuộc cách mạng
trong nhận thức », « bẻ gẫy hoàn toàn quan điểm về thế giới mà
phương Tây áp đặt từ hàng trăm năm ». Bản đồ đã được Cơ quan Quản lý Bắc
và Nam Cực của Trung Quốc sử dụng chính thức trong các cuộc thám hiểm, và điều
mà ông Hao Xiaoguang rất tự hào là Quân Đội Trung Quốc cũng đã sử dụng bản đồ
này.
Theo truyền thông Trung Quốc, điều này giúp cho việc
cải thiện hệ thống định vị vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc. Người ta có
thể thấy « con đường từ Trung Quốc đến New York qua Bắc Cực gần hơn là
qua Thái Bình Dương, bằng máy bay, và trong trường hợp xung đột, thì bằng tên lửa…
».
*
Trump
tìm cách kiểm soát tình hình sau một tháng hỗn loạn
Về một tháng cầm quyền đầu tiên của tổng thống Mỹ,
báo Les Echos có bài : « Donald Trump cố kiểm soát tình hình sau một
tháng hỗn loạn ». Cho đến nay, không hứa hẹn cải cách nào của tổng thống
– sẽ tiến hành trong một trăm ngày cầm quyền đầu tiên – đã được thực hiện trong
tháng vừa qua. Nhà Trắng cũng đứng trước nhiều thất bại cay đắng về nhân sự, đặc
biệt với sự ra đi của cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống. Chính quyền
Donald Trump hy vọng lấy lại uy tín với một sắc lệnh mới về nhập cư, mà bộ trưởng
An Ninh Nội Địa John Kelly bảo đảm là sẽ « hợp lý » hơn, cụ thể
là những người có thẻ xanh, tức thẻ định cư dài hạn, sẽ không bị ngăn cản vào Mỹ,
như sắc lệnh gây sốc trước đó, bị tư pháp đình chỉ.
Le Monde có bài « Donald Trump, vĩnh
viễn là ứng cử viên » chú ý đến cuộc mít tinh ngày thứ Bảy
18/02 tại Florida, nơi tân tổng thống Mỹ tiếp xúc cử tri. Người phát ngôn của tổng
thống Mỹ cho biết không phải Nhà Trắng phụ trách chuyến đi, mà là ê kíp tranh cử
của nhà triệu phú. Còn trước đó, trong cuộc họp báo ngày 16/02, tân tổng thống
Mỹ lại một lần nữa – lần thứ ba trong cùng một tuần – tự ca ngợi về chiến thắng
bầu cử ngày 08/11/2016, giống như ông bày tỏ trong cuộc gặp thủ tướng Canada và
thủ tướng Israel.
Chính quyền Trump đang gặp trở ngại lớn trong vấn đề
nhân sự. Theo Le Monde, một phần quan trọng trong số 4.000 vị trí trong chính
quyền hiện còn trống người. Điều này, một phần do bất đồng của phe Dân Chủ
trong Quốc Hội, nhưng một phần cũng do tính chất a-ma-tơ của chính quyền Donald
Trump, mà một biểu hiện rõ nhất là tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
trong chính sách đối ngoại.
*
Trump
được cử tri Cộng Hòa ủng hộ mạnh
Tuy tính cách hoạt động nghiệp dư, nhưng hiếm khi có
một tổng thống đảng Cộng Hòa được cử tri của đảng này ủng hộ mạnh mẽ như với
Donald Trump, kể cả Ronald Reagan trước đây, theo một điều tra của Pew Research
Center, được Le Monde dẫn lại. Tình hình này có lẽ đã khiến cho đảng Cộng Hòa « giữ
im lặng trước các thất bại của tân tổng thống ».
*
Chiến
lược gia trong bóng tối của Donald Trump
Les Echos dành trang « Điều tra » để
giới thiệu cặn kẽ với độc giả về cuộc đời và tư tưởng phức tạp của nhân vật nằm
trong bóng tối, được coi là có ảnh hưởng lớn nhất đến tân tổng thống Mỹ : « chiến
lược gia » Stephen Bannon, sinh năm 1953, một người được coi là « xuất
thân từ thành phần trung lưu da trắng, ‘‘bị bỏ rơi’’ và là đối tượng chiêu dụ của
Donald Trump ».
Ám ảnh của Stephen Bannon là « một cuộc chiến
tranh thế giới thứ ba sắp xảy ra ». Chiến lược gia tương lai của
Donald Trump từng « vô cùng căm phẫn » khi chứng kiến cảnh người
cha sạt nghiệp do cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và nuôi hy vọng chống lại giới
tinh hoa cầm quyền, bị coi là đã để mặc nước Mỹ trong suy thoái.
*
Liên
minh Melanchon – Hamon không thành, Fillon « trụ vững »
Trở lại tình hình nội bộ Pháp, cuộc tranh cử tổng thống
tiếp tục là chủ đề trang nhất của nhiều báo. « Melanchon – Hamon : thế
là hết » là hàng tựa của báo Libération. Theo tờ báo thiên tả, không
còn ai tin vào sự xích lại gần nhau giữa hai ứng cử viên tổng thống chính của
cánh tả. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Xã Hội và lãnh đạo
phong trào « Nước Pháp không khuất phục » đã đổ cho nhau trách
nhiệm về sự chia rẽ này. Theo Libération, « thất bại này khiến trách
nhiệm trên vai Benoit Hamon (người có tỉ lệ ủng hộ cao hơn ông
Melanchon trong các thăm dò dư luận) - trở nên có phần nặng nề hơn ».
Về phía cánh hữu, tờ báo đối lập Le Figaro nhận xét
: « ứng cử viên từng được coi là hoàn toàn có thể thay thế chính quyền
Hollande chỉ được 18% đến 20% cử tri dự định bỏ phiếu, đây là một con số thấp
không thể tin nổi. Tuy nhiên, bất chấp các xáo động về tư pháp, chính trị và
truyền thông, lực lượng cử tri trung thành vẫn kháng cự lại được… ».
Le Figaro tin tưởng : « với một ngưỡng thấp để có thể lọt vào vòng hai,
với tỉ lệ 20%, mỗi nửa điểm kiếm được vẫn là một lý do để nuôi hy vọng, đối với
ứng cử viên của đảng Những Người Cộng Hòa ».
*
Tránh
thảm họa Bangladesh : Pháp bỏ phiếu dự luật an toàn cho công nhân
Phụ trương kinh tế Les Echos chú ý đến cuộc bỏ phiếu
ngày mai tại Quốc Hội Pháp, về dự luật buộc các tập đoàn kinh tế (hơn 10.000
nhân công), có trụ sở tại Pháp, phải có nghĩa vụ đối với điều kiện an toàn lao
động cho công nhân tại các doanh nghiệp nhánh. Dự luật do đảng cầm quyền đề xuất,
được chuẩn bị từ bốn năm nay, nhằm mang lại các khuôn khổ pháp lý cần thiết nhằm
tránh tái diễn một thảm họa như tại Bangladesh, hồi 2013, khiến hơn 1000 công
nhân thiệt mạng.
Nếu được thông qua, theo người chủ trì dự luật, dân
biểu Xã Hội Dominique Potier, đây là «lần đầu tiên » trên thế giới
có một luật qui định rộng rãi về vấn đề này.
Trong khi đó, dự luật bị Medef, hiệp hội của giới chủ
Pháp, phản đối. Theo nhiều chủ doanh nghiệp, luật này gây khó khăn cho các
doanh nghiệp, vì một tập đoàn quốc tế, rất khó kiểm soát được thực sự hoạt động
của các nhà thầu, tham gia vào dây chuyền sản xuất. Medef tin tưởng Tòa Bảo Hiến
sẽ bác luật. Đảng đối lập LR hy vọng dự luật cần được sửa đổi.
No comments:
Post a Comment